Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Thần kinh - Tinh thần/
  4. Liệt dây thần kinh số 6

Liệt dây thần kinh số VI: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Thị Hương Lan

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp chương trình Sau Đại học Chuyên khoa I Nhi khoa tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý Nhi khoa.

Xem thêm thông tin

Mỗi năm có khoảng 11/100.000 người được chẩn đoán liệt dây thần kinh số VI. Bệnh lý này là một rối loạn ảnh hưởng đến chuyển động của mắt. Nguyên nhân gây bệnh thường do chấn thương dây thần kinh số VI hoặc gián đoạn trên đường dẫn truyền thần kinh từ thân não đến mắt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung liệt dây thần kinh số 6

Liệt dây thần kinh số VI là gì?

Dây thần kinh số VI hay còn được gọi là dây thần kinh vận nhãn ngoài, là một trong ba dây thần kinh chịu trách nhiệm vận động của nhãn cầu. Hai dây thần kinh còn lại gồm dây thần kinh số III (dây thần kinh vận nhãn ngoài) và dây thần kinh số IV (dây thần kinh ròng rọc).

Dây thần kinh số VI xuất phát từ nhân thần kinh vận nhãn ngoài nằm ở cầu não, chui ra ngoài qua rãnh hành cầu, đi đến khe ổ mắt trên để chi phối vận động cho cơ thẳng ngoài của nhãn cầu. Cơ này có nhiệm vụ giúp mắt di chuyển ra ngoài (ngược hướng với bên mũi). Khi bạn muốn nhìn sang trái nhưng không quay đầu, cơ thẳng ngoài của mắt trái sẽ điều khiển mắt trái của bạn liếc về hướng bạn muốn nhìn.

Liệt dây thần kinh số VI hay còn gọi là liệt dây thần kinh vận nhãn ngoài là tình trạng dây thần kinh này bị giảm hoặc mất chức năng. Đây là một bệnh lý gây khiếm khuyết vận động nhãn cầu phổ biến nhất ở người lớn và phổ biến thứ hai ở trẻ em (liệt dây thần kinh số IV là phổ biến nhất).

Triệu chứng liệt dây thần kinh số 6

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thần kinh số VI

Liệt dây thần kinh số VI có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số VI đơn độc gồm:

  • Nhìn đôi (Song thị): Bạn có thể phát hiện ra triệu chứng khi nhìn từ bên này sang bên kia và thấy một vật hoặc một người bị nhân đôi lên. Sự suy giảm thị lực này rõ hơn khi cả hai mắt bạn đều mở hoặc bạn đang nhìn một vật gì đó ở xa. Tuy nhiên, không phải ai liệt dây thần kinh số VI đều bị song thị.
  • Mắt lác (Mắt bị lệch): Mắt bên tổn thương dây thần kinh số VI bị trôi về phía mũi. Với các trường hợp nhẹ, bạn sẽ chỉ phát hiện ra triệu chứng này khi liếc nhìn về phía bên mắt tổn thương, ví dụ mắt bên trái tổn thương dây thần kinh số VI và bạn phải cố gắng mới có thể liếc nhìn về bên trái. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, mắt bệnh có thể lệch hẳn về phía mũi ngay cả khi bạn đang nhìn thẳng về phía trước.

Do đường đi của dây thần kinh số VI kéo dài từ cầu não đến cơ thẳng ngoài của mắt, nên bất cứ một tổn thương hoặc rối loạn nào ảnh hưởng đến đường đi này sẽ gây ra liệt dây thần kinh số VI không đơn độc. Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm:

  • Sốt;
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Phù gai thị hoặc sưng nề dây thần kinh thị giác (dây thần kinh số II);
  • Mất thị lực;
  • Mất thính lực;
  • Sụp mi mắt;
  • Mất cảm giác trên mặt;
  • Yếu các cơ mặt.
Liệt dây thần kinh số VI: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Mắt lác trong là triệu chứng dễ nhận thấy của liệt dây thần kinh số VI

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh liệt dây thần kinh số VI

Liệt dây thần kinh số VI đơn độc thường ít gây ra biến chứng, ngoại trừ việc có thể giảm tầm vận động của nhãn cầu. Nếu bệnh do nhiễm virus, thị trường có thể được hồi phục hoàn toàn sau khi virus thải trừ khỏi cơ thể. Nhưng nhiều nguyên nhân liệt dây thần kinh số VI không đơn độc có thể có nhiều biến chứng.

Chấn thương đầu hoặc các tổn thương thiếu máu tại thân não có thể khiến các triệu chứng không biến mất hoàn toàn và thị trường của mắt có thể cải thiện một phần, đặc biệt là trong 6 tháng đầu tiên. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện trong khoảng thời gian này, bác sĩ có thể đề nghị bạn được can thiệp bằng các phương pháp phẫu thuật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, nhất là các triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng như suy giảm thị lực, cử động mắt khó khăn, sụp mi, yếu hoặc liệt tay chân,... cần đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được khám và tiến hành điều trị cấp cứu kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo tồn được chức năng thần kinh chưa tổn thương, cũng như phục hồi các vị trí đã tổn thương.

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 6

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số VI

Tổn thương hoặc gián đoạn dẫn truyền trên dây thần kinh số VI ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường đi của nó cũng có thể dẫn đến mất chức năng. Liệt dây thần kinh số VI có những nhóm nguyên nhân khác nhau giữa trẻ em và người lớn.

Đối với trẻ em

Trong nhi khoa, các nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VI gồm:

  • Bẩm sinh: Liệt dây thần kinh số VI bẩm sinh tương đối hiếm. Tình trạng này có thể liên quan đến chấn thương khi sinh, khiếm khuyết di truyền của tế bào thần kinh trong quá trình phát triển và các bệnh lý thần kinh như não úng thủy và bại não.
  • Khối u nội sọ: U thần kinh đệm thân não là một trong những khối u phổ biến ở trẻ em và có hơn 80% phát sinh từ cầu não với độ tuổi khởi phát cao nhất là từ 5 - 8 tuổi. Các khối u khác như u nguyên tủy bào, u màng nội tủy, u bao sợi thần kinh sinh ba hoặc u tế bào hình sao dạng nang ở tiểu não có thể gây liệt thần kinh một bên hoặc hai bên ở trẻ em. Liệt dây thần kinh số VI cũng có thể là biến chứng sau phẫu thuật sau cắt bỏ khối u hố sọ sau ở trẻ em.
  • Chấn thương thứ phát sau chấn thương đầu: Chấn thương gây ra áp lực gián tiếp lên dây thần kinh số VI. Ngoài ra, chấn thương làm liệt dây thần kinh có thể xảy ra thứ phát sau sung huyết và/hoặc xuất huyết gây tăng áp lực lên dây thần kinh. Chấn thương đầu kín có thể gây tăng áp lực nội sọ và gây ra liệt dây thần kinh số VI không đơn độc.
  • Tăng hoặc giảm áp lực nội sọ: Tăng áp lực nội sọ có thể xảy ra thứ phát do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm suy shunt, tăng huyết áp nội sọ vô căn, khối u ở hố sọ sau, chấn thương do phẫu thuật thần kinh, huyết khối xoang tĩnh mạch, viêm màng não hoặc bệnh Lyme. Giảm áp lực nội sọ có thể do rò dịch não tủy do chấn thương tủy, sau phẫu thuật thần kinh, sau chọc dịch não tủy,...
  • Viêm màng não: Nghiên cứu của Hanna và cộng sự (1988) đã phát hiện ra ở 16,5% bệnh nhân liệt dây thần kinh số VI bị viêm màng não cấp tính do vi khuẩn. Liệt các dây thần kinh sọ não trong trường hợp này có xu hướng xuất hiện nhiều và tổn thương ở hai bên.
  • Liệt dây thần kinh số VI đơn độc lành tính còn có thể xảy ra ở thời thơ ấu trong một đợt viêm xoang hoặc sau khi bị nhiễm trùng tai, họng hoặc nhiễm virus.
  • Liệt dây thần kinh số VI đơn độc hiếm khi xuất hiện ở trẻ em mắc bệnh Kawasaki sau khi điều trị bằng IVIg.

Đối với người lớn

Ở người trưởng thành, nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VI có thể do:

  • Thiếu máu vi mạch;
  • Đột quỵ não;
  • Chấn thương;
  • Tăng áp lực nội sọ;
  • Bệnh đa xơ cứng;
  • Khối u (u màng não, u nguyên sống, ung thư biểu mô vòm họng hoặc các khối u di căn);
  • Sarcoidosis/viêm mạch máu;
  • Viêm động mạch tế bào khổng lồ;
  • Hội chứng giảm phosphatase kiềm;
  • Tăng huyết áp thai kỳ;
  • Hội chứng Gradenigo;
  • Bệnh Creutzfeldt-Jakob;
  • Giang mai;
  • Bại liệt;
  • Viêm tai xương chũm;
  • COVID-19;
  • Vô căn.
Liệt dây thần kinh số VI: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Tổn thương não trong bệnh đa xơ cứng gây liệt dây thần kinh số VI
Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh liệt dây thần kinh số 6

Liệt dây thần kinh số VI có triệu chứng nào điển hình?

Triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số VI gồm nhìn đôi (song thị) và lác mắt (mắt bị lệch).

Đối tượng nào dễ bị liệt dây thần kinh số VI?

Điều trị liệt dây thần kinh số VI bằng những phương pháp nào?

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VI ở trẻ em là gì?

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VI ở người lớn là gì?

Hỏi đáp (0 bình luận)