Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị

Ngày 30/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vậy những thông tin cần biết về viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Nguyên nhân mắc phải? Làm sao để chẩn đoán? Hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu các thông tin trong bài viết này nhé!

Viêm khớp nhiễm khuẩn còn được gọi là viêm khớp nhiễm trùng hay nhiễm trùng khớp, là tình trạng khớp bị viêm do vi khuẩn gây ra. Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi là những đối tượng có nhiều khả năng mắc phải. Tình trạng khớp bị nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm làm hỏng sụn và xương khớp.

Dấu hiệu nhận biết viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào khớp bằng một nguyên nhân nào đó, gây viêm khiến khớp bị sưng và đau. Các khớp lớn hay nhỏ như khớp háng, gối, vai, cổ tay, khuỷu tay, mắt cá chân,... đều có thể bị viêm khớp nhiễm khuẩn.

Khi mắc phải viêm khớp nhiễm khuẩn, triệu chứng chung của bệnh lý này là:

  • Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhói, cử động khó khăn ở khớp bị viêm;
  • Sốt;
  • Ớn lạnh, mệt mỏi;
  • Xuất hiện tình trạng ấm, nóng, sưng và đỏ ở khớp bị viêm;
  • Ở trẻ em mắc phải viêm khớp nhiễm khuẩn sẽ có thêm các triệu chứng như ăn không ngon miệng, khó chịu, quấy khóc, tim đập nhanh, thể trạng bất ổn.

Tùy theo từng đối tượng, viêm khớp nhiễm khuẩn thường xảy ra ở các khớp như:

  • Ở người lớn: Tình trạng viêm thường gặp ở khớp tay, chân và đặc biệt là đầu gối.
  • Ở trẻ em: Hầu hết bị ảnh hưởng ở khớp hông.
  • Vài trường hợp hiếm gặp khác là khớp cổ, lưng và đầu có thể bị ảnh hưởng.
Viem-khop-nhiem-khuan-la-gi 1.png
Sưng, đỏ, ấm, nóng ở khớp bị viêm

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể đến từ một chấn thương xuyên khớp, mang trực tiếp vi khuẩn, virus hoặc nấm đi vào khớp. Vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra còn có thể do các loại khác như:

  • Haemophilus cúm: Vi khuẩn có thể lây nhiễm vào thanh quản, khí quản.
  • Virus: Các loại virus như HIV có thể lây nhiễm vào khớp của mọi đối tượng.
  • Cầu khuẩn: Vi khuẩn gây bệnh lậu.
  • Trực khuẩn gram âm và liên cầu khuẩn: Nhóm này có thể gây ra nhiều bệnh.

Nhiễm trùng da, hô hấp, tiêu hoá hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục cũng có thể gây viêm khớp nhiễm khuẩn vì vi khuẩn hay virus có thể theo máu, lan đến khớp và gây viêm.

Bên cạnh các nguyên nhân là do tác nhân bên ngoài thì còn một yếu tố từ bên trong. Đó là khả năng tự bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng của màng hoạt dịch khớp xương rất kém. Vi khuẩn chỉ cần có thể đến được màng hoạt dịch là có thể xâm nhập dễ dàng và có thể bắt đầu phá huỷ sụn.

Vậy những đối tượng nào có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm khuẩn? Ngoài trẻ nhỏ và người lớn tuổi còn có các đối tượng khác như: Người có hệ thống miễn dịch suy yếu như HIV/AIDS, hoặc những người đã có các bệnh lý như ung thư, tiểu đường, bệnh thận, các dạng viêm khớp khác,...

Biến chứng viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể dẫn đến thoái hóa khớp và gây tổn thương vĩnh viễn nếu việc điều trị chậm trễ hay bị trì hoãn. Các biến chứng thường gặp của viêm khớp nhiễm khuẩn gồm: Viêm xương khớp, khớp bị biến dạng.

Nghiêm trọng hơn là phải phẫu thuật tái tạo lại khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Trong trường hợp người bệnh đã có phẫu thuật ghép khớp nhân tạo, việc nhiễm trùng ảnh hưởng đến các khớp chân, tay giả thì có thể phải thay lại khớp nhân tạo mới.

Viem-khop-nhiem-khuan-la-gi 2.png
Phẫu thuật tái tạo lại khớp bị tổn thương nghiêm trọng

Phương pháp chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác thông tin, tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và biểu hiện khác như nổi hạch ở các vị trí tương ứng, teo cơ, ban đỏ, mụn mủ hoặc xuất huyết trên da,... Sau đó tuỳ vào tình trạng của mỗi người bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán gồm:

Chọc hút và xét nghiệm dịch khớp: Sau khi rút dịch tại khớp bị viêm, dịch này sẽ được đem đi nuôi cấy và thử nghiệm bạch cầu (vì chỉ số bạch cầu sẽ cao khi bị nhiễm khuẩn). Tình trạng nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến sự thay đổi về màu sắc, sự thuần nhất, thể tích và các thành phần khác của khớp. Kết quả xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định có nhiễm khuẩn hay không, nếu có thì nhiễm loại vi khuẩn nào để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Xét nghiệm máu: từ kết quả xét nghiệm này có thể xác định những dấu hiệu của nhiễm khuẩn.

Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm khớp, chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI),... giúp đánh giá tình trạng tổn thương khớp, có bị tràn dịch khớp hay không, ít hay nhiều,... Sự huỷ hoại xương hoặc sụn thường xuất hiện sau 10 đến 14 ngày khởi phát phát triệu chứng. Phương pháp chẩn đoán này không hữu dụng trong giai đoạn sớm của viêm khớp nhiễm trùng.

Viem-khop-nhiem-khuan-la-gi 3.png
Siêu âm khớp giúp chẩn đoán và theo dõi tràn dịch khớp số lượng ít

Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm khớp nhiễm khuẩn

Bạn có thể kiểm soát tình trạng viêm khớp nhiễm khuẩn nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn.
  • Tập thể dục để khớp hoạt động và khỏe mạnh hơn. Nếu bạn thấy đau sau khi, hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để điều chỉnh phù hợp hơn.
  • Kiên trị tập vật lý trị liệu để đạt hiệu quả tốt nhất. Bạn cần phải kiên nhẫn và nghe theo hướng dẫn của chuyên viên để mau hồi phục.
  • Nếu bạn thừa cân thì cần thực hiện giảm cân để giảm áp lực cho khớp, đặc biệt là khớp ở chân, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.

Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh lý viêm khớp nhiễm khuẩn. Nếu không may mắc phải một hoặc những dấu hiệu trên, hãy đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bạn nhé!

Xem thêm: Phác đồ điều trị viêm khớp nhiễm trùng và chấn đoán bệnh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm