Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được không?

Ngày 27/10/2024
Kích thước chữ

Một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất do bị chó cắn gây ra đó chính là bệnh dại. Nếu người bệnh không đi tiêm vắc xin phòng dại thì bệnh có thể toàn phát và dẫn tới tử vong với tỷ lệ lên đến 100%. Vậy, bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được hay không?

Xử lý như thế nào sau khi bị chó cắn giúp hạn chế nguy cơ bị virus xâm nhập gây hại cho cơ thể là việc rất quan trọng nhưng nhiều người còn chủ quan bỏ qua. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số thông tin có liên quan tới tình trạng bị chó cắn đồng thời giải đáp cho câu hỏi “Người bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm phòng có được hay không?”, mời bạn đọc chú ý theo dõi.

Bị chó cắn nguy hiểm ra sao?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất của lịch sử nhân loại, một khi đã khởi phát bệnh thì tỷ lệ sống sót của cả người bị tấn công cũng như động vật tấn công gần như bằng không và không có biện pháp nào có thể can thiệp.

Theo đó, bệnh dại là bệnh viêm não, tủy cấp tính gây ra bởi virus dại có tên là Rabies, virus này thường gặp ở những loài động vật có máu nóng như chó, mèo, cầy, chồn hay những loài động vật có vú khác. Virus sẽ lây từ động vật sang người thông qua các vết cào, cắn hay liếm trên vết thương hở. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ bắt đầu nhân lên tại chỗ và di chuyển theo các dây thần kinh lên các bộ phận quan trọng như hệ thần kinh trung ương, não bộ,... để tấn công và phá hủy các tế bào, khiến cho người bệnh tử vong một cách đau đớn. Thời gian đầu nhiễm bệnh, người bệnh trông vẫn khỏe mạnh và không có bất cứ biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên theo thời gian, virus sẽ phá hủy hết tất cả các tế bào thần kinh và làm cho những triệu chứng khởi phát bệnh bắt đầu xuất hiện như sợ gió, sợ ánh sáng, sợ âm thanh, mất ngủ, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, huyết áp giảm, vã mồ hôi, một số trường hợp còn còn xuất tinh tự nhiên. Lúc các triệu chứng này xuất hiện thì tỷ lệ tử vong của người bệnh gần như là tuyệt đối.

Bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được không?1
Bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao

Thông thường, sau khi nhiễm virus dại từ chó mèo, thời gian ủ bệnh trong cơ thể sẽ khoảng từ 1 đến 2 tháng, có trường hợp bệnh toàn phát nhanh hơn chỉ khoảng từ 7 đến 10 ngày và cũng có trường hợp ủ bệnh lâu nhất là hơn 1 năm. Ở giai đoạn tiền triệu chứng từ 1 đến 4 ngày, người bệnh có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, uể oải, sợ hãi, tại vị trí bị cắn sẽ tê và đau. Các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện rõ ràng hơn khi virus di chuyển tới hệ thống thần kinh trung ương và phá hủy các tế bào thần kinh.

Bệnh dại sẽ tiến triển theo 2 thể ở người đó chính là thể liệt và thể hung dữ. Cụ thể:

Tiêu chí

Thể liệt

Thể hung dữ

Tỷ lệ mắc bệnh

Khoảng 20% các trường hợp mắc bệnh dại.

Khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh dại.

Các biểu hiện đặc trưng

  • Thể liệt thường tiến triển lâu hơn thể hung dữ.
  • Người bệnh hôn mê từ từ.
  • Không có triệu chứng sợ nước.
  • Các cơ yếu và bị mất cảm giác.
  • Liệt cơ.
  • Người bệnh gặp hoang tưởng, ảo giác dẫn đến lo sợ rồi dần mê sảng.
  • Có các biểu hiện sợ nước, sợ gió, tiết nước bọt, hoảng loạn, co thắt cơ, khát nước không dứt.
  • Tăng động.

Nguyên nhân tử vong

Do liệt cơ hô hấp.

Do ngừng tim.

Bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được không?2
Các cơn dại sẽ khiến cho người bệnh tử vong trong đau đớn tột cùng

Bị chó cắn nên làm gì?

Điều quan trọng hàng đầu cần làm sau khi bị chó cắn đó chính là sơ cứu vết thương để tránh bị nhiễm trùng cũng như hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus dại. Nếu vết thương ở những vị trí dễ thấy, người bệnh có thể tự sơ cứu. Ngược lại, nếu như vết thương nghiêm trọng và ở các vị trí nguy hiểm như đầu, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục,... thì cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách, kịp thời.

Vệ sinh vết thương

Sau khi bị vật nuôi tấn công, người bị tấn công cần vệ sinh vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch khoảng 15 phút để rửa trôi các virus. Lưu ý, rửa với lực thật nhẹ để tránh khiến cho vết thương bị dập nát, tạo điều kiện cho virus di chuyển sâu hơn vào cơ thể. Sau đó, tiếp tục sát trùng với cồn 70% hoặc cồn đỏ, cồn iod.

Kiểm tra vết cắn

Có thể sơ cứu tại nhà đối với những vết thương không quá nghiêm trọng như chảy máu ít, không chảy máu hay chỉ bị bầm tím, xây xước nhẹ. Ngược lại, với những vết cắn nghiêm trọng hơn, máu chảy nhiều thì cần vệ sinh vết thương thật nhanh để tránh bị mất nhiều máu và tới các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cầm máu

Cầm máu trong khoảng 15 phút với trường hợp vết cắn sâu và chảy nhiều máu. Nếu gặp khó khăn trong việc cầm máu do vết thương chảy máu thành từng tia thì có thể dùng dây cao su garo để cầm máu tạm thời.

Bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được không?3
Những vết thương nghiêm trọng cần cầm máu gấp để tránh bị mất máu quá nhiều

Băng bó vết thương

Sau khi đã vệ sinh vết thương sạch sẽ và cầm máu thì cần băng bó vết thương lại. Có thể sử dụng khăn mặt, khăn tay, khăn tắm để làm miếng đệm ép trực tiếp lên vết thương, sau đó dùng thun ống quấn xung quanh cố định lại bằng lực vừa phải để máu lưu thông.

Tiêm vắc xin phòng dại

Sau khi sơ cứu đúng cách, việc người bệnh tuyệt đối không nên bỏ qua chính là thực hiện tiêm vắc xin phòng dại bất kể tình trạng động vật tấn công có ra sao. Dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của vết thương mà các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vắc xin phòng dại, vắc xin uốn ván phù hợp. Nếu không may rơi vào trường hợp khẩn cấp, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thêm huyết thanh giúp trung hòa độc tố.

Bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được hay không?

Người bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm vẫn được nhưng đây là thời điểm được đánh giá là khá muộn, bệnh có thể toàn phát bất cứ lúc nào gây biến chứng tử vong rất nguy hiểm.

Mặc dù không có thời gian tối thiểu cho việc tiêm vắc xin phòng dại thế nhưng thời gian ủ bệnh ở mỗi người là khác nhau và rất khó để chẩn đoán, người bệnh không thể chủ quan xem nhẹ. Do đó, sau khi bị chó cắn, người bệnh cần đi tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, nên tiêm trong khoảng 24 giờ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh để vắc xin phát huy được hiệu quả một cách tối ưu. Không nên có tâm lý chủ quan, trì hoãn khi thấy cơ thể chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường nào.

Bị chó cắn sau 20 ngày mới đi tiêm có được không?4
Sau khi bị chó cắn nên đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt

Nhìn chung, bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Người dân nên tham khảo các cơ sở tiêm chủng uy tín để chủ động đi tiêm phòng vắc xin từ sớm đồng thời đưa động vật nuôi trong nhà như chó, mèo,... đi tiêm phòng dại, từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Ngoài ra, nếu bạn muốn có một trải nghiệm tiêm tốt, nhanh chóng, ít đau, vắc xin chính hãng, giá cả phải chăng,... thì hãy liên hệ với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tư vấn chi tiết về quy trình tiêm cũng như nhận về hàng ngàn ưu đãi tuyệt vời dành cho khách hàng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin