Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bị tê đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Ngày 22/09/2023
Kích thước chữ

Cảm giác rần rần trên đầu không những gây khó chịu mà còn làm mất đi sự tỉnh táo và khả năng tập trung của nhiều người. Hiện tượng này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi khi là biểu hiện của một vấn đề bệnh lý nghiêm trọng. Vậy cách điều trị bệnh bị tê đầu là gì?

Bệnh đau đầu luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người bệnh, gây mệt mỏi và phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh còn bị tê đầu đi kèm. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này nhé.

Thông tin về bệnh tê đầu

Tê đầu là một trạng thái khi bạn cảm thấy tê bì, mất cảm giác hoặc khó chịu ở vùng đầu. Bệnh lý này thường xuất hiện ở một hoặc cả hai bên của đầu. Tê bì là hiện tượng khi da có cảm giác nhưng vẫn có khả năng cảm nhận các kích thích từ môi trường xung quanh. Đây là một triệu chứng phổ biến mà có thể xuất hiện trong nhiều loại bệnh lý khác nhau.

Ban đầu, triệu chứng tê bì thường xuất hiện nhẹ như cảm giác tê rần ở ngón tay hoặc cảm giác như đang bị châm chích. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể trải qua giai đoạn nặng hơn. Người bệnh có thể bị tê đầu hoặc tê nửa đầu (đôi khi kèm theo nhức mỏi), khiến bệnh nhân có cảm giác rần rần trên đầu. Đôi khi, bệnh có thể lan rộng đến vùng mặt, gây mất khả năng biểu đạt cảm xúc do tổn thương thần kinh.

Nguyên nhân bị tê đầu

Bệnh tê đầu có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố như môi trường, thời tiết… Bên cạnh đó, đầu hay bị tê có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm khác.

Nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý

Dưới đây là một số nguyên nhân không xuất phát từ bệnh lý nhưng vẫn khiến người bệnh bị tê trên đầu:

  • Tư thế không đúng: Ngủ hoặc ngồi lâu trong tư thế sai, đặc biệt là khi ngả đầu lệch sang một bên sẽ làm hạn chế lưu lượng máu trong động mạch cổ, dẫn đến tình trạng bị tê đầu.
  • Stress và căng thẳng kéo dài: Tình trạng căng thẳng và lo âu kéo dài dễ kích thích não phát ra các tín hiệu trung gian gây ra cảm giác tê và đau đầu.
  • Thời tiết lạnh: Nhiệt độ thấp có thể làm giảm chức năng lưu thông máu, gây cảm giác ngứa, tê và khó chịu trên da đầu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ra đau và tê đầu, tạo ra sự khó chịu cho người bệnh. Nếu gặp triệu chứng này khi dùng thuốc, hãy tạm ngừng sử dụng và thảo luận với bác sĩ.
Bị tê đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 1
Ngủ không đúng cách có thể khiến người bệnh bị tê đầu

Nguyên nhân do bệnh lý

Tê nửa đầu là một triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe, chẳng hạn như:

Chấn thương đầu và cột sống

Chấn thương đầu có thể làm ảnh hưởng đến thần kinh, dẫn đến triệu chứng đầu hay bị tê. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương, nó có thể gây ra nhiều vấn đề rối loạn thần kinh khác nhau như cảm giác rần rần trên đầu.

Các vấn đề về cột sống và tủy sống

Cột sống và tủy sống có mối liên hệ mật thiết với hệ thần kinh trung ương. Những tổn thương cơ học hoặc các vấn đề liên quan đến thoái hóa xương khớp tiềm ẩn các nguy cơ gây hại cho dây thần kinh dọc theo tủy sống. Vì vậy, trong trường hợp các bệnh lý ảnh hưởng đến khu vực này, triệu chứng bị tê đầu có thể xuất hiện.

Virus Herpes Zoster

Đây được xem là nguyên nhân gây ra cả bệnh thủy đậuzona thần kinh. Virus này có khả năng ảnh hưởng đến nhóm thần kinh tại khu vực mặt. Bên cạnh đó, nó còn gây ra nhiều triệu chứng như đau dữ dội, tê đầu và ngứa (thường chỉ xuất hiện ở một bên của đầu).

Đa xơ cứng

Đây là một loại bệnh thần kinh xuất hiện khi vỏ bọc myelin của các sợi thần kinh bị hỏng. Do đó, người bệnh thường trải qua một loạt triệu chứng tê bất thường không chỉ tại đầu mà còn lan rộng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Ngoài ra, còn kèm theo vấn đề giảm thị lực, suy thần kinh, tình trạng trầm cảm và mệt mỏi.

Viêm dây thần kinh số V

Dây thần kinh này có vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động của các khu vực trên khuôn mặt. Đây cũng là một phần quan trọng trong hệ thống kết nối giữa não bộ và khuôn mặt. Khi viêm, đau dây thần kinh số V xảy ra, người bệnh thường trải qua cơn đau trên một nửa khuôn mặt, có thể kèm theo cảm giác rần rần trên đầu.

Bị tê đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 2
Tổn thương dây thần kinh V là một trong những nguyên nhân gây bệnh

Một số nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân liệt kê bên trên, bệnh bị tê đầu còn có thể do các nguyên nhân dưới đây:

  • Sự thiểu năng tuần hoàn não;
  • Bệnh nhiễm trùng;
  • Chèn ép cơ học trên dây thần kinh;
  • Các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường hoặc thiếu vitamin;
  • Tiếp xúc với chất độc hoặc sử dụng một số loại thuốc (như kim loại nặng hoặc thuốc hóa trị).

Phương pháp điều trị hiệu quả

Phần trên đã giới thiệu cho độc giả bị tê trên đầu là bệnh gì, vậy cách chữa trị bệnh lý này như thế nào? Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân có thể tự phòng ngừa và cải thiện tình trạng này thông qua việc thay đổi lối sống và áp dụng một số biện pháp sau đây:

Sử dụng thuốc

Trong trường hợp tê đầu liên quan đến viêm thần kinh hoặc thoát vị đĩa đệm, có thể cần sử dụng thuốc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng có thể tìm đến sự hỗ trợ từ các châm cứu hoặc massage để giảm triệu chứng hiệu quả và tăng cường lưu thông khí huyết. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.

Massage đầu

Đây là một phương pháp thường được sử dụng để giảm căng thẳng, mệt mỏi, thư giãn tinh thần. Bên cạnh đó, massage còn làm giảm đau đầu, đau cổ, đau vai gáy một cách hiệu quả. Người bệnh có thể thực hiện tại nhà mỗi khi cảm thấy đau đầu hoặc thường xuyên thực hiện vào buổi tối để giúp ngăn ngừa triệu chứng đau và tê đầu.

Bị tê đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 3
Massage đầu giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi ở người bệnh

Ngoài các phương pháp trên, người bệnh có thể điều trị bệnh bằng cách:

  • Ngồi thiền: Đây không phải là một phương pháp giúp giảm đau ngay lập tức nhưng là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả cho sức khỏe dài hạn.
  • Chườm lạnh: Người bệnh có thể sử dụng túi lạnh để giúp giảm nhanh đau và tê đầu.

Các biện pháp được đề xuất ở trên chỉ mang tính chất giảm đau tạm thời. Trong trường hợp cơn đau tái phát và trở nên nghiêm trọng, quý độc giả nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn sớm.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Cảm giác đầu bị tê và đau nhức ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và tiềm ẩn nguy cơ nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là điều rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh bị tê đầu:

Cung cấp dinh dưỡng

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối, tăng cường cung cấp các nguyên tố vi lượng, protein, vitamin và sắt để hỗ trợ sức kháng và tạo máu. Thực phẩm như thịt, gan, trứng, sữa, rau xanh và hoa quả tươi sẽ giúp cải thiện tình trạng tê đầu.

Vận động

Tăng cường hoạt động thể lực như yoga, dưỡng sinh, đi bộ và bơi lội sẽ giúp cải thiện lưu thông máu đến não một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, người bệnh nên thường xuyên dành thời gian thư giãn sẽ giúp giảm nguy cơ gây hại cho mạch máu não.

Bị tê đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 4
Đi bộ thường xuyên sẽ giúp cải thiện lưu thông máu não

Tê đầu có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Nếu triệu chứng tê da đầu không giảm đi hoặc trở nên nghiêm trọng hơn sau khi đã điều chỉnh lối sống, quý độc giả nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm nhất. Hy vọng bài viết trên đã giúp độc giả hiểu bị tê đầu là bệnh gì. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin về sức khỏe đời sống nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Hệ thần kinh