Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bị tiểu đường uống nước dừa được không?

Ngày 28/11/2022
Kích thước chữ

Bệnh nhân tiểu đường thường có chế độ ăn uống, kiêng khem rất khắt khe. Nước dừa lại là loại nước tự nhiên bổ dưỡng nhưng có vị ngọt, do đó nhiều người lo ngại không biết bị tiểu đường uống nước dừa được không. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này và gợi ý cách sử dụng nước dừa đúng và tốt nhất cho bệnh tiểu đường. Cùng tìm hiểu nhé!

Từ lâu, dừa nước là loại trái cây rất được ưa chuộng đặc biệt là khả năng giải khát cao. Chẳng những thế, loại nước này này còn mang lại vô số giá trị đáng quý cho sức khỏe như: Chống mất nước, hỗ trợ tiêu hóa, làm đẹp da… 

Bị tiểu đường uống nước dừa được không?

Nước dừa là nguồn cung cấp chất điện giải, đường và hydrat hóa nhanh chóng. Không giống như cùi dừa có nhiều chất béo, nước dừa chủ yếu chứa carbs. Tùy từng khu vực trồng, từng loại dừa cũng như từng quả dừa khác nhau nên thành phần dinh dưỡng trong nước dừa cũng thay đổi. Nhưng theo ước tính trong 100ml nước dừa tươi nguyên chất chứa trung bình: 

  • 3 - 4 g đường bột.
  • 0,5 - 1 g Protein.
  • Dưới 0,5g chất béo.
  • Nhiều muối khoáng, kali, canxi và chloride.

Bị tiểu đường uống nước dừa được không?

Nước dừa được đánh giá tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường

Đường bột là chất có khả năng làm tăng đường huyết. Tuy nhiên, có thể thấy hàm lượng chất này trong nước dừa rất thấp, không có khả năng làm tăng đường huyết đột ngột và cũng không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch. Do đó, nước dừa chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe và an toàn với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, khi sử dụng thức uống thiên nhiên này người bị tiểu đường cũng nên dùng lượng vừa đủ để đem lại lợi ích cho sức khỏe.

Lợi ích nước dừa mang lại cho bệnh nhân tiểu đường

Thực tế cho thấy, không chỉ không gây tác động xấu, uống nước dừa đúng cách còn giúp bệnh nhân tiểu đường cải thiện một số vấn đề sức khỏe. Cụ thể:

Giúp bù nước và điện giải

Đi tiểu nhiều là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tiểu đường type 1, type 2. Do đó, người bị tiểu đường dễ mất nước và bù nước là việc cần thiết để duy trì hoạt động của cơ thể.

Trong nước dừa có 94% là nước nên khi uống nước dừa, cơ thể sẽ được bổ sung một lượng nước lớn bù đắp thiếu hụt do chứng đi tiểu nhiều gây ra. Bên cạnh đó, nước dừa cung cấp nhiều khoáng chất như: Kali, natri, magie, canxi cần thiết cho cơ thể, đóng vai trò như một chất điện giải mà không hề chứa các chất bảo quản gây hại.

Cải thiện đường huyết

Magie và khoáng chất trong nước dừa (như vitamin C, kali, mangan và L-arginine) có thể làm giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin ở những người mắc tiền tiểu đường hay tiểu đường tuýp 2.

Đồng thời, hàm lượng amino acid và chất xơ giúp cản trở hấp thu, hạn chế lượng đường vào trong máu và làm chậm quá trình tiêu hóa. Từ đó, giữ lượng đường trong máu ổn định và cải thiện đường huyết.

Bị tiểu đường uống nước dừa được không?

Nước giừa giúp cải thiện đường huyết hiệu quả

Giảm biến chứng tim mạch

Nước dừa có chứa lượng kali lớn. Khoáng chất này có tác dụng làm giảm huyết áp nhờ khả năng giảm áp lực lên các thành mạch máu, giúp mạch máu thư giãn, hạn chế hình thành các cục máu đông và duy trì huyết áp ổn định. Nhờ vậy, chu trình lưu thông máu được diễn ra tốt hơn.

Đồng thời, kali còn có công dụng loại bỏ bớt những chất lỏng thừa, nhờ đó điều hòa nhịp tim tốt giúp tim không phải hoạt động quá mạnh. Vì vậy, nhiều người tin rằng người bệnh tiểu đường sử dụng nước dừa có thể giúp phòng tránh các biến chứng về huyết áp, tim mạch hay đột quỵ.

Ức chế stress oxy hóa, ngăn ngừa một số biến chứng của bệnh tiểu đường

Stress oxy hóa là tình trạng không ổn định và tăng dần lên của các gốc tự do trong cơ thể. Điều này khiến cơ thể sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, tác động xấu tới các tế bào và gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Nước dừa chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có khả năng hạn chế và triệt tiêu các gốc tự do, giúp ức chế stress oxy hóa hiệu quả. Nhờ đó, phòng tránh những biến chứng khác liên quan tới bệnh tiểu đường (viêm nhiễm, viêm bàn chân…).

Tốt cho mắt

Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao gây tắc nghẽn và tăng áp lực lên các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc. Đó là lý do khiến mắt của người bị tiểu đường có nguy cơ cao mắc các bệnh như: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… hơn bình thường.

Sử dụng nước dừa thường xuyên sẽ bổ sung một lượng vitamin B1 đáng kể, cứ 200ml nước dừa chứa khoảng 0.7mg vitamin B1 và các phức hợp vitamin B (thiamin, riboflavin, niacin, folate, pyridoxine) có tác dụng cải thiện mắt tốt. Nhờ đó, mắt và sức khỏe người bệnh được bảo vệ trước các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.

Bị tiểu đường uống nước dừa được không?

Nước dừa giúp người bệnh tránh được những biến chứng của bệnh tiểu đường

Giúp người tiểu đường giảm cân

Khi bệnh nhân tiểu đường bị thừa cân, béo phì thì tuyến tụy sẽ bị hạn chế khả năng tổng hợp insulin đồng thời làm suy giảm quá trình chuyển hóa glucose. Đây là lý do khiến người béo phì tiềm ẩn nguy cơ đường huyết rất cao. Vì vậy, giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý là việc làm rất quan trọng và cần thiết với người bệnh tiểu đường.

Uống nước dừa cũng được biết đến là biện pháp giảm cân tự nhiên hiệu quả. Thức uống này chứa rất ít chất béo và calo nên không làm người bệnh tiểu đường tăng cân. Kết hợp với quá trình thể dục thể thao đều đặn, hợp lý sẽ giúp đốt cháy lượng calo lớn. Đồng thời, bệnh nhân tiểu đường sẽ hạn chế ăn vặt nhờ kéo dài cảm giác no khi uống nước dừa. Do đó, sử dụng nước dừa, giúp người bệnh giảm cân khá hiệu quả.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Uống nước dừa giúp cơ thể được bổ sung hàm lượng chất xơ cùng lượng nước lớn giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, hàm lượng kali cao trong nước dừa hỗ trợ cân bằng điện giải, độ pH để tăng cường hấp thu dưỡng chất và giúp mọi hoạt động trong cơ thể được diễn ra thuận lợi hơn.

Uống nước dừa đúng cách cho người bị tiểu đường

Nước dừa tốt với sức khỏe và có khả năng kiểm soát, cải thiện bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn cần biết sử dụng thức uống này đúng thời điểm, đúng cách để đem lại hiệu quả tốt. Dưới đây là một số điều bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý khi sử dụng nước dừa mà.

  • Không nên lạm dụng quá nhiều: Người bệnh tiểu đường chỉ nên uống tối đa mỗi ngày 1 quả dừa (tương đương với khoảng 250ml nước dừa). Với bệnh nhân tiểu đường hay cả người bình thường uống nước dừa quá nhiều và quá thường xuyên đều không tốt. Việc này khiến cơ thể bị thừa kali gây rối loạn hoạt động của tim. Lượng đường tự nhiên dù không nhiều nhưng uống quá nhiều nước dừa cũng vẫn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu cao.
  • Uống nước dừa nguyên chất: Bạn nên uống nước dừa nguyên chất, không pha thêm đường, muối hay chất tạo ngọt khác. Để đảm bảo có thể tự bổ và uống nước dừa ngay tại nhà. Không nên uống nước dừa pha chế hay đóng lon vì chúng chứa nhiều đường tinh luyện rất không tốt cho bệnh nhân tiểu đường. 
  • Không ăn cùi dừa: Cùi dừa chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe nói chung và cũng ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân tiểu đường.
  • Uống ở thời điểm hợp lý: Bệnh nhân tiểu đường không nên uống nước dừa sau 7 giờ tối vì dễ gây khó tiêu. Nên uống lúc đói để có thể cung cấp năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tim mạch. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường nên chia lượng nước dừa có thể dùng trong một ngày thành 2 - 3 lần uống, không nên uống hết trong một lần.
  • Người bệnh tiểu đường mắc kèm các bệnh lý về thận, người bị bệnh huyết áp thấp thì không nên sử dụng nước dừa.

Bị tiểu đường uống nước dừa được không?

Bệnh nhân tiểu đường cần chú ý khi uống nước dừa để không ảnh hưởng đến sức khỏe

Có thể thấy, uống nước dừa với liều lượng phù hợp và đúng cách mang lại nhiều công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, giúp cải thiện đường huyết. Tuy nhiên để kiểm soát, hạn chế các biến chứng và mang lại nhiều lợi ích người bệnh tiểu đường cần thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên kiểm tra, theo dõi đường huyết và sức khỏe chung.

Xem thêm: 

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin