Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng của tăng huyết áp mà ai cũng muốn tránh xa

Ngày 28/04/2023
Kích thước chữ

Theo thống kê, người có độ tuổi từ 70 trở lên có gần 75% mắc bệnh tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp cần được phát hiện và điều trị đúng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Biến chứng của tăng huyết áp luôn là điều bác sĩ và bệnh nhân đều muốn tránh xa.

Bệnh tăng huyết áp là bệnh mạn tính, cần theo dõi và điều trị lâu dài, thậm chí là suốt đời. Người mắc bệnh tăng huyết áp điều trị sớm để kiểm soát bệnh, không để bệnh dẫn tới tình trạng nguy hiểm hơn là các biến chứng của tăng huyết áp như: Biến chứng tim mạch, biến chứng về não, về thận,...

Bệnh tăng huyết áp là gì?

Huyết áp của con người được hiểu đơn giản là áp lực của máu tác động lên thành động mạch trong quá trình vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo ra chủ yếu bởi sự co bóp của tim và sự giãn của thành mạch. Huyết áp còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nhịp tim, đường kính mạch máu, độ đàn hồi động mạch, độ nhớt của máu,...

Bệnh tăng huyết áp là tình trạng tăng dai dẳng huyết áp động mạch. Mức huyết áp được chẩn đoán là tăng huyết áp là ≥ 140/90 mmHg. Với mức huyết áp này kéo dài một thời gian thì người bệnh sẽ nhận ra bệnh với các dấu hiệu huyết áp cao.

Nếu áp lực của thành mạch quá cao thì trái tim cần phải dùng nhiều lực hơn để đẩy máu đi cung cấp cho toàn cơ thể. Sau một thời gian hoạt động như vậy, biến chứng của tăng huyết áp thường gặp nhất là suy tim.

Hút thuốc lá cũng là một trong các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp - 1
Mức huyết áp được chẩn đoán là tăng huyết áp là ≥ 140/90 mmHg

Nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, hiện nay người ta chia bệnh tăng huyết áp thành 2 loại:

Tăng huyết áp nguyên phát

Là tình trạng huyết áp tăng cao nhưng không xác định được nguyên nhân. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp ở thể này. Tăng huyết áp vô căn không thể điều trị khỏi nhưng có thể kiểm soát bằng thuốc hạ áp để đưa huyết áp về ngưỡng an toàn đối với bệnh nhân. Hiện tại trên thế giới có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ áp để điều trị đồng thời làm giảm biến chứng của tăng huyết áp này. 

Tăng huyết áp thứ phát

Là tình trạng huyết áp tăng cao do một nguyên nhân cụ thể như bệnh, sử dụng thuốc hay thực phẩm bổ sung,... Dưới 10% bệnh nhân tăng huyết áp ở thể này, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Đối với bệnh nhân được xác định là tăng huyết áp thứ phát thì tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, tăng huyết áp thứ phát có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. 

Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp là:

  • Bệnh: Bệnh thận mạn, bệnh lý động mạch thận, hội chứng Cushing, hẹp eo động mạch chủ, chứng ngưng thở khi ngủ, cường giáp, cường cận giáp,...
  • Sử dụng thuốc: Một số thuốc trị trầm cảm, thuốc chống sung huyết, thuốc kích thích tạo hồng cầu, thuốc ngừa thai chứa estrogen,...
  • Nguyên nhân khác: Người nghiện rượu, sử dụng các chất kích thích, sử dụng dược liệu như: Ma hoàng, nhân sâm, cam thảo,... 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp phổ biến:

  • Chế độ ăn: Ăn nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa, ăn ít rau củ, trái cây. Dẫn đến thừa natri và thiếu kali là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
  • Chế độ sinh hoạt: Ít tập thể dục thể thao, ít hoạt động.
  • Sử dụng chất kích thích: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hay sử dụng thức uống có cồn.
  • Bệnh lý: Thừa cân béo phì, bệnh tim mạch,...
  • Tuổi tác: Nguy cơ bệnh tăng huyết áp tỉ lệ thuận với tuổi tác.
  • Yếu tố gia đình: Trong nhà, cha mẹ, anh chị có người bị tăng huyết áp.
Biến chứng của tăng huyết áp người bệnh đều muốn tránh xa - 2
Hút thuốc lá cũng là một trong các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp

Biến chứng của tăng huyết áp cần tránh càng xa càng tốt

Bệnh tăng huyết áp được cả thế giới quan tâm vì biến chứng của bệnh tăng huyết áp cực kì nguy hiểm. Nếu không được kiểm soát tốt thì biến chứng của tăng huyết áp chính là nguyên nhân dẫn tới tử vong.

Biến chứng về tim mạch

Một trong những biến chứng nguy hiểm khi bị tăng huyết áp trong thời gian dài sẽ có thể dẫn đến tình trạng suy tim. Tim sẽ co bóp nhiều hơn, mạnh hơn để bơm đủ lượng máu ra ngoại biên để nuôi cơ thể. Việc gắng sức lâu ngày, làm cơ tim dày lên, cứng hơn, độ đàn hồi của tim giảm, gây suy giảm toàn bộ chức năng của tim.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp lâu ngày, các Cholesterol tỷ trọng thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng bám vào thành mạch, từ đó hình thành mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ ngay lập tức hình thành cục huyết khối, xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim. 

Hút thuốc lá cũng là một trong các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp -3
Biến chứng của tăng huyết áp nguy hiểm nhất là suy tim

Biến chứng về não

Mạch máu não bị vỡ do áp lực tăng cao hoặc khi động mạch cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn làm các tế bào não chết đi nhanh chóng. Đột quỵ do xuất huyết não hoặc đột quỵ nhồi máu não là tình trạng gây tử vong nhanh chóng, cần được cấp cứu kịp thời, ngay lập tức để tăng tỷ lệ sống và hạn chế biến chứng thần kinh và vận động của bệnh nhân về sau này. 

Ngoài ra, tăng huyết áp còn có thể xuất hiện các biến chứng khác như: Biến chứng ở thận, biến chứng ở mắt, các biến chứng về mạch ngoại vi, biến chứng tiểu đường,...

Tuy vậy nhưng bạn không cần quá lo lắng về các biến chứng của tăng huyết áp. Vì khi phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ ngăn ngừa được rất nhiều biến chứng. Tăng huyết áp có thể được cải thiện bằng việc thay đổi lối sống tích cực, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học kết hợp sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp hợp lý.

Xem thêm: Người bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ăn gì để tốt cho sức khỏe

Kim Huệ

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin