Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý ở trẻ, làm sao để phân biệt?

Ngày 27/12/2023
Kích thước chữ

Biếng ăn ở trẻ do rất nhiều nguyên nhân gây ra, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa phân biệt được biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý để có hướng điều chỉnh kịp thời, khiến cho quá trình phát triển của bị bị ảnh hưởng. Vậy làm thế nào phân biệt biếng ăn sinh lý và bệnh lý ở trẻ? Cách khắc phục ra sao để giúp trẻ có thể phát triển khỏe mạnh?

Đối với những người đang trải qua hành trình làm cha làm mẹ, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là chứng kiến con yêu ăn ngon, ngủ sâu và phát triển khỏe mạnh hàng ngày. Tuy nhiên, việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé một cách chính xác không hề đơn giản, đặc biệt khi chứng biếng ăn đã và đang xuất hiện nhiều ở trẻ.

Biểu hiện thường thấy ở trẻ biếng ăn

Biếng ăn ở trẻ do đâu? Là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh, tình trạng biếng ăn ở trẻ là một vấn đề đáng lo ngại và phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở các độ tuổi ăn dặm và học mầm non. Biếng ăn được xác định khi trẻ thể hiện ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau:

  • Trẻ ăn ít hơn bình thường: Lượng thức ăn mà trẻ tiêu thụ trong một ngày giảm dưới 50% so với khẩu phần tiêu chuẩn theo độ tuổi.
  • Trẻ từ chối ăn một số loại thức ăn: Điển hình là các thực phẩm như: Trứng, sữa, thịt, cá... hoặc không chịu ăn tất cả các loại thức ăn.
  • Ngậm thức ăn lâu mà không nhai hoặc nuốt: Bữa ăn kéo dài quá 30 phút.
  • Biểu hiện sợ ăn: Trẻ có thể khóc, chạy trốn hoặc quấy rối khi đến lúc ăn.
  • Buồn nôn, nhợn ói khi nhìn thấy thức ăn: Đây có thể là một phản ứng tiêu cực khi trẻ nhìn thấy đồ ăn.
  • Táo bón hoặc lượng phân ít hơn bình thường: Có thể là một dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ, đây cũng là dấu hiệu thường thấy ở trẻ biếng ăn
  • Sụt cân hoặc chậm tăng cân: Theo tiêu chuẩn cân nặng ở từng độ tuổi hoặc không có sự tăng cân trong 3 tháng liên tục.
Biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý ở trẻ làm sao phân biệt
Biểu hiện thường thấy ở trẻ biếng ăn là sụt cân hoặc chậm tăng cân

Khảo sát từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ biếng ăn dao động từ 45,9% đến 57,7%, con số này đặc biệt đáng lo ngại vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Các loại biếng ăn ở trẻ em bao gồm biếng ăn tâm lý, biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý cụ thể là:

  • Biếng ăn sinh lý: Loại biếng ăn sinh lý ở trẻ là loại xuất hiện phổ biến nhất, xảy ra khi trẻ chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Trong giai đoạn chuyển tiếp, cơ thể có những rối loạn nhẹ dẫn đến tình trạng biếng ăn nhất thời ở trẻ.
  • Biếng ăn tâm lý: Loại biếng ăn do xuất phát tâm lý, phát sinh từ cách nuôi dạy và chăm sóc của cha mẹ ảnh hưởng đến tâm lý của con và dẫn tới chứng biếng ăn.
  • Biếng ăn bệnh lý: Là biếng ăn do có sự rối loạn, tổn thương thực sự trong cơ thể dẫn đến tình trạng kém ăn.

Phân biệt biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý

Phân biệt giữa biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý là điều cần thiết mà các bậc phụ huynh cần hiểu rõ vấn đề và có cách tiếp cận can thiệp phù hợp.

Biếng ăn sinh lý

  • Thiếu chất từ khi là bào thai: Nếu người mẹ mang thai thiếu hụt canxi, sắt, kẽm và các loại vitamin quan trọng, thai nhi có thể gặp tình trạng thiếu chất và suy dinh dưỡng.
  • Thay đổi sinh lý: Các giai đoạn như: Biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng, học nói... thường đi kèm với biếng ăn ở trẻ. Trong những giai đoạn này, trẻ có thể hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn có thể ăn ít hơn trong vài ngày hoặc tuần, do họ tập trung vào việc khám phá và học kỹ năng mới.
Biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý ở trẻ làm sao phân biệt 1
Một số bệnh ảnh hưởng đến trẻ khiến trẻ biếng ăn như: Nấm lưỡi, áp xe lợi

Biếng ăn bệnh lý

  • Trẻ gặp khó khăn khi nhai và nuốt: Các vấn đề như: Viêm amidan, mọc răng, nấm lưỡi, áp xe lợi hoặc viêm tuyến nước bọt có thể tạo ra sự e ngại ở trẻ khi nhai và nuốt, dẫn đến tình trạng biếng ăn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Triệu chứng như: Đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ, hoặc táo bón có thể ảnh hưởng gây lười ăn ở trẻ và làm trẻ chậm phát triển. Đây là dấu hiệu của rối loạn co bóp, tiết dịch trong dạ dày hoặc loạn khuẩn đường ruột.
  • Nhiễm trùng: Hệ miễn dịch yếu của trẻ làm cho trẻ dễ mắc nhiễm trùng đường hô hấp hoặc tiêu hóa, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và chán ăn.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Giun, sán cũng có thể gây biếng ăn ở trẻ.

Hiểu rõ nguyên nhân cụ thể giúp xác định liệu pháp điều trị hiệu quả và ngăn chặn tình trạng biếng ăn từ ảnh hưởng của những nguyên nhân khác nhau.

Khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý và bệnh lý ở trẻ

Cách khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý có những phương pháp khác nhau. Dưới đây là cách làm cho từng trường hợp:

Với biếng ăn sinh lý

Trong giai đoạn trẻ đang phát triển kỹ năng mới, cha mẹ cần theo dõi bình tĩnh để xác định liệu trẻ có đang trải qua biếng ăn sinh lý hay không. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ không bị bệnh, vẫn hoạt bát nhưng ăn ít. Để giúp trẻ ăn nhiều hơn, cha mẹ có thể thử cho bé ăn từng chút một với nhiều món trong bữa chính.

Biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý ở trẻ làm sao phân biệt 2
Với trẻ bị biến ăn sinh lý mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ

Nếu trẻ ăn ít trong các bữa chính, cha mẹ có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đồng thời, nên đưa cho trẻ những thức ăn mà trẻ yêu thích, có hương vị đặc biệt và dễ nuốt trong giai đoạn này.

Do biếng ăn sinh lý là điều tự nhiên, cha mẹ cần tránh một số sai lầm phổ biến như ép trẻ ăn quá mức, vì điều này có thể tạo ra sự sợ hãi và dẫn đến biếng ăn tâm lý ở trẻ. Tuy nhiên, nếu sau 2-3 tuần không thấy cải thiện hoặc trẻ có dấu hiệu sụt cân, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc dinh dưỡng để được tư vấn kịp thời.

Với biếng ăn bệnh lý

Khi trẻ mắc bệnh, thường mệt mỏi và trở nên biếng ăn. Việc lượng thực phẩm hấp thụ giảm có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, gây mệt mỏi và biếng ăn hơn. Do đó, cha mẹ cần chú trọng đến việc đảm bảo khẩu phần ăn hằng ngày đầy đủ dinh dưỡng để hỗ trợ phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

  • Chế biến và trình bày món ăn sao cho hấp dẫn hơn để kích thích khẩu vị của trẻ.
  • Đảm bảo khẩu phần ăn cân đối với 4 nhóm chất: Đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Trong thời gian điều trị nhiễm khuẩn, bổ sung đầy đủ vitamin A, nhóm B, vitamin C và các khoáng chất đặc biệt là những loại trẻ thiếu sau khoản thời gian biếng ăn.
  • Tránh lạm dụng kháng sinh để không gây mất cân bằng vi sinh vật trong đường ruột, có thể làm trẻ chướng bụng, khó tiêu và khiến trẻ biếng ăn hơn.
  • Giảm đau cho trẻ khi trẻ mọc răng hoặc có vấn đề viêm nhiễm vùng miệng.
  • Tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong bữa ăn để kích thích sự ngon miệng của trẻ.
Biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý ở trẻ làm sao phân biệt 3
Mẹ nên tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong bữa ăn cho trẻ

Biếng ăn ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, và cha mẹ cần phải phân biệt giữa biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý để áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giúp trẻ ăn ngon và phát triển khỏe mạnh tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng. Không nên áp đặt trẻ ăn, mà thay vào đó, nên tìm hiểu về nguyên nhân cụ thể và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt là biếng ăn bệnh lý cần có sự can thiệp của bác sĩ nhi khoa.

Biếng ăn là một dạng rối loạn dinh dưỡng thường xuyên xuất hiện ở trẻ, có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sự thay đổi sinh lý, tâm lý không thoải mái, hoặc sự mắc phải một số bệnh nhiễm khuẩn. Hy vọng rằng những thông tin về biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý đã mang lại giá trị cho bạn trong việc chăm sóc con em của mình, từ đó hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách can thiệp tích cực vào tình trạng này của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ vượt qua biếng ăn, nắm bắt đủ dinh dưỡng và phát triển một cách khỏe mạnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin