Bilirubin trực tiếp có ý nghĩa gì trong chẩn đoán vàng da?
Ngày 24/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bilirubin là sắc tố mật chủ yếu được hình thành từ quá trình phân hủy heme trong tế bào hồng cầu. Việc xét nghiệm Bilirubin trong máu là một phương pháp quan trọng, giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cá nhân. Cùng tìm hiểu về Bilirubin trực tiếp và bệnh lý vàng da do tăng Bilirubin.
Bilirubin trực tiếp là một sắc tố mật quan trọng trong quá trình chuyển hóa Bilirubin trong cơ thể. Việc đo lường nồng độ Bilirubin trong máu có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến gan và đường mật.
Bilirubin là gì?
Bilirubin là sắc tố mật có màu vàng cam, được tạo ra từ quá trình phân hủy hemoglobin trong các tế bào hồng cầu và sau đó được bài tiết qua dịch mật. Ngoài ra, một phần nhỏ Bilirubin được hình thành từ myoglobin, cytochrome và nitric oxide synthase. Trước khi được gan xử lý, Bilirubin tồn tại dưới dạng gián tiếp (chưa liên hợp). Khi đi vào gan, nó kết hợp với một chất nhất định để chuyển thành Bilirubin trực tiếp (đã liên hợp) ở dạng hòa tan. Bilirubin toàn phần bằng tổng Bilirubin gián tiếp và trực tiếp.
Bilirubin gián tiếp chiếm khoảng 80% tổng lượng Bilirubin toàn phần. Đây là một chất có độc tính, không tan trong nước và không lọc được qua thận. Gọi Bilirubin gián tiếp là do nó cần kết hợp với cơ chất khác để đẩy nhanh quá trình chuyển hoá.
Bilirubin trực tiếp chỉ chiếm khoảng 20% lượng Bilirubin toàn phần. Khác với Bilirubin gián tiếp, dạng trực tiếp không độc, có khả năng tan trong nước, liên kết với protein và được lọc qua thận.
Sau khi được gan xử lý, Bilirubin được thải ra ngoài cơ thể chủ yếu qua phân, còn một phần nhỏ sẽ được bài tiết qua nước tiểu.
Chỉ số Bilirubin cao có ảnh hưởng gì?
Sự gia tăng nồng độ Bilirubin (ở dạng trực tiếp hay gián tiếp) trên mức bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy nguy cơ mắc các bệnh về gan cao hơn. Thông thường, khi lượng Bilirubin tăng, điều đó phản ánh sự phá hủy tế bào hồng cầu đang diễn ra nhanh hơn.
Ở trẻ sơ sinh, việc kiểm tra mức Bilirubin trong máu là rất quan trọng. Xét nghiệm kịp thời trước khi lượng Bilirubin gián tiếp tăng quá mức sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ gây tổn thương não. Những tổn thương này có thể khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng học tập, mất thính lực, rối loạn vận động mắt và trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Bilirubin trực tiếp cao là bệnh gì?
Nồng độ Bilirubin liên hợp tăng cao có thể là do:
Bệnh lý về tế bào gan:Viêm gan virus, viêm gan do tác động của thuốc (như INH, rifampicin, halothan, methyldopa, chlorpromazine, paracetamol, salicylat) hoặc viêm gan do nhiễm độc.
Suy tim giai đoạn mất bù: Khi chức năng tim yếu gây ảnh hưởng đến gan.
Xơ gan và bệnh đường mật: Bao gồm xơ gan, xơ gan mật tiên phát và viêm đường mật xơ hóa.
Tổn thương gan hoặc xâm nhiễm gan: Khối u, di căn gan, bệnh Wilson hoặc u hạt.
Rối loạn di truyền bẩm sinh: Bệnh Dubin-Johnson (rối loạn bài tiết Bilirubin), hội chứng Rotor.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như barbiturat, thuốc tránh thai, testosteron và erythromycin có thể dẫn đến tăng Bilirubin.
Bệnh đường mật: Sỏi mật, viêm tụy cấp hoặc mạn, nang giả tụy, ung thư tụy.
Ung thư và tắc nghẽn đường mật: Bao gồm ung thư bóng Vater, ung thư biểu mô đường mật và tắc nghẽn hoặc chít hẹp đường mật.
Ý nghĩa của Bilirubin trong chẩn đoán phân biệt bệnh vàng da
Bilirubin cao trong máu sẽ thấm vào các tổ chức, gây hiện tượng vàng da. Việc xét nghiệm Bilirubin toàn phần và Bilirubin liên hợp giúp chẩn đoán và phân biệt các loại bệnh lý liên quan đến vàng da. Khi nồng độ Bilirubin toàn phần vượt quá gấp đôi mức bình thường (> 42,75 μmol/l) sẽ xuất hiện tình trạng vàng da.
Vàng da do tắc mật
Trong trường hợp này, Bilirubin liên hợp tăng cao trong máu, có sự gia tăng Bilirubin toàn phần và xuất hiện Bilirubin trong nước tiểu. Chỉ số alkaline phosphatase trong huyết tương giúp đánh giá tình trạng tắc mật. Khi chỉ số này cao gấp 5 lần bình thường, có khả năng cao là tắc nghẽn đường mật. Nguyên nhân thường gặp của vàng da do tắc mật bao gồm sỏi mật, khối u ở đầu tụy hoặc giun chui ống mật.
Tắc mật ngoài gan: Nồng độ Bilirubin có thể tăng đến khoảng 513-684 μmol/l.
Tắc mật trong gan hoặc do bệnh chuyển hóa, bệnh gan xâm lấn: Mặc dù Bilirubin huyết tương có thể ở mức bình thường nhưng alkaline phosphatase vẫn tăng cao.
Vàng da do tan máu (hủy huyết)
Trong trường hợp tan máu, Bilirubin toàn phần trong huyết tương hiếm khi tăng quá 5 lần so với mức bình thường, trừ khi có thêm các vấn đề về gan. Nếu gan bị tổn thương, Bilirubin gián tiếp có thể tăng rất cao, Bilirubin toàn phần tăng gấp 30-40 lần, thậm chí có thể tới 80 lần so với bình thường. Kết quả xét nghiệm Bilirubin niệu sẽ âm tính nhưng có sự hiện diện của urobilinogen trong nước tiểu.
Việc xác định tỷ lệ Bilirubin trực tiếp/Bilirubin toàn phần có thể giúp phân biệt nguyên nhân vàng da:
Tỷ lệ < 20%: Biểu hiện tình trạng huyết tán.
Tỷ lệ 20-40%: Cho thấy bệnh lý bên trong tế bào gan chiếm ưu thế hơn so với tắc nghẽn đường mật ngoài gan.
Tỷ lệ 40-60%: Dấu hiệu của bệnh ở cả trong và ngoài tế bào gan.
Tỷ lệ > 50%: Nghi ngờ tắc nghẽn chủ yếu ngoài gan.
Vàng da do tan máu thường gặp ở trẻ sơ sinh (vàng da sinh lý), các trường hợp sốt rét ác tính hay khi bị rắn độc,...
Vàng da do tổn thương gan
Khi gan bị tổn thương trong các trường hợp viêm gan virus cấp tính (viêm gan truyền nhiễm), Bilirubin trong máu tăng sớm và có thể xuất hiện trong nước tiểu trước khi các triệu chứng vàng da phát hiện rõ rệt. Kết quả xét nghiệm nước tiểu sẽ cho thấy có urobilinogen niệu.
Khi gan không còn khả năng chuyển hóa Bilirubin toàn phần thành Bilirubin liên hợp, lượng Bilirubin toàn phần trong máu sẽ tăng cao, trong khi đó, mức Bilirubin liên hợp lại giảm do quá trình liên hợp bị suy yếu.
Trong suy gan hoặc xơ gan nghiêm trọng, lượng Bilirubin liên hợp cũng giảm do chức năng gan bị suy yếu, gây ảnh hưởng đến quá trình liên hợp với acid glucuronic.
Trong ung thư gan, Bilirubin toàn phần trong huyết thanh có thể tăng rất cao, lên đến 10-20 lần so với mức bình thường (tương đương 171-342 μmol/l).
Tóm lại, Bilirubin trực tiếp đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa và bài tiết sắc tố mật trong cơ thể. Việc theo dõi và xét nghiệm nồng độ Bilirubin giúp các bác sĩ phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.