Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bỏ caffein, cơ thể lành mạnh

Ngày 12/12/2022
Kích thước chữ

Hầu hết mọi người đều có thói quen uống cà phê vào buổi sáng, nhưng caffein tốt cho sức khỏe thế nào? Và có phải tất cả các chất caffein được tạo ra đều như nhau không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Annamaria Louloudis - chuyên gia dinh dưỡng tại Culina Health - cho biết: “Caffein đã được chứng minh mang lại một số lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc, ví dụ như ngăn ngừa bệnh Alzheimer và bệnh tim, tuy nhiên nguồn gốc của caffein mới là điều quan trọng.”

"Chẳng hạn cà phê có chứa caffein cùng với chất chống oxy hóa và các chất hoạt tính khác có thể làm giảm viêm và giúp ngăn ngừa bệnh mãn tính. Tuy nhiên soda chứa caffein lại cung cấp đường cho cơ thể nhiều hơn so với việc mang lại lợi ích từ caffein."

Bỏ cà phê, cơ thể khỏe mạnh 1 Các chuyên gia dinh dưỡng phân tích lợi ích của việc bỏ caffein cũng như các tác dụng ph

Các đối tượng cần bỏ caffein

Không phải ai cũng cần bỏ caffein, nhưng chắc chắn một số người có thể sẽ cảm thấy tốt hơn khi sử dụng ít caffein hơn.

Louloudis chia sẻ: “Caffein có thể làm tăng huyết áp, vì vậy những người bị cao huyết áp nên xem xét hạn chế lượng caffein.”

"Những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng cần chú ý với caffein, vì nó làm giãn cơ vòng thực quản dưới, gây ra trào ngược axit dạ dày vào thực quản." Đó là lý do tại sao cà phê, trà và soda - tất cả đồ uống có chứa caffein đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Những người bị khó ngủ hoặc chứng lo âu cũng cần giảm thiểu lượng caffein. Louloudis cho biết: “Sử dụng caffein trong vòng sáu giờ trước khi đi ngủ sẽ tác động gián đoạn đến giấc ngủ và gia tăng chứng mất ngủ.”

Hội chứng cai nghiện caffein

Nếu bạn từng cảm thấy mơ màng khi không uống cà phê sau một thời gian liên tục sử dụng, điều đó có nghĩa bạn đã quen với caffein. Cà phê kích thích hệ thần kinh trung ương, nên một khi đột ngột cắt giảm có thể khiến đầu óc trở nên quay cuồng.

Trên thực tế, hội chứng cai nghiện caffein có thể nghiêm trọng đến mức DSM-5 (Sổ tay Thống kê và chẩn đoán Rối loạn tâm thần phiên bản 5 do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ phát hành năm 2013) còn đưa nó vào danh sách cần chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng chính của hội chứng cai nghiện caffein bao gồm:

  • Nhức đầu;
  • Mệt mỏi dữ dội;
  • Tâm trạng kém, hay gắt gỏng;
  • Khó tập trung;
  • Có các triệu chứng giống cảm cúm.

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi càng quen với việc uống nhiều caffein, các triệu chứng cai nghiện càng trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ 12 đến 24 giờ sau khi uống caffein lần cuối và có thể kéo dài đến 9 ngày.

Bỏ caffein, cơ thể lành mạnh 2 Khi mới từ bỏ caffein, bạn sẽ cảm thấy mơ màng khó chịu trong vòng từ 12 đến 24 giờ, nhưng sau đấy cơ thể sẽ dần khá hơn

Lợi ích từ việc từ bỏ cà phê

Bỏ caffein, cơ thể lành mạnh 3 Các lợi ích từ việc bỏ caffein

Giúp giảm cân

Nếu bạn có thói quen dùng caffein hàng ngày với một lượng tương đương 1 lít coca hay 1 cốc Mocha, thì khi cắt giảm caffein, bạn có thể giảm được vài kg.

Một ly caramel Mocha lớn từ Starbucks cung cấp tới 470 calo và 59 gam đường - một lượng đường quá nhiều so với mức cần nạp trong hai ngày. Vì thế khi thay đồ uống có đường như trà thảo mộc không đường, bạn có thể giảm cân. Nhưng nếu bạn đã quen uống cà phê đen hoặc trà không đường, bạn khó có thể giảm cân khi cắt bỏ những loại đồ uống này.

Mẹo nhỏ: Từ từ cắt giảm caffein chứ không nên đột ngột cắt giảm, nếu không các triệu chứng cai nghiện sẽ càng thêm trầm trọng.

Nếu bạn dự định giảm lượng caffein, hãy bắt đầu giảm nửa cốc mỗi ngày hoặc đổi một cốc cà phê thông thường sang cà phê decaf. Giảm dần lượng tiêu thụ trong vòng hai đến ba tuần là cách tốt nhất để giảm thiểu các triệu chứng cai nghiện.

Bớt bồn chồn

Caffein là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, có nghĩa nó có thể làm tăng hoạt động của não và gây bồn chồn.

Một lượng caffein cao có thể khiến tim đập nhanh, run rẩy, đau đầu và mất ngủ đối với một số người. Với những người vốn dĩ đang sống trong lo âu, caffein có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hiện có.

Theo một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2020 trên tạp chí Foods, caffein cũng có thể gây ra hoảng sợ, tăng căng thẳng và lo lắng về tâm lý ở một số người. Nếu bạn đang gặp hội chứng lo âu, hãy cân nhắc từ từ điều chỉnh lại lượng caffein để xem liệu nó có giúp bạn bình tĩnh hơn không.

Giúp ngủ ngon hơn

Caffein hoạt động như một chất đối kháng thụ thể adenosine - một chất hóa học tích tụ trong hệ thống thần kinh trung ương suốt ngày và gây ra cảm giác buồn ngủ vào ban đêm.

Theo Đại học McGill, khi caffein liên kết với các thụ thể adenosine, nó sẽ ngăn chặn tác động của hóa chất thần kinh mang lại sự bình tĩnh. Kết quả: Bạn cảm thấy tỉnh táo hơn.

Tất nhiên, khả năng dung nạp caffein của mỗi người là khác nhau. Nhưng đối với một số người có quá trình trao đổi chất diễn ra chậm, cảm giác tỉnh táo có thể kéo dài hàng giờ, đến nỗi chỉ sử dụng tách cà phê vào buổi trưa cũng có thể gây ra tình trạng khó ngủ nghiêm trọng khi tới giờ cần đi ngủ.

Nếu bạn nhạy cảm với caffein, việc loại chất kích thích có thể mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái hơn. Cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy làm việc kém năng suất hơn trong ngày, vì caffein cũng làm tăng tiết adrenaline.

Giúp cải thiện tiêu hóa

Caffein tăng tốc độ nhu động của đường tiêu hóa, vì vậy những người phải đối phó với các tình trạng như hội chứng ruột kích thích có thể cảm thấy thoải mái hơn khi cắt giảm caffein.

Hãy nhớ rằng giảm thiểu lượng caffein bằng cách cắt giảm các thức uống phổ biến như cà phê, trà và sô cô la cũng có thể cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Loại bỏ đồ uống có ga, chứa caffein (như soda) khỏi chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện tình trạng đầy hơi và chướng bụng ở một số người.

Mặc dù không phải ai cũng cần bỏ caffein, nhưng một số người (đặc biệt là những người mắc bệnh tăng huyết áp, trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích, lo âu hoặc mất ngủ) có thể sẽ khỏe mạnh hơn khi uống ít cà phê, trà, nước tăng lực và soda.

Hà My

Nguồn tham khảo: livestrong

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Caffeine