Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Buồn ngủ là gì? Buồn ngủ như thế nào là bất thường?

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Giấc ngủ là một nhu cầu sinh lý bình thường của con người. Đa số chúng ta cảm thấy buồn ngủ khi cơ thể thiếu năng lượng. Buồn ngủ do thiếu ngủ hoặc ngủ quá ít cũng là hiện tượng rất bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ bất kể thời điểm và kéo dài, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. Vậy buồn ngủ là gì? Buồn ngủ như thế nào là bất thường?

Nguyên nhân của cảm giác buồn ngủ có thể do tâm trạng mệt mỏi, chán nản, thói quen sống không lành mạnh, tác dụng phụ của thuốc hoặc các rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, những đối tượng phải làm việc nhiều giờ liên tục hoặc làm ca đêm thường dễ gặp phải tình trạng buồn ngủ.

Buồn ngủ là gì?

Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của con người, tuy nhiên chúng ta thường chưa hiểu rõ ràng về nguyên nhân chính gây ra các cơn buồn ngủ và cơ chế tạo ra sự buồn ngủ trong não bộ.

Buồn ngủ như thế nào là bất thường? - 1
Tình trạng buồn ngủ có ý nghĩa và nguyên nhân riêng biệt

Buồn ngủ là trạng thái khao khát mạnh mẽ được ngủ hoặc ngủ trong khoảng thời gian bất thường. Buồn ngủ có ý nghĩa và nguyên nhân riêng biệt. Trạng thái này có thể là sự miêu tả trạng thái bình thường trước khi ngủ hay xuất hiện do rối loạn nhịp sinh học hoặc là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác. Buồn ngủ có thể đi kèm với cảm giác thờ ơ, mệt mỏi và thiếu sự nhanh nhẹn. Khi mệt mỏi, chúng ta có thể gặp phải cơn buồn ngủ. Tình trạng này có thể nguy hiểm khi bạn cố gắng thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu sự tập trung liên tục.

Thông thường, buồn ngủ được xem là một triệu chứng chứ không phải là một rối loạn. Tuy nhiên, khái niệm về buồn ngủ định kỳ ở những thời điểm nhất định vì một số lý do cụ thể như: Quá buồn ngủ vào ban ngày, rối loạn giấc ngủ do giờ giấc làm việc thay đổi sẽ được cấu thành các rối loạn khác nhau. Có những mã y tế đánh giá buồn ngủ là một loại rối loạn.

Buồn ngủ như thế nào là bất thường?

Buồn ngủ là dấu hiệu tự nhiên cho thấy cơ thể cần thư giãn và nạp năng lượng qua giấc ngủ. Đây là một trạng thái sinh lý bình thường nhằm thúc giục cơ thể vào giấc ngủ để nghỉ ngơi. Một người bình thường cần ngủ đủ từ 6-9 giờ mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và giai đoạn trong cuộc sống.

Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ thường xuyên, kéo dài và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc cũng như chất lượng cuộc sống, đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tâm lý

Các vấn đề tâm lý như: Trầm cảm và lo âu kéo dài gây ra mệt mỏi, buồn ngủ và đau đầu. Điều này có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây suy giảm sức khỏe. Khi tâm lý bị ảnh hưởng, cơ thể cảm thấy thiếu năng lượng và cần nghỉ ngơi, dẫn đến tình trạng buồn ngủ.

Buồn ngủ như thế nào là bất thường? - 2
Các vấn đề tâm lý có thể kéo theo tình trạng buồn ngủ bất thường

Chế độ dinh dưỡng

Hay buồn ngủ do thiếu chất gì? Chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu hụt một trong bốn nhóm chất dinh dưỡng (gồm protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất) có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Điều này gây mệt mỏi và thúc đẩy tình trạng buồn ngủ. Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo không tốt và uống các đồ uống chứa caffeine hoặc rượu thường xuyên cũng có thể gây ra các triệu chứng đau đầu và buồn ngủ.

Thiếu nước

Mất nước từ 1-2% cơ thể có thể gây ra các triệu chứng như: Buồn ngủ, mệt mỏi và chóng mặt. Vì vậy, duy trì cung cấp nước cho cơ thể là rất quan trọng, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát. Ngoài việc uống nước lọc bạn có thể lấy nước từ trái cây, rau củ, sữa chua và canh.

Thiếu máu

Thiếu máu có thể làm cho hệ thần kinh và não bộ không nhận được đủ dưỡng chất cần thiết để duy trì hoạt động bình thường. Kết quả dẫn đến tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi, chậm chạp và thiếu sự tập trung.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ là nguyên nhân chính khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ thường xuyên. Sự thiếu ngủ góp phần làm giảm sự tập trung trong các hoạt động thường ngày và gây ra tình trạng buồn ngủ.

Các vấn đề bệnh lý khác

Một số rối loạn tâm thần và bệnh mãn tính thường đi kèm với các triệu chứng buồn ngủ. Các bệnh này có thể bao gồm: Tâm thần phân liệt, Parkinson, bệnh lupus, bệnh xương khớp, ung thư, béo phì, các tình trạng đau mãn tính, suy giáp, bệnh tim mạch...

Buồn ngủ như thế nào là bất thường? - 3
Một số rối loạn tâm thần đi kèm với các triệu chứng buồn ngủ

Dù là nguyên nhân gì, tình trạng buồn ngủ quá mức đang là một vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều người. Các cơn buồn ngủ có thể làm giảm khả năng tập trung và tỉnh táo trong công việc, hoặc khi lái xe. Do đó, nhiều người đã cố gắng đối phó bằng cách sử dụng caffeine hoặc các chất kích thích để giữ cho mình tỉnh táo hơn. Cần lưu ý, điều này có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ do cafein gây ra vào cuối ngày.

Thường xuyên buồn ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?

Hay buồn ngủ là dấu hiệu của bệnh gì? Buồn ngủ thường xuyên có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau:

  • Suy giảm tuyến giáp: Tuyến giáp có vai trò chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng, điều khiển trao đổi chất. Nên khi tuyến nội tiết này không hoạt động hiệu quả sẽ dẫn đến cảm giác uể oải, mệt mỏi và buồn ngủ.
  • Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi và buồn ngủ.
  • Trầm cảm: Trầm cảm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây ra buồn ngủ kéo dài.
  • Mất ngủ kinh niên: Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hệ thần kinh, khiến người bệnh buồn ngủ vào ban ngày và khó ngủ vào ban đêm.
  • Viêm khớp dạng thấp: Gây ra mệt mỏi, buồn ngủ và thiếu hụt năng lượng.
  • Thiếu máu: Gây ra buồn ngủ, mệt mỏi và kém tập trung.
  • Bệnh gan: Buồn ngủ do thiếu năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết do gan không hoạt động hiệu quả.
  • Bệnh tim: Buồn ngủ là một trong các triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh tim, kèm theo mệt mỏi và sự suy yếu chung của cơ thể.

Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ

Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ bạn cần biết bao gồm:

  • Thường phải mất hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ;
  • Thường xuyên tỉnh giấc nhiều lần vào ban đêm và khó ngủ lại;
  • Cảm thấy buồn ngủ liên tục trong cả ngày dài;
  • Thường xuyên ngủ vào ban ngày mà không có chủ ý hoặc vào những thời điểm không thích hợp;
  • Ngủ ngáy, thở hổn hển hoặc có thể ngưng thở trong một thời gian ngắn khi ngủ (thường xảy ra ở nam giới);
  • Cảm giác như có kiến bò hay ngứa râm ran ở chân và tay, nhất là lúc đang ngủ;
  • Chân và tay bị co giật thường xuyên khi đang ngủ;
  • Đau đầu khi thức dậy;
  • Gặp ác mộng khi ngủ;
  • Các cơn yếu cơ đột ngột khi tức giận, sợ hãi hoặc khi cười;
  • Không thể di chuyển cơ thể ngay sau khi thức dậy.
Buồn ngủ như thế nào là bất thường? - 4
Không thể di chuyển cơ thể ngay sau khi thức dậy có thể là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ

Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp

Các dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể kể đến như:

  • Mất ngủ: Là trạng thái khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Đặc điểm chính của tình trạng này là tiếng ngáy nặng, hô hấp không đều, ngừng thở tạm thời và thức giấc đột ngột. Tình trạng này gây gián đoạn giấc ngủ và làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể, dẫn đến cảm giác buồn ngủ vào ban ngày và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng như cao huyết áp.
  • Hội chứng chân không yên (RLS): Gây ra cảm giác không thoải mái, khiến chân không thể ngừng di chuyển khi nằm xuống. Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng nóng rát và đau nhức ở chân. RLS thường gây ra buồn ngủ vào ban ngày, làm gián đoạn giấc ngủ kèm theo các cơn co giật chân.
  • Parasomnias: Bao gồm các hành vi kỳ lạ trong khi ngủ như: Nói mê, mộng du, ác mộng, nghiến răng và đái dầm. Trong trường hợp rối loạn hành vi giấc ngủ REM, người bệnh có thể vô tình thực hiện các hành động như: Đá, đấm hoặc vỗ tay trong khi ngủ. Parasomnias thường ảnh hưởng nhiều đến nam giới lớn tuổi và có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
  • Chứng ngủ rũ: Dạng rối loạn giấc ngủ chủ yếu gây ra các cơn buồn ngủ quá mức vào ban ngày hay những cơn buồn ngủ tái phát trong các giờ thức giấc bình thường. Một số người mắc chứng ngủ rũ có thể gặp tình trạng tê liệt khi ngủ, ác mộng hoặc ảo giác khi ngủ hoặc khi thức dậy.
Buồn ngủ như thế nào là bất thường? - 5
Chủ động thăm khám bác sĩ để xác định và điều trị sớm tình trạng buồn ngủ bất thường

Nên làm gì để cải thiện tình trạng buồn ngủ thường xuyên?

Một số biện pháp cải thiện tình trạng buồn ngủ thường xuyên bạn có thể áp dụng bao gồm:

  • Thăm khám bác sĩ: Trước hết, bạn cần thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây buồn ngủ và áp dụng liệu pháp điều trị phù hợp.
  • Tạo môi trường ngủ tốt: Đảm bảo có một môi trường ngủ tối, yên tĩnh và thoải mái. Tắt ánh đèn khi đi ngủ và có thể nghe nhạc nhẹ để thư giãn trước khi đi ngủ. Đồng thời, chọn gối ngủ phù hợp để hỗ trợ giấc ngủ.
  • Vận động thường xuyên: Hoạt động thể chất, vận động thường xuyên giúp tiêu hao năng lượng dư thừa, khiến cơ thể mệt mỏi và dễ ngủ vào ban đêm.
  • Ăn uống cân bằng: Cần ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng và ăn trưa nhẹ nhàng. Tránh bỏ bữa sáng vì điều này làm cho cơ thể thiếu năng lượng vào buổi sáng.
  • Ngủ trưa (nếu cần thiết): Nếu có thể, hãy dành thời gian ngủ trưa ngắn khoảng 10-15 phút để làm mới lại năng lượng và tinh thần trong suốt ngày.
  • Giảm lượng đường: Cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống hàng ngày để tránh tình trạng kích thích hệ thần kinh tạm thời, sau đó gây ra cảm giác buồn ngủ và mệt mỏi.

Bài viết trên hy vọng đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc buồn ngủ như thế nào là bất thường? Việc thường xuyên cảm thấy buồn ngủ bất kể ngày hay đêm trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, hiệu quả công việc, các mối quan hệ xã hội. Nếu đã áp dụng nhiều cách mà tình trạng này không được cải thiện bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để được điều trị rối loạn giấc ngủ.

Xem thêm: Mách bạn các cách hết buồn ngủ khi đang học

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin