Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng cần biết

Ngày 17/07/2024
Kích thước chữ

Ung thư khoang miệng là một bệnh ác tính có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng. Vì vậy việc nắm được các phương pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng và họng sẽ giúp chúng ta trang bị kiến thức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư khoang miệng không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, do các biểu hiện của bệnh khá giống với những bệnh lý thông thường về răng miệng, nhiều người thường chủ quan và chỉ phát hiện ra ung thư khi đã quá muộn. Để có thêm kiến thức y khoa về bệnh lý này cũng như cách phòng ngừa ung thư khoang miệng, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Ung thư khoang miệng là gì?

Trong số các bệnh ung thư vùng đầu cổ, ung thư khoang miệng là những bệnh lý thường gặp nhất. Khối u có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như nướu răng, vòm khẩu cái, lưỡi hoặc niêm mạc miệng.

Ung thư khoang miệng xảy ra khi các khối u ác tính xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và dẫn đến nguy cơ tử vong cao cho người bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng cần biết 1
Ung thư khoang miệng là bệnh lý ác tính nguy hiểm đến tính mạng

Các yếu tố gây ung thư khoang miệng

Thuốc lá

Thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và khoang miệng là bộ phận bị ảnh hưởng đầu tiên. Các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo rằng hầu hết những người bị ung thư khoang miệng đều có liên quan đến việc hút thuốc. Trong thuốc lá có nhiều chất độc hại, không chỉ gây ung thư khoang miệng mà còn gây nên một số bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư thận, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi,...

Rượu

Ngoài thuốc lá, rượu cũng là một trong những yếu tố gây ung thư khoang miệng. Đặc biệt, những người vừa hút thuốc lá vừa nghiện rượu có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với những người bình thường.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng cần biết 2
Thuốc lá và rượu bia là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư khoang miệng

Nhai trầu

Trầu cau được biết đến là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt, xuất hiện trong những dịp quan trọng như cưới hỏi, tang lễ, hiếu hỉ. Tuy nhiên, ăn trầu cũng là yếu tố dẫn đến ung thư khoang miệng. Khi nhai trầu, các thành phần như: Vôi, quả cau, lá trầu, rễ cây, thuốc lào,… tạo ra một chất lỏng màu đỏ rất dễ bám chặt ở khu vực lợi và kẽ răng. Hạn chế nhai trầu và các thói quen khác như hút thuốc và uống rượu là những phương pháp hiệu quả để ngừa ung thư khoang miệng.

Biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng hiệu quả

Ung thư khoang miệng là những căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể được điều trị dứt điểm nếu phát hiện và can thiệp kịp thời ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh được phát hiện muộn và đã tiến triển sang những giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao với tỷ lệ sống sót chỉ kéo dài khoảng 5 năm. Do đó, việc nhận biết các triệu chứng, dấu hiệu của ung thư miệng, ung thư lưỡi và nhiệt miệng cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng, giúp tăng cơ hội điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng:

Từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư miệng cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như: Ung thư phổi, ung thư thận và ung thư tuyến tụy. Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại gây tổn thương trực tiếp đến các tế bào trong khoang miệng, dẫn đến sự hình thành của các khối u ác tính. Do đó, từ bỏ thói quen hút thuốc lá không chỉ giúp phòng ngừa ung thư miệng mà còn bảo vệ toàn diện sức khỏe cơ thể.

Hạn chế uống rượu

Lạm dụng rượu bia là một yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng, đặc biệt là ở nam giới. Rượu có khả năng kích thích các tế bào niêm mạc trong khoang miệng, làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ác tính. Đối với những người vừa hút thuốc lá vừa nghiện rượu, nguy cơ mắc ung thư miệng tăng lên đáng kể gấp 20 lần so với người không sử dụng các chất này. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ chỉ nên uống rượu bia ở mức độ vừa phải và tránh lạm dụng.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng cần biết 3
Bỏ thuốc lá, rượu bia giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị ung thư khoang miệng

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh

Một chế độ ăn uống cân đối, giàu rau xanh và trái cây sẽ cung cấp cho cơ thể các vitamin và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do và giảm nguy cơ mắc ung thư miệng. Các thực phẩm như: Cà rốt, cà chua, quả mọng và rau lá xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và hỗ trợ phòng ngừa ung thư.

Tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời

Tia UV từ ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây ung thư miệng, đặc biệt là ở những người làm việc ngoài trời thường xuyên. Để bảo vệ sức khỏe, hãy cố gắng làm việc trong bóng râm khi có thể và sử dụng các biện pháp bảo vệ như: Đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ giúp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn có hại, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng và ung thư khoang miệng. Sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa cũng là các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo vệ sinh răng miệng toàn diện.

Khám sức khỏe răng miệng định kỳ

Khám nha khoa định kỳ ít nhất mỗi 6 tháng một lần là cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng sức khỏe răng miệng và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn đến ung thư khoang miệng. Trong quá trình khám, nha sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các khu vực trong khoang miệng, đặc biệt là những vùng có biểu hiện lạ hoặc tiền ung thư.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng cần biết 4
Khám sức khỏe răng miệng định kỳ giúp bạn phòng ngừa ung thư khoang miệng tốt nhất

Nhận biết và theo dõi các triệu chứng ban đầu

Nhận biết sớm các triệu chứng ban đầu của ung thư khoang miệng có thể giúp bạn tìm kiếm sự can thiệp y tế kịp thời. Một số dấu hiệu bao gồm:

  • Vết loét hoặc tổn thương trong miệng không lành sau 2 tuần.
  • Cục cứng dưới niêm mạc, không đau nhưng phát triển to dần.
  • Xuất hiện các hạt cơm màu trắng tại các vị trí như lợi, hàm hoặc niêm mạc má.
  • Chấm trắng trên niêm mạc bình thường với bề mặt gồ ghề.
  • Tổn thương không lành sau khi nhổ răng, dễ chảy máu khi chạm vào.
  • Đau rát vùng khoang miệng, khó lành.
  • Đau không rõ nguyên nhân, tần suất ngày càng trầm trọng.

Tóm lại, việc phòng ngừa ung thư khoang miệng đòi hỏi sự chú ý đến các thói quen hàng ngày và sự chăm sóc sức khỏe định kỳ. Bằng cách từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách và khám sức khỏe răng miệng định kỳ chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng và họng, bảo vệ sức khỏe toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin