Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? Chăm sóc sau phẫu thuật như thế nào?

Ngày 19/07/2024
Kích thước chữ

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư lưỡi, tuy nhiên phẫu thuật vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là khi khối u còn nhỏ, giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cũng rất quan trọng. Một số bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư lưỡi cũng lo lắng liệu vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không?

Bệnh ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư hiếm gặp nhưng lại mang đến hậu quả nghiêm trọng và gây đau đớn kéo dài cho người bệnh. Những người mắc bệnh này thường gặp các triệu chứng như khô miệng, khó nuốt và nhai thức ăn, mất vị giác, dẫn đến chán ăn và sút cân. Phẫu thuật ung thư lưỡi được thực hiện để loại bỏ khối u. Tuy nhiên, giống như các phẫu thuật khác, phẫu thuật ung thư lưỡi cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về phẫu thuật ung thư lưỡi, các tác dụng phụ sau đó cũng như giải đáp vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không qua bài viết sau.

Tổng quan về phẫu thuật ung thư lưỡi

Đối với ung thư miệng lưỡi, phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết cho các giai đoạn sớm của bệnh. Trong trường hợp khối u lớn, nó có thể lan đến các hạch bạch huyết ở cổ. Khi đó, bệnh nhân sẽ cần phải thực hiện thêm việc loại bỏ các hạch bạch huyết này.

Sau phẫu thuật ung thư lưỡi, người bệnh có thể gặp những thay đổi nhỏ về chức năng của lưỡi, đặc biệt là khi phải loại bỏ nhiều phần lưỡi do khối u lớn. Các vấn đề có thể gặp phải bao gồm khó nói và khó nuốt. Tuy nhiên, với các kỹ thuật tái tạo hiện đại, các bác sĩ có thể phục hồi được hầu hết chức năng cho người bệnh và giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ.

Đối với ung thư sàn lưỡi, khối u thường lớn tại thời điểm chẩn đoán do ở giai đoạn đầu khối u khó quan sát và phát hiện. Đa số các trường hợp ung thư được chẩn đoán khi đã lan đến cổ và yêu cầu loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ. Triệu chứng sớm nhất mà người bệnh có thể gặp là đau tai và những triệu chứng giai đoạn sau có thể bao gồm thay đổi giọng nói và khó nuốt.

Vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? 1
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cần thiết ở giai đoạn sớm của ung thư lưỡi

Vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? Các tác dụng phụ sau mổ

Sưng đau

Nhiều người sau mổ lo lắng về việc vết mổ ung thư lưỡi bị đau. Vậy vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? Vết mổ ung thư lưỡi có thể gây đau và không thoải mái sau phẫu thuật. Sưng và đau là tình trạng phổ biến sau phẫu thuật khu vực miệng, hàm họng, đặc biệt là trong phẫu thuật ung thư lưỡi. Đây là điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau phẫu thuật, nhưng thông thường sẽ dần giảm sau khi điều trị.

Trong vài giờ đầu sau phẫu thuật, bạn có thể cảm thấy rất đau, đặc biệt khi ăn uống. Bạn sẽ được cung cấp thuốc giảm đau và được hướng dẫn cách sử dụng thuốc trước khi cơn đau trở nên nghiêm trọng.

Vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? 2
Nhiều người thắc mắc vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không?

Chảy máu

Chảy máu nguyên phát và thứ phát có thể xảy ra sau phẫu thuật ung thư lưỡi. Chảy máu trong và sau phẫu thuật là khá phổ biến. Thông thường, chảy máu có thể được kiểm soát bằng cách giữ áp lực ổn định tại vị trí phẫu thuật trong giờ đầu tiên, thường là bằng cách cắn một miếng gạc. Người bệnh có thể cần lặp lại quá trình này hai hoặc ba lần và cần theo dõi chặt chẽ tình trạng chảy máu sau phẫu thuật ung thư lưỡi.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng sau phẫu thuật ung thư lưỡi là biến chứng ít gặp, thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh tiểu đường.

Các triệu chứng của nhiễm trùng có thể bao gồm đau nhói ở vùng miệng, lưỡi hoặc các vùng xung quanh không phản ứng với thuốc giảm đau, điều này cho thấy vấn đề nghiêm trọng. Sốt sau phẫu thuật cũng là một dấu hiệu thông thường của nhiễm trùng, mức độ sốt phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người và mức độ nhiễm trùng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sưng ở nướu, hàm hoặc mặt và tiết dịch như mủ.

Thông thường, các triệu chứng này sẽ giảm dần sau một khoảng thời gian sau phẫu thuật ung thư lưỡi. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nặng hơn và gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, cần phải thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu có biến chứng nghiêm trọng từ nhiễm trùng sau phẫu thuật ung thư lưỡi, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Chăm sóc người bệnh ung thư lưỡi sau khi phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân ung thư lưỡi có thể sẽ phải ăn qua sonde trong khoảng 1 - 2 ngày. Sau đó, quyết định khi nào được phép ăn bằng đường miệng sẽ do bác sĩ quyết định. Việc lựa chọn thực phẩm cho người bệnh là một vấn đề phức tạp, vì căn bệnh khiến cho miệng bị đau như nhiệt miệng liên tục. Người bệnh thường rất muốn ăn nhưng lại gặp khó khăn và đau khi nuốt thức ăn.

Vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? 3
Người bệnh phải ăn qua sonde trong vòng 1-2 ngày sau phẫu thuật ung thư lưỡi

Do đó, đa phần người bệnh ung thư lưỡi sau phẫu thuật thường chỉ có thể ăn sữa và cháo trắng nhạt. Tuy nhiên, họ thường cảm thấy đói thường xuyên, vì vậy cần phải chia nhỏ khẩu phần và ăn nhiều bữa trong ngày. Để giảm đau và cung cấp đủ vitamin cho cơ thể, người bệnh ung thư lưỡi nên uống nước ép trái cây có độ ngọt tự nhiên như cam, ổi, dưa hấu, thanh long, bơ... Đây không chỉ dễ uống mà còn giúp làm dịu phần đau tại vùng lưỡi.

Việc uống đủ lượng nước hàng ngày là rất quan trọng để thanh lọc các chất độc trong cơ thể nên người bệnh cần cung cấp khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Có thể uống nước kết hợp với ăn uống để dễ dàng hơn trong quá trình tiêu hóa.

Vì liên quan đến vệ sinh miệng, sau khi ăn người bệnh nên tránh đánh răng để không làm kích thích niêm mạc miệng. Thay vào đó, họ có thể sử dụng nước muối hoặc nước súc miệng được bác sĩ chỉ định để vệ sinh miệng. Bệnh nhân ung thư lưỡi cũng nên hạn chế nói nhiều để tránh gây đau và mất kết quả của phẫu thuật. Vì vậy, người chăm sóc cũng nên hạn chế hỏi quá nhiều chi tiết như tình trạng của người bệnh, cảm thấy ra sao,... vì việc nói nhiều có thể làm chậm quá trình lành vết mổ. Thay vào đó, người chăm sóc có thể chuẩn bị cho người bệnh một cuốn sổ nhỏ và một chiếc bút để họ ghi lại những điều cần thiết.

Vết mổ ung thư lưỡi đau có sao không? 4
Vệ sinh miệng sạch sẽ giúp phòng ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật lưỡi, nếu người bệnh muốn ra ngoài, họ nên đeo khẩu trang y tế để bảo vệ khỏi bụi bẩn và ô nhiễm không khí bên ngoài. Tốt nhất là hạn chế ra ngoài trong thời gian phục hồi. Người chăm sóc có thể mua sách, tập thể dục tại nhà hoặc hướng dẫn tập yoga để cải thiện sức khỏe, giúp người bệnh có thể ăn uống và tiêu hóa tốt hơn.

Hơn nữa, chúng ta cũng nên hạn chế việc thăm bệnh, để người bệnh có đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, từ đó giúp họ phục hồi sức khỏe và tinh thần nhanh chóng hơn.

Tóm lại, đau sau phẫu thuật là điều khá phổ biến và thường được điều trị bằng thuốc giảm đau. Bên cạnh đau đớn, vết mổ ung thư lưỡi cũng có thể gây ra các vấn đề khác như khó khăn trong việc nói, nuốt và các cảm giác không thoải mái khác trong miệng. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải vấn đề đau đớn nghiêm trọng hoặc các biến chứng sau phẫu thuật, nên thảo luận kỹ với bác sĩ để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin