Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đặc điểm của các đường đưa thuốc

Ngày 22/06/2024
Kích thước chữ

Đường đưa thuốc vào cơ thể là yếu tố có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp thu và hiệu quả điều trị của thuốc. Các đường đưa thuốc vào cơ khác nhau thì tác dụng của thuốc cũng khác nhau.

Việc lựa chọn đường đưa thuốc phù hợp phụ thuộc vào trạng thái bệnh lý, mục đích điều trị và dạng bào chế của thuốc. Cùng tìm hiểu một số các đường đưa thuốc vào cơ thể phổ biến và các đặc điểm của chúng qua bài viết dưới đây.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đường tiêu hóa

Đường tiêu hóa là con đường đưa thuốc vào cơ thể được sử dụng phổ biến nhất với ưu điểm là đơn giản, dễ dùng. Tuy nhiên, thuốc khi dùng qua đường tiêu hóa lại dễ bị các enzym tiêu hóa phá hủy từ đó làm ảnh hưởng đến hấp thu, hiệu quả điều trị, thậm chí có thể gây kích thích niêm mạc tiêu hóa, viêm loét khi sử dụng.

Qua niêm mạc miệng: Thuốc đặt dưới lưỡi, thuốc viên ngậm

Khi sử dụng thuốc qua đường uống, thuốc chỉ lưu lại ở khoang miệng trong một thời gian rất ngắn, hầu như không có sự hấp thu rồi được chuyển nhanh xuống dạ dày.

Tuy nhiên, đối với thuốc viên ngậm, thuốc đặt dưới lưỡi, các hoạt chất sẽ được hấp thu qua niêm mạc miệng vào vòng tuần hoàn. Niêm mạc miệng có lớp biểu mô mỏng, có nhiều mạch máu nên thuốc được hấp thu qua con đường này sẽ được vận chuyển trực tiếp vào hệ tuần hoàn, không qua gan.

Do đó, làm tăng sinh khả dụng của thuốc, hạn chế được quá trình chuyển hóa qua gan lần đầu và các yếu tố ảnh hưởng của dạ dày đối với thuốc.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đặc điểm của các đường đưa thuốc 2
Đường tiêu hóa là một trong số các đường đưa thuốc vào cơ thể

Hiện nay, một số được bào chế dưới dạng đặt dưới lưỡi cho tác dụng nhanh chóng như thuốc chống đau thắt ngực, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc kháng viêm,…

Qua ống tiêu hóa (Thuốc dùng đường uống)

Sau khi uống, thuốc sẽ qua miệng, từ khoang miệng đi nhanh qua thực quản rồi chuyển xuống dạ dày và qua ruột với các đặc điểm sau:

Tại dạ dày

Hệ thống mao mạch ở dạ dày ít hơn nhiều so với ruột non, pH dịch dạ dày lại rất thấp (pH từ 1 - 3), thời gian lưu thuốc không dài khiến cho phần lớn các thuốc ít hấp thu qua niêm mạc dạ dày. Các thuốc được hấp thu ở dạ dày chủ yếu là các thuốc có hệ số phân bố lipid/nước cao và các thuốc có bản chất là acid yếu.

Tại niêm mạc ruột non

Niêm mạc ruột non là nơi hấp thu hầu hết các thuốc dùng đường uống và cũng là nơi hấp thu tốt nhất tại đường tiêu hóa với các đặc điểm như sau:

  • Diện tích tiếp xúc lớn: Ruột non bao gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng được chia thành các vi nhung mao nên diện tích hấp thu của ruột non được tăng lên rất nhiều.
  • Chứa các enzyme tiêu hóa phân giải thuốc: Tại ruột non có chứa dịch tụy (có các enzym amylase, esterase, chymotrypsin, lipase...), dịch mật (chứa acid mật, muối mật) và dịch ruột (chứa mucin, lipase, natri bicarbonat, invertase,...).
  • Khoảng pH rộng hấp thu được nhiều thuốc có tính kiềm hoặc acid khác nhau.

Tại tá tràng

Thời gian thuốc lưu tại tá tràng khá ngắn, mức độ hấp thu thuốc thấp, chỉ hấp thu được một số thuốc được hấp thu như acid amin, chất điện giải, muối sắt, griseofulvin, penicillin.

Tại hỗng tràng, hồi tràng

Thời gian thuốc lưu lại hỗng tràng và hồi tràng tương đối lâu, diện tích tiếp xúc lớn, hấp thu được hầu hết những phần thuốc còn lại.

Qua qua trực tràng: Thuốc đặt hậu môn

Trực tràng là phần cuối cuối ruột già (trực tràng) có khả năng hấp thu thuốc tốt hơn vì có hệ tĩnh mạch phong phú. Khi lựa chọn đường đưa thuốc tại trực tràng, thuốc sẽ được hấp thu vào tĩnh mạch trực tràng dưới và đổ thẳng thẳng vào tĩnh mạch chủ dưới mà không cần qua gan.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đặc điểm của các đường đưa thuốc 5
Thuốc dùng qua đường trực tràng cho tác dụng tại đích

Điều này sẽ giúp hạn chế chuyển hóa thuốc qua gan lần đầu từ đó giúp tăng sinh khả dụng của thuốc, đồng thời tránh được các yếu tố gây ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc tại tiêu hóa so với thuốc dùng đường uống.

Đưa thuốc qua đường trực tràng phù hợp với người mắc các bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày, người không sử dụng được thuốc đường uống, người không uống được như hôn mê, tắc ruột,… Tuy nhiên, nhược điểm của đường đưa thuốc này là thuốc có thể hấp thu không hoàn toàn và có thể gây kích ứng niêm mạc hậu môn.

Hầu hết, các thuốc dùng qua đường trực tràng (thuốc đặt hậu môn) được sử dụng với đích cho tác dụng tại chỗ (điều trị táo bón, trĩ, viêm trực tràng,…). Ngoài ra, nó còn được bảo chế để có tác dụng toàn thân như thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc hạ sốt, giảm đau,…

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đường tiêm

Đường tiêm là một trong các đường đưa thuốc vào cơ thể chủ yếu, chỉ sau đường tiêu hóa. Quá trình đưa thuốc bằng đường tiêm có nhiều ưu điểm như tránh được sự hao hụt của thuốc khi vận chuyển qua ống tiêu hóa do thức ăn, tránh bị phân hủy do acid của dịch vị, enzyme, tránh tác động của vòng tuần hoàn đầu. Các đường tiêm được sử dụng chính bao gồm là tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

Tiêm tĩnh mạch

Tiêm tĩnh mạch là đường đưa thuốc tại đích, đưa thuốc thẳng vào tuần hoàn nên thuốc hấp thụ hoàn toàn, sinh khả dụng đạt 100%. Hầu hết các đường tiêm tĩnh mạch được sử dụng trong trường hợp cần can thiệp nhanh như cấp cứu sốc phản vệ, đột quỵ,...

Tuy nhiên, cần lưu ý tốc độ khi tiêm truyền tĩnh mạch bởi nếu tiêm nhanh có thể tạo ra nồng độ thuốc cao đột ngột từ đó gây hạ huyết áp, trụy mạch, thậm chí nguy hiểm hơn là tử vong.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đặc điểm của các đường đưa thuốc 3
Tiêm tĩnh mạch thường được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu

Bên cạnh đó, cần chú ý không tiêm tĩnh mạch các hỗn dịch, các dung dịch dầu, các chất gây tan máu, các chất không đồng tan với máu, độc với tim, các chất gây kết tủa protein huyết tương.

Tiêm bắp

Tiêm bắp là đường đưa thuốc được dùng phổ biến nhằm đưa thuốc vào sâu trong các cơ chọn lọc của cơ thể. Tại cơ bắp có hệ thống mạch máu lớn, thuốc lúc này sẽ được nhanh chóng hấp thu vào hệ tuần hoàn và cho tác dụng. Tiêm bắp được tiến hành tại chủ yếu các vị trí như cơ delta, cơ đùi ngoài, cơ sau tại mông, cơ vùng sau ngoài tại mông.

Tiêm dưới da

Tiêm dưới da là trong những kỹ thuật tiêm quan trọng có vai trò đưa thuốc vào tổ chức mô liên kết dưới da của bệnh nhân. Vì mô dưới da có ít mạch máu nên thuốc sẽ được hấp thu với tốc độ ổn định, cho hiệu quả cao trong việc kiểm soát lượng thuốc đưa vào cơ thể.

Tiêm dưới da là đường đưa thuốc thích hợp với vắc xin (vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan B, bệnh sởi, quai bị và bệnh Rubella), hormone tăng trưởng, insulin, một số loại thuốc giảm đau chẳng hạn như morphine và các chất cần được dùng liên tục với liều lượng thấp.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Qua da

Hai đường đưa thuốc qua da phổ biến là bôi ngoài da và miếng dán đặt dưới da. Thuốc dùng qua da sẽ được hấp thu từ lớp biểu bì, sau đó đến khớp nối trung bì – biểu bì, cuối cùng hoạt chất sẽ theo mạch máu vào vòng tuần hoàn.

Bôi ngoài da

Một số dạng bào chế bôi ngoài da được sử dụng phổ biến như như kem, dầu, thuốc mỡ, nhũ tương nhằm cho các tác dụng tại chỗ.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Đặc điểm của các đường đưa thuốc 4
Thuốc thường được bào chế dưới dạng kem, dầu để bôi ngoài da

Việc hấp thu thuốc qua da có thể có thể gây độc cho người sử dụng do đó cần phải lưu ý một số vấn đề khi dùng thuốc. Da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng hấp thu thuốc tốt hơn, do đó cần thận trọng khi dùng thuốc ngoài da cho trẻ.

Miếng dán qua da

Hiện nay, ngoài dạng bôi trên da, người ta còn bào chế thuốc dưới dạng miếng dán giúp giải phóng thuốc chậm và đều qua da, duy trì được lượng thuốc ổn định trong máu.

Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Qua phổi

Tại đường đưa thuốc qua phổi, thuốc sẽ được hấp thu qua các tế bào biểu mô phế nang, niêm mạc đường hô hấp, thường sử dụng các chất khí và các thuốc bay hơi.

Sự hấp thu thuốc qua phổi phụ thuộc vào sự thông khí hô hấp, độ hòa tan của thuốc mê trong máu và nồng độ của thuốc. Một số thuốc thường được sử dụng để đưa thuốc vào cơ thể qua phổi nhằm điều trị tại chỗ như thuốc điều trị hen phế quản.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin về các đường đưa thuốc vào cơ thể. Mỗi đường đưa thuốc khác nhau có những đặc điểm khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý mà lựa chọn đường đưa thuốc thích hợp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin