Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bút tiêm insulin là gì? Hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản bút tiêm insullin

Ngày 25/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiêm insulin là liệu pháp điều trị dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, bút tiêm insulin đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhờ sự tiện lợi và nhanh gọn của nó. Cùng tìm hiểu bút tiêm insulin là gì, các loại bút tiêm insulin và đặc điểm của chúng nhé!

Bút tiêm insulin là công cụ hỗ trợ người mắc đái tháo đường có thể tự tiêm insulin tại nhà một cách dễ dàng và chính xác. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại bút tiêm insulin khác nhau khiến bệnh nhân chưa hiểu rõ và không biết nên mua loại nào. Tìm hiểu về bút tiêm insulin là gì cũng như các loại bút giúp cho người bệnh có thể tự mua loại bút phù hợp và an toàn nhất.

Bút tiêm insulin là gì?

Bút tiêm insulin là thiết bị y tế được dùng để tiêm insulin vào cơ thể nhằm điều trị bệnh tiểu đường. Insulin là một hormone cần thiết để điều chỉnh nồng độ đường trong máu. Người bị tiểu đường có thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả, do đó cần phải tiêm insulin từ bên ngoài. Do đó, bút tiêm insullin còn gọi là bút tiêm tiểu đường.

Bút tiêm insulin là một thiết bị nhỏ gọn, giống như một cây bút, chứa một ống tiêm có đầu nhọn để tiêm insulin vào dưới da. Bút tiêm insulin thường có cơ chế cơ điều chỉnh liều lượng, cho phép người dùng chọn liều insulin cần tiêm. Một số bút tiêm tiểu đường cũng có chức năng ghi nhớ lượng insulin đã được tiêm và thời gian tiêm.

Cấu tạo bút tiêm insulin

Bút tiêm insulin nhỏ gọn, tiện lợi và đặc biệt bệnh nhân có thể sử dụng trực tiếp tại nhà khiến nhiều người càng ưa chuộng thiết bị y tế này hơn cả. Vậy cấu tạo của bút tiêm insulin như thế nào? 

Cấu tạo bút tiêm insulin khá đơn giản với hình thức bên ngoài giống như một chiếc vỏ bút và bên trong là kim tiêm. 

Bút tiêm insulin là gì? Các loại bút tiêm insulin tiểu đường
Cấu tạo bút tiêm insulin thường khá giống nhau 

Có nhiều loại bút khác nhau nhưng chúng thường được cấu tạo bởi các thành phần cơ bản sau: 

  • Nắp bút: Bảo vệ đầu kim tiêm.
  • Nệm cao su bảo vệ: Ở dưới phần nắp bút.
  • Buồng chứa insulin: Được nạp sẵn một lượng insulin xác định.
  • Cửa sổ chỉ liều: Cửa sổ nhỏ ghi các số 1, 2, 3,...
  • Vòng xoay chọn liều: Khi sử dụng bạn xoay vòng chọn liều theo chiều kim đồng hồ đến vạch số “2”.
  • Nắp kim ngoài và nắp kim trong: Sau khi sử dụng bạn nên giữ lại nắp ngoài để giúp bạn tháo kim tiêm dễ dàng hơn.
  • Miếng dán bảo vệ: Bảo vệ đầu mũi kim tiêm.
  • Mũi kim tiêm: Được bán rời với bút.
  • Núm bút: Ấn từ từ vào núm ở đuôi bút để tiêm.

Lưu ý: Hiện nay có rất nhiều thương hiệu sản xuất bút tiêm insulin cho bệnh nhân tại nhà và các cơ sở y tế. Mỗi bút tiêm sẽ có một vài chi tiết nhỏ khác nhau dẫn đến cách sử dụng bút tiêm insulin cũng sẽ khác nhau. Vì vậy trước khi sử dụng bút tiêm tại nhà bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ lưỡng cách sử dụng hợp lý nhất.

Có các loại bút tiêm insulin nào?

Bút tiêm insulin không còn là thiết bị y tế xa lạ trong gia đình đặc biệt đối với gia đình có thành viên mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý liên quan đến đường huyết. Bút tiêm tiểu đường được sản xuất khá nhiều loại hiện nay trên thị trường, mỗi loại đều phù hợp với những nhu cầu sử dụng khác nhau. 

Có các loại bút tiêm insulin nào?
Bút tiêm insulin được chia thành nhiều loại khác nhau

Hiện nay có 2 loại bút tiêm insulin phổ biến đó là bút tiêm insulin sử dụng một lần và bút tiêm insulin tái sử dụng. 

  • Bút tiêm insulin dùng một lần: Được nạp sẵn insulin, thường có cấu tạo một ống insulin 3ml. Khi sử dụng hết insulin trong ống người bệnh có thể bỏ đi và mua bút mới trong lần tiêm tiếp theo.
  • Bút tiêm insulin tái sử dụng: Thường đi kèm với hộp insulin, mỗi hộp được nạp sẵn một lượng insulin nhất định. Khi sử dụng hết insulin trong hộp thì có thể thay thế một hộp insulin mới vào bút để sử dụng cho lần tiêm tiếp theo. Đây là bút tiêm được nhiều bệnh nhân sử dụng vì so với bút dùng một lần thì đây là biện pháp tiết kiệm chi phí hơn về lâu dài.

Khi cần sử dụng bút trong thời gian dài, bạn nên cân nhắc mua bút insulin tái sử dụng. Ban đầu, bút tiêm insulin tái sử dụng có thể đắt hơn so với bút tiêm dùng một lần, nhưng hộp insulin thay thế cho bút tái sử dụng lại rẻ hơn nên sẽ là biện pháp kinh tế hơn cho người điều trị bệnh tiểu đường lâu dài.

Bút tiêm insulin là gì, Các loại bút tiêm insulin phổ biến
Tiêm insulin tại nhà tốt cho người bị bệnh tiểu đường

Cách sử dụng bút tiêm insulin

Mỗi loại bút tiêm tiểu đường sẽ có cách sử dụng riêng. Để đảm bảo dùng bút tiêm đúng cách, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được đính kèm khi mua sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia y tế để được hướng dẫn cụ thể nhất.

Dưới đây là một số bước cơ bản khi sử dụng bút tiêm insulin mà bạn có thể tham khảo:

Bước 1: Kiểm tra insulin

Trong bước này, bạn cần chú ý:

  • Kiểm tra tên trên nhãn bút để đảm bảo tiêm đúng loại insulin, tránh trường hợp sử dụng sai loại bút tiêm. Đồng thời, kiểm tra hạn sử dụng của bút tiêm, không được tiêm insulin đã hết hạn.
  • Tháo nắp bút.
  • Kiểm tra tình trạng insulin trong bút tiêm. Mỗi loại insulin khác nhau sẽ có màu sắc khác nhau. Nhưng lưu ý chung là không dùng insulin bị vẩn đục, có hạt và lợn cợn.

Bước 2: Gắn kim

Bạn luôn luôn phải dùng kim mới vô khuẩn cho mỗi lần tiêm, nhằm bảo vệ người dùng khỏi tình trạng nhiễm khuẩn hoặc kim bị nghẽn trong quá trình tiêm. Sau đó, thực hiện lần lượt các thao tác sau:

  • Tháo bao bì của kim mới. Chọn kim mới phù hợp với loại bút tiêm insulin.
  • Gắn kim vào thân bút.
Hướng dẫn cách sử dụng bút tiêm insulin an toàn, hiệu quả 3
Tiêm insulin theo liều lượng đúng chỉ định của bác sĩ

Bước 3: Làm test an toàn

Làm test an toàn trước khi tiêm nhằm đảm bảo bút tiêm và kim tiêm hoạt động bình thường. Cụ thể:

  • Chọn liều phù hợp với mỗi loại bút tiêm. Điều này thường được ghi rõ trên hướng dẫn sử dụng của từng loại bút.
  • Ấn hết chiều sâu nút tiêm. Nếu thấy insulin trào ra ở đầu kim tức là bút đang hoạt động bình thường.

Nếu không thấy insulin trào ra, nên lặp lại bước này. Nếu vẫn không có thay đổi, có thể kim đã bị nghẽn, bạn nên thay kim mới. Sau khi thay kim vẫn phải làm test an toàn.

Không dùng bút tiêm nếu không thấy insulin trào ra ở đầu mũi kim.

Bước 4: Chọn liều

Trước khi thực hiện bước này, cần đảm bảo đã gắn kim vào bút.

Mỗi loại bút tiêm insulin sẽ có cách chọn liều khác nhau. Bạn nên đọc hướng dẫn sử dụng để thực hiện cho đúng.

Bước 5: Tiêm thuốc

Thực hiện như sau:

  • Chọn vị trí tiêm insulin đã được hướng dẫn bởi bác sĩ hoặc trong tờ hướng dẫn của bút tiêm.
  • Chích kim vào da.
  • Cách tiêm insulin là đặt ngón cái lên đầu núm bút, đâm kim vuông góc vào bề mặt da và nhấn nút tiêm. Ấn từ từ vào đầu núm ở đuôi bút để tiêm cho đến khi chữ số chỉ liều trở về 0.
  • Giữ bút tại vị trí đó và chờ khoảng 5 - 10 giây sau đó mới rút kim ra.

Bước 6: Tháo và hủy kim tiêm

Cẩn thận lấy nắp ngoài của kim tiêm để đậy kim lại, dùng nó để tháo kim ra khỏi bút. Hủy bỏ kim theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cuối cùng, đậy nắp bút và bảo quản bút tiêm insulin cẩn thận cho các lần tiêm kế tiếp. 

Cách bảo quản bút tiêm insulin

Đối với bút mới, chưa dùng thì cần bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 5 - 8 độ C. Nên tránh đặt bút tiêm vào phần cửa tủ lạnh vì dễ làm bút bị xê dịch ảnh hưởng đến chất lượng insulin bên trong. Với bút đã sử dụng thì có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Không nên dùng dùng bút tiêm với người khác.

Tham khảo giá các loại bút tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường 6
Nên chuẩn bị một chiếc túi giữ lạnh insulin để bảo quản tốt nhất

Gợi ý một số bút tiêm insulin chất lượng cho người bệnh tiểu đường

Bút tiêm insulin Mixtard 30 Flexpen

Mixtard 30 Flexpen là bút tiêm dành cho người bệnh tiểu đường có bơm sẵn hỗn dịch tiêm. Sản phẩm là loại insulin tác dụng kép, làm giảm glucose huyết bằng cách giúp cho sự hấp thu glucose dễ dàng hơn sau khi insulin gắn kết vào thụ thể trên tế bào cơ và tế bào mỡ của cơ thể, đồng thời ức chế sản xuất glucose từ gan.

Cách dùng của sản phẩm là tiêm dưới da vào vùng đùi hoặc thành bụng. Ngoài ra, vùng mông hoặc vùng cơ delta cũng có thể tiêm được. Nên giữ kim tiêm ở dưới da ít nhất 6 giây nhằm đảm bảo toàn bộ liều insulin đã được tiêm cho bệnh nhân.

Bút tiêm Insulatard FlexPen 100IU/3ml

Bút tiêm Insulatard FlexPen 100IU/3ml có thành phần chính là Insulin human (NPH) - một insulin có tác dụng kéo dài, dùng để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường. Sản phẩm được bào chế dưới dạng hỗn dịch đựng trong bút tiêm. Khi dùng, người bệnh chỉ cần tiêm trực tiếp vào dưới da, có thể là vùng đùi, thành bụng, vùng mông hoặc vùng cơ delta.

Gợi ý Các loại bút tiêm insulin tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường
Insulatard FlexPen 100IU/3ml là một loại bút tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường

Bút tiêm Novomix 30 FlexPen

Novomix 30 FlexPen là bút tiêm cho bệnh nhân đái tháo đường chứa thành phần hỗn dịch 2 pha của insulin aspart hoà tan (tức insulin analogue tác dụng nhanh) và insulin aspart kết tinh với protamine (tức là insulin analogue tác dụng trung bình) theo tỷ lệ 30/70.

Khi tiêm sản phẩm dưới da, thuốc sẽ khởi phát tác dụng trong vòng từ 10 - 20 phút. Đỉnh tác dụng trong khoảng 1 - 4 giờ sau tiêm. Thời gian thuốc tác dụng kéo dài đến 24 giờ.

Bút tiêm Novorapid FlexPen 100UI/ml

Bút tiêm Novorapid FlexPen 100UI/ml có thành phần chính là insulin aspart - loại insulin được sản xuất thông qua kỹ thuật DNA tái tổ hợp trong tế bào Saccharmyces cerevisiae, có tác dụng hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết đối với bệnh tiểu đường ở cả người lớn và trẻ em.

Sản phẩm được bào chế dạng dung dịch tiêm bơm sẵn trong bút tiêm, với tỉ lệ 100IU insulin aspart trên 1ml dung dịch.

Các loại bút tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường 6
Bút tiêm Novorapid FlexPen 100UI/ml có chứa insulin aspart

Bút tiêm Lantus Solostar

Bút tiêm Lantus Solostar là một sản phẩm của Sanofi - công ty dược phẩm hàng đầu thế giới có trụ sở tại Pháp. Dung dịch tiêm trong sản phẩm có thành phần chính là insulin glargin. Đây là một loại insulin biến đổi, rất giống insulin trong cơ thể người, được sản xuất bằng công nghệ sinh học, mang đến tác động hạ thấp đường huyết kéo dài và bền vững.

Sản phẩm dùng được cho người lớn, thiếu niên và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Bút tiêm insulin Levemir FlexPen 100U/ml

Bút tiêm insulin Levemir FlexPen 100U/ml dùng để điều trị bệnh tiểu đường cho người lớn, thiếu niên và trẻ em từ 1 tuổi trở lên. Đây là sản phẩm của Công ty Novo Nordisk A/S, xuất xứ từ Đan Mạch. Dung dịch trong bút tiêm chứa thành phần chính là insulin detemir, có thời gian tác dụng lên đến 24 giờ tùy thuộc vào liều sử dụng của bệnh nhân (1 lần hoặc 2 lần mỗi ngày).

Các loại bút tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường 7
Bút tiêm Insulin Levemir FlexPen 100U/ml dùng để điều trị bệnh tiểu đường

Bút tiêm Toujeo Solostar 300U/ml

Toujeo Solostar 300U/ml chứa dung dịch tiêm có thành phần chính là insulin glargine. Đây là một chất tương đồng với insulin trong cơ thể người, được thiết kế để có độ hòa tan thấp ở độ pH trung tính. Sau khi tiêm vào mô dưới da của bệnh nhân tiểu đường, dung dịch có tính axit được trung hòa, kết quả là sự hình thành một kết tủa, từ đó phóng thích liên tục lượng nhỏ insulin glargine.

Bút tiêm Saxenda 6mg/ml

Bút tiêm Saxenda 6mg/ml với thành phần chính là liraglutide sẽ hỗ trợ cho chế độ ăn uống giảm calo và tăng hoạt động thể lực nhằm quản lý cân nặng đối với bệnh nhân béo phì, người bị rối loạn đường huyết (bao gồm tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường type 2), cao huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc ngưng thở khi ngủ.

Người bệnh có thể dùng bút tiêm này vào bất kỳ lúc nào trong ngày mà không cần phụ thuộc bữa ăn. Tuy nhiên, chỉ dùng 1 lần/ngày. Nhà sản xuất khuyến cáo nên tiêm vào khu vực bụng, bắp đùi hoặc trên cánh tay.

Các loại bút tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường 9
Bút tiêm Saxenda 6mg/ml chứa thành phần chính là liraglutide

Lưu ý khi lựa chọn mua bút tiêm insulin

Hiểu về bút tiêm insulin sẽ giúp bệnh nhân chọn mua được loại bút phù hợp trong quá trình điều trị bệnh. Cần cân nhắc những yếu tố sau để mua được bút tiêm an toàn, mang lại hiệu quả:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Bút tiêm tiểu đường sẽ được nạp sẵn một lượng insulin xác định nhưng không phải bút nào cũng nạp insulin giống nhau. Có bút cung cấp insulin tác dụng nhanh, có bút cung cấp insulin tác dụng kéo dài hoặc kết hợp cả hai. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi mua về loại insulin nào nên dùng để lựa chọn bút tiêm phù hợp cho mình.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của bút tiêm trước khi mua: Không mua bút tiêm insulin đã quá hạn. Thường bút tiêm mới có hạn là 1 năm, các bút tiêm đã sử dụng thì khoảng 10 - 28 ngày.
  • Chất lượng insulin trong bút: Nếu insulin đã bị đổi màu, vón cục hay đông cứng thì không nên mua.
  • Mua tại địa chỉ uy tín: Bút tiêm insulin là dụng cụ thuận tiện và phổ biến nên được phân phối và lưu hành rộng rãi tại các nhà thuốc lớn nhỏ trên cả nước. Nên mua bút tiêm có nguồn gốc rõ ràng để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Nhà thuốc Long Châu là địa chỉ uy tín cung cấp các sản phẩm bút tiêm tiểu đường chính hãng mà quý khách hàng có thể tham khảo. Đồng thời, để giảm thiểu rác thải nhựa và giúp khách hàng tiết kiệm một khoản chi phí, Long Châu tự hào là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ “Thu cũ đổi mới bút tiêm tiểu đường”.

Các loại bút tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường 8
Nhà thuốc Long Châu triển khai dịch vụ “Thu cũ đổi mới bút tiêm tiểu đường”

Trên đây là những kiến thức cơ bản về các loại bút tiêm insulin mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ tìm mua được bút tiêm insulin phù hợp nhất và đem lại hiệu quả cao khi tự tiêm insulin tại nhà. Bút insulin là một thiết bị y tế không nên thiếu của mỗi gia đình Việt có bệnh nhân mắc bệnh đường huyết. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm