Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Đau bả vai: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau bả vai là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến do nhiều nguyên nhân. Vai có phạm vi chuyển động rộng, vì thế vị trí này có nhiều nguy cơ bị chấn thương. Một số nguyên nhân gây đau bả vai phổ biến bao gồm căng cơ, viêm khớp và trật khớp. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm khả năng đưa đến biến chứng của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cấu tạo vai

Khớp vai là một trong những khớp lớn và có cấu tạo khá phức tạp với các thành phần lớn là xương, sụn khớp, gân, cơ, dây chằng.

  • Hệ thống xương: Đầu trên xương cánh tay, xương bả vai, xương đòn.
  • Hệ thống khớp: Khớp ổ chảo - cánh tay, khớp cùng đòn, khớp ức - đòn, khớp bả vai - lồng ngực.
  • Chóp xoay: Sụn quanh các khớp, bao khớp vai, dây chằng, cơ và gân cơ (có 8 cơ từ xương vai bám tận vào xương cánh tay).

Đau bả vai là gì?

Đau bả vai là bất kỳ sự khó chịu và đau đớn mà bạn cảm nhận được ở vùng vai. Vai là một khớp hỗ trợ khá nhiều hoạt động của chi trên. Do tần suất sử dụng liên tục nên vai có nhiều nguy cơ bị tổn thương hơn và dẫn đến đau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau bả vai

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh có thể có một số triệu chứng đặc trưng của đau bả vai bao gồm:

  • Đau nhói, đau dữ dội tại vùng bả vai, tăng lên khi vận động vùng vai;
  • Đau lan đến các vùng lân cận như cổ, cánh tay, cẳng tay, bàn và ngón tay;
  • Đau có thể tăng lên về đêm, đau liên tục, không có yếu tố giúp giảm đau, ảnh hưởng đến giấc ngủ;
  • Sưng, nóng, đỏ tại vị trí đau;
  • Sưng và bầm tím tại vị trí đau và các vùng lân cận;
  • Giảm khả năng vận động của vai và cánh tay;
  • Có thể kèm theo dị cảm, tê, châm chít vai hoặc cánh tay;
  • Đau thắt ngực lan đến vai, đau từ thượng vị lan đến vai,...
Đau bả vai: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 1
Vùng vai với cấu tạo phức tạp

Biến chứng của đau bả vai

Đau bả vai là một tình trạng phổ biến và có nhiều nguyên nhân gây ra từ thông thường đến phức tạp. Nếu tình trạng đau vai trầm trọng hơn hoặc kéo dài hơn một vài ngày, người bệnh có thể bị chấn thương ở vai hoặc một tình trạng tiềm ẩn gây đau. Một số biến chứng nguy hiểm của đau bả vai gồm:

  • Tổn thương mô mềm, thần kinh hoặc mạch máu vì các mạng lưới này đi qua vùng vai khá phức tạp.
  • Gãy xương, trật khớp, chấn thương chóp xoay gây hạn chế vận động thậm chí tàn tật.
  • Các bệnh lý tiềm ẩn gây đau vai quy chiếu không được điều trị sớm, dẫn đến những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tổng thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần lập tức đến gặp bác sĩ nếu có tình trạng đau bả vai kèm theo một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau sau chấn thương có kèm biến dạng khớp vai;
  • Không có khả năng nâng, di chuyển và sử dụng tay;
  • Đau tăng lên vào ban đêm, đau liên tục, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi;
  • Đau kéo dài nhiều ngày không giảm;
  • Đau kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng gồm sốt, mệt mỏi, sưng, nóng, đỏ nhiều vùng vai đau;
  • Đau ngực, đau bụng, hoặc một triệu chứng khác mà không thể giải thích được nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu của đau quy chiếu (đau từ nơi khác lan đến vai).

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau bả vai

Đau bả vai có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bả vai để có thể điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa tái phát.

Trật khớp vai

Trật khớp vai là một trong những chấn thương vai rất thường gặp, chiếm tỷ lệ 50 - 60% các loại trật khớp. Trật khớp vai xảy ra khi chỏm xương cánh tay trật ra khỏi ổ chảo của xương bả vai. Khi bị tình trạng này, người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội, sưng bầm tại vùng vai, giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động khớp vai, trục bả vai - cánh tay biến dạng do với bình thường, có thể xoay ngoài từ 30 - 40 độ. Trật khớp vai có thể do chấn thương trong thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sau đột quỵ,...

Gãy xương vai

Xương bả vai rất khó gãy, tuy nhiên xương đòn thì khá dễ bị tổn thương. Người bệnh gãy xương vai sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội, sưng nề và bầm tím nặng ở vùng bả vai. Các xương bả vai có thể bị gãy, nứt do bị ngã hoặc tác động bởi một lực mạnh, hoặc gãy do loãng xương dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Hội chứng chóp xoay

Chóp xoay gồm 4 gân chính là gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai, gân cơ dưới vai và gân cơ tròn bé. Hội chứng chóp xoay có thể xảy ra do chấn thương khi chơi thể thao, hoạt động quá tầm, thoái hóa gân cơ hoặc viêm gân cơ chóp xoay mà không được điều trị. Người bệnh có hội chứng chóp xoay thường bị hạn chế tầm vận động của vai trong một số động tác như chải đầu, mặc áo, đưa tay ra phía sau lưng, đau vùng vai, có thể lan lên cổ, xuống cánh tay nhưng không quá khuỷu.

Đau bả vai: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 2
Hội chứng chóp xoay

Hội chứng đông đặc khớp vai

Đây là một hội chứng thường gặp ở vùng vai, do sự dày lên, co cứng và dính của bao khớp vai, thường xuất hiện trong khoảng 40 - 60 tuổi, ở nữ nhiều hơn nam. Hội chứng này dẫn đến đau vai, tăng về đêm, cứng khớp theo từng giai đoạn, giới hạn vận động khớp vai. Hội chứng đông đặc khớp vai có thể xảy ra sau phẫu thuật, chấn thương, bất động lâu ngày,...

Thoái hóa khớp vai

Do tần suất hoạt động liên tục nên khớp vai thường dễ bị thoái hóa do sụn và xương dưới sụn của bị bào mòn dẫn đến mỏng và yếu dần. Khi bị thoái hóa khớp vai, người bệnh sẽ thấy khớp vai thường xuyên đau âm ỉ, có thể đau dữ dội trong những đợt cấp, cứng khớp buổi sáng, vận động khó khăn, phát ra tiếng kêu lạo xạo,…

Viêm khớp vai

Là tình trạng đau cấp tính và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương gân, cơ, bao khớp, dây chằng, sụn khớp,… do thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp sau chấn thương,… Viêm khớp vai thường gây ra tình trạng đau chói dữ dội, sưng, nóng, đỏ, đau có thể lan lên cổ và xuống cánh tay.

Đau quy chiếu

Một số bệnh lý có thể dẫn đến đau quy chiếu lên vùng vai bao gồm: Cơn đau thắt ngực do tim, viêm phổi, ung thư phổi, đau quặn mật, viêm loét dạ dày,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau bả vai?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc đau bả vai gồm:

  • Vận động viên thể thao;
  • Người bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hoạt động quá tầm;
  • Người mắc đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh tim mạch, sỏi mật, ung thư;
  • Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ;
  • Người có tiền sử chấn thương hoặc phẫu thuật vùng vai, sau đột quỵ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau bả vai

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau bả vai bao gồm:

  • Thói quen khuân vác nặng lên vai;
  • Ngủ nghiêng người đè ép lên vai;
  • Hoạt động quá tầm vận động khớp vai hoặc tập luyện sai tư thế;
  • Hút thuốc lá;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Kiểm soát kém các bệnh lý nền.
Đau bả vai: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 3
Ngủ nghiêng có thể gây đau bả vai

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đau bả vai

Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân gây đau bả vai và cung cấp cho người bệnh các chiến lược điều trị phù hợp.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi cụ thể về bệnh sử, thời gian bắt đầu đau, tính chất cơn đau, các yếu tố nguy cơ gây đau và tiền sử bệnh lý bản thân. Sau đó, bác sĩ tiến hành kiểm tra toàn diện để tìm ra nguyên nhân gây đau vai của bạn. Họ sẽ quan sát phạm vi chuyển động của vai và sức cơ của các cơ ở vai.

Để hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm cụ thể như sau:

  • X-quang: Cho thấy các tổn thương ở các xương cấu tạo nên khớp vai.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm: Những cận lâm sàng hình ảnh này giúp quan sát tốt hơn hình ảnh về các mô mềm. MRI có thể giúp bác sĩ xác định các tổn thương ở dây chằng và gân xung quanh khớp vai.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Công cụ này cho các hình ảnh rất chi tiết về xương ở vùng vai.
  • Điện cơ: Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu xét nghiệm này để đánh giá chức năng thần kinh chi trên.
  • Nội soi khớp: Cho thấy các tổn thương mô mềm trực tiếp khi khám thực thể, chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác không rõ ràng. Ngoài việc giúp tìm ra nguyên nhân gây đau, nội soi khớp có thể được sử dụng để điều trị bằng phẫu thuật.

Phương pháp điều trị đau bả vai

Điều trị không dùng thuốc

Bao gồm nghỉ ngơi, thay đổi các hoạt động gây tổn thương vai, tập vật lý trị liệu, châm cứu và xoa bóp bấm huyệt giúp bạn cải thiện sức cơ và tính linh hoạt của vai. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh cố định vai trong một thời gian bằng dây đeo giúp vai hạn chế cử động và hồi phục các tổn thương.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm viêm và giảm đau. Nếu thuốc được kê đơn để giảm đau, chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị tiêm thuốc gây tê hoặc steroid để giảm đau.

Phẫu thuật

Hầu hết người bệnh đau bả vai sẽ đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn như thay đổi hoạt động, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu và dùng thuốc.

Một số loại vấn đề gây đau bả vai như trật khớp tái phát và rách ở chóp xoay có thể không cải thiện với điều trị bảo tồn. Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể được khuyến nghị khá sớm. Phẫu thuật nội soi khớp và tiến hành loại bỏ mô sẹo hoặc sửa chữa các mô bị rách hoặc phẫu thuật mở để tái tạo các trường hợp tổn thương lớn hơn hoặc thay thế khớp vai.

Đau bả vai: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 4
Phẫu thuật nội soi khớp vai

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau bả vai

Chế độ sinh hoạt:

Bạn có thể giảm đau tại nhà với phương pháp RICE bao gồm các bước:

  • Nghỉ ngơi;
  • Chườm đá;
  • Cố định;
  • Nâng cao chân.

Tập vận động khớp vai với sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu giúp giảm tình trạng cứng khớp.

Tự xoa bóp vai với các động tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương thêm các cơ và khớp.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh đau bả vai có thể áp dụng chế độ dinh dưỡng như sau giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh như:

  • Thực phẩm chống viêm: Nhóm thực phẩm này cung cấp nhiều chất chống viêm, chống oxy hóa. Có thể kể đến như các loại quả mọng, cá béo (cá hồi, cá trích,...), súp lơ, trà xanh, nấm, ớt chuông,...
  • Thực phẩm giàu calci: Nhóm thực phẩm này cung cấp calci giúp hệ xương khớp chắc khỏe. Có thể bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá nhỏ ăn luôn vỏ, các loại đậu và rau lá xanh,...
  • Thực phẩm giàu vitamin D: Bổ sung các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ, lòng đỏ trứng, nấm,... là những thực phẩm giàu vitamin D.
Đau bả vai: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 5
Quả mọng chứa nhiều chất chống viêm

Phòng ngừa đau bả vai

Để phòng ngừa đau bả vai hiệu quả, bạn hãy tham khảo một số biện pháp dưới đây:

  • Khởi động kỹ các khớp trước khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh.
  • Hạn chế vận động khớp vai liên tục, ở cường độ cao trong thời gian dài để tránh tổn thương cơ, dây chằng và sụn khớp.
  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý sau khi hoạt động thể lực để cơ thể phục hồi sự dẻo dai và linh hoạt.
  • Tăng cường luyện tập những bài tập giúp kéo giãn cơ xương, tăng cường độ dẻo dai cho khớp, sức mạnh cơ.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D và calci giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa những bệnh lý xương khớp hiệu quả.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền.

Các câu hỏi thường gặp về đau bả vai

Tại sao tôi thường thấy đau vai vào ban đêm?

Một số vấn đề gây đau bả vai trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm vì vùng vai sẽ bị đè ép nhiều hơn khi bạn nằm xuống. Cơn đau do viêm khớp, viêm bao khớp, rách chóp xoay,... thường khởi phát vào ban đêm.

Tôi có thể ngủ ở tư thế nào để hạn chế diễn tiến của đau bả vai?

Đau vai có thể ảnh hưởng đến khả năng vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ của bạn. Một số phương pháp sau có thể giúp bạn có một tư thế ngủ tốt và không làm nặng hơn tình trạng đau vai:

  • Nằm ngửa, tránh nằm nghiêng;
  • Dùng chăn mỏng hoặc gối mỏng tựa vào cánh tay bên vai đau để hỗ trợ và cố định;
  • Sử dụng miếng lót dưới vai nếu bạn đang bị trật khớp vai.

Tôi nên khám chuyên khoa nào nếu bị đau bả vai?

Bạn có thể đến khám các chuyên khoa sau để được chẩn đoán và điều trị đau bả vai: Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa Nội cơ xương khớp, chuyên khoa Y học cổ truyền.

Đau vai có thể là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực do tim không?

Đau vai trái có thể là tình trạng đau quy chiếu của cơn đau thắt ngực do tim. Nếu bạn có các dấu hiệu sau, nên lập tức gọi cấp cứu:

  • Đau thắt ngực;
  • Đau lan lên vai trái, cổ, hàm, cánh tay trái.
  • Khó thở;
  • Vã mồ hôi;
  • Chóng mặt và buồn nôn.

Đau vai có thể là dấu hiệu của ung thư phổi không?

Một số khối u phổi (khối u Pancoast) ở khu vực đỉnh phổi có thể gây đau bả vai dữ dội. Cơn đau cũng có thể lan lên cổ và đầu, lan xuống cánh tay. Khối u Pancoast chiếm 5% số trường hợp ung thư phổi. 

Nguồn tham khảo
  1. Mitchell C, Adebajo A, Hay E, Carr A. Shoulder pain: diagnosis and management in primary care. BMJ. 2005 Nov 12;331(7525):1124-8. doi: 10.1136/bmj.331.7525.1124.
  2. Crookes T, Wall C, Byrnes J, Johnson T, Gill D. Chronic shoulder pain. Aust J Gen Pract. 2023 Nov;52(11):753-758. doi: 10.31128/AJGP-04-23-6790.
  3. Mohamed AA, Jan YK, et al. Dynamic scapular recognition exercise improves scapular upward rotation and shoulder pain and disability in patients with adhesive capsulitis: a randomized controlled trial. J Man Manip Ther. 2020 Jul;28(3):146-158. doi: 10.1080/10669817.2019.1622896.
  4. Masters S, Burley S. Shoulder pain. Aust Fam Physician. 2007 Jun;36(6):414-6, 418-20. PMID: 17565397.
  5. Shoulder pain: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/25122-shoulder-pain

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp liên cầu

  2. Đứt dây chằng

  3. Đau cột sống

  4. Sai khớp

  5. Viêm khớp thái dương hàm

  6. Viêm quanh khớp vai

  7. Thấp khớp

  8. Viêm sụn sườn

  9. Thoái hóa khớp gối

  10. Xương thủy tinh