Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các tiêu chuẩn để chẩn đoán hen phế quản

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Hen phế quản là một bệnh lý đặc trưng bởi viêm mạn tính niêm mạc phế quản, dẫn đến tắc nghẽn phế quản khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, co thắt ngực và ho, đặc biệt là vào ban đêm. Vậy làm thế nào để chẩn đoán hen phế quản?

Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp phổ biến và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Việc chẩn đoán chính xác và kịp thời hen phế quản không chỉ giúp quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả mà còn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy hen phế quản là gì và những tiêu chuẩn cụ thể để chẩn đoán hen phế quản ra sao?

Bệnh hen phế quản là gì?

Hen phế quản, hay còn gọi là hen suyễn là một bệnh lý mạn tính phổ biến của đường hô hấp, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đặc trưng bởi sự viêm niêm mạc phế quản và tắc nghẽn đường thở, hen phế quản gây ra những triệu chứng như khó thở, thở khò khè và ho dai dẳng, đặc biệt vào ban đêm hoặc sáng sớm. Bệnh thường khởi phát do yếu tố di truyền hoặc tiền sử dị ứng của bản thân, cũng như do tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong môi trường. Bệnh này có thể được quản lý và điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các loại thuốc thích hợp.

chẩn đoán hen phế quản 1
Hen phế quản, hay còn gọi là hen suyễn là một bệnh lý mạn tính phổ biến của đường hô hấp

Các yếu tố nguy cơ của hen phế quản

Trước khi giải đáp về các tiêu chuẩn chẩn đoán hen phế quản, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen.

Yếu tố cơ địa

Các yếu tố cơ địa bao gồm:

  • Cơ địa dị ứng: Hơn 50% bệnh nhân hen phế quản có tạng cơ địa dị ứng.
  • Giới tính: Ở trẻ em, bé trai thường có nguy cơ mắc hen phế quản cao hơn bé gái. Tuy nhiên, ở người trưởng thành, nữ giới lại mắc hen phế quản nhiều hơn nam giới.
  • Béo phì: Đây cũng là một yếu tố nguy cơ gây hen phế quản.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường bao gồm:

  • Dị nguyên: Là yếu tố quan trọng nhất phát triển hen phế quản, bao gồm lông chó mèo, bụi nhà, nấm, gián và phấn hoa.
  • Tác nhân nghề nghiệp: Các chất hóa học trong môi trường làm việc.
  • Ô nhiễm không khí: Làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
  • Các yếu tố khác: Bao gồm tình trạng kinh tế xã hội thấp kém, sử dụng thuốc (nhóm NSAID),...
chẩn đoán hen phế quản 2
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn

Các tiêu chuẩn để chẩn đoán hen phế quản

Các tiêu chuẩn chẩn đoán hen phế quản được phân thành hai nhóm chính dựa vào các đặc trưng của bệnh lý hen.

Tiền sử bản thân, gia đình và các triệu chứng hô hấp

Các tiêu chuẩn bao gồm:

  • Có tiền sử gia đình và bản thân mắc các bệnh dị ứng như viêm da dị ứng, hen suyễn, chàm,...
  • Có nhiều triệu chứng đặc trưng như thở khò khè, khó thở, ho khan và cảm giác nặng ngực.
  • Các triệu chứng này có thể thay đổi về thời gian xuất hiện và mức độ nghiêm trọng.
  • Triệu chứng thường xuất hiện và nặng hơn vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm khi ngủ.
  • Yếu tố khởi phát bệnh bao gồm thay đổi thời tiết, lao động gắng sức hoặc tập luyện và tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
  • Sau khi nhiễm virus, các triệu chứng hen phế quản thường xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Triệu chứng hiếm gặp như polyp mũi và dịch tiết mũi nhiều cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân hen phế quản.

Các phương pháp chẩn đoán

Các phương pháp và kỹ thuật xét nghiệm để chẩn đoán bệnh hen phế quản bao gồm:

  • Nghe phổi: Ở cả hai phế trường của phổi sẽ nghe thấy tiếng rít ran như ngáy.
  • Quan sát lồng ngực: Lồng ngực sẽ nở ra nhiều hơn bình thường khi hít vào. Các dấu hiệu khác như cơ vùng cổ bị co kéo, vai so cho thấy đường dẫn khí bị hẹp.
  • Đo chức năng hô hấp: Lúc thở ra sẽ đo lưu lượng đỉnh (PEF) và lưu lượng thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1). Sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc giãn phế quản, đo lại các chỉ số này. Nếu FEV1 tăng hơn 200ml và lớn hơn 12% so với giá trị ban đầu hoặc PEF tăng hơn 60l/phút và trên 20%, bệnh nhân có thể được chẩn đoán mắc bệnh hen phế quản. Chỉ số PEF còn được sử dụng để đánh giá mức độ nặng và khả năng kiểm soát cơn hen tại nhà. Thực hiện đo PEF vào buổi sáng và chiều để theo dõi sự biến đổi trong ngày.
  • Xét nghiệm dị ứng da: Nguyên nhân gây ra bệnh hen ở một số bệnh nhân có thể do kháng nguyên gây dị ứng trên da.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm mục đích đo lượng kháng thể kháng lại các kháng nguyên để xác định xem bệnh nhân hen có dị ứng hay nhạy cảm với một loại kháng nguyên cụ thể hay không.
  • Hít kháng nguyên: Cho người bệnh hít một loại kháng nguyên đặc biệt mà chúng có thể gây hen. Sau đó, tiến hành kiểm tra xem có hiện tượng co thắt đường dẫn không khí bằng phế dung kế hay không.
chẩn đoán hen phế quản 3
Có nhiều phương pháp chẩn đoán hen phế quản như nghe phổi, đo chức năng hô hấp,...

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính ở niêm mạc đường hô hấp. Nếu không được chẩn đoán chính xác thì việc kiểm soát bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám chẩn đoán hen phế quản và điều trị sớm tại các cơ sở y tế uy tín.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin