Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách chữa á sừng bằng lá trầu không

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh á sừng là bệnh da liễu hay gặp. Các biểu hiện ngoài da của bệnh á sừng rất hay dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da khác. Bệnh á sừng không gây nguy hiểm nhưng lại gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Ngày nay người mắc bệnh á sừng thường sẽ dùng các loại thuốc tây y do bác sĩ da liễu kê đơn. Tuy nhiên ngoài các biện pháp tây y, nhiều người cũng muốn sử dụng các loại dược liệu sẵn có trong nhà để điều trị. Và cụ thể là có rất nhiều cách chữa á sừng bằng lá trầu không. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bằng bài viết dưới đây nhé.

Bệnh á sừng là gì?

Nhóm viêm da cơ địa có nhiều bệnh bao gồm cả bệnh á sừng. Do lớp tế bào sừng trên da chưa chuyển hóa hoàn thiện nên da có tình trạng bong tróc, nứt nẻ từng mảng. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng như: Da khô ráp xù xì, bong tróc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, các kẽ ngón. Bệnh á sừng có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên bệnh không khỏi hoàn toàn sau điều trị, có thể tiến triển, tái đi tái lại vào một mùa nào đó trong năm.

Bệnh á sừng tuy không nguy hiểm nhưng nếu để lâu dài, không điều trị có thể dẫn đến biến chứng như lở loét hoặc hoại tử. Tình trạng viêm da á sừng khởi phát khi tiếp xúc với hóa chất hoặc do viêm da tiếp xúc dị ứng.

Lá trầu không có tác dụng gì?

Trầu không có tên khoa học là Piper betle L. (Piper siriboa L.), thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae. Theo y học cổ truyền lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, có tính ấm. Do đó lá trầu không được dùng để trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.

Trong lá trầu không cũng chứa nhiều loại tinh dầu. Các tinh dầu này có tính kháng khuẩn, có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm như: Tụ cầu, phế cầu, trực khuẩn lỵ,...

cach-chua-a-sung-bang-la-trau-khong-2.jpg
Lá trầu không được dùng để chữa á sừng

Trong y học cổ truyền, lá trầu không có trong các bài thuốc trị cảm cúm, đau nhức, sát khuẩn vết thương, trị các bệnh về răng miệng, trị các bệnh phụ khoa, trị các bệnh ngoài da như: Nước ăn chân, viêm da, bệnh chàm, mụn nhọt,...

Các cách chữa á sừng bằng lá trầu không

Với các đặc tính kháng khuẩn kháng nấm sẵn có, người ta đã tìm được các cách chữa á sừng bằng lá trầu không có hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số cách được hướng dẫn chi tiết như sau:

Cách chữa á sừng bằng lá trầu không với dạng bôi ngoài da

Nguyên liệu chuẩn bị: Lá trầu không tươi với lượng vừa đủ dùng.

Cách thực hiện:

  • Nhặt sạch lá sâu, hư hỏng.
  • Rửa sạch lá trầu không với nước muối loãng, để ráo nước.
  • Cắt nhỏ lá trầu không, giã nát, vắt lấy nước.

Bạn có thể lấy nước này bôi đều đặn lên vùng da bị á sừng khoảng 5 lần/ngày.

Cách chữa á sừng bằng lá trầu không với dạng ngâm rửa

Nguyên liệu cần chuẩn bị: Lá trầu không tươi với lượng vừa đủ dùng.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch lá trầu không với nước muối loãng cho sạch đất cát.
  • Vò nhẹ lá trầu không rồi cho vào nồi có sẵn 2 lít nước.
  • Nấu cho đến khi sôi, vặn nhỏ lửa nấu khoảng 10 phút nữa.
  • Nước lá trầu không này để nguội, pha loãng để ngâm tay hoặc chân hàng ngày. Bạn nên lấy lá chà nhẹ lên vùng da á sừng để tăng hiệu quả nhé.

Với các vùng da lớn hoặc toàn thân bị á sừng, bạn cũng có thể dùng nước này để pha loãng tắm mỗi ngày.

Uống lá trầu không để chữa á sừng

Ngoài các biện pháp thực hiện ngoài da, bạn có thể áp dụng cách uống để chữa á sừng.

Nguyên liệu chuẩn bị: Lá trầu không tươi khoảng 10 lá.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch lá trầu không với nước pha một ít muối.
  • Cắt nhỏ hoặc vò nhẹ lá trầu không.
  • Cho vào nồi nước nấu sôi kĩ trong 10 phút.
  • Lọc lấy nước, bỏ bã.
  • Phần nước này bạn dùng để uống hết trong ngày nhé. Bạn cũng có thể ngâm hoặc bôi lên da nếu không uống hết trong ngày.
cach-chua-a-sung-bang-la-trau-khong-3.jpg
Nước lá trầu không nấu có thể dùng chữa á sừng

Cách chữa á sừng bằng lá trầu không kết hợp bồ kết

Nguyên liệu: khoảng 10 lá trầu không, 5 trái bồ kết

Cách thực hiện:

  • Lá trầu không rửa sạch, để ráo nước.
  • Bồ kết rửa sạch vỏ ngoài, cắt nhỏ thành từng khúc ngắn.
  • Cho tất cả nguyên liệu vào nồi nước đun sôi trong 20 – 30 phút thì tắt bếp.
  • Pha nước hỗn hợp vừa nấu với nước lạnh để nhiệt độ ấm, không quá nóng.

Bạn có thể sử dụng nước hỗn hợp này để tắm hoặc gội đầu. Bồ kết sẽ giúp tóc mượt mà hơn, không bị khô.

Cách chữa á sừng bằng lá trầu không kết hợp các nguyên liệu khác

Để tăng hiệu quả điều trị, bạn có thể kết hợp với các nguyên liệu khác. Một số bài thuốc gợi ý như sau:

Nguyên liệu:

  • Lá trầu tươi: 7 lá.
  • Lá bèo hoa dâu: 10 lá.
  • Rau răm: 2 nắm nhỏ.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch các lá trầu không, lá bèo hoa dâu và rau răm với nước muối pha loãng, sau đó để ráo.
  • Cắt nhỏ các nguyên liệu rồi cho tất cả vào nồi nước 3 lít.
  • Đun sôi kĩ khoảng 10 phút.
  • Gạn lấy khoảng ⅕ nước hỗn hợp trên để nguội, uống hết trong ngày.
  • Phần nước còn lại để ngâm hoặc tắm lên vùng da bị á sừng.

Bạn có thể dùng hỗn hợp này 2 lần/ngày ngâm hoặc tắm, kết hợp với uống để nhanh hết bệnh nhé.

Một số lưu ý khi sử dụng các cách chữa á sừng bằng lá trầu không

Bệnh á sừng nên được chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuy nhiên các cách chữa á sừng bằng lá trầu không có thể làm giảm triệu chứng ngứa, khô da gây ra bởi á sừng. Đồng thời trong lá trầu không có chứa các chất kháng khuẩn, có thể tránh được tình trạng nhiễm trùng da. 

Có một lưu ý quan trọng rằng, nếu sử dụng lá trầu không sai cách hoặc tự ý sử dụng mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ thì cũng có thể gây ra sự nhiễm trùng da.  Lúc đó vấn đề do bệnh á sừng gây ra thực sự nghiêm trọng và gây khó khăn trong điều trị. Do đó, bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng các cách chữa á sừng bằng lá trầu không:

  • Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, không nên dùng nước lá trầu không để uống.
  • Khi dùng nước lá trầu không để tắm hoặc ngâm thì không nên dùng nước nóng, bởi vì nước nóng sẽ làm da khô hơn, dễ bong tróc hơn. Bạn nên để nước ở mức âm ấm thôi nhé.
  • Nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt bạn nên bổ sung chất béo không no để tái tạo hàng rào lipid cho da.
  • Nên kiêng các loại hải sản, bia rượu vì những loại thực phẩm này dễ gây ngứa, kích ứng cho da.
  • Nên bổ sung đủ nước mỗi ngày cho da đủ độ ẩm, hạn chế bong tróc nhiều hơn.
  • Nên hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất để tránh làm nghiêm trọng tình trạng bệnh á sừng.
cach-chua-a-sung-bang-la-trau-khong-4.jpg
Nên kiêng bia rượu khi sử dụng lá trầu không chữa á sừng

Như vậy bạn đã biết các cách chữa á sừng bằng lá trầu không qua bài viết trên. Tuy bệnh á sừng không phải là bệnh nghiêm trọng nhưng bạn nên chú ý lối sống cũng như chế độ ăn uống để hạn chế tình trạng tái đi tái lại. Đồng thời bạn nên nhớ rằng, các cách trên chỉ là biện pháp hỗ trợ tại nhà. Bạn nên hỏi ý kiến và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và đưa ra phát đồ điều trị phù hợp nhé. Chúc bạn luôn mạnh khỏe!

Xem thêm: Bệnh á sừng ở chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách cải thiện hiệu quả

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm