Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Khi xảy ra trường hợp té ngã tại nhà, việc thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách là rất quan trọng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số lưu ý cũng như các bước sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà.

Nắm rõ các kỹ năng sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà là rất quan trọng. Bởi những tai nạn luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả trong môi trường quen thuộc như ở nhà. Té ngã là một trong những tình huống phổ biến và có thể dẫn đến các chấn thương khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất.

Những đối tượng thường dễ bị té ngã

Những người dễ bị té ngã bao gồm:

  • Người cao tuổi, do khả năng duy trì thăng bằng và tầm nhìn bị giảm sút.
  • Những người bị các bệnh lý như về xương khớp, tim mạch, thần kinh, ảnh hưởng đến sự ổn định và di chuyển.
  • Những người làm các công việc gia đình, sửa chữa ở vị trí cao, dễ mất thăng bằng.
  • Người sử dụng các chất kích thích như đồ uống có cồn, có thể gây chóng mặt, mất tập trung.
  • Người suy nhược cơ thể, thiếu khả năng vận động.
  • Những người ít hoạt động thể chất hoặc bị bất động.
  • Những người bị rối loạn cân bằng do tác dụng phụ của thuốc.
  • Trẻ nhỏ khi đang học tập di chuyển và chơi đùa.
Hướng dẫn sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà 1
Người lớn tuổi là một trong những đối tượng dễ té ngã

Một số khu vực dễ gây té ngã

Cần lưu ý đến các khu vực dễ gây nguy hiểm như:

  • Các lối đi, cửa sổ, ban công vì có thể dẫn đến té ngã;
  • Bậc thềm, cầu thang - những nơi dễ trượt chân;
  • Phòng tắm - nơi ẩm ướt, trơn trượt;
  • Phòng ngủ và khu vực vui chơi - có thể vấp phải đồ vật;
  • Sàn nhà bị trơn trượt;
  • Những vật dụng vương vãi trên lối đi - dễ gây ra tai nạn.

Cách sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà

Khi gặp trường hợp người bị té ngã, cần thực hiện các bước sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà cơ bản. Trước tiên, cần kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân bằng việc đặt câu hỏi. Nếu người bị thương không thể trả lời, đây có thể là dấu hiệu của chấn thương cột sống cổ hoặc ảnh hưởng tri giác.

Không nên di chuyển người bị thương ngay, vì việc di chuyển có thể làm di lệch ổ gãy và chèn ép vào tủy sống, gây liệt vĩnh viễn hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác. Thay vào đó, hãy gọi ngay đến trạm cấp cứu (115) để được hỗ trợ.

Trong khi chờ đợi sự trợ giúp y tế, người nhà có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu như: 

  • Cầm máu: Cầm máu bằng băng vô trùng, miếng vải sạch hay mảnh quần áo sạch.
  • Cố định vị trí bị thương: Không nên cố gắng căn chỉnh lại xương hay đẩy xương bị dính lại. Cố định vị trí bị thương bằng cách đặt nẹp lên khu vực trên và dưới vị trí xương gãy, đệm các nẹp để giảm bớt sự khó chịu cho người bị thương.
  • Chườm đá: Chườm đá lên vị trí bị thương để hạn chế sưng và hỗ trợ giảm đau. Tuy nhiên, tránh chườm đá trực tiếp lên da, cần bọc trong chiếc khăn, mảnh vải trước khi đặt lên da.
Hướng dẫn sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà 2
Có thể dùng băng gạc vô trùng để cầm máu vết thương trước

Nếu nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ nhưng vẫn tỉnh táo, khuyên nạn nhân nằm yên hoàn toàn và nẹp cột sống bằng các vật liệu có sẵn trong nhà, như túi cát, vật nặng, khăn vải cuộn chặt. Bạn cần chú ý cách đặt nẹp để tránh gây thêm tổn thương.

Những điều cần lưu ý trong quá trình sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà

Khi sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà, cần tránh những hành động sau:

  • Không để nạn nhân nằm sấp;
  • Không xốc, vác, cõng nạn nhân;
  • Không vận chuyển nạn nhân bằng các phương tiện như xe đạp, xe máy, taxi;
  • Không khiêng, di chuyển nạn nhân bằng ghế tựa thấp, võng, hoặc kê gối dưới đầu khiến cổ gập.

Khi trẻ nhỏ bị té ngã

Với trẻ nhỏ, không di chuyển nếu các biểu hiện nghiêm trọng sau xuất hiện:

  • Bị thương nặng ở đầu, cổ, lưng, xương hông hoặc đùi;
  • Bất tỉnh;
  • Khó thở;
  • Không thở (cần thực hiện hô hấp nhân tạo nếu biết cách);
  • Bị co giật.

Nếu trẻ không có các triệu chứng nghiêm trọng, cha mẹ có thể:

  • An ủi trẻ và kiểm tra vết thương;
  • Đặt miếng gạc lạnh hoặc túi đá lên vùng sưng tấy, bầm tím;
  • Cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau;
  • Để trẻ nghỉ ngơi vài giờ (nếu cần);
  • Theo dõi chặt chẽ trẻ trong 24 giờ sau.

Khi người lớn tuổi bị té ngã

Khi người lớn tuổi gặp phải sự cố té ngã thường dễ bị gãy xương hông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong liên quan đến chấn thương ở nhóm tuổi trên 75.

Nếu bản thân bị té ngã, người lớn tuổi cần thực hiện các bước sau:

  • Nằm nghỉ ngơi một vài phút, kiểm tra cơ thể xem có bị thương nặng, chảy máu hay không. Sau đó từ từ cử động các chi.
  • Nếu có thể tự đứng dậy, hãy bám vào các đồ vật cố định xung quanh, chắc chắn chân đặt vững trên mặt đất, rồi từ từ đứng thẳng lên.
  • Nếu không thể tự đứng dậy, cần cố gắng thu hút sự chú ý của người xung quanh bằng cách gọi to, đập vào tường/sàn nhà. Nếu không ai đến giúp, hãy gọi số 115 và cố gắng giữ ấm cơ thể bằng chăn, áo choàng.
  • Trong mọi trường hợp, người lớn tuổi cần giữ bình tĩnh và nghỉ ngơi thích đáng sau khi xảy ra sự cố.
Hướng dẫn sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà 3
Tốt nhất vẫn nên gọi xe cấp cứu càng sớm càng tốt

Sơ cứu người lớn tuổi té ngã:

Khi tiếp cận người lớn tuổi bị té ngã, hãy giữ bình tĩnh và cẩn trọng, đề phòng các mối nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân hoặc nạn nhân. Không nên vội vàng di chuyển họ, mà cần nhanh chóng đánh giá tình trạng:

  • Nếu nạn nhân không phản ứng: Hãy kiểm tra xem họ có đang thở hay không. Nếu đang thở, cẩn thận di chuyển họ đến khu vực thông thoáng, dễ thở hơn. Nếu không thở, hãy ngay lập tức tiến hành hô hấp nhân tạo và sử dụng máy khử rung tim (nếu có).
  • Nếu nạn nhân vẫn còn phản ứng: Hãy trao đổi với họ để xác định nguyên nhân té ngã, chẳng hạn như do đột quỵ. Quan sát kỹ xem có vết thương, bầm tím hay dấu hiệu của chấn thương cụ thể nào không. Nếu bị thương ở cổ hoặc cột sống, tuyệt đối không được di chuyển, mà cố gắng giữ yên tư thế và gọi cấp cứu.
  • Nếu chảy máu: Hãy thực hiện cầm máu. Tìm dấu hiệu của sốc như mạch nhanh, da tái... và khuyến khích họ nằm xuống, nâng cao chân.
  • Nếu không có chấn thương hoặc nguyên nhân té ngã rõ ràng: Hãy cẩn thận và chậm rãi giúp họ ngồi xuống, quan sát xem có bất kỳ dấu hiệu đau đớn, khó chịu hoặc chóng mặt nào không. Sau đó, giúp nạn nhân đi đến giường hoặc ghế nghỉ ngơi, kiểm tra kỹ càng cơ thể để chắc chắn rằng không có vết thương, đặc biệt là với bệnh nhân tiểu đường.

Tiếp tục theo dõi cẩn thận trong 24 giờ và thông báo cho người thân của nạn nhân.

Tóm lại, khi xảy ra tình huống té ngã tại nhà, việc thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu khi té ngã tại nhà nhanh chóng và hiệu quả là rất quan trọng. Bằng cách tuân thủ các bước từ đánh giá tình trạng, xử lý vết thương đến bảo vệ nạn nhân, chúng ta có thể giảm thiểu các hậu quả nghiêm trọng và đảm bảo an toàn cho người bị tai nạn. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin