Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng

Ngày 05/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thời tiết nắng nóng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó bao gồm say nắng và đột quỵ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng nhé!

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) và khu vực Nam bộ đang bước vào mùa nắng nóng. Việc tiếp xúc với ánh nắng quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây say nắng và đột quỵ. Vậy phải làm sao để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng trong bài viết dưới đây nhé!

Nắng nóng dễ gây say nắng và đột quỵ

Theo thông tin từ HCDC, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực ở Nam Bộ đã bước vào giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt. Nắng nóng không chỉ là một hiện tượng thời tiết thông thường mà còn được xem dấu hiệu của sự biến đổi khí hậu. Trái đất đang dần trở nên nóng hơn, sự gia tăng về cả số lượng và cường độ của các đợt nắng nóng là biểu hiện điển hình của tình hình này.

Cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng 2
Nắng nóng kéo dài dễ gây say nắng và đột quỵ

Hiện tượng nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng như say nắng (sốc nhiệt) hay đột quỵ.

Nguyên nhân chính chủ yếu là do tiếp xúc hoặc làm việc dưới ánh nắng gay gắt trong nhiều giờ liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi và không bổ sung đủ nước, hoặc có thể do nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Biểu hiện của say nắng, đột quỵ do thời tiết nắng nóng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, biểu hiện triệu chứng của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong thời tiết nắng nóng còn tùy thuộc vào mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể và thời gian tiết xúc với nắng nóng.

Ở mức độ nhẹ, nạn nhân thường sẽ xuất hiện một số biểu hiện như mệt mỏi, khát nước, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hoa mắt chóng mặt, yếu hoặc liệt nửa người, ngất xỉu hoặc hôn mê, co giật, trụy tim, tụt huyết áp, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân có thể cảm thấy đau đầu dữ dội, cảm giác buồn nôn và nôn, yếu hoặc liệt nửa người, trụy tim mạch (tim đập nhanh, tụt huyết áp,...), ngất xỉu hoặc hôn mê, co giật và có thể dẫn đến tử vong.

Ai dễ bị ảnh hưởng sức khỏe khi thời tiết nắng nóng?

Theo thông tin từ HCDC, nhóm người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng là trẻ em, người già và phụ nữ. Đây đều là những người có khả năng chịu đựng khá kém.

Ngoài ra, những người thường xuyên phải lao động ở ngoài trời như nông dân, công nhân, vận động viên thể thao, nhân viên giao hàng, quân nhân tham gia huấn luyện ngoài trời, người làm việc ở lò gạch, lò luyện gang thép,... đều sẽ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.

Cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng 3
Những người thường xuyên phải lao động ở ngoài trời dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng

Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh mãn tính như hen phế quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, bệnh gan, ung thư cũng cần đặc biệt chú ý trong việc bảo vệ sức khỏe dưới tác động của nắng nóng.

Cách xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng

Khi gặp phải các vấn đề sức khỏe như say nắng hay đột quỵ do nắng nóng, tùy thuộc vào mức độ và biểu hiện triệu chứng mà sẽ áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Cụ thể như sau:

Trường hợp nhẹ

  • Di chuyển nạn nhân đến nơi mát mẻ, thông thoáng.
  • Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo ở bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, dùng khăn mát để lau cơ thể hoặc dùng nước mát dội lên cơ thể nạn nhân và lau khô. Đặt khăn ướt hoặc được thấm nước đá lên một số vị trí như vùng bẹn, vùng nách, hai bên cổ để giúp giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng.
  • Nếu nạn nhân có thể uống nước, hãy cho nạn nhân uống nước mát và nên uống từ từ với từng ngụm nhỏ. Nên ưu tiên chọn loại nước uống có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol với liều dùng theo đúng hướng dẫn sử dụng.
  • Trong trường hợp bị chuột rút, hãy xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.
  • Hạn chế số người xung quanh nạn nhân. Sau khoảng thời gian 10 - 15 phút, các triệu chứng sẽ giảm dần đi.

Trường hợp nặng

Nếu nạn nhân có xuất hiện các triệu chứng nặng hoặc tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi xử lý, cần gọi cấp cứu 115 hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cần lưu ý rằng, vẫn phải thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân trong quá trình vận chuyển.

Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh do nắng nóng?

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết nắng nóng, HCDC đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng như:

  • Để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước, nên chia thành nhiều lần uống trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong cùng một lần.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ hàng ngày. Khi ra ngoài, nên che chắn cơ thể thật kỹ bằng khẩu trang, áo dài tay, mũ che nắng. Đồng thời, nên ưu tiên chọn những loại quần áo có chất liệu thoáng khí, dễ thấm hút mồ hôi.
  • Nghỉ ngơi và thích nghi với nhiệt độ, nếu ở trong phòng có điều hòa, hãy dành thời gian để cơ thể thích nghi trước khi bước ra môi trường ngoài trời.
  • Trong chế độ ăn uống, cần tăng cường bổ sung thêm rau xanh, các loại hoa quả và có một số món canh trong bữa ăn hàng ngày. Hạn chế uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn hoặc những thực phẩm có đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục để duy trì sức khỏe cơ thể và tăng cường đề kháng.
Cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng 1
Đảm bảo bổ sung đủ nước cho cơ thể

Trên đây là bài viết chia sẻ về cách phòng tránh và xử lý khi bị say nắng, đột quỵ do nắng nóng. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích và giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết oi ả này nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Đột quỵ