Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách trị mụn nhọt ở mặt và những lưu ý khi điều trị tại nhà

Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn nhọt chắc chắn không còn gì xa lạ đối với chúng ta. Đặc biệt là mụn nhọt ở mặt không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống. Hầu hết biểu hiện của mụn là các nốt sưng, đỏ, gây ra sự khó chịu. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng bởi thông thường mụn nhọt ở mặt đều lành tính.

Mụn nhọt thường không kéo dài và có thể tự hết với những mụn nhọt nhỏ, tuy nhiên nếu không chăm sóc cẩn thận và đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như thương tổn trên da, nhiễm trùng huyết lan rộng. Vậy bị mụn nhọt ở mặt nên xử trí như thế nào?

Mụn nhọt là gì?

Mụn nhọt là một dạng viêm sâu và nặng hơn của bệnh viêm nang lông do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) tấn công và gây ra. Khi bị mụn nhọt, làn da bạn sẽ có biểu hiện sưng đau, đỏ và có mủ. Mụn nhọt sẽ phát triển ngày càng lớn hơn cho đến khi ổ mủ vỡ ra hoặc cơ thể tự hấp thụ hết.

Cách trị mụn nhọt ở mặt và những lưu ý khi điều trị tại nhà 1Vết mụn sưng đỏ và hình thành ổ mủ

Vì sao lại xuất hiện mụn nhọt ở mặt?

Mụn nhọt ở mặt thường xuất hiện khi tắc nghẽn tuyến bã nhờn hay tuyến dầu gây ra tình trạng nhiễm trùng. Khi đó, lỗ chân lông sưng lên và hình thành những nốt mụn chứa đầy dịch mủ. Tình trạng nổi mụn nhọt trên mặt có thể xuất hiện đến mọi đối tượng, nhiều nhất là thanh thiếu niên đang trong tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nguyên nhân bị mụn nhọt ở mặt có thể có sự tồn tại của vi khuẩn Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu) hình thành trên bề mặt da. 

Vi khuẩn tụ cầu thường xuất hiện ở bên trong mũi và trên da. Vi khuẩn có thể lây lan đến các vị trí khác thông qua ngón tay (do ngoáy mũi hoặc hắc hơi). Một số trường hợp xảy ra vết xước nhỏ, trầy trên da cũng tạo điều kiện đưa vi khuẩn xâm nhập vào trong hình thành những nốt sưng viêm và tích tụ mủ nhìn thấy được trên da. 

Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành mụn nhọt trên mặt: 

  • Vệ sinh da mặt không đúng cách: Đây là lý do khiến cho mồ hôi, bụi bẩn và các loại mỹ phẩm trang điểm tích tụ trên da gây bí bách lỗ chân lông. Điều này cũng tạo điều kiện cho mụn nhọt xuất hiện. 
  • Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức: Tuyến bã nhờn sẽ có tác dụng giữ độ ẩm cho da luôn căng mịn và là hàng rào bảo vệ tự nhiên của da chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, khi chất nhờn được tiết ra quá nhiều khiến cho nang lông bí tắc và gây viêm. 
  • Cạo lông mặt: Đây là thói quen của nhiều người với mong muốn làm cho da mặt láng mịn hơn. Tuy nhiên, việc dùng dao cạo không đúng cách có thể khiến da mặt bị trầy xước. Từ đó, các loại vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập qua vết xước và gây ra mụn nhọt. 
  • Rối loạn hormone: Nồng độ testosterone và các nội tiết tố androgen khác của cơ thể cũng được cho là có liên quan đến tình trạng mọc mụn nhọt trên mặt. Đây cũng chính là lý do vì sao da mặt nữ giới có nguy cơ mọc mụn nhọt cao hơn nam giới. 
  • Các vấn đề về bệnh da liễu: Các bệnh da liễu như chàm, vẩy nến cũng là một trong những yếu tố làm cho hàng rào bảo vệ da bị suy yếu khiến cho mụn nhọt dễ xuất hiện và lây lan. 

Cách nhận biết mụn nhọt ở mặt

Một số dấu hiệu khi da mặt bị nổi mụn nhọt: 

  • Xuất hiện các nốt sưng, nóng, đau. 
  • Kích thước của nốt mụn tăng lên trong vài ngày, hình thành mủ và nhìn thấy đầu trắng trên nốt mụn sưng.
  • Vùng da xung quanh ửng đỏ, ngứa ngáy.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện mụn nhọt với kích thước lớn thì bạn có thể gặp các biểu hiện khác đi kèm. Điển hình là sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi và khó chịu. 

Mụn nhọt ở mặt có nguy hiểm không? 

Xuất hiện mụn nhọt ở mặt thường không gây nguy hiểm nếu bạn xử lý đúng cách và có thể tự biến mất sau khoảng vài ngày. Điều đặc biệt chú ý là trên vùng mặt chứa hệ thống mạch máu rất phong phú. Động mạch góc ở vùng mặt có mối liên hệ chặt chẽ với các tĩnh mạch xoay hang ở hốc mắt dẫn vào não. Chính vì thế, nếu mụn nhọt nhiễm tụ cầu có thể tấn công và gây nhiễm khuẩn tĩnh mạch xoang hang. Khi đó, không những vùng da mặt bị tổn thương mà còn có thể đe dọa đến tính mạng.

Có nên nặn mụn nhọt ở mặt không?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng da mặt bị tổn thương hoặc dẫn đến những trường hợp đe dọa tính mạng đến từ chính thói quen tự nặn mụn của nhiều người. Nặn mụn nhọt có thể loại bỏ phần dịch mủ bên trong và làm da bớt sưng đau tạm thời. Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu khuyến cáo là không nên tự ý nặn mụn nhọt. 

Nặn mụn không đúng cách thường khiến tổn thương da thêm nghiêm trọng, phản ứng viêm phát triển. Đặc biệt là khi mụn nhọt xuất hiện ở các vị trí nguy hiểm như trán, mắt, chóp mũi, môi, cằm… thì tuyệt đối không nên đụng chạm đến. Do đây là những vị trí chứa nhiều dây thần kinh quan trọng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây những biến chứng nghiêm trọng khi bạn tác động vào.

Cách trị mụn nhọt ở mặt và những lưu ý khi điều trị tại nhà 2Không nên tự ý nặn mụn nhọt ở mặt vì có thể gây nhiễm trùng diện rộng

Các phương pháp điều trị mụn nhọt ở mặt tại nhà an toàn và hiệu quả 

Tình trạng mụn nhọt ở mặt thường không quá nguy hiểm nhưng bạn cần chú ý chăm sóc và xử lý đúng cách nhằm hạn chế những thương tổn trên da.

Cách trị mụn nhọt ở mặt với nguyên liệu từ thiên nhiên

Trà túi lọc

Việc chườm túi trà sẽ giúp ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn gây nhọt do bã trà có chứa hàm lượng antioxidants nhất định với tác dụng kháng khuẩn. 

Cách thực hiện: 

  • Dùng trà túi lọc đã làm ẩm chườm trực tiếp lên các nốt mụn nhọt.
  • Để trong vòng 15 phút rồi vệ sinh da bằng nước ấm.

Nghệ

Curcumin là hoạt chất chính trong nghệ kết hợp cùng các loại vitamin thúc đẩy quá trình làm lành da với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm đã được chứng minh. Vì vậy, bạn có thể yên tâm sử dụng nghệ để xử lý các nốt mụn nhọt ở mặt. 

Cách thực hiện: 

  • Trộn đều bột nghệ với nước theo tỉ lệ 1:1.
  • Thoa trực tiếp lên mụn nhọt.
  • Để yên và làm sạch da sau 15 phút.
  • Thực hiện từ 2 - 3 lần mỗi ngày.

Gel nha đam

Đây nguyên liệu có tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da rất tốt, giúp giảm bớt tình trạng sưng viêm, nóng rát do các vết mụn nhọt gây ra trên da mặt. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy phần gel từ lá nha đam đã rửa sạch và gọt vỏ. 
  • Thoa trực tiếp gel nha đam lên vùng da có mụn nhọt. 
  • Để yên 15 phút rồi sau đó làm sạch da bằng nước ấm.
  • Có thể thoa gel từ 1 - 2 lần mỗi ngày.
Cách trị mụn nhọt ở mặt và những lưu ý khi điều trị tại nhà 3Sử dụng gel từ nha đam giúp làm dịu làn da bị mụn nhọt

Cách trị mụn nhọt ở mặt bằng phương pháp tây y

Kem đánh răng

Triclosan là thành phần trong kem đánh răng làm giảm kích thước lỗ chân lông và bạc hà với tính chất the mát giúp làm dịu da khi gặp tình trạng mụn nhọt sưng đỏ, ngứa ngáy. 

Cách thực hiện: 

  • Thoa một lớp mỏng kem đánh răng lên đầu mụn nhọt trước khi ngủ. 
  • Rửa sạch vùng da bị mụn nhọt vào sáng hôm sau.

Thuốc mỡ kháng sinh

Một số loại thuốc mỡ như cloroxit hay tetracyclin có thể sử dụng để trị mụn nhọt ở mặt. Đây là nhóm thuốc ức chế sự phát triển và lan rộng của vi khuẩn với tác dụng giảm sưng, giảm ngứa khi bị mụn nhọt. Tuy nhiên, cần thận trọng ở những đối tượng có tiền sử dị ứng. 

Cách thực hiện: 

  • Thoa một lượng thuốc mỡ vừa đủ lên nốt mụn
  • Thoa thuốc mỗi 6 tiếng 1 lần.

Mặc dù các phương pháp nêu trên có độ an toàn tương đối cao nhưng bạn cũng cần cẩn trọng khi áp dụng. Thực hiện đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh nhiễm trùng phát sinh. Nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào thì hãy tìm đến bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời.

Thuốc được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ

Bạn cần thăm khám và sự tư vấn từ bác sĩ nếu tình trạng nổi mụn nhọt ở mặt tiến triển nặng. Tùy thuộc vào mức độ sưng viêm, kích thước của các nốt nhọt và các triệu chứng đi kèm mà bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc phù hợp. 

Một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị mụn nhọt trên mặt gồm: 

  • Thuốc kháng sinh tại chỗ: Acid fusidic, gentamicin, mupirocin…
  • Thuốc kháng sinh đường uống: Cephalexin, amoxicillin… 
  • Thuốc sát trùng: Povidone iodine, hydrogen peroxide..
  • Thuốc giảm đau: Acetaminophen, aspirin…

Đây là những loại thuốc có tác dụng nhanh nên thận trọng khi sử dụng kháng sinh kéo dài vì có thể kèm theo một số tác dụng không mong muốn. Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh dẫn đến tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh. 

Ngoài các phương pháp trên, người bệnh có thể được chỉ định làm tiểu phẫu để loại bỏ áp-xe hoặc ổ mủ bên trong nhọt để tránh nhiễm trùng và hạn chế tối đa thương tổn trên da mặt.

Các biện pháp phòng ngừa mụn nhọt ở mặt 

Tình trạng nổi mụn nhọt có thể tái phát nếu bạn không chăm sóc cẩn thận và đúng cách. Để hạn chế mụn nhọt quay trở lại, bạn cần lưu ý các vấn đề sau: 

  • Vệ sinh da mặt sạch sẽ sau trang điểm. Sử dụng các loại sữa rửa mặt phù hợp để loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn. Mỗi tuần nên tẩy tế bào da chết ít nhất 1 lần.
  • Những ngày thời tiết nắng nóng, mồ hôi và chất nhờn tiết ra nhiều nên rửa mặt thường xuyên với nước sạch.
  • Hạn chế gãi hay chà xát lên da mặt, có thể khiến da trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Tránh dùng chung các đồ dùng cá nhân với những người đã từng bị mụn nhọt hay mắc các vấn đề về da liễu. 
  • Giặt giũ quần áo, khăn tắm thường xuyên bằng nước nóng.
  • Bổ sung đủ nước, cân bằng dưỡng chất cho cơ thể, đồng thời cần xây dựng lối sống khoa học.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp ích cho bạn nếu có vấn đề liên quan đến mụn nhọt ở mặt. Hãy lưu ý những điều cần thiết để tránh bị nhiễm trùng diện rộng nhé.

Xem thêm: 

Trung Chánh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm