Cách xây dựng thực đơn bằng tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi
Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đối với trẻ dưới 1 tuổi hệ tiêu hóa khá nhạy cảm, dạ dày cũng chưa phát triển hoàn thiện. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ trong độ tuổi này rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến ba mẹ cách lên thực đơn từ tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi tốt cho bé.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi sẽ hướng dẫn giúp ba mẹ lên kế hoạch ăn uống khoa học cho con. Ở mỗi giai đoạn phát triển, chế độ dinh dưỡng của trẻ sẽ khác nhau. Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện. Chế độ ăn dành cho trẻ dưới 1 tuổi được phân chia theo các nhóm tuổi như 0 - 6 tháng, 6 - 12 tháng. Tùy từng giai đoạn mà mẹ xây dựng chế độ ăn hợp lý cho bé.
Tháp dinh dưỡng là gì?
Các chuyên gia dinh dưỡng đã nghiên cứu và xếp các nhóm thực phẩm theo hình kim tự tháp, để tất cả mọi người có thể lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý, cân đối dinh dưỡng. Tháp dinh dưỡng dùng để minh họa cho lượng thức ăn trung bình mà một người ăn trong một tháng để khỏe mạnh. Tuỳ vào từng độ tuổi mà tháp dinh dưỡng khác nhau. Hiện nay, tháp dinh dưỡng gồm 7 tầng theo thứ tự gồm:
Muối;
Đường;
Chất béo;
Nhóm thịt động vật;
Trái cây;
Rau củ quả;
Lương thực.
Nên hạn chế nhóm thực phẩm ở đỉnh tháp và tiêu thụ nhiều nhóm thực phẩm ở đáy tháp.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi
Chế độ dinh dưỡng cho bé dưới 1 tuổi được chia làm 2 giai đoạn. Trong 6 tháng đầu đời, bú sữa mẹ là cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nhất cho trẻ và tăng sức đề kháng phòng chống bệnh tật. Nhưng từ 6 tháng đến 1 tuổi, chế độ ăn của trẻ sẽ bắt đầu thay đổi, trẻ có thể ăn dặm, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác để trẻ phát triển cân đối và hoàn thiện.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi
Trong những tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong sữa mẹ có chứa protein, chất bột đường, chất béo và các loại vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh khi có các yếu tố bên ngoài tác động. Khi bú sữa mẹ, bé cũng nhận được kháng thể từ mẹ để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại một số bệnh tật và chống nhiễm trùng tốt hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu mẹ không có vấn đề sức khỏe, hãy cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất là trong 6 tháng đầu đời. Nên cho trẻ bú sữa mẹ sớm vì ngay sau khi sinh, tuyến vú của mẹ tiết ra sữa non chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, hạn chế tình trạng khó tiêu, nôn trớ của trẻ sau khi ăn. Tuy nhiên, đối với những bà mẹ có vấn đề về sức khỏe như viêm gan, nhiễm HIV,… thì có thể lựa chọn sữa công thức để nuôi con.
Các mẹ nên cho con bú khoảng một giờ sau khi sinh, sau đó nên cho trẻ bú khoảng 8 - 12 lần một ngày trong vài tuần đầu tiên. Khi bé đang ngủ, mẹ nên đánh thức bé để cho bé bú sữa, đảm bảo dinh dưỡng và phát triển tốt. Khi bé lớn lên, nhu cầu về sữa mẹ cũng tăng lên, bé có xu hướng bú nhanh và nhiều hơn, sau đây là một số gợi ý về lượng sữa cho bé bú:
Đối với bé từ 1 đến 3 tháng nên cho trẻ bú từ 7 - 9 lần/ngày.
Đối với bé 3 tháng tuổi trở lên nên cho trẻ bú từ 6 - 8 lần/ngày.
Đối với bé 6 tháng tuổi trở lên nên cho trẻ bú khoảng 6 lần/ngày.
Khi trẻ được 1 tuổi: Mẹ vẫn có thể cho bé bú nhưng lượng sữa sẽ giảm đi, lúc này nên cho trẻ ăn dặm để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi
Từ 6 tháng đến 1 tuổi, trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm. Lúc này, mẹ nên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng sau vào chế độ ăn của trẻ:
Chất đạm: Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của các cơ quan trong cơ thể. Có thể kể đến đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, đạm thực vật như đậu nành, quả bơ, các loại hạt,…
Chất béo: Rất quan trọng để cung cấp năng lượng cho bé, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ vitamin tốt hơn. Đặc biệt, omega-3 rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.
Chất xơ: Rất cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ. Các khoáng chất như sắt giúp tạo máu, kẽm tăng cường miễn dịch và i-ốt giúp hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
Canxi: Không thể thiếu trong quá trình hình thành hệ xương và răng của trẻ.
Các loại vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ bao gồm vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin D, vitamin C,...
Axit folic: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của tế bào, tạo máu, hệ thần kinh.
Một số lưu ý khi áp dụng tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi
Lưu ý đối với trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi
Đây là giai đoạn bé bú mẹ hoàn toàn, nên mẹ cần chú ý những điều sau:
Sau khi sinh, em bé nên được bú mẹ càng sớm càng tốt.
Cho trẻ bú khoảng 45 phút.
Không có hạn chế về thời gian hoặc tần suất cho con bú.
Khi trẻ khóc, cần dỗ trẻ đến khi trẻ ngừng mới cho trẻ bú.
Trong trường hợp núm vú của mẹ bị sưng tấy cần uống thuốc, hãy chọn loại thuốc không gây hại cho bé.
Nếu bé uống sữa công thức, hãy đảm bảo bình sữa sạch sẽ, được tiệt trùng và hâm nóng sữa trước khi cho bé bú.
Đối với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi
Đây là giai đoạn bé chuyển sang ăn dặm nên ba mẹ cần chú ý những điều sau:
Khi trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ nên tập cho trẻ ăn những món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
Đặc biệt chú ý đến những thứ ăn mà bé không thích hoặc có thể bị dị ứng.
Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, đa dạng các loại thực phẩm để bé không bị ngán. Nên xen kẽ các bữa chính và bữa phụ để trẻ kích thích trẻ ăn ngon miệng.
Khi chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm hoàn toàn, bé cần thời gian để thích nghi nên mẹ cần kiên nhẫn và tạo thói quen cho bé. Nếu trẻ biếng ăn, quấy khóc, nôn trớ mỗi khi ăn, mẹ phải tìm nguyên nhân và cách xử lý.
Mẹ nên chọn nguồn thực phẩm tươi sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ba mẹ nên áp dụng tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của tháp dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển lành mạnh, khoa học. Giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện. Hy vọng với những chia sẻ trên và những điều cần lưu ý giúp ba mẹ chăm sóc con một cách khoa học.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.