Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Một trong số những bệnh lý đường hô hấp mãn tính thường gặp ở người Việt là hen phế quản. Bệnh không được chữa trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cảnh giác với biến chứng của hen phế quản!
Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở người Việt. Không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu, bệnh hen phế quản còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Biến chứng hen phế quản có thể theo người bệnh cả đời. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về biến chứng của hen phế quản và cách phòng ngừa biến chứng.
Hen phế quản hay hen suyễn là tình trạng co thắt cơ trơn phế quản, khiến đường thở bị phù nề, tăng tiết dịch nhầy. Vì thế, người bệnh xuất hiện triệu chứng khó thở theo cơn. Thông thường, trước khi cơn hen khởi phát, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu ở vùng mũi họng và xuất hiện những cơn ho cấp tính.
Nếu bị hen phế quản nhẹ, người bệnh ho và chỉ cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng với những người bị bệnh nặng, những cơn khó thở nặng thường xuyên ập đến tiềm ẩn nguy cơ suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được nhập viện cấp cứu kịp thời.
Bệnh hen phế quản không thể điều trị dứt điểm. Người bệnh sẽ lên cơn hen khi gặp các dị nguyên kích ứng đường thở như bụi bẩn, nấm mốc, không khí ẩm ướt, khói thuốc, lông thú, phấn hoa, vi khuẩn, virus,…
Ngoài ra, cơn hen cũng sẽ xuất hiện khi người bệnh lao động, tập luyện quá sức hoặc khi điều kiện không khí quá lạnh và khô. Những người phải làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, khói bụi hay khí thải có nguy cơ cao bị hen phế quản.
Không chỉ kéo theo những triệu chứng khó chịu, hen phế quản còn có thể gây ra những di chứng nặng nề về sức khỏe. Những biến chứng của hen phế quản thường gặp nhất có thể kể đến như:
Hen phế quản khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường dẫn khí lúc thở ra. Sự tắc nghẽn khí lâu dài không chỉ khiến người bệnh khó thở mà còn làm khí tích tụ trong lồng ngực. Nếu đối tượng mắc hen phế quản là trẻ em, khi trẻ lớn, lồng ngực sẽ căng tròn thay vì kéo dài ra như những trẻ khỏe mạnh bình thường.
Đường kính lồng ngực trước - sau gần bằng đường kính trái - phải khiến lồng ngực của trẻ nở rộng ra phía trước. Xương ức của trẻ cũng nhô ra trước. Lồng ngực bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khiến trẻ lớn lên có tâm lý thiếu tự tin.
Khi bị hen phế quản từ bé, trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường khi không lên cơn hen. Nhưng nếu cơn hen suyễn xảy ra thường xuyên và không có phương tiện cắt cơn hiệu quả hoặc không được điều trị theo kế hoạch phòng ngừa cơn hen tốt, cơn hen sẽ diễn ra ngày càng nặng nề và tần suất ngày càng dày đặc hơn.
Lâu ngày, cấu trúc phổi và đường dẫn khí ở trẻ có thể bị tổn thương. Cây phế quản của trẻ bị tắc nghẽn mãn tính gây khó thở liên tục. Điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ và cũng làm giảm sản xuất hormone tăng trưởng. Đây là lý do không ít trẻ bị hen phế quản từ nhỏ chậm phát triển thể chất hơn các trẻ bình thường.
Các bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến phổi sau một thời gian dài đều gây ảnh hưởng đến tim. Khi cấu trúc phổi bị tổn thương, thành mạch máu của mao mạch phổi cũng bị xơ cứng, tăng kháng lực và tăng áp động mạch phổi. Khi đó, tim phải tăng sức co bóp để bơm máu lên phổi. Lâu ngày, tim sẽ giãn dần và có biểu hiện suy tim phải.
Đây là một trong số những biến chứng của hen phế quản đi kèm các triệu chứng như: Bệnh nhân khó thở, phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi rõ, đau tức hạ sườn bên phải. Thời gian dẫn đến suy tim phải của từng bệnh nhân khác nhau, tùy khả năng phục hồi chức năng hô hấp và kiểm soát cơn suyễn của mỗi người.
Ở người bệnh hen phế quản, đường thở bị tắc nghẽn liên tục, đờm nhớt tăng tiết tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi gây nhiễm khuẩn đường hô hấp. Mỗi khi chuyển mùa hay điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi, các virus, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường hô hấp lại có dịp bùng phát và gây bệnh. Lúc này, người bệnh sẽ có nhiều đờm, khó thở và sốt.
Khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ở bệnh nhân hen, khí bị ứ lại trong lồng ngực khiến độ đàn hồi của các phế nang bị giảm dần. Người bệnh thở ra ít, thể tích khí cặn tăng, thể tích phổi giảm. Điều này làm bệnh nhân khó thở khi gắng sức, hạn chế các hoạt động thể lực và tăng nguy cơ suy tim.
Một biến chứng của hen phế quản cũng khá phổ biến là tràn khí màng phổi. Theo thống kê, biến chứng này gặp ở 5% bệnh nhân hen phế quản. Khi người bệnh thở ra, khí ứ lại khiến các phế nang giãn rộng.
Ở các phế nang bị giãn, mạch máu thưa thớt nên phế nang được nuôi dưỡng kém trong khi áp lực phế nang lại tăng. Nếu người bệnh ho nặng hoặc làm việc gắng sức, thành phế nang dễ bị bục vỡ gây tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân gây đột tử ở bệnh nhân hen phế quản.
Khoảng 10% bệnh nhân hen phế quản gặp biến chứng xẹp phổi một thùy hoặc xẹp phổi nhiều thùy. Khi tình trạng hen được ổn định, xẹp phổi sẽ khỏi hoặc phổi không phục hồi được hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng rất lớn thể lực và khả năng gắng sức của bệnh nhân.
Cơn hen cấp tính có mức độ nặng hoặc cơn hen ác tính có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh. Những cơn hen xảy ra liên tục khiến cấu trúc phổi và đường thở bị tổn thương nghiêm trọng. Điều này làm tăng nguy cơ suy hô hấp mãn tính dẫn đến những cơn hôn mê và tử vong đột ngột.
Bệnh nhân suy hô hấp mãn tính dễ rơi vào tình trạng khó thở liên tục, da, môi, niêm mạc tím tái, toan hóa máu, có thể ngưng thở khi ngủ và họ cần phải hỗ trợ thở máy.
Nếu trong quá trình điều trị hen phế quản, bệnh nhân lạm dụng một số loại thuốc như: Thuốc corticoid, thuốc giãn phế quản hay thuốc kháng viêm cũng có thể gây ra biến chứng.
Biến chứng do dùng thuốc điều trị hen có thể bao gồm: Loãng xương, loét dạ dày, nhiễm khuẩn dai dẳng, hội chứng Cushing, bệnh về thần kinh. Thậm chí, có trường hợp dùng quá liều thuốc giãn phế quản có thể bị rối loạn nhịp tim, hội chứng phổi ức chế hay tử vong đột ngột.
Bệnh hen phế quản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh. Những biến chứng của hen phế quản có thể đi theo người bệnh suốt đời hoặc đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, ngay khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh hen phế quản, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán bệnh sớm.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.