Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cắt thực quản là gì? Chỉ định và biến chứng sau phẫu thuật cắt thực quản

Ngày 07/07/2024
Kích thước chữ

Cắt thực quản là phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp điều trị ung thư thực quản. Phẫu thuật cắt thực quản có thể cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của thực quản. Ngoài ra, phương pháp cắt thực quản còn được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý thực quản khác.

Hệ tiêu hóa của con người bao gồm nhiều bộ phận như miệng, họng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Đây là các bộ phận sẽ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, phân hủy thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Thực quản là một phần quan trọng của đường tiêu hóa (ống tiêu hóa).

Trong số các bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa, ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng cao. Ung thư thực quản là nguyên nhân gây tử vong thứ 9 tại Việt Nam. Lúc này, phương pháp phẫu thuật là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt thực quản một phần hay toàn phần sẽ tùy thuộc vào kích thước và vị trí khối u. 

Cắt thực quản là gì? Vì sao phải cắt thực quản?

Cắt thực quản là phương pháp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản, sau đó tái tạo lại thực quản mới bằng cách sử dụng một phần của bộ phận tiêu hóa khác như dạ dày, ruột non, đại tràng. Mục đích việc cắt thực quản và tái tạo thực quản là giúp loại bỏ tế bào ung thư đồng thời giúp bảo tồn khả năng ăn uống qua đường miệng của người bệnh.

Cắt thực quản là gì? Chỉ định và biến chứng sau phẫu thuật cắt thực quản 1
Cắt thực quản mang đến hiệu quả cao trong điều trị ung thư thực quản

Phẫu thuật cắt thực quản thường được chỉ định trong điều trị ung thư thực quản trong trường hợp khối u có tiến triển. Đối với giai đoạn đầu khi tế bào ung thư chưa di căn, cắt thực quản kết hợp nạo vét hạch là phương pháp mang lại hiệu quả điều trị cao. Trường hợp ung thư tiến triển nặng hơn, việc điều trị cần kết hợp phẫu thuật với các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị. Ngoài ra, cắt thực quản còn được dùng để điều trị các bệnh lý khác như barrett thực quản có loạn sản nặng và nguy cơ ung thư, u lành tính kích thước quá to, rối loạn vận động thực quản, hẹp thực quản do hóa chất,...

Phương pháp cắt thực quản gồm cắt một phần hoặc toàn bộ thực quản, cụ thể:

  • Cắt một phần thực quản và một phần của dạ dày: Đây là phẫu thuật cắt thực quản dạ dày, sau đó nối dạ dày với phần còn lại của thực quản. Phương pháp này thường áp dụng với trường hợp ung thư nằm ở phần dưới thực quản gần với dạ dày ở vị trí nối thực quản - dạ dày. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt một phần dạ dày và khoảng 8 đến 10 cm đoạn thực quản bình thường nằm ngay phía trên khối u.
  • Cắt một phần thực quản và nối vào dạ dày: Nếu ung thư chỉ nằm ở thực quản, bác sĩ sẽ cắt phần thực quản ung thư và một số mô lành lân cận. Sau đó, kéo dạ dày lên để nối vào phần thực quản còn lại.
  • Cắt toàn bộ thực quản: Áp dụng trong trường hợp khối ung thư nằm ở đoạn trên hoặc đoạn giữa thực quản. Lúc này bác sĩ cần cắt bỏ toàn bộ thực quản, đồng thời sử dụng dạ dày, ruột để thay thế cho phần thực quản đã bị cắt bỏ.

Các phương pháp cắt thực quản

Phẫu thuật cắt thực quản có thể được thực hiện thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau như mổ mở, mổ nội soi. Tùy vào tình trạng ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định hình thức phẫu thuật phù hợp nhất.

Mổ mở cắt thực quản

Với hình thức mổ mở, bác sĩ sẽ cắt thực quản thông qua các vết rạch lớn ở cổ, ngực hoặc bụng của người bệnh. Có 2 kỹ thuật cắt thực quản mổ mở phổ biến gồm cắt thực quản không mở ngực với các vết rạch ở cổ, bụng và cắt thực quản qua ngực với các vết rạch ở ngực, bụng. Phương pháp này sẽ để lại vết mổ lớn, thời gian hơn hồi phục kéo dài và nguy cơ biến chứng cũng cao hơn.

Cắt thực quản là gì? Chỉ định và biến chứng sau phẫu thuật cắt thực quản 2
Phẫu thuật cắt thực quản mổ mở

Mổ nội soi cắt thực quản

Với các trường hợp ung thư thực quản giai đoạn sớm, phương pháp mổ nội soi qua đường rạch nhỏ sẽ là giải pháp tối ưu nhất. Phương pháp này xâm lấn tối thiểu chỉ với những vết rạch nhỏ nên người bệnh ít đau, giảm biến chứng, giảm thời gian nằm viện và hồi phục nhanh hơn.

Biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật cắt thực quản

Phẫu thuật cắt thực quản là phẫu thuật phức tạp do vị trí thực quản nằm gần các bộ phận quan trọng của cơ thể như tim, phổi, nhiều dây thần kinh và mạch máu lớn. Ngoài ra, nếu người bệnh lớn tuổi và có bệnh nền thì tỷ lệ tai biến và biến chứng sau cắt thực quản càng cao.

Cắt thực quản là gì? Chỉ định và biến chứng sau phẫu thuật cắt thực quản 3
Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để tránh gặp biến chứng sau cắt thực quản

Sau phẫu thuật cắt thực quản, người bệnh có thể gặp những biến chứng sau:

  • Tác dụng phụ do thuốc gây mê;
  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng sau phẫu thuật;
  • Miệng nối giữa thực quản dạ dày bị rò;
  • Hình thành cục máu đông sau phẫu thuật;
  • Chấn thương các cơ quan lân cận như dạ dày, ruột, phổi;
  • Cảm thấy buồn nôn, nôn, tiêu chảy;
  • Khó nuốt do miệng nối thực quản dạ dày bị hẹp;
  • Biến chứng ở phổi như viêm phổi kéo dài thời gian nằm viện;
  • Thay đổi giọng nói sau cắt thực quản;
  • Trào ngược axit dạ dày và trào ngược dịch mật.

Thông thường, nếu không xảy ra biến chứng, người bệnh cắt thực quản sẽ được xuất viện sau khoảng 5 đến 10 ngày. Thời gian nằm viện có thể dài hơn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Tóm lại, phẫu thuật cắt thực quản là phương pháp điều trị cần thiết để loại bỏ tổn thương do tế bào ung thư ác tính ở người bệnh ung thư thực quản. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp cần cắt thực quản và những biến chứng có thể xảy ra.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin