Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chân răng nổi cục trắng: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp

Ngày 09/05/2024
Kích thước chữ

Vì sao chân răng nổi cục trắng và hiện tượng trên có thực sự đáng ngại? Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn làm rõ những nghi vấn vừa nêu.

Chân răng nổi cục trắng là một hiện tượng bất thường về răng miệng và có thể kéo theo nhiều hệ lụy nếu không được can thiệp sớm. Vậy bạn nằm lòng nguyên nhân phát sinh, mối nguy hại đi kèm và cách ngăn ngừa hiệu quả vấn đề sức khỏe nói trên hay chưa?

Chân răng nổi cục trắng là gì?

Chân răng nổi cục trắng là hiện tượng phần nướu liền kề với răng xuất hiện u cục nổi hẳn lên trên bề mặt và vùng trung tâm thường có màu sắc sáng hơn các khu vực lân cận. Tùy từng trường hợp mà chúng có thể có kích thước từ vài mm đến vài cm.

Chân răng nổi cục trắng: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 1
Hiện tượng chân răng nổi cục trắng

Cục trắng ở chân răng có thể xuất hiện độc lập hoặc đi kèm các dấu hiệu khác, điển hình là:

  • Xuất hiện mùi khó chịu trong khoang miệng, hơi thở có mùi hôi;
  • Chảy máu chân răng, nhất là khi ăn hoặc đang đánh răng;
  • Lên cơn sốt đi kèm phát ban, ngứa ngáy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi cục trắng ở chân răng

Hiện tượng nổi cục trắng ở khu vực chân răng có thể xuất hiện do những nguyên nhân dưới đây:

Sâu răng

Sâu răng phát sinh do sự tấn công của vi khuẩn gây hại lên men răng. Từ đó ảnh hưởng đến ngà răng, lợi và các khu vực nằm liền kề. Hệ quả là có thể làm xuất hiện các cục màu trắng ở khu vực chân răng. Nếu không can thiệp nhanh để xử lý ổ viêm thì rất dễ dẫn đến viêm tủy răng ở mức độ nghiêm trọng.

Chân răng nổi cục trắng: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 2
Sâu răng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng trên

Viêm lợi

Khi lợi bị viêm do nhiễm trùng, chúng không chỉ gây sưng tấy, đau nhức mà còn có thể biến đổi kết cấu và làm xuất hiện cục màu trắng ngay ở vị trí tổn thương. Trong một số trường hợp, cục trắng này còn bị xung huyết, loét bề mặt và đi kèm nhiều diễn tiến đáng ngại khác.

U nang răng

U nang răng là trường hợp chân răng nổi cục do xuất hiện bong bóng nhỏ chứa đầy chất dịch mềm. Chúng thường xuất hiện khi chân răng gãy, tạo áp lực lên ổ xương răng hoặc hệ quả của sâu răng lâu năm, nhiễm trùng tái diễn. Đây là một vấn đề lành tính, can thiệp dễ dàng nên chỉ cần xử lý tại phòng khám chuyên khoa là có thể điều trị dứt điểm.

Áp xe

Khi vi khuẩn xâm nhập vào răng hay vùng nướu gần chân răng, chúng có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy và hình thành ổ mủ. Từ đó dẫn đến tình trạng nổi cục trắng ở khu vực này. Nếu tổ chức trên bị vỡ ra thì vừa gây hôi miệng, vừa lây lan vi khuẩn sang các khu vực lân cận. Hệ quả là gây viêm xoang, viêm não, viêm xương hàm,...

Chăm sóc răng miệng sai cách

Vệ sinh răng miệng sai cách thường dẫn đến hai hệ lụy. Thứ nhất là gây tụt lợi, tổn thương nướu và khiến vi khuẩn có cơ hội hoành hành. Thứ hai là không làm sạch được mảng bám, khiến chúng bám dính "cố thủ” ở đường viền của chân răng và dễ gây viêm nhiễm. Cả hai điều này đều có thể là nguyên nhân khiến chân răng xuất hiện cục trắng.

Ăn uống thiếu lành mạnh

Nếu bạn sử dụng đồ ngọt hoặc thực phẩm chứa nhiều axit, môi trường khoang miệng sẽ có pH thấp, gây hủy hoại lớp men răng và lớp bảo vệ bên ngoài phần lợi. Khi đó các tổ chức này sẽ nhạy cảm hơn, dễ bị vi khuẩn xâm lấn và gây ra những tổn thương dạng u cục.

Lạm dụng nước súc miệng chứa cồn

Cồn là thành phần có khả năng gây kích ứng và bào mòn cực mạnh. Chúng tác động tiêu cực đến niêm mạc lợi và dẫn đến tình trạng đau nhức, sưng tấy. Thậm chí còn có thể xuất hiện những cục nhỏ màu trắng ở ngay dưới chân răng.

Nhiễm khuẩn từ bên ngoài

Khi bạn chăm sóc, can thiệp thẩm mỹ ở phòng khám nha khoa chất lượng kém thì các đồ dùng sử dụng có thể chưa được tiệt trùng đúng cách. Vậy nên bạn rất dễ bị lây nhiễm chéo vi khuẩn và làm phát sinh vấn đề nói trên cùng nhiều bệnh lý về răng miệng khác.

Những biến chứng liên quan

Nếu không được điều trị sớm thì hiện tượng chân răng nổi cục trắng có thể dẫn đến những biến chứng sau đây:

  • Mất răng: Cục trắng xuất hiện thường đi kèm với viêm nhiễm, tổn thương mô mềm. Khi đó các tổ chức này không thể đảm đương vai trò vốn có là giữ chân răng đúng vị trí. Vậy nên hiện tượng răng yếu dần và lung lay mạnh là điều rất dễ xảy ra. Thậm chí đến một thời điểm nào đó, chúng có thể tách biệt hoàn toàn khỏi cung hàm (hiện tượng mất răng).
  • Nhiễm trùng huyết: Đây là hiện tượng vi khuẩn từ ổ viêm xâm nhiễm vào con đường máu. Từ nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến suy đa tạng và rất dễ dẫn đến tử vong.
  • Hoại tử: Khi ổ viêm từ cục trắng không được điều trị, chúng sẽ phát tán vi khuẩn đến các vùng lân cận và gây nhiễm trùng nặng. Trong một số trường hợp, tổn thương không thể phục hồi mà dần đi đến hủy hoại (hoại tử). Lúc này thì dù can thiệp theo cách nào cũng khó tránh khỏi để lại những di chứng nặng nề.
Chân răng nổi cục trắng: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 4
Nếu không can thiệp, cục trắng xuất hiện ở chân răng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm

Cách can thiệp hiệu quả

Để ứng phó với tình trạng chân răng xuất hiện cục trắng thì bạn hãy làm theo hướng dẫn sau:

  • Thăm khám tại bệnh viện hoặc các phòng khám uy tín ngay lập tức để làm rõ nguyên nhân. Khi đã tìm ra căn nguyên thì can thiệp càng sớm càng tốt để phòng ngừa những nguy hại về sau. Ví dụ: Điều trị dứt điểm sâu răng bằng cách trám răng, lấy cao răng, bọc răng sứ,...; trị viêm lợi bằng thuốc kháng sinh; trị u nang răng bằng thuốc hoặc làm tiểu phẫu.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng đều đặn ngày hai lần để giảm thiểu tác động gây hại của vi khuẩn. Khi chọn bàn chải, ưu tiên loại có sợi mềm mại, đầu nhỏ và linh động để tiện cho việc tiếp cận các khu vực ngóc ngách. Ngoài ra nên chải răng theo chiều dọc hoặc xoắn ốc, không chải ngang để hạn chế nguy cơ tụt lợi.
  • Xây dựng chế độ ăn khoa học, lành mạnh. Trong đó bổ sung nhiều rau củ quả để tăng cường đề kháng và hạn chế chất béo, đồ ngọt, đồ cay nóng. Sau khi ăn nên uống nước để làm sạch miệng và loại bỏ vi khuẩn.
  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối. Có thể thực hiện sau khi đánh răng hoặc sau khi sử dụng thực phẩm giàu đường.
  • Kiểm tra răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần để theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng và can thiệp nhanh nếu phát sinh vấn đề bất thường.
Chân răng nổi cục trắng: Nguyên nhân, hệ lụy và cách can thiệp 3
Khi gặp phải vấn đề nói trên, người bệnh nên thăm khám sớm để làm rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu xoay quanh chủ đề chân răng nổi cục trắng. Qua bài viết, hẳn bạn đã nắm rõ nguyên nhân làm phát sinh thực trạng trên, những hệ lụy đi kèm và cách can thiệp hiệu quả rồi phải không? Sau cùng, hy vọng rằng bạn có thể ngăn ngừa vấn đề này từ giai đoạn sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bản thân! Trân trọng!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin