Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chấn thương lách: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh

Ngày 21/02/2024
Kích thước chữ

Chấn thương lách là tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra khi khu vực dưới xương sườn trên bên trái của bụng chịu sự va chạm với lực đủ mạnh. Nếu không được can thiệp kịp thời, chấn thương lách có thể dẫn đến các vấn đề chảy máu đe dọa tính mạng. Trong bài viết của Nhà thuốc Long Châu hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân, các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị chấn thương lách nhằm bảo vệ và cải thiện sức khỏe.

Các tổn thương ở vùng lách thường là kết quả của những sự kiện không mong muốn như tai nạn giao thông, va chạm trong hoạt động thể thao, té ngã hoặc cảnh bạo hành, đòi hỏi điều trị cẩn thận và kỹ lưỡng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này trong bài viết dưới đây.

Chấn thương lách là thế nào?

Chấn thương lách thường là phổ biến nhất trong các trường hợp chấn thương ở vùng bụng kín, thường xảy ra do có lực va đập mạnh ở khu vực này. Khi lá lách bị vỡ, có thể gây ra chảy máu vào trong ổ bụng và mức độ chảy máu phụ thuộc vào cơ chế chấn thương cũng như độ nghiêm trọng của vết thương.

Khoảng 60% trường hợp chấn thương lách không có thương tổn phụ trợ, đây là biểu hiện cho sự nghiêm trọng của vấn đề.

Tỷ lệ tử vong trong 48 giờ đầu tiên sau khi lách bị vỡ là khoảng 10% trong trường hợp chấn thương nặng có liên quan đến chấn thương sọ não và nhiễm trùng. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong chỉ là 1% đối với những trường hợp chỉ có chấn thương lách mà không kèm theo những biến chứng khác.

Chấn thương lách: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh 1
Chấn thương lách nếu không được xử lý kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm

Nguyên nhân gây chấn thương lách

Nguyên nhân gây ra chấn thương lách thường xuất phát từ các sự kiện như tai nạn giao thông, va chạm trong hoạt động thể thao, té ngã mạnh hoặc bị hành hung. Đặc biệt, các tổn thương ở phần bên trái của cơ thể thường do những cú đánh mạnh vào bụng hoặc phần dưới của ngực. Một số trường hợp chấn thương lách có thể dẫn đến việc vỡ lách ngay lập tức hoặc sau vài ngày, thậm chí là sau vài tuần sau khi chấn thương ban đầu xảy ra.

Vỡ lách thường xảy ra khi lá lách mở rộng, có thể do sự tích tụ tế bào máu trong lá lách gây ra bởi bạch cầu đơn nhân và các yếu tố khác như bệnh nhiễm trùng, bệnh gan hoặc ung thư máu.

Triệu chứng nhận biết chấn thương lách

Các dấu hiệu phổ biến của chấn thương lách bao gồm:

  • Đau ở phần trên bên trái của bụng, có thể là đau tự nhiên hoặc đau khi tiếp xúc.
  • Cảm giác hoa mắt, chóng mặt hoặc trạng thái ngất xỉu sau khi gặp chấn thương ở khu vực bụng hoặc phần trên của ngực bên trái.
  • Thấy vết thương và chảy máu ở vùng bụng bên trái phía trên.

Những đối tượng có nguy cơ cao gặp chấn thương lách thường là những người chịu tác động của một lực mạnh đối với khu vực bụng, ngực bên phía lách hoặc một khu vực khác của cơ thể. Điều này có thể bao gồm những người vừa trải qua tai nạn giao thông, bị bạo hành hoặc gặp chấn thương trong các hoạt động thể thao.

Ngoài ra, các bệnh nhân có các tình trạng bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, bệnh gan hoặc tích tụ tế bào máu ở lách do ung thư máu cũng có nguy cơ cao gặp chấn thương lách.

Chấn thương lách: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh 2
Người bệnh cần nắm được triệu chứng chấn thương lách sớm để đi thăm khám

Cách chẩn đoán chấn thương lách

Các phương pháp chẩn đoán chấn thương lá lách bao gồm việc xác định nguyên nhân đưa bệnh nhân nhập viện như liệu có phải do chấn thương bụng kín hay một sự va chạm đa nguyên nhân như tai nạn giao thông, lao động hoặc các hoạt động sinh hoạt khác không. Bác sĩ cũng quan sát các triệu chứng toàn thân và ở khu vực bụng của bệnh nhân.

Các triệu chứng toàn thân có thể bao gồm cảm giác hoa mắt, da xanh xao, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, cảm giác tay chân lạnh và các triệu chứng vùng bụng như vết thương da bầm dập, đau ở vùng bụng hạ sườn trái, áp dụng áp lực vào ổ bụng để kiểm tra có máu không đau.

Bước tiếp theo trong quá trình chẩn đoán chấn thương lách là các xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng hồng cầu, HCT giảm, và bạch cầu tăng.
  • X-quang ngực không chuẩn bị để quan sát các dấu hiệu của chấn thương lá lách.
  • Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán sớm nhất cho chấn thương lá lách, cho phép bác sĩ nhìn thấy dịch trong ổ bụng và các vết thương liên quan.
  • CT Scanner bụng là một phương pháp tốt nhất để đánh giá tổn thương lá lách và xác định phạm vi của vết thương.

Khi nói về mức độ của chấn thương lách, có thể phân thành 5 mức độ theo Hiệp hội ngoại chấn thương Hoa Kỳ AAST:

  • Chấn thương lá lách độ 1: Mức độ này có tỷ lệ tụ máu dưới vỏ không lớn hơn 10% diện tích bề mặt, với vết rách vỏ nhỏ từ 1cm chiều sâu trở xuống.
  • Chấn thương lá lách độ 2: Tỷ lệ máu tụ dưới vỏ chiếm từ 10 - 50% diện tích bề mặt, trong nhu mô lách có máu tụ kích thước dưới 5cm, vết rách sâu từ 1 - 3cm nhưng không tổn thương các bè mạch máu.
  • Chấn thương lá lách độ 3: Tụ máu dưới vỏ lớn hơn 50% diện tích bề mặt hoặc khối máu tụ dưới vỏ, máu tụ nhu mô mỡ đang lan tỏa; tụ máu trong nhu mô lách trên 5cm hoặc đang lan tỏa, vết rách sâu hơn 3cm gây tổn thương bè mạch máu.
  • Chấn thương lá lách độ 4: Vết rách gây tổn thương các mạch máu phân thùy hoặc rốn lách,  25% lách bị thiếu máu nuôi.
  • Chấn thương lá lách độ 5: Gây vỡ lách, chấn thương nghiêm trọng mạch máu rốn lách.
Chấn thương lách: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh 3
Người bệnh cần thực hiện nhiều xét nghiệm để chẩn đoán chấn thương lách

Phương pháp điều trị chấn thương lách

Có ba phương pháp điều trị chấn thương lách hiện đang được sử dụng phổ biến. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp.

  • Phương pháp phẫu thuật cắt lách: Thường được áp dụng khi bệnh nhân bị vỡ lách dẫn đến xuất huyết nội và nguy cơ tử vong hoặc khi lách bị vỡ đến mức độ 5. Nó cũng được sử dụng khi có tổn thương kết hợp với nhiễm trùng hoặc khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả.
  • Phương pháp phẫu thuật bảo tồn lách: Bác sĩ tiến hành khâu lách khi lách bị vỡ ở mức độ 1, 2 hoặc 3 và đường vỡ không phức tạp. Nếu có vỡ lách độ 3 với đường vỡ phức tạp, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc một phần lách và sử dụng vật liệu như rọ Dexon để bọc lách.
  • Phương pháp bảo tồn lách theo dõi không mổ: Thường được áp dụng khi tổn thương lách không quá nghiêm trọng, vỡ lách ở mức độ 1 hoặc 2 và bệnh nhân có tình trạng tổng quát ổn định, không có biến chứng như rối loạn đông máu, ít dịch trong ổ bụng, độ tuổi dưới 55. Bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi bệnh nhân tại phòng cấp cứu, thực hiện các kiểm tra lâm sàng định kỳ và thực hiện chụp CT Scanner sau 48 - 72 giờ nếu có dấu hiệu biến chứng.
Chấn thương lách: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh 4
Người bệnh cần điều trị chấn thương lách theo chỉ định của bác sĩ

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ những kiến thức chi tiết về tình trạng chấn thương lách. Hy vọng rằng thông tin này sẽ giúp các bạn nâng cao ý thức về sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ chấn thương lách trong cộng đồng. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin