Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chạy bộ bị chóng mặt: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Ngày 02/04/2024
Kích thước chữ

Chạy bộ là cách rèn luyện cơ thể được nhiều người lựa chọn bởi thực hiện đơn giản nhưng hiệu quả khá tốt. Bên cạnh những người sau khi chạy bộ xong cảm thấy thoải mái, sảng khoái thì cũng có người chạy bộ bị chóng mặt. Vậy nguyên nhân nào gây cảm giác chóng mặt khi chạy bộ?

Chạy bộ bị chóng mặt là tình trạng thường gặp và mọi thứ sẽ bình thường lại khi nghỉ ngơi. Để hiểu hơn về hiện tượng chóng mặt khi chạy bộ, Nhà thuốc Long Châu mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Chạy bộ bị chóng mặt là gì?

Chạy bộ là một trong những môn thể thao được nhiều người lựa chọn để tập luyện, rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức bền của cơ thể,… Nếu đôi lúc chạy bộ bị chóng mặt, bạn cần theo dõi thêm biểu hiện khác cũng như tần suất xuất hiện hiện tượng này, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để xử lý hiệu quả.

Tình trạng chạy bộ bị chóng mặt có thể được coi là một trong những biểu hiện chính của việc cơ thể mất nước, huyết áp thấp hoặc tập luyện quá sức, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, thiếu oxy hoặc hạ đường huyết. Người chạy bộ bị chóng mặt sẽ cảm thấy đầu óc thiếu tỉnh táo, mệt mỏi, khó tập trung, hoa mắt hoặc thậm chí một số trường hợp còn gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng khi đi lại.

Chạy bộ bị chóng mặt: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 1
Chạy bộ bị chóng mặt là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên

Vì sao chạy bộ bị chóng mặt?

Tìm hiểu rõ nguyên nhân chạy bộ bị chóng mặt chính là cách tốt nhất để bạn xác định phương án xử lý, khắc phục tình trạng này. Theo các chuyên gia, có rất nhiều tác nhân khiến bạn có cảm giác hoa mắt chóng mặt khi đã hoặc đang chạy bộ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.

Tụt huyết áp

Bạn đột nhiên bị chóng mặt khi chạy bộ? Bạn cảm thấy choáng váng sau khi tập luyện thể dục thể thao? Vậy rất có thể bạn đã bị tụt huyết áp khi chạy bộ hoặc tập luyện rồi đấy.

Trong quá trình chạy bộ, hệ tim mạch sẽ cùng các cơ tích cực co bóp nhiều hơn để đưa máu từ dưới chân về lại tim cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, nhất là vùng não bộ. Tuy vậy, khi bạn ngừng chạy bộ, các sợi cơ này sẽ đột ngột mất động lực khiến tim, cơ nhanh chóng hoạt động lại bình thường, giảm lưu lượng máu truyền đến não gây hiện tượng chạy bộ bị chóng mặt.

Chạy bộ bị chóng mặt do cơ thể mất nước

Hiện tượng chạy bộ bị chóng mặt kèm theo dấu hiệu buồn nôn là một trong những triệu chứng phổ biến khi cơ thể mất nước. Đây cũng là lý do tại sao việc bổ sung đủ nước là rất quan trọng, kể cả với người tập thể thao hoặc không. Bên cạnh việc mất nước trong quá trình tập luyện, cơ thể còn mất chất điện giải, nhất là muối. Những chất này có nhiệm vụ duy trì cân bằng nước và các hoạt động của cơ thể nên khi bị thiếu hụt dễ dẫn đến chóng mặt, khó chịu.

Chạy bộ bị chóng mặt: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 2
Chạy bộ dưới tiết trời nắng nóng, uống ít nước,... gây mất nước và dẫn đến tình trạng chóng mặt

Hạ đường huyết

Bạn thường xuyên gặp tình trạng chạy bộ bị chóng mặt? Theo các chuyên gia, đây có thể là biểu hiện của việc hạ đường huyết đấy. Tập luyện thể thao hoặc chạy bộ khi bụng đang đói chính là tác nhân chính dẫn đến hạ đường huyết và bị chóng mặt khi chạy bộ.

Thức ăn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể nên nếu để bụng đói và chạy bộ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái đói, không có đủ năng lượng để hoạt động, từ đó gây hạ đường huyết.

Hít thở sai cách dẫn đến thiếu oxy

Thêm một nguyên nhân nữa cũng rất hay gặp ở người chạy bộ bị chóng mặt, đó là do hít thở chưa đúng khiến cơ thể bị thiếu oxy. Điều này đặc biệt thường xảy ra ở người hay nín thở hoặc thở nông trong suốt quá trình chạy bộ. Chính vì vậy, nếu hay bị chóng mặt khi chạy, bạn nên điều chỉnh lại cách hít thở của bản thân nhằm cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể.

Chạy bộ quá sức

Đa phần cảm giác chóng mặt, hoa mắt, khó chịu,… xuất hiện khi chạy bộ đều đến từ việc tập luyện quá sức. Ngoài gây chóng mặt, chạy bộ quá sức còn có thể làm bạn cảm thấy mờ mắt, khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn, kém tập trung,… Theo nghiên cứu, có đến hơn 32.6% tổng số ca chóng mặt khi chạy bộ là do tập luyện quá sức. Để hạn chế điều này bạn cần điều chỉnh lại chế độ tập luyện của bản thân.

Chạy bộ bị chóng mặt: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 3
Tập luyện quá sức gây mệt mỏi, chóng mặt,...

Cách xử lý khi chạy bộ bị chóng mặt

Ngay khi cảm thấy chạy bộ bị chóng mặt, hoa mắt,… bạn cần tiến hành xử lý đúng cách và có hiệu quả, hạn chế để lại cảm giác mệt mỏi cả ngày hôm ấy.

Khởi động kỹ trước khi chạy bộ

Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi tập thể dục các động tác nặng thì mới cần khởi động còn chạy bộ thì không. Tuy nhiên, khi bạn chú ý khởi động nghiêm túc sẽ thấy tình trạng chạy bộ bị chóng mặt giảm hẳn đấy. Thói quen khởi động sẽ giúp cơ thể được làm nóng, quen dần với việc vận động, tránh tình trạng chuột rút và cảm giác chóng mặt, hoa mắt khi đang chạy bộ hoặc chạy bộ xong.

Thực hiện động tác giãn cơ trước và sau khi chạy bộ

Trước và sau khi tập luyện, trong đó có chạy bộ, tốt hơn hết bạn nên thực hiện một số động tác giãn cơ cơ bản. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế phần nào hiện tượng chóng mặt khi chạy bộ. Bạn có thể giãn cơ tập trung ở những vùng như sụn, khớp gối hoặc phần nối giữa các xương để tăng tính linh hoạt của cơ thể.

Thay đổi chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh

Về lâu dài, để hạn chế hiện tượng chạy bộ bị chóng mặt, bạn cần bắt đầu từ chế độ ăn uống. Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và đặc biệt là không để bụng đói đi chạy bộ là những điều bạn nên làm. 

Chạy bộ bị chóng mặt: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả 4
Chế độ ăn lành mạnh và không để bụng đói khi tập luyện giúp hạn chế cảm giác chóng mặt, hoa mắt

Ngoài ra, uống đủ nước, tối thiểu từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày cũng rất quan trọng với người tập thể dục thể thao, trong đó có chạy bộ. Để bổ sung chất điện giải cần thiết bạn cũng có thể chọn uống các loại nước uống thể thao, nước điện giải để giúp việc tập luyện giảm mệt mỏi hơn do quá trình trao đổi chất trong cơ thể được đảm bảo.

Nhìn chung, tình trạng chạy bộ bị chóng mặt không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng bạn cần rất cẩn trọng. Nếu đã thực hiện các cách khắc phục nêu trên mà cảm giác chóng mặt khi chạy bộ không thuyên giảm, tốt hơn hết bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân và xác định các chữa trị phù hợp.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin