Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chế độ dinh dưỡng cho bé: Những điều cha mẹ nên biết

Ngày 10/11/2024
Kích thước chữ

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ, từ thể chất đến trí tuệ. Đặc biệt trong những năm đầu đời, chế độ dinh dưỡng cho bé phù hợp không chỉ giúp bé khỏe mạnh mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện khả năng học hỏi và nhận thức.

Làm thế nào để cân bằng giữa các nhóm chất, chọn lựa thực phẩm an toàn và bổ dưỡng, đồng thời tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho bé? Hãy cùng khám phá những nguyên tắc cơ bản trong chế độ dinh dưỡng cho bé nhằm giúp bé yêu khôn lớn một cách khỏe mạnh và toàn diện bạn nhé!

Ý nghĩa của chế độ dinh dưỡng đối với trẻ

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ. Giai đoạn đầu đời đặc biệt quan trọng, vì đây là thời điểm nền tảng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ lâu dài của trẻ.

Một chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế các vấn đề sức khỏe mãn tính về sau. Thực phẩm giàu dinh dưỡng cung cấp năng lượng và bổ sung các dưỡng chất cần thiết, giúp trẻ phát triển cân đối và toàn diện. Nếu thiếu hoặc thừa dưỡng chất, trẻ có thể gặp các vấn đề về phát triển cơ thể, trí não, khả năng vận động.

che-do-dinh-duong-cho-be-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 1
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định giúp trẻ phát triển toàn diện

Chế độ dinh dưỡng cho bé

Chế độ dinh dưỡng khoa học cho bé là như thế nào?

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết để trẻ phát triển tốt nhất. Một chế độ dinh dưỡng cho bé được coi là hợp lý khi nó cung cấp đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, bao gồm carbohydrate, axit béo thiết yếu, amino axit thiết yếu, khoáng chất, vitamin và nước

Nguyên tắc trong xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ. Để xây dựng một thực đơn phù hợp, cần xem xét nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, thể trạng và mức độ hoạt động. 

Trẻ em cần được cung cấp đầy đủ bốn nhóm thực phẩm thiết yếu: Đạm, bột, muối khoáng, vitamin và chất béo. Mỗi nhóm thực phẩm đều có vai trò riêng biệt vì vậy việc phối hợp đa dạng các loại thực phẩm là rất quan trọng. Ví dụ, các axit amin thiết yếu được cung cấp bởi đạm động vật từ thịt, cá, trứng và sữa, trong khi đạm thực vật từ các loại đậu lại giúp giảm cholesterol và có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Dầu thực vật (các loại hạt như lạc, vừng) không chỉ giàu chất béo thực vật mà còn cung cấp nhiều vitamin và axit béo không no. Khi kết hợp chúng với mỡ động vật, chẳng hạn như bơ, sẽ tạo nên sự cân bằng về hàm lượng chất béo trong bữa ăn của trẻ.

Hạn chế tiêu thụ đường cũng là điều cần thiết ở trẻ. Mặc dù đường có thể cung cấp năng lượng nhanh chóng, việc tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như béo phì và tiểu đường. Cha mẹ nên ưu tiên cung cấp cho trẻ nhiều trái cây và rau xanh, vì đây là nguồn vitamin phong phú giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa. Chúng không chỉ kích thích quá trình tiêu hóa mà còn giúp cơ thể trẻ đào thải độc tố và ngăn ngừa tình trạng táo bón.

che-do-dinh-duong-cho-be-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 2
Bổ sung trái cây và rau xanh giúp hỗ trợ tiêu hoá cho trẻ trong giai đoạn đầu đời

Ngoài ra, vệ sinh thực phẩm cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm tươi sạch, tránh các sản phẩm có hóa chất độc hại và mầm bệnh, đảm bảo an toàn cho trẻ. Uống đủ nước sạch cũng là một yếu tố thiết yếu đối với trẻ, vì nước chiếm khoảng 2/3 trọng lượng cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong các chức năng sống.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời. Việc cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh sẽ giúp trẻ nhận được nguồn sữa non giàu vitamin A và kháng thể, giúp tăng cường sức đề kháng. Trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho đến 2 tuổi, kết hợp với chế độ ăn đa dạng để đảm bảo phát triển toàn diện. Tất cả những yếu tố này khi được kết hợp một cách hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh trong những năm tháng đầu đời.

Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi

Đối tượng trẻ sơ sinh 0 – 6 tháng tuổi

Trong giai đoạn sơ sinh, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện và cần được chăm sóc đặc biệt. Từ 0 đến 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính. Trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn, nếu mẹ không đủ sữa có thể kết hợp với sữa công thức, nhưng không nên cho trẻ uống thêm bất kỳ loại chất lỏng nào khác.

Trong tháng đầu, mẹ nên cho trẻ bú khoảng 20ml mỗi cữ, tăng dần lên 30ml theo nhu cầu. Ở giai đoạn 2 - 4 tháng, trẻ bú từ 60 - 120ml mỗi cữ. Từ 4 - 6 tháng, trẻ có thể bắt đầu ăn dặm với chỉ một bữa ăn dặm mỗi ngày để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa và sữa vẫn giữ vai trò chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng.

che-do-dinh-duong-cho-be-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 3
Nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho đối tượng trẻ sơ sinh 0 – 6 tháng tuổi là sữa mẹ

Đối tượng trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi

Trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thời kỳ ăn dặm với thức ăn lỏng, đã được nấu chín và nghiền nát. Lượng thức ăn nên bắt đầu từ từng thìa nhỏ, sau đó tăng dần theo nhu cầu của trẻ. Cha mẹ có thể bổ sung các loại rau như khoai tây, đậu xanh, cà rốt và đậu hà lan, tuy nhiên tất cả đều nên được nấu chín kỹ, nghiền nhuyễn. Trái cây như chuối, bơ, đào và táo cũng là những lựa chọn tốt. Các loại thịt, cá và tôm cũng có thể được bổ sung dần dần vào chế độ ăn của trẻ.

Từ 8 đến 12 tháng, để cân bằng dinh dưỡng, mẹ nên giảm số lần bú sữa mẹ xuống còn 3 - 4 lần mỗi ngày và bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm giàu đạm. Lúc đầu, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn giàu đạm với lượng nhỏ để trẻ làm quen. Mẹ có thể cho trẻ ăn dặm với hai bữa cháo mỗi ngày, tăng độ thô và hàm lượng đạm trong mỗi bữa ăn, đảm bảo đủ bốn nhóm thực phẩm cần thiết. Sữa mẹ có thể giảm xuống 3 - 4 cữ/ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo lượng sữa tối thiểu là 500ml/ngày.

Đối tượng trẻ giai đoạn từ 1 – 2 tuổi

Từ khi trẻ được 1 tuổi, cha mẹ có thể tăng cường số lượng bữa ăn dặm và giảm dần lượng sữa. Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, việc xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng là cần thiết, nhằm ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất. 

Sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn rất quan trọng và cần được bổ sung. Tuy nhiên, cần chú ý rằng khẩu phần ăn chính là yếu tố quyết định trong khi sữa chỉ nên được bổ sung như một nguồn hỗ trợ dinh dưỡng.

che-do-dinh-duong-cho-be-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 4
Bổ sung các bữa ăn dặm cho trẻ từ 1 tuổi để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

Đối tượng trẻ giai đoạn từ 2 – 5 tuổi

Giai đoạn từ 2 đến 5 tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu tự lập trong việc ăn uống. Sự phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này yêu cầu cha mẹ chú trọng vào việc cung cấp chế độ dinh dưỡng cho bé đầy đủ và cân bằng các nhóm dưỡng chất.

Trong chế độ ăn hàng ngày, nên ưu tiên bổ sung nguồn protein từ các loại thịt như gà, heo, bò, cùng với trứng, phô mai, ít nhất là 2 lần mỗi tuần. Các loại cá như cá chép, cá hồi và cá thu, vốn giàu Omega-3, cũng cần được bổ sung với lượng khoảng 80 - 100g mỗi ngày.

Để hỗ trợ hệ tiêu hóa, sữa chua lên men tự nhiên nên được đưa vào bữa ăn của bé từ 2 đến 3 lần trong tuần. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các loại trái cây và rau củ không chỉ làm phong phú bữa ăn mà còn cung cấp vitamin cần thiết, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Chế độ dinh dưỡng cho bé đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, cha mẹ cần chú trọng xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng và cân đối. Việc tạo thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sức khỏe lâu dài trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin