Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Kế hoạch mang thai

Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không?

Ngày 25/08/2023
Kích thước chữ

Mặc dù tiểu đường không phải là một bệnh lây truyền, nhưng nó có thể có yếu tố di truyền và tác động đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Vì vậy, câu hỏi liệu đàn ông mắc tiểu đường có thể có con hay không cần được xem xét kỹ lưỡng và thảo luận cùng bác sĩ.

Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu và trả lời câu hỏi “Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không?” qua bài viết sau đây.

Vấn đề về sức khỏe sinh sản ở nam giới mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới. Mặc dù không gây vô sinh hoàn toàn, nhưng bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh của sức khỏe sinh sản. Người đàn ông mắc bệnh tiểu đường thường gặp vấn đề về chức năng tình dục, bao gồm rối loạn cương dương và xuất tinh ngược. Các vấn đề này có thể làm giảm ham muốn tình dục và ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Hơn nữa, chất lượng tinh trùng của họ thường thấp hơn so với người nam giới không mắc bệnh tiểu đường.

Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không? 1
Người đàn ông mắc bệnh tiểu đường thường gặp vấn đề về chức năng tình dục

Theo các nghiên cứu, so sánh chất lượng tinh trùng giữa nam giới mắc bệnh tiểu đường và nam giới không mắc bệnh tiểu đường cho thấy rằng nam giới không mắc bệnh tiểu đường thường có tinh dịch chất lượng cao hơn khoảng 25% so với người vô sinh do tiểu đường. Ngoài ra, nam giới mắc bệnh tiểu đường thường có tỷ lệ tổn thương DNA trong tinh trùng cao hơn. Tổng thể, những điều này cho thấy bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh của nam giới, đồng thời tăng nguy cơ dị tật và sảy thai ở trẻ sơ sinh.

Bệnh tiểu đường có di truyền không?

Bệnh tiểu đường tuýp 1

Nếu bạn là nam giới mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, tỷ lệ con bạn mắc bệnh tiểu đường là 1/17. Nếu bạn là phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và con bạn được sinh ra trước khi bạn 25 tuổi, nguy cơ của con bạn là 1/25; nếu con bạn được sinh ra sau khi bạn bước sang tuổi 25 thì nguy cơ của con bạn là 1/100.

Nguy cơ của con bạn sẽ tăng gấp đôi nếu bạn mắc bệnh tiểu đường trước 11 tuổi. Nếu cả hai người đều mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì nguy cơ là từ 1/10 đến 1/4.

Có một ngoại lệ đối với những con số này: Cứ bảy người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì có khoảng một người mắc một tình trạng gọi là hội chứng tự miễn dịch đa tuyến tuýp 2, người này còn mắc bệnh tuyến giáp và tuyến thượng thận hoạt động kém, nguy cơ mắc hội chứng này và phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1 ở con bạn là 1/2.

Xét nghiệm kháng thể có thể được thực hiện cho trẻ có anh chị em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Nếu bạn nghĩ con mình có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, hãy liên hệ với bác sĩ.

Bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có mối liên hệ chặt chẽ hơn với lịch sử gia đình so với tuýp 1, và các nghiên cứu về các cặp song sinh đã chỉ ra rằng di truyền đóng vai trò rất mạnh trong sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Chủng tộc cũng có thể đóng một vai trò.

Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường. Lối sống cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Béo phì có xu hướng di truyền trong gia đình và các gia đình thường có thói quen ăn uống và tập luyện giống nhau.

Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không? 2
Béo phì có xu hướng di truyền trong gia đình do có thói quen ăn uống và tập luyện giống nhau

Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, có thể khó xác định liệu bệnh tiểu đường của bạn là do yếu tố lối sống hay di truyền, nhiều khả năng là do cả hai.

Có nên sinh con khi chồng bị tiểu đường không?

Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin trong cơ thể, gây ra sự thiếu hụt insulin và khó khăn trong việc điều chỉnh mức đường trong máu. Do đó, người bệnh cần phải sử dụng insulin từ nguồn bên ngoài hàng ngày để cân bằng mức đường huyết. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nam giới và làm cho việc thụ thai trở nên khó khăn.

Bệnh đái tháo đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Đây là dạng bệnh tiểu đường phổ biến hơn so với tuýp 1. Tuy nhiên, bệnh này có thể được kiểm soát thông qua việc duy trì tập thể dục đều đặn và ăn uống cân bằng. Nếu người đàn ông có khả năng kiểm soát bệnh, họ có thể giúp mang thai mà không cần qua liệu pháp đặc biệt.

Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không? 3
Chồng bị tiểu đường vẫn có thể có con, tuy nhiên cần kiểm soát đường huyết

Để giải đáp cho thắc mắc "chồng bị tiểu đường có nên sinh con không?" thì câu trả lời là có thể có con. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, người đàn ông cần phải duy trì kiểm soát đường huyết tốt để tránh ảnh hưởng đến chức năng sinh lý nam giới và nguy cơ di truyền bệnh cho con.

Lời khuyên dành cho phụ nữ mắc đái tháo đường trước khi mang thai

Tương tự như đàn ông, phụ nữ mắc đái tháo đường trước khi mang thai cần lưu ý một số điều sau:

  • Kiểm soát tốt mức đường trong máu trước và trong thời gian mang thai, có thể tăng khả năng sinh con khỏe mạnh.
  • Lập kế hoạch mang thai: Khi lập kế hoạch mang thai, bạn cần thăm bác sĩ để thảo luận về cách kiểm soát bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của bạn, điều chỉnh thuốc nếu cần, và nếu bạn thừa cân, có thể đề xuất giảm cân trước khi mang thai.
  • Hãy thường xuyên thăm khám bác sĩ: Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần thường xuyên thăm khám bác sĩ để phát hiện và ngăn ngừa sớm các vấn đề có thể xảy ra.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh: Lập kế hoạch bữa ăn và cung cấp hướng dẫn kiểm soát đường huyết khi mang thai.
  • Tập thể dụng đều đặn: Để kiểm soát đường huyết. Trước khi bắt đầu tập luyện, nên tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ. Dành ít nhất 30 phút hoạt động vận động vừa phải ít nhất 5 ngày mỗi tuần, có thể là đi bộ, bơi lội, hoặc các hoạt động tích cực khác.
  • Uống thuốc và insulin theo hướng dẫn: Nếu bác sĩ kê đơn thuốc hoặc insulin, tuân thủ hướng dẫn để kiểm soát mức đường trong máu của bạn.
  • Kiểm soát đường huyết và xử lý hạ đường huyết nhanh chóng: Dùng nguồn đường nhanh khi cần, và hướng dẫn người thân biết cách hỗ trợ khi bạn gặp tình trạng hạ đường huyết.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên khi mang thai: Thay đổi nhu cầu năng lượng có thể làm biến đổi đường huyết nhanh chóng, nên bạn cần kiểm tra đều, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và insulin theo hướng dẫn bác sĩ.
Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không? 4
Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần thường xuyên thăm khám bác sĩ

Một số biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường ở nam giới

Với nam giới bị bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ các vấn đề sinh lý quan trọng, đặc biệt là rối loạn cương dương, là điều quan trọng. Để hạn chế nguy cơ này, nam giới cần thay đổi lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối và tập luyện đều đặn.

Về việc nam giới bị tiểu đường có nên sinh con, câu trả lời phụ thuộc vào mong muốn cá nhân và tiến triển của bệnh. Việc duy trì kiểm soát đường huyết tốt là quan trọng, đồng thời cần cân nhắc để tránh nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi. Để đạt được điều này, nam giới cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc tiểu đường theo hướng dẫn.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc và uống rượu để tránh tăng nguy cơ biến chứng.
  • Thông báo với bác sĩ về triệu chứng rối loạn cương dương để được hỗ trợ đúng cách.
  • Đối với nam giới trên 30 tuổi, thừa cân hoặc có tiền sử bệnh tiểu đường trong gia đình, thường xuyên thăm khám để phát hiện sớm nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Chồng bị tiểu đường có nên sinh con không?5
Loại bỏ thói quen hút thuốc để tránh tăng nguy cơ biến chứng

Trong bài viết trên đã đề cập đến vấn đề mà khá nhiều gia đình thắc mắc "chồng bị tiểu đường có nên sinh con không?". Mong bạn tìm được thông tin phù hợp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin