Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae: Làm thế nào để phòng tránh?

Ngày 24/11/2024
Kích thước chữ

Bệnh tả là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gây ra những đợt dịch lớn với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực có điều kiện vệ sinh và nguồn nước chưa đảm bảo. Tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn tả Vibrio Cholerae. Để kiểm soát và phòng ngừa bệnh hiệu quả, việc hiểu rõ các đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae và khả năng gây bệnh là vô cùng cần thiết.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về đặc điểm của vi khuẩn tả Vibrio Cholerae bao gồm cấu trúc và cơ chế gây bệnh. Đồng thời tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán sự xuất hiện của vi khuẩn tả Vibrio Cholerae trong cơ thể và biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa bệnh tả. Hãy cùng tìm hiểu ngay bạn nhé!

Đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae

Tổng quan về bệnh tả do Vibrio Cholerae gây ra

Bệnh tả do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh lây lan qua đường phân – miệng, trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nhiễm và có khả năng bùng phát thành dịch lớn.

Tại Việt Nam, dịch tả vẫn có khả năng xuất hiện ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là vào mùa hè. Điều trị bệnh chủ yếu tập trung vào cách ly người bệnh, bù nước và điện giải kịp thời, đồng thời sử dụng liệu pháp kháng sinh phù hợp. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa tại các khu vực nguy cơ cao đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự bùng phát của bệnh.

dac-diem-vi-khuan-ta-vibrio-cholerae-lam-the-nao-de-phong-tranh 1
Vi khuẩn tả Vibrio Cholerae là nguyên nhân gây ra các trận dịch tả

Đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae là gì?

Vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) là loại vi khuẩn Gram âm, hiếu khí, không sinh nha bào, với hình dạng đặc trưng dài như que và đầu hơi cong giống dấu phẩy, vì vậy còn được gọi là phẩy khuẩn tả. Chúng di chuyển nhờ có lông ở một đầu và được bao bọc bởi lớp vỏ bảo vệ. Dựa trên kháng nguyên, Vibrio cholerae được phân thành ba nhóm chính:

  • Nhóm O1: Là tác nhân gây bệnh dịch tả nhờ khả năng sản sinh độc tố đường ruột.
  • Nhóm O139: Gây bệnh thông qua độc tố ruột và kháng nguyên điều hòa độc tố TCP.
  • Các nhóm không thuộc O1 và O139 (từ O2 đến O138): Không có khả năng gây dịch tả nhưng vẫn có thể gây viêm đường ruột cấp tính.

Vi khuẩn tả phát triển mạnh trong môi trường kiềm, đặc biệt là trên thạch TCBS (pH 8,6) hoặc TTGA (pH 8,5). Chúng thường được tìm thấy trong phân người, phân động vật và môi trường nước, nơi chúng có thể tồn tại vài ngày. 

Tuy nhiên, phẩy khuẩn tả dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời hoặc các chất tẩy rửa thông dụng như cloramin B, vôi, cresyl. Việc nắm rõ đặc điểm sinh học và khả năng tồn tại của Vibrio cholerae là rất quan trọng để kiểm soát, phòng ngừa bệnh tả hiệu quả.

Cơ chế lây lan và gây bệnh của vi khuẩn tả Vibrio Cholerae

Vi khuẩn tả Vibrio Cholerae gây bệnh như thế nào?

Vi khuẩn tả gây bệnh ở người thông qua hệ tiêu hoá. Vi khuẩn phải vượt qua dịch tiêu hóa trong dạ dày, nơi có tính axit cao – hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể sau đó chúng sẽ đến ruột non để sinh trưởng và phát triển.

dac-diem-vi-khuan-ta-vibrio-cholerae-lam-the-nao-de-phong-tranh 2
Đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae là sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ ở ruột non

Tại ruột non, vi khuẩn tả bám dính vào các tế bào biểu mô nhờ kháng nguyên bám dính, cho phép chúng tồn tại và sản sinh độc tố. Các độc tố này làm thay đổi tính chất màng tế bào biểu mô, gây rối loạn cân bằng nước và điện giải trong lòng ruột, dẫn đến tiêu chảy cấp tính. Đây chính là nguyên nhân chính gây mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trên hệ tim mạch và thần kinh, thậm chí tử vong.

Đáng chú ý, mặc dù gây ra tiêu chảy, đau bụng, vi khuẩn tả và độc tố của chúng không làm tổn thương trực tiếp bề mặt các tế bào biểu mô. Tuy nhiên, các rối loạn sinh lý mà chúng gây ra trong cơ thể là yếu tố chủ yếu dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng của bệnh tả.

Vi khuẩn tả Vibrio Cholerae có thể gây triệu chứng gì?

Bệnh tả có thời gian ủ bệnh dao động từ vài giờ đến 5 ngày, trong giai đoạn này, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng.

Thời kỳ khởi phát, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như đầy bụng hoặc tiêu chảy nhẹ.

Thời kỳ toàn phát là giai đoạn đặc trưng nhất của bệnh với triệu chứng tiêu chảy nhiều lần liên tục. Ban đầu, phân thường lỏng, sau đó chuyển thành toàn nước, có màu đục giống nước vo gạo nhưng không lẫn máu. Bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn nhưng thường không sốt.

Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải, gây mệt lả, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu được bù nước và điện giải đầy đủ, bệnh thường hồi phục sau 1 – 3 ngày.

dac-diem-vi-khuan-ta-vibrio-cholerae-lam-the-nao-de-phong-tranh 3
Bệnh tả biểu hiện đặc trưng là đau bụng và tiêu chảy

Chẩn đoán và điều trị bệnh tả

Phương pháp chẩn đoán sự xuất hiện của vi khuẩn tả Vibrio Cholerae

Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn tả Vibrio cholerae là một phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh tả. Mẫu phân cần được thu thập sớm, trước khi bệnh nhân sử dụng kháng sinh và tốt nhất nên tiến hành xét nghiệm trong vòng 2 giờ sau khi lấy mẫu để đảm bảo độ chính xác.

Một trong những phương pháp đầu tiên là soi tươi phân bằng nước muối sinh lý, giúp quan sát thấy vi khuẩn tả di động rất nhanh. Phương pháp này thường kết hợp với nhuộm Gram, trên lam nhuộm cho thấy vi khuẩn có hình cong như dấu phẩy, bắt màu Gram âm.

Nuôi cấy là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Bệnh phẩm phân được nuôi cấy ban đầu trong môi trường pepton kiềm để tăng sinh vi khuẩn, sau đó phân lập trên môi trường chọn lọc như thạch TCBS hoặc thạch kiềm. Các đĩa thạch được ủ ở 35 – 37°C trong 24 giờ, sau đó quan sát khuẩn lạc và xác định các tính chất sinh hóa đặc trưng của Vibrio cholerae, bao gồm: Glucose (+), lactose (-), H2S (-), ure (-), indol (+), mannitol (+), di động (+), citrate simmon (+), oxydase (+). 

Ngoài ra, phản ứng ngưng kết trên lam kính với kháng huyết thanh đa giá và đơn giá giúp xác định kháng nguyên đặc hiệu của vi khuẩn.

Phương pháp PCR cũng được sử dụng để phát hiện các đoạn gen đặc hiệu của Vibrio cholerae. Đồng thời, một số xét nghiệm hỗ trợ khác có thể được thực hiện để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, như tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (thấy hematocrit tăng do mất nước), xét nghiệm sinh hóa máu (ure và creatinin tăng trong trường hợp suy giảm chức năng thận, rối loạn điện giải với K+, Na+, Cl- bất thường)

dac-diem-vi-khuan-ta-vibrio-cholerae-lam-the-nao-de-phong-tranh 4
Chẩn đoán bệnh tả dựa trên sự hiện diện của vi khuẩn tả Vibrio Cholerae

Điều trị và phòng ngừa bệnh do vi khuẩn tả Vibrio Cholerae gây ra như thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh tả bao gồm cách ly người bệnh để ngăn ngừa lây nhiễm và bù nước, điện giải kịp thời. Với bệnh nhân nhẹ, có thể bù nước qua đường uống bằng ORS hoặc dung dịch thay thế. Bệnh nhân nặng cần bù dịch tĩnh mạch với các dung dịch như Ringer, muối đẳng trương và theo dõi các chỉ số sinh tồn. 

Liệu pháp kháng sinh gồm fluoroquinolon (ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin) trong 3 ngày hoặc Azithromycin cho trẻ em và phụ nữ có thai. Đồng thời, cần tránh dùng thuốc giảm nhu động ruột và cho bệnh nhân ăn đồ lỏng, dễ tiêu.

Với đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae, để ngăn ngừa bệnh tả lây lan cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi và ngâm rửa sạch rau quả trước khi ăn. Vệ sinh môi trường và nguồn nước sinh hoạt bằng cách khử trùng với hóa chất như Clo, đồng thời xử lý phân và chất thải bệnh nhân đúng quy định, tránh ô nhiễm. Quần áo và đồ dùng của bệnh nhân cũng cần được khử khuẩn. 

Ngoài ra, nên tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh và báo cáo kịp thời khi có nhiều ca bệnh. Việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh tả cũng là một biện pháp hiệu quả.

Vibrio cholerae là vi khuẩn gây bệnh tả với đặc điểm hình dạng cong như dấu phẩy và khả năng sản sinh độc tố, dẫn đến tình trạng tiêu chảy nặng. Việc hiểu rõ đặc điểm vi khuẩn tả Vibrio Cholerae không chỉ giúp chẩn đoán chính xác mà còn hỗ trợ trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin