Thực phẩm màu đen như mè đen, đậu đen, gạo lứt đen thực sự là những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Chính màu sắc đặc trưng này giúp bạn dễ dàng phân biệt chúng với các nhóm thực phẩm khác. Đâu là những thực phẩm mang màu đen mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày? Bài viết dưới sẽ bật mí đến bạn.
Màu sắc của thực phẩm là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hàm lượng dinh dưỡng cũng như tác dụng của chúng khi được hấp thu vào cơ thể. Ví dụ như nhóm thịt trắng được khuyến khích bổ sung vào thực đơn hằng ngày hơn với nhóm thịt đỏ. Vậy với thực phẩm màu đen thì sao? Nên chọn thực phẩm có màu đen nào tốt cho sức khỏe và lợi ích khi ăn chúng thường xuyên là gì?
Ăn thực phẩm màu đen có tốt không?
Theo quan niệm của các chuyên gia Đông Y, màu đen thuộc hành Thuỷ, đi vào thận tạng, ứng với mùa đông. Thực phẩm mang màu đen thường có tác dụng bồi bổ thận âm và thận dương. Những thực phẩm mang màu sắc điển hình này có thể kể đến như đậu đen, vừng đen, mộc nhĩ đen, gà đen.
Thực tế chúng ta thường có xu hướng thích chọn các loại rau củ có màu sắc tươi như vàng, cam, đỏ, xanh và khá e ngại với thực phẩm tối màu, đặc biệt là các loại thịt. Tuy nhiên nhóm thực phẩm màu đen vốn dĩ do chứa sắc tố anthocyanins, đây là chất chống oxy hoá rất tốt cho sức khỏe. Cụ thể hợp chất này có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim, đột quỵ, kháng khuẩn cũng như chống béo phì.
Vậy có thể thấy thực phẩm mang màu đen có vẻ hơi lạ lẫm và khiến ít người dùng ưu tiên lựa chọn, nhưng đây lại là nhóm thực phẩm có lợi cho cơ thể. Đặc biệt với màu sắc này, bạn cũng có thể chế biến thành những món ăn ngon với đa dạng màu sắc hơn so với thường ngày.
Top các thực phẩm màu đen nên bổ sung cho cơ thể
Như đã đề cập, thực phẩm có màu đen bởi chứa sắc tố anthocyanins có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Từ khi người Việt bắt đầu quan tâm đến sức khoẻ và biết chú ý hơn trong chế độ dinh dưỡng thường ngày thì những thực phẩm mang màu đen sau được ưu tiên hơn cả:
Đậu đen
Đậu đen giàu protein, chất xơ cũng như cung cấp các hoạt chất tốt như saponin, anthocyanins, kaempferol, quercetin. Lợi ích mà đậu đen mang lại có thể kể đến như duy trì xương chắc khỏe, giảm huyết áp, cải thiện đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra bởi chứa hơn 10 loại acid amin thiết yếu nên chúng là thực phẩm tốt cho làn da, tăng cường sản sinh collagen để da trở nên săn chắc.
Gạo lứt đen
Gạo này còn có tên gọi là gạo tím hay gạo cẩm. Gạo lứt đen chứa hàm lượng protein cao hơn gạo trắng thông thường. Chất anthocyanins trong gạo lứt đen là nhóm sắc tố thực vật có tác dụng chống viêm, chống ung thư hiệu quả. Các chuyên gia cũng khuyến khích những ai đang mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, béo phì cần bổ sung gạo lứt đen để cải thiện bệnh. Ngoài ra trong loại gạo này chứa nhiều lutein, zeaxanthin giúp bảo vệ mắt khỏi gốc tự do gây hại.
Mộc nhĩ đen
Những ai theo chế độ ăn thuần chay sẽ không xa lạ gì thực phẩm này. Mộc nhĩ đen theo quan niệm Đông y có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, phòng tình trạng đông máu, nhồi máu não hay xơ cứng động mạch. Ngoài ra mộc nhĩ đen thuộc họ nấm có khả năng chống stress oxy hóa trong cơ thể, giảm hàm lượng cholesterol trong máu. Đây được cho là thực phẩm màu đen có nguồn gốc thực vật rất lành tính, dễ dàng tìm kiếm và chế biến trong ăn uống thường ngày.
Nho đen
Nho, trái cây rất dễ ăn và được nhiều người ưa chuộng. Loại quả này chứa hợp chất như lutein, zeaxanthin giúp ngừa tổn thương võng mạc và thoái hoá điểm vàng. Bên cạnh đó, chất resveratrol trong nho đen có đặc tính chống ung thư và bảo vệ tốt sức khỏe tim mạch. Thông thường với trái cây như nho thì nên ăn trực tiếp khi chúng còn tươi.
Hạt mè đen
Mè đen hay còn gọi là vừng đen là loại hạt giàu khoáng chất như magie, kali, sắt, canxi, kẽm, đồng, selen, vitamin E, cùng chất xơ và protein. Chất sesamin trong mè đen có tác dụng giảm viêm và hỗ trợ bệnh nhân giảm đau khớp. Chưa kể tiêu thụ mè đen còn giúp nuôi dưỡng hệ tiêu hoá khoẻ mạnh cũng như giảm mỡ máu.
Rong biển
Rong biển là loại thực phẩm màu đen không phổ biến với người Việt, tuy nhiên chúng thực sự là “thực phẩm vàng” cho sức khỏe. Trong rong biển chứa đến 12 loại vitamin điển hình là Vitamin C, Vitamin A, Vitamin B1, Vitamin B12. Các chuyên gia khuyến khích ăn rong biển có thể cải thiện đường ruột, giảm táo bón, giảm cholesterol trong máu. Đặc biệt những ai thiếu sắt, canxi hay i-ốt thì nên đưa rong biển vào thực đơn ăn uống hằng ngày.
Ứng dụng thực phẩm màu đen vào làm đẹp ra sao?
Dinh dưỡng thực sự có mối tương quan mật thiết với sắc vóc, làn da. Với những ai đang muốn cải thiện làn da, tóc của bản thân thì nên ưu tiên bổ sung vào chế độ ăn uống các thực phẩm có màu đen bởi đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ từ chúng. Cụ thể ứng dụng loại thực phẩm này như thế nào?
Với đậu đen: Các dưỡng chất trong đậu đen sẽ tham gia vào quá trình hình thành collagen giúp hạn chế lão hoá sớm. Cách đơn giản nhất để giúp mái tóc thêm mượt là bạn dùng nước đậu đen để gội đầu. Nếu ứng dụng cách này thường xuyên, chứng rụng tóc sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra có thể uống nước đậu đen để giúp làn da thêm đẹp.
Với vừng đen: Tương tự như đậu đen, vừng đen có khả năng dưỡng tóc hiệu quả và kích thích mọc tóc tốt. Tuy nhiên để bổ sung vừng đen cho tóc thêm mượt thì ăn chúng là cách tốt nhất.
Với cà phê đen: Cà phê cũng là thực phẩm màu đen ứng dụng tốt trong làm đẹp. Bạn có thể dùng cà phê đen để tẩy tế bào chết cho da. Ngoài ra, việc thoa cà phê trực tiếp lên da còn giúp giảm nếp nhăn, đốm cháy nắng, mẩn đỏ. Nếu uống cà phê không lạm dụng đường, sữa thì đây còn là cách giúp giảm béo, giảm quá trình lão hoá da. Với mái tóc, bạn có thể ủ tóc bằng bã cà phê để ngăn ngừa rụng tóc.
Với trà đen: Tương tự như cà phê đen, trà đen là nhóm thực phẩm chứa chất kích thích nên cần cân nhắc trong ăn uống thường ngày. Riêng với việc chăm sóc da, bạn có thể sử dụng thường xuyên. Những ai đang bị quầng thâm mất, bạn nên dùng túi trà đã pha đắp lên mắt. Nếu làn da đang bị cháy nắng, bạn có thể dùng bông gòn thấm nước trà để làm dịu vùng da này. Ngoài ra việc dùng nước trà cũng có ích trong việc điều trị vết mẩn ngứa do côn trùng cắn.
Trên đây là những chia sẻ về thực phẩm màu đen. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về dạng thực phẩm này và có cho bản thân sự lựa chọn phù hợp để xây dựng chế độ ăn uống thật khoa học.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.