Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị đột quỵ nhồi máu não được thực hiện như thế nào?

Ngày 23/12/2023
Kích thước chữ

Nhồi máu não chiếm khoảng 80% các trường hợp xảy ra tai biến mạch não và thuộc vào những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể để lại di chứng nặng nề, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Điều trị đột quỵ nhồi máu não là một vấn đề vô cùng cấp thiết hay có thể nói là phải chạy đua với thời gian. Đồng thời lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp cũng đóng vai trò quyết định trong việc bảo toàn tính mạng và giảm thiểu biến chứng cho người bệnh. Bài viết sau đây sẽ mang đến những thông tin về điều trị đột quỵ nhồi máu não.

Đột quỵ nhồi máu não là gì?

Trước khi đến với những phương pháp điều trị đột quỵ nhồi máu não, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái quát thế nào là đột quỵ nhồi máu não.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn. Đột quỵ nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não chính là một dạng của đột quỵ và chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ.

Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) hoặc mảng xơ vữa gây tắc nghẽn động mạch đến não, làm giảm đột ngột dòng máu lưu thông đến khu vực não. Có thể nói, não là cơ quan cần được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng liên tục để hoạt động tốt. Vì thế, khi lưu lượng máu đến não không đủ hoặc bị ngừng chỉ trong một thời gian ngắn có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng, dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng.

Điều trị đột quỵ nhồi máu não được thực hiện như thế nào? 1
Đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng hơn 80% trường hợp xảy ra đột quỵ

Đột quỵ nhồi máu não có những nhóm nào?

Đột quỵ do nhồi máu não được chia thành 2 nhóm sau đây.

Đột quỵ do huyết khối

Nguyên nhân là do cục máu đông phát triển trong các động mạch cung cấp máu cho não. Loại đột quỵ này thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người có cholesterol cao và bị xơ vữa động mạch (sự tích tụ chất béo bên trong thành mạch máu) hoặc bệnh tiểu đường.

Đột quỵ do huyết khối có thể xảy ra sau một hoặc nhiều cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA). Những cơn đau nhỏ này có thể kéo dài trong vài phút hoặc tối đa 24 giờ và thường là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ xảy ra.

Đột quỵ tắc mạch

Đột quỵ do tắc mạch thường do cục máu đông hình thành ở nơi khác trong cơ thể (thuyên tắc) và di chuyển theo dòng máu đến não. Đột quỵ do tắc mạch thường do bệnh tim hoặc phẫu thuật tim, xảy ra nhanh chóng và không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Khoảng 15% số ca đột quỵ do tắc mạch xảy ra ở những người bị rung tâm nhĩ, là tình trạng nhịp tim bất thường trong đó các buồng trên của tim đập không hiệu quả.

Những cục máu đông hình thành từ tim cùng có thể gặp trong các bệnh lý khác sau:

Những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não

Các yếu tố không thay đổi được:

  • Độ tuổi: Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên.
  • Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị thiếu máu não thoáng qua hoặc bị đột quỵ.
  • Tiền sử đau nửa đầu kiểu migraine.
  • Loạn sản xơ cơ.

Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh hoặc thay đổi:

  • Tăng huyết áp;
  • Đái tháo đường (tiểu đường);
  • Bệnh tim mạch như rung nhĩ, suy tim;
  • Bệnh van tim;
  • Rối loạn lipid máu (mỡ máu);
  • Hẹp động mạch cảnh;
  • Tăng homocystein máu;
  • Uống rượu quá mức;
  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì;
  • Lạm dụng thuốc tránh thai hoặc hormone sau mãn kinh.
Điều trị đột quỵ nhồi máu não được thực hiện như thế nào? 2
Một số bệnh về tim có thể là yếu tố nguy cơ của đột quỵ

Có những phương pháp điều trị đột quỵ nhồi máu não nào?

Mục tiêu đầu tiên của điều trị đột quỵ nhồi máu não là khôi phục nhịp thở, nhịp tim và huyết áp về mức bình thường. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để giảm áp lực trong não. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng một số biện pháp khác để chống phù não nếu người bệnh hôn mê sâu.

Sau khi đã thực hiện những biện pháp đảm bảo duy trì ổn định các chỉ số sinh hiệu cơ bản của sự sống, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn biện pháp để tái thông mạch não nếu tình trạng bệnh nhân và thời gian diễn biến bệnh đáp ứng những yêu cầu về chỉ định và chống chỉ định.

Tiêm thuốc tiêu sợi huyết

Huyết khối hình thành được là từ fibrin và chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp rTPA (Alteplase) có tác dụng chọn lọc trên fibrin, chuyển plasminogen thành plasmin, từ đó làm tan huyết khối. Thuốc tiêu sợi huyết được coi là một trong những phương pháp chính trong điều trị đột quỵ nhồi máu não. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) 2018 và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), thuốc tiêu sợi huyết có hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 4,5 giờ từ khi xuất hiện đột quỵ. Lý do có thể là vì khi rTPA dùng ở thời điểm sau 4,5 giờ thì sẽ gặp phải tác dụng phụ, đặc biệt là xuất huyết nghiêm trọng, gây ra tỷ lệ tai biến và tử vong đáng kể nhất ở bệnh nhân đột quỵ.

Điều trị đột quỵ nhồi máu não được thực hiện như thế nào? 3
Thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ nhồi máu não

Vì thuốc tiêu sợi huyết có thể gây chảy máu nên cần thận trọng khi sử dụng ở những người có tiền sử:

  • Đột quỵ xuất huyết;
  • Chảy máu trong não;
  • Bị chấn thương hoặc trải qua phẫu thuật gần đây;
  • Người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống đông máu.

Lấy huyết khối bằng dụng cụ chuyên biệt

Đây là phương pháp điều trị đột quỵ nhồi máu não cơ học, thường chỉ định cho những trường hợp cấp cứu đến muộn sau 4,5 giờ hoặc bị chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết. Thời điểm có thể áp dụng đối với phương pháp này tối đa 24 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ.

Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên biệt để kéo cục máu đông ra khỏi mạch máu và thiết lập lại dòng chảy. Các dụng cụ được sử dụng để lấy huyết khối bao gồm:

  • Hệ thống hút huyết khối Penumbra;
  • Dụng cụ kéo huyết khối Merci;
  • Dụng cụ kéo huyết khối và mở lại dòng chảy Solitaire.

Ngoài hai phương pháp điều trị đột quỵ nhồi máu não chủ yếu trên, tùy vào tình trạng sức khỏe mà bệnh nhân chăm sóc hỗ trợ, điều chỉnh các vấn đề đi kèm (ví dụ như sốt, nhiễm trùng, thiếu oxy, mất nước, tăng đường huyết, tăng huyết áp).

Sau khi thực hiện cấp cứu điều trị đột quỵ nhồi máu não, người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi ít nhất vài ngày. Đồng thời, bệnh nhân sẽ cần được đánh giá kỹ càng về nguy cơ tái phát và tư vấn về các biện pháp dự phòng đột quỵ sau khi xuất viện.

Điều trị đột quỵ nhồi máu não được thực hiện như thế nào? 4
Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire

Phòng ngừa tái phát đột quỵ nhồi máu não

Điều quan trọng sau khi bệnh nhân được điều trị đột quỵ nhồi máu não kịp thời là kiểm soát các nguyên nhân gây ra bệnh để tránh tái phát trong giai đoạn phục hồi. Trong đó, các bệnh lý có nguy cơ cao gây ra nhồi máu não cần được kiểm soát như đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu.

Kết hợp với việc thay đổi lối sống từ chế độ ăn đến tập luyện phù hợp để việc kiểm soát bệnh lý nền được hiệu quả hơn.

Tái khám định kỳ để có thể nâng cao khả năng phát hiện và dự phòng sớm nguy cơ đột quỵ.

Thông tin đến cả người thân bệnh nhân về việc nhận biết các biểu hiện của đột quỵ để kịp thời hỗ trợ nhập viện nhanh chóng nếu đột quỵ xảy ra.

Trên đây là những thông tin về điều trị đột quỵ nhồi máu não và những lưu ý trong việc dự phòng tình trạng nguy hiểm này. Hy vọng bài viết trên có thể đem đến cho bạn đọc những thông tin mới và bổ ích.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin