Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giãn cơ tim là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng của giãn cơ tim

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giãn cơ tim hay bệnh cơ tim giãn nở xảy ra khi tâm thất trái (một trong bốn buồng tim) trở nên yếu hơn, căng và giãn ra. Điều này khiến việc bơm máu của tim trở nên không hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giãn cơ tim là gì?

Giãn cơ tim hay còn được gọi là bệnh cơ tim giãn nở, là một bệnh cơ tim, trong đó các cơ tim trở nên giãn hoặc căng ra. Các thành mỏng hơn và bị yếu đi, điều này có nghĩa là tim không thể co bóp để bơm máu một cách bình thường.

Tim bao gồm bốn buồng, tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải ở phía trên, tâm thất trái và tâm thất phải ở phía dưới. Bệnh cơ tim giãn nở sẽ ảnh hưởng đến tâm thất trái của bạn. Công việc của thất trái là bơm máu, giúp cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể. Tâm thất tường có thành và cơ dày, khi cơ tim bị giãn sẽ khiến tim lớn hơn (có dạng hình tròn thay vì hình nón thông thường). Theo thời gian, ở một số người, bệnh cơ tim giãn nở có thể ảnh hưởng đến cả tâm thất phải.

Bệnh cơ tim giãn nở ảnh hưởng đến khoảng 36 trên 100.000 người trong dân số. Gây ra khoảng 46.000 ca nhập viện và 10.000 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm. Giãn cơ tim cũng là yếu tố nguy cơ chính gây suy tim và các biến chứng khác.

Bệnh cơ tim giãn nở là một rối loạn ở tim tiến triển và không có cách chữa trị khỏi. Cuối cùng, hầu hết người bệnh sẽ diễn tiến đến suy tim và gần 50% tử vong trong vòng 5 năm. Các yếu tố quan trọng nhất giúp quyết định tiên lượng bệnh bao gồm chế độ ăn uống, tuân thủ dùng thuốc và việc tập thể dục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn cơ tim

Ở giai đoạn đầu, bệnh cơ tim giãn nở có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Các triệu chứng sau đó có thể trở nên xấu đi một cách nhanh chóng hoặc từ từ. Một số triệu chứng bao gồm:

  • Khó thở khi gắng sức, có thể diễn tiến thành khó thở ngay cả khi nghỉ;
  • Khó thở khi nằm;
  • Khó thở đột ngột khiến bạn thức giấc vào ban đêm;
  • Mệt mỏi;
  • Giảm khả năng hoạt động và tập thể dục;
  • Phù nề ở chân hay các bộ phận khác;
  • Ngất xỉu;
  • Cảm giác choáng váng hay chóng mặt;
  • Ho;
  • Nhịp tim bất thường.

Biến chứng có thể gặp khi mắc giãn cơ tim

Các biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cơ tim giãn nở bao gồm:

  • Suy tim sung huyết;
  • Tai biến mạch máu não (đột quỵ não);
  • Bệnh hở van tim;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Tắc mạch huyết khối;
  • Đột tử do tim.
Giãn cơ tim là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng của giãn cơ tim 4
Bệnh cơ tim giãn nở có thể dẫn đến biến chứng hở van tim

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng trong số các dấu hiệu của bệnh cơ tim giãn nở, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có thể được chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp bạn gặp các triệu chứng như đau ngực đột ngột dữ dội kéo dài vài phút hay cảm thấy khó thở đột ngột, hãy gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất nếu có thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến giãn cơ tim

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cơ tim giãn nở là vô căn (nghĩa là không rõ nguyên nhân). Ở một số trường hợp, bệnh cơ tim giãn nở thường phát triển khi có một số tổn thương ở cơ tim. Các điều kiện sau đây có thể dẫn đến giãn cơ tim:

  • Rối loạn nhịp tim;
  • Bệnh van tim;
  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh động mạch vành;
  • Bệnh cơ tim di truyền;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Các bệnh tự miễn dịch chẳng hạn như viêm đa cơ;
  • Các điều kiện di truyền như chứng loạn dưỡng cơ;
  • Nhiễm trùng chẳng hạn như HIV, bệnh Lyme, viêm nội tâm mạc.

Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:

  • Tiếp xúc với độc chất, bao gồm cả chì;
  • Tiếp xúc với các loại thuốc như cocaine, methamphetamine và rượu;
  • Một số loại thuốc điều trị ung thư.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc giãn cơ tim?

Bệnh cơ tim giãn nở có thể xảy ra ở nam và nữ ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường gặp hơn ở nam giới hơn nữ giới và người da đen nhiều hơn người da trắng. Những đối tượng mang một số đột biến gen có liên quan cũng khiến họ có nhiều nguy cơ phát triển bệnh cơ tim giãn nở hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc giãn cơ tim

Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân của bệnh cơ tim giãn nở, nhưng có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định, bao gồm:

Lạm dụng rượu

Lạm dụng rượu hay rối loạn sử dụng rượu là nguyên nhân đặc biệt quan trọng gây ra bệnh cơ tim giãn nở ở nam giới trong độ tuổi từ 30 đến 55 tuổi. Theo một báo cáo năm 2019, tử vong do bệnh cơ tim liên quan đến rượu chiếm gần 7% trong số tất cả các ca tử vong do bệnh cơ tim trên toàn cầu.

Giãn cơ tim là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng của giãn cơ tim 5
Lạm dụng rượu là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh cơ tim giãn nở

Di truyền

Có cha mẹ mắc bệnh cơ tim giãn nở sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ước tính khoảng 20 đến 50% trường hợp bệnh cơ tim giãn nở là do di truyền.

Giới tính

Theo một nghiên cứu năm 2021, mặc dù bệnh cơ tim giãn nở có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng nó phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Sự khác biệt này có thể là do khác biệt về hormone giới tính như estrogen và testosterone. Trong đó, một số gen sẽ chịu ảnh hưởng của estrogen giúp thúc đẩy quá trình sửa chữa mô tim, giúp bảo vệ và giảm nguy cơ xơ hóa cơ tim.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn cơ tim

Việc chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở thường bao gồm sự kết hợp giữa hỏi bệnh sử, khám thực thể, xét nghiệm máu và hình ảnh học.

Bác sĩ có thể thực hiện khám bằng việc nghe tim và phổi bằng ống nghe để kiểm tra cũng như phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Xét nghiệm máu có thể giúp đánh giá các bệnh lý nhiễm trùng và các tình trạng khác có thể liên quan như đái tháo đường.

Thử nghiệm hình ảnh học chính được sử dụng để chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở là siêu âm tim. Siêu âm tim giúp thấy được hình ảnh và chuyển động của tim cũng như thấy được các dòng máu chảy qua van và các buồng tim. Đồng thời, siêu âm tim sẽ đánh giá được liệu tâm thất trái có bị giãn hay không.

Các xét nghiệm hình ảnh khác được sử dụng để chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở bao gồm:

  • Đặt ống thông tim;
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim);
  • Chụp X-quang ngực;
  • Điện tâm đồ (ECG).
Giãn cơ tim là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng của giãn cơ tim 6
Chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở bằng việc hỏi bệnh, khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm

Phương pháp điều trị giãn cơ tim

Ngoài việc điều trị những nguyên nhân đã biết để cải thiện và giảm các triệu chứng của bệnh cơ tim giãn nở, ví dụ như điều trị tăng huyết áp nếu đó là nguyên nhân gây giãn cơ tim. Thì thông thường việc quản lý bệnh cơ tim giãn nở sẽ tuân theo hướng dẫn điều trị suy tim. Điều này bao gồm việc sử dụng các thuốc “trụ cột” cho bệnh lý cơ tim. Các nhóm thuốc được sử dụng có thể bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi);
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB);
  • Thuốc chẹn beta;
  • Thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid (MRA);
  • Thuốc ức chế neprilysin thụ thể angiotensin (ARNI);
  • Chất ức chế SGLT2.

Ngoài ra, các thuốc lợi tiểu quai có thể được sử dụng để giúp giảm huyết áp và giảm lượng dịch trong cơ thể nếu cần.

Đối với một số trường hợp, việc sử dụng các thiết bị như máy khử rung tim (ICD) hay liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) có thể cần thiết.

Thuốc chống đông cũng sẽ được sử dụng đối với các trường hợp mắc bệnh cơ tim giãn nở gây ra các rối loạn nhịp tim hay van tim (van tim nhân tạo).

Nếu bệnh cơ tim giãn nở dẫn đến suy tim nặng, để giúp tim có thể bơm máu, bạn cần phải sử dụng thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn cơ tim

Chế độ sinh hoạt

Để quản lý và hạn chế diễn tiến của bệnh cơ tim giãn nở, bạn có thể thực hiện các việc sau:

  • Tuân thủ điều trị, tái khám đúng hẹn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm tra tình trạng bệnh.
  • Quản lý các bệnh lý khác có liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường bằng cách tái khám và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Trao đổi với bác sĩ về chế độ tập thể dục phù hợp.
  • Thay đổi lối sống nếu cần thiết như bỏ hút thuốc lá, ngưng uống rượu, giảm lượng chất kích thích như caffeine.
  • Giảm cân nếu cần thiết.
  • Tự theo dõi các triệu chứng một cách cẩn thận. Ví dụ như việc tăng cân nhanh chóng có thể báo hiệu tình trạng bị giữ nước do chức năng tim kém đi.
Giãn cơ tim là gì? Các dấu hiệu nhận biết và biến chứng của giãn cơ tim 7
Nếu mắc bệnh cơ tim giãn nở, bạn nên tự kiểm tra các triệu chứng của bệnh một cách cẩn thận

Chế độ dinh dưỡng

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp kiểm soát các tình trạng gây ra bệnh cơ tim của bạn, và giúp giữ cho bạn một trái tim khỏe mạnh. Bạn có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng như sau:

  • Chế độ ăn tập trung vào rau củ, trái cây và ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt.
  • Các thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như thịt nạc, thịt da cầm bỏ da, cá, đậu cũng như các sản phẩm từ sữa tách béo hoặc ít béo.
  • Sử dụng thực phẩm và chế biến thực phẩm ít sử dụng muối. Quá nhiều muối trong chế độ ăn có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
  • Tránh uống rượu, chọn các thức uống chứa ít hoặc không chứa đường bổ sung.

Phương pháp phòng ngừa giãn cơ tim hiệu quả

Nếu nguyên nhân bệnh cơ tim giãn nở là do di truyền, bạn không thể ngăn ngừa nó. Việc thực hiện các chế độ sinh hoạt, tập luyện cũng như chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các tình trạng bệnh có thể dẫn đến (hoặc làm phức tạp hơn) bệnh cơ tim giãn nở, chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Nguồn tham khảo
  1. Dilated Cardiomyopathy: https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/cardiomyopathies/dilated-cardiomyopathy
  2. What Is Dilated Cardiomyopathy?: https://www.healthline.com/health/heart-disease/dilated-cardiomyopathy#causes
  3. Dilated Cardiomyopathy (DCM): https://www.heart.org/en/health-topics/cardiomyopathy/what-is-cardiomyopathy-in-adults/dilated-cardiomyopathy-dcm
  4. Dilated Cardiomyopathy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441911/
  5. Dilated Cardiomyopathy: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/dilated-cardiomyopathy
  6. Prevention and Treatment of Cardiomyopathy: https://www.heart.org/en/health-topics/cardiomyopathy/prevention-and-treatment-of-cardiomyopathy 

Các bệnh liên quan

  1. Ngoại tâm thu thất

  2. Tim bẩm sinh

  3. Bệnh tim mạch

  4. Rắn cắn

  5. Phình tách động mạch chủ

  6. ép tim

  7. Xơ vữa động mạch

  8. Bệnh van tim

  9. Bệnh động mạch chủ

  10. Huyết khối tĩnh mạch sâu