Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần chú ý

Ngày 04/12/2024
Kích thước chữ

Nuôi con bằng sữa mẹ là một giai đoạn đặc biệt, không chỉ mang lại nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho bé mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sức khỏe lâu dài của con. Với các mẹ, việc duy trì một chế độ ăn uống hợp lý trong thời gian này không chỉ đảm bảo nguồn sữa dồi dào, chất lượng mà còn giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi hơn sau sinh. Hãy cùng tìm hiểu những bí quyết dinh dưỡng giai đoạn cho con bú trong bài viết sau đây để vừa cân bằng dinh dưỡng cho mẹ vừa đảm bảo đủ chất cho bé.

Chế độ dinh dưỡng giai đoạn cho con bú ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Thiếu sữa mẹ, trẻ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Vì vậy, chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ chính là cách bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và bé.

Vì sao cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng giai đoạn cho con bú?

Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển toàn diện của trẻ. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất mà còn cung cấp kháng thể tự nhiên, giúp trẻ phòng tránh bệnh tật hiệu quả. Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp mẹ phục hồi nhanh chóng sau sinh, ngăn ngừa suy nhược và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần chú ý - 1
Dinh dưỡng đầy đủ giai đoạn cho con bú rất quan trọng cho cả mẹ và bé

Chế độ dinh dưỡng giai đoạn cho con bú của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến cả số lượng và chất lượng nguồn sữa mẹ. Một chế độ ăn đủ chất sẽ đảm bảo cung cấp các vi chất thiết yếu cho bé. Ngược lại, nếu mẹ không bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết, sữa mẹ sẽ thiếu hụt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ trong 6 tháng đầu là nguồn kháng thể quan trọng, hỗ trợ trẻ tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, đồng thời hỗ trợ phát triển cả về trí não lẫn thể chất.

Nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn cho con bú của mẹ bỉm

Nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng giai đoạn cho con bú của các mẹ bỉm thường tăng cao, thậm chí vượt cả giai đoạn mang thai. Nguyên nhân là do mẹ mất nhiều năng lượng và dưỡng chất trong quá trình chuyển dạ, sản xuất sữa non và sữa mẹ để nuôi con ngay sau sinh.

Nhu cầu năng lượng

Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cần nhiều hơn khoảng 500kcal mỗi ngày so với khi chưa mang thai. Mặt khác, nhu cầu năng lượng cụ thể còn phụ thuộc vào mức hoạt động thể lực và cân nặng tăng trong thai kỳ. Cụ thể:

  • Phụ nữ có chế độ dinh dưỡng tốt, thai kỳ tăng từ 10kg - 12kg: Người lao động nhẹ cần đảm bảo nhu cầu năng lượng mỗi ngày 2260kcal, còn người lao động trung bình cần khoảng 2550kcal mỗi ngày.
  • Phụ nữ dinh dưỡng kém, tăng dưới 10kg trong thai kỳ: Cần bổ sung thực phẩm đa dạng, tăng cường cung cấp năng lượng để đáp ứng nhu cầu nuôi con bú.
Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần chú ý - 2
Phụ nữ sau sinh cần chú ý bổ sung đủ lượng calo mỗi ngày

Nhu cầu các chất dinh dưỡng

Nhu cầu các chất dinh dưỡng giai đoạn cho con bú của các chị em như sau:

  • Chất đạm: Trong 6 tháng đầu sau sinh, mẹ cần bổ sung khoảng 79g đạm mỗi ngày. Từ tháng thứ 7 đến tháng 12, nhu cầu giảm xuống còn 73g một ngày. Protein động vật nên chiếm hơn 30% tổng lượng protein tiêu thụ. Nguồn đạm chất lượng cao mẹ bỉm nên bổ sung gồm: Cá, thịt, trứng, sữa và các loại đậu đỗ.
  • Chất béo: Chất béo nên chiếm từ 20% - 30% tổng năng lượng khẩu phần của mẹ. Đặc biệt, các chất béo như: EPA, DHA, omega-3, omega-6... có trong dầu cá, cá mỡ và dầu thực vật rất cần thiết cho sự phát triển trí não và thị lực của bé.
  • Vitamin và khoáng chất: Để đảm bảo đủ vi chất dinh dưỡng, mẹ nên tiêu thụ trên 400g trái cây và rau củ mỗi ngày. Bổ sung chất xơ từ rau củ cũng giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng táo bón sau sinh.
  • Nước: Để đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa, mẹ cần uống từ 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày. Nước lọc, nước trái cây và canh đều là lựa chọn tốt để duy trì lượng nước cần thiết.
Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần chú ý - 3
Trong giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần uống đủ nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa

Các loại thực phẩm phụ nữ đang cho con bú nên ăn

Đang cho con bú nên ăn gì? Việc ăn uống cân đối, đa dạng không chỉ giúp mẹ đảm bảo sức khỏe mà còn hỗ trợ quá trình sản xuất sữa, mang lại nguồn dinh dưỡng tối ưu cho bé. Ngoài ra, khi mẹ ăn nhiều loại thực phẩm, hương vị sữa cũng thay đổi, giúp bé làm quen với nhiều mùi vị khác nhau, tạo thuận lợi cho giai đoạn ăn dặm sau này. Những thực phẩm gợi ý gồm:

  • Cá hồi: Giàu DHA, không chỉ hỗ trợ phát triển hệ thần kinh của bé mà còn giúp cải thiện tâm trạng của mẹ sau sinh.
  • Thịt bò: Là nguồn thực phẩm bổ sung sắt, protein và vitamin B12, thịt bò giúp mẹ duy trì năng lượng. Hãy chọn thịt bò nạc để giảm thiểu lượng chất béo nạp vào cơ thể.
  • Chế phẩm từ sữa ít béo: Sữa chua, sữa tươi và phô mai cung cấp vitamin D, canxi, protein và vitamin B, hỗ trợ sự chắc khỏe của xương cho cả mẹ và bé.
  • Rau xanh và củ quả: Các loại rau như: Cải bó xôi, súp lơ xanh giàu vitamin A, C, sắt và canxi, rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Rau củ và các loại đậu cũng là nguồn cung cấp chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón.
  • Trái cây: Mẹ nên tiêu thụ ít nhất 150g trái cây mỗi ngày. Đặc biệt, các loại trái cây họ cam quýt giàu vitamin C hỗ trợ phục hồi và tăng cường miễn dịch.
  • Ngũ cốc nguyên hạt và gạo lứt: Đây là nguồn năng lượng lâu dài và hỗ trợ tạo sữa chất lượng cho bé.
Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần chú ý - 4
Trái cây là thực phẩm không thể thiếu trong giai đoạn cho con bú

Các loại thực phẩm giai đoạn đang cho con bú các mẹ nên tránh

Thực phẩm mẹ tiêu thụ trong thời kỳ cho con bú có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa và sức khỏe của bé. Do đó, người mẹ cần đặc biệt cẩn trọng với các nhóm thực phẩm sau:

  • Rượu, bia: Hệ thần kinh và tiêu hóa của trẻ còn yếu, ngay cả lượng cồn nhỏ cũng có thể gây hại. Ngoài ra, rượu bia còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sản xuất sữa của mẹ.
  • Trà và cà phê: Chứa caffeine – chất kích thích có thể khiến bé bứt rứt, khó chịu và khó ngủ. Vì vậy, mẹ nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống này.
  • Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao: Một số loại cá như: Cá kiếm, cá mập, cá ngừ chứa nhiều thủy ngân, có thể truyền qua sữa mẹ và gây hại đến sự phát triển hệ thần kinh của con.
  • Gia vị nặng mùi: Hành, tỏi có thể làm thay đổi mùi vị sữa mẹ, khiến bé khó chịu hoặc bú ít hơn.
  • Đồ ăn cay: Có khả năng gây kích ứng hệ tiêu hóa của mẹ và ảnh hưởng tiêu cực đến đường ruột của bé.
  • Thực phẩm dễ hỏng hoặc nghi ngờ bị ôi thiu: Các loại thực phẩm này có nguy cơ cao gây ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và gián tiếp đến bé qua sữa.

Đặc biệt, sau khi mẹ ăn một loại thực phẩm, nên quan sát kỹ phản ứng của bé để phát hiện sớm các dấu hiệu dị ứng như:

  • Bé lười bú, bú kém, khó tiêu, tiêu chảy.
  • Nổi mẩn đỏ, sưng mắt, sưng môi.
  • Chảy nước mũi hoặc nôn trớ.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng bao gồm: Sữa bò, thịt bò, trứng, tôm, cua, sò... Nếu phát hiện bé có dấu hiệu bất thường, mẹ cần dừng ngay loại thực phẩm đó và tư vấn, tham khảo ý kiến bác sĩ.

Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú mẹ bầu cần chú ý - 5
Tránh những thực phẩm không tốt trong giai đoạn cho con bú để đảm bảo sức khỏe

Một số lưu ý về dinh dưỡng giai đoạn cho con bú

  • Ăn uống đầy đủ và đa dạng, không nên kiêng khem quá mức, mà cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để cung cấp năng lượng cho cơ thể và đảm bảo nguồn sữa đủ cả chất và lượng cho bé.
  • Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc nghi ngờ không an toàn.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng hay mất ngủ để hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng. Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái giúp cải thiện chất lượng sữa và sức khỏe tổng thể.
  • Khi cần dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt với các loại thuốc như: Kháng sinh, thuốc nội tiết tố hoặc thuốc tác động lên hệ thần kinh, để tránh ảnh hưởng không mong muốn đến bé.

Dinh dưỡng giai đoạn cho con bú là nền tảng quan trọng không chỉ hỗ trợ mẹ phục hồi sức khỏe sau sinh mà còn giúp bé yêu phát triển toàn diện. Bằng cách lựa chọn thực phẩm phù hợp và duy trì lối sống lành mạnh, mẹ không chỉ chăm sóc tốt cho bản thân mà còn mang đến khởi đầu tốt đẹp nhất cho con. Hãy luôn chú ý chăm sóc dinh dưỡng trong giai đoạn đặc biệt này để cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, hạnh phúc nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin