Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy xương bả vai có nguy hiểm không?

Ngày 15/09/2023
Kích thước chữ

Xương bả vai có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự linh hoạt cho các cử động của phần vai và cánh tay. Một số lý do như té ngã, tai nạn giao thông, chơi thể thao gặp chấn thương nặng có thể khiến xương bả vai bị gãy. Vậy gãy xương bả vai có nguy hiểm không?

Xương bả vai là một trong những xương có kích cỡ lớn nhất nâng đỡ phần trên cơ thể. Bao bọc xung quanh xương bả vai là một hệ thống cơ dày và chắc. Vì vậy, xương bả vai ít khi bị gãy và chỉ bị gãy khi có chấn thương mạnh. Vậy khi gãy xương bả vai có nguy hiểm không?

Tìm hiểu về gãy xương bả vai

Xương bả vai có hình tam giác, dẹt và khá lớn, có chức năng nối xương cánh tay trên với xương đòn và thành ngực. Mỗi người trong chúng ta có hai xương bả vai, nằm ở hai bên vai. Xương bả vai lớn, lại được bảo vệ và bao bọc bởi hệ thống cơ vô cùng phức tạp. Việc này khiến nó có thể vận động linh hoạt, giúp tay và vai thực hiện được nhiều động tác khó.

Theo các bác sĩ, gãy xương bả vai là loại gãy xương không phổ biến. Theo thông tin từ Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật Mỹ, gãy xương bả vai chiếm chưa đến 1% tổng số các ca gãy xương được thống kê hàng năm ở Mỹ. Trong đó, có đến 95% các ca gãy xương bả vai đi kèm với các chấn thương nặng khác như: Gãy xương vai, gãy xương đòn vai, gãy xương sườn, chấn thương phổi, sọ và các cơ quan nội tạng khác. Điều đó có nghĩa, gãy xương bả vai thường chỉ xảy ra khi có chấn thương nặng do tai nạn xe cộ, tai nạn thể thao, té ngã nghiêm trọng,…

gay-xuong-ba-vai-co-nguy-hiem-khong-1.jpg
Hình ảnh xương bả vai bị nứt gãy

Các bộ phận của xương bả vai có thể bị gãy

Xương bả vai cũng được cấu tạo từ nhiều bộ phận và hiện tượng gãy xương có thể xảy ra ở một hoặc nhiều trong số các bộ phận này. Theo các bác sĩ, các bộ phận của xương bả vai có thể bị gãy gồm:

  • Phần tiết diện lớn nhất của xương bả vai. Đây là phần bị gãy trong hầu hết các trường hợp.
  • Gãy cổ xương bả vai xảy ra nhiều thứ 2 trong số các trường hợp gãy xương bả vai. Đây là phần hẹp của xương bả vai, nằm dưới hốc vai và là xương nối với cánh tay trên.
  • Gãy ở ổ cắm nơi xương bả vai kết nối với xương cánh tay. Đây là một trường hợp gãy xương bả vai hiếm gặp hơn.
  • Gãy ở mỏm cùng vai - là điểm cao nhất của xương bả vai, có chức năng nối xương bả vai với xương đòn. Gãy xương ở vị trí này hiếm khi nghiêm trọng.
  • Gãy xương nhỏ nối xương bả vai với xương đòn. Đây là một xương hình móc, rất khó bị gãy.

Chẩn đoán gãy xương bả vai

Gãy xương bả vai có nguy hiểm không? Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc chẩn đoán và phát hiện sớm gãy xương để điều trị kịp thời. Để chẩn đoán gãy xương bả vai, các bác sĩ sẽ làm như sau:

  • Khám lâm sàng để kiểm tra vị trí, sự thẳng hàng của vai nạn nhân. Bác sĩ cũng thăm khám tổng thể để tìm ra những chấn thương khác có thể xảy ra cùng lúc với gãy xương bả vai.
  • Bác sĩ yêu cầu kiểm tra hình ảnh xương vai và ngực bằng kỹ thuật chụp X-quang hoặc chụp CT. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương bả vai.
gay-xuong-ba-vai-co-nguy-hiem-khong-2.jpg
Chụp X-Quang để tìm ra vị trí xương bả vai bị gãy

Gãy xương bả vai có nguy hiểm không?

Gãy xương bả vai có nguy hiểm không? Bất cứ trường hợp gãy xương nào cũng đều nguy hiểm nếu không được sơ cứu cho người bị gãy xương, cấp cứu, điều trị đúng cách và kịp thời. Theo các bác sĩ, hầu hết trường hợp gãy xương bả vai đều không quá nghiêm trọng nếu không kèm theo các tổn thương nặng ở các cơ quan khác trên cơ thể. Nếu chấn thương không làm tổn thương cả những cơ quan khác trên cơ thể, người bị gãy xương bả vai có nền tảng tốt, xương bả vai có thể lành và không có biến chứng trong khoảng 8 tuần.

Nếu không được điều trị, xương bả vai cũng sẽ lành theo thời gian theo cơ chế lành xương tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, xương có thể lành sai vị trí dẫn đến giảm sự linh hoạt của vai và cánh tay, cứng các khớp xung quanh, người bệnh bị lệch vai, người bệnh phải chịu cảm giác đau đớn ở mặt sau xương bả vai lâu dài,…

Các trường hợp chấn thương nặng, bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình để điều trị gãy xương bả vai. Lúc này, phẫu thuật cũng tiềm ẩn rủi ro và biến chứng như: Chảy máu, nhiễm trùng, huyết khối tĩnh mạch sâu, tổn thương dây thần kinh, tắc mạch mỡ, cứng vai,…

Trường hợp gãy xương có liên quan đến cổ xương bả vai hay ổ cắm vai có nguy cơ tiềm ẩn nhiều biến chứng hơn và cần nhiều thời gian để phục hồi hơn. Các trường hợp gãy xương bả vai kèm theo những chấn thương nghiêm trọng khác, gãy xương bả vai có nguy hiểm không phụ thuộc cả vào bản chất của những chấn thương đi kèm.

gay-xuong-ba-vai-co-nguy-hiem-khong-3.jpg
Mức độ nguy hiểm của gãy xương bả vai phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Cách điều trị gãy xương bả vai

Tùy tình trạng gãy xương và sức khỏe người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị phổ biến trong gãy xương bả vai như:

Điều trị gãy xương bả vai không phẫu thuật

Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ phải dùng dây đeo để giữ vai ổn định cho đến khi xương lành lại. Bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc giảm đau, kháng viêm trong trường hợp cần thiết. Người bệnh cần nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động mạnh và có chế độ dinh dưỡng khoa học, dùng thêm thực phẩm chức năng xương khớp để xương nhanh lành.

Vật lý trị liệu cải thiện sự linh hoạt của khớp xương

Các bài tập vật lý trị liệu phù hợp sẽ giúp giảm đau cứng khớp, cải thiện độ linh hoạt của xương bả vai sau khi bị gãy. Vật lý trị liệu sẽ được áp dụng cho đến khi khả năng vận động của vai được khôi phục hoàn toàn. Người bệnh cần lưu ý, không tự ý luyện tập mà không có sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Điều trị gãy xương bả vai bằng phẫu thuật

Một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để chữa gãy xương bả vai như: 

  • Gãy xương nặng ở cổ xương bả vai;
  • Gãy xương nơi ổ chảo bị dịch chuyển;
  • Gãy xương mỏm cùng vai;
  • Gãy mỏm quạ, gãy thân xương bả vai làm di lệch hơn 2mm. 

Phẫu thuật chữa gãy xương bả vai được coi như một cuộc đại phẫu và người bệnh sẽ được gây mê hoàn toàn. Những bệnh nhân cần phẫu thuật có thể phục hồi và trở lại cuộc sống như trước đây trong 6 tháng đến 1 năm.

gay-xuong-ba-vai-co-nguy-hiem-khong-5.jpg
Người bệnh cố định vai cho đến khi hết cảm giác đau

Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đã biết gãy xương bả vai có nguy hiểm không. Mức độ nguy hiểm của gãy xương bả vai sẽ giảm nếu tình trạng này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngay khi nhận thấy những triệu chứng của gãy xương bả vai, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin