Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Giải đáp thắc mắc: Bị gãy xương nên ăn gì?

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ

Bị gãy xương nên ăn gì là vấn đề nhiều người quan tâm. Xây dựng thực đơn giúp người bệnh mau liền xương là điều rất quan trọng. Cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng với người bị gãy xương. Trong thời gian này, người bị gãy xương nên ăn gì và kiêng gì để xương mau liền?

Biến chứng có thể xảy ra khi gãy xương

Có một loạt các biến chứng có thể xuất hiện khi xảy ra gãy xương. Gãy xương có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do chấn thương trong công việc, tai nạn giao thông, trong cuộc sống hàng ngày và khi tham gia vào hoạt động thể thao. Ngoài ra, cũng có trường hợp gãy xương có nguyên nhân từ các vấn đề bẩm sinh.

Nếu không được điều trị kịp thời, gãy xương có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau đây:

  • Mất máu: Trong các trường hợp gãy xương lớn, ví dụ như gãy xương cột sống hoặc gãy xương đùi, có thể dẫn đến sốc do mất máu, cảm giác đau đớn cực kỳ và có thể gây liệt tay và chân hoặc liệt toàn bộ cơ thể, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
  • Viêm tủy xương: Là một biến chứng có thể xảy ra đặc biệt trong các tình huống gãy xương mở. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và khó điều trị.
  • Can lệch: Xảy ra khi đầu xương bị gãy đã kết hợp lại nhưng không nằm trong đúng trục của xương. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc vận động.
  • Xương chậm liền: Xảy ra khi xương không thể tự nối lại sau hơn 5 tháng từ thời điểm gãy xương. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để ghép xương xốp vào vị trí gãy hoặc tiến hành khoan lỗ và sử dụng xương xốp để khắc phục khe hở tại vùng gãy.
  • Khớp giả: Xảy ra khi xương không liên kết lại sau 6 tháng kể từ thời điểm gãy.
  • Xơ cứng: Hạn chế khớp có thể xảy ra khi gãy xương xảy ra gần khớp hoặc tại khớp, hoặc trong trường hợp người bệnh phải bất động trong thời gian dài, điều này có thể dẫn đến sự hạn chế vận động của khớp.
Giải đáp thắc mắc: Bị gãy xương nên ăn gì? 1
Gãy xương có thể gây biến chứng xơ cứng khớp

Bị gãy xương nên ăn gì?

Vì mong muốn xương mau liền hơn, điều người bệnh cần quan tâm bị gãy xương nên ăn gì. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm bạn nên sử dụng khi bị gãy xương:

  • Thực phẩm giàu canxi như sữa không béo, củ cải, hạt mè, rong biển, sữa đậu nành, sữa chua, hạnh nhân... Nhóm này đóng vai trò quan trọng nhất trong chế độ ăn của người gãy xương, bởi canxi là thành phần chính của xương.
  • Thực phẩm giàu magie như thịt, gà, sữa, đậu tương, bơ, cá thu, lạc, rau ngót, chuối, rau mồng tơi, cải xanh, khoai lang... Magie giúp hỗ trợ việc hấp thụ canxi vào cơ thể, giúp quá trình phục hồi xương diễn ra nhanh hơn.
  • Thực phẩm giàu kẽm, cần thiết cho việc hoạt động hiệu quả của vitamin D trong việc hấp thụ canxi. Các nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm hải sản, cà rốt, bột thô, hạt hướng dương, hàu, trai...
  • Ngoài ra, người bệnh gãy xương cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin để tăng cường sức kháng, duy trì sức khỏe tốt và thúc đẩy quá trình phục hồi xương như vitamin B6, vitamin B12.
Giải đáp thắc mắc: Bị gãy xương nên ăn gì? 2
Người bị gãy xương nên bổ sung thực phẩm chứa canxi

Gãy xương kiêng ăn gì?

Bên cạnh việc quan tâm bị gãy xương nên ăn gì, người bệnh cũng nên nắm được một số thực phẩm cần tránh.

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ

Các món ăn chiên xào chứa nhiều dầu mỡ nên nên tránh trong quá trình điều trị gãy xương. Loại thực phẩm này không tốt cho sức khỏe và có thể gây trở ngại cho quá trình chữa lành xương cũng như khả năng cơ thể hấp thụ canxi.

Thực phẩm nhiều đường

Đồ ăn ngọt, như bánh kẹo và nước ngọt cũng nên được hạn chế. Các thức ăn này không chỉ làm chậm quá trình liền xương mà còn tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp.

Thức ăn nhiều muối

Thức ăn chứa nhiều muối cũng cần tránh khi bệnh nhân đang điều trị gãy xương. Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng tốc độ mất canxi từ cơ thể, làm yếu xương và làm chậm quá trình tái tạo tế bào xương, kéo dài thời gian hồi phục cho vết thương.

Rượu bia

Rượu và bia có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình hấp thụ và chuyển canxi vào xương, do đó, chúng gây trở ngại cho sự hình thành tế bào xương mới. Hơn nữa, những chất kích thích này còn có thể gây mất cân bằng điện giải và làm mất nước, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, không chỉ vùng xương gãy.

Giải đáp thắc mắc: Bị gãy xương nên ăn gì? 3
Rượu bia ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi vào xương

Đồ uống chứa caffeine

Caffeine cũng nên được hạn chế trong quá trình phục hồi sau gãy xương. Việc tiêu thụ nhiều caffeine hàng ngày có thể làm chậm quá trình tái tạo vết thương xương. Điều này xảy ra vì khi uống nhiều trà, cà phê và các đồ uống chứa caffeine, cơ thể cần tiểu nhiều hơn, dẫn đến mất canxi.

Một số lưu ý giúp xương mau liền hơn

Người bệnh không những cần quan tâm bị gãy xương nên ăn gì, kiêng gì, sinh hoạt hàng ngày và lịch tập luyện đều có tác động quan trọng đến quá trình phục hồi sau gãy xương. Dưới đây là một số biện pháp mà người bệnh có thể áp dụng để tăng cường hiệu suất của quá trình chữa lành sau chấn thương:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn và kết hợp với việc thực hiện các bài tập nhẹ và hít thở để duy trì sự linh hoạt của cơ thể.
  • Ngừng hút thuốc lá hoàn toàn, vì thuốc lá có thể gây trở ngại cho quá trình phục hồi và làm chậm quá trình lành vết thương.
  • Tuân thủ toàn bộ liệu trình điều trị và uống đúng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cân nhắc việc sử dụng phương pháp chườm đá theo hướng dẫn của chuyên gia để giảm đau.
  • Tránh nằm nghiêng về phía tổn thương khi ngủ.
  • Tăng cường hoạt động di chuyển và tập luyện nhẹ nhàng, nhưng phải tuân thủ mức độ vận động phù hợp.
  • Tuân thủ lịch hẹn thăm khám và theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giải đáp thắc mắc: Bị gãy xương nên ăn gì? 4
Các bài tập trị liệu giúp xương mau liền hơn

Trên đây là những giải đáp về vấn đề bị gãy xương nên ăn gì và kiêng gì. Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp người bệnh tối ưu hóa quá trình phục hồi và đảm bảo rằng vết thương sẽ được lành mạnh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin