Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Glutathione: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ nếu quá lạm dụng

Ngày 04/05/2023
Kích thước chữ

Glutathione là một chất chống oxy hóa tự nhiên trong cơ thể, có khả năng loại bỏ các chất độc hại và các gốc tự do gây hại cho tế bào. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn đọc về phương pháp thải độc bằng Glutathione cùng một số điều cần lưu ý để áp dụng một cách hiệu quả và an toàn.

Thải độc là một quá trình quan trọng để giúp loại bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Glutathione là một chất chống oxy hóa và thải độc tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể. Việc thải độc bằng Glutathione đang trở thành một xu hướng được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu công dụng của Glutathione cũng như cách dùng Glutathione thải độc.

Glutathione là gì?

Glutathione (GSH) là một chất tự nhiên được tổng hợp từ tế bào bằng 3 loại amin gồm Cysteine, Glutamic, Glycine. Quá trình tổng hợp này được diễn ra tại gan. GSH có thể được tìm thấy trong thịt, rau, củ, quả…

Glutathione có công dụng gì? Thải độc bằng Glutathione như thế nào? 1
Glutathione là chất tự nhiên được tổng hợp từ tế bào bằng 3 loại amin

Nồng độ của GSH trong cơ thể có thể bị suy giảm do nhiều yếu tố như dinh dưỡng kém, độc tố từ môi trường, căng thẳng cũng như tuổi tác.

Glutathione tham gia vào nhiều quá trình diễn ra bên trong cơ thể, bao gồm sửa chữa và xây dựng mô, sản xuất các chất hóa học và protein cần thiết cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch. Glutathione được coi là một chất chống oxy hóa cực mạnh, cần thiết cho mỗi tế bào trong cơ thể để giữ sức khỏe bởi khả năng hút các gốc tự do, kim loại nặng và độc tố. Các chất độc hại này được cơ thể hấp thụ mỗi ngày qua da, hơi thở, nước uống, thực phẩm và được đào thải ra ngoài nhờ GSH.

Ngoài việc được tổng hợp từ cơ thể, Glutathione còn có thể được tái chế. Trong trường hợp GSH không được tái chế, cơ thể sẽ đối mặt với tình trạng quá tải chất độc, dẫn đến mất cân bằng và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Glutathione có công dụng gì?

Glutathione có những ứng dụng khác nhau tùy thuộc vào cách sử dụng và mục đích sử dụng của người dùng.

Glutathione dạng uống được sử dụng để điều trị:

  • Tăng nhãn áp;
  • Đục thủy tinh thể;
  • Ngăn ngừa lão hóa;
  • Hen suyễn;
  • Các bệnh tim (xơ vữa động mạch và cholesterol cao);
  • Các bệnh ung thư;
  • Các bệnh về gan (viêm gan…);
  • Các bệnh suy yếu hệ thống miễn dịch (gồm AIDS và hội chứng mệt mỏi mãn tính);
  • Điều trị hoặc phòng ngừa chứng nghiện rượu;
  • Mất trí nhớ;
  • Bệnh Alzheimer;
  • Bệnh Parkinson;
  • Viêm xương khớp.
Glutathione có công dụng gì? Thải độc bằng Glutathione như thế nào? 2
Glutathione dạng uống có thể được sử dụng để điều trị đục thủy tinh thể

Ngoài ra, uống Glutathione có thể hỗ trợ duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa cơ thể bị nhiễm độc từ kim loại nặng và thuốc.

Sử dụng Glutathione dạng hít để điều trị các bệnh nhiễm trùng phổi (bệnh phổi ở những người mắc HIV, xơ nang, xơ phổi tự phát…).

Glutathione được sử dụng qua đường tĩnh mạch có thể đem lại một số tác dụng như:

  • Ngăn ngừa các vấn đề có liên quan đến thận sau phẫu thuật tim.
  • Điều trị bệnh Parkinson.
  • Cải thiện lưu lượng máu.
  • Điều trị vô sinh nam hoặc ngăn ngừa tình trạng vô sinh ở nam giới.
  • Ngăn ngừa các phản ứng phụ nguy hiểm của việc điều trị ung thư bằng hóa trị liệu.
  • Ngăn ngừa mệt mỏi và tình trạng thiếu máu ở người bị bệnh thận đang điều trị bằng phương pháp thẩm tách máu.
  • Giảm đông máu ở người bệnh bị xơ cứng động mạch gan.
  • Điều trị bệnh tiểu đường.
  • Ngăn ngừa các tác dụng phụ nguy hiểm của hóa trị liệu.

Liều dùng Glutathione thải độc

Glutathione có hai dạng bào chế là dạng bột và dạng gói. Liều lượng sử dụng Glutathione cần phải được điều chỉnh tùy thuộc vào mục đích sử dụng, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố khác của từng người. Đặc biệt cần lưu ý kiên trì sử dụng theo đúng liều lượng và liệu trình được chỉ định bởi bác sĩ để đạt được hiệu quả.

Liều dùng Glutathione đường uống để làm trắng da

Bạn có thể bắt đầu uống Glutathione để làm trắng da với liều lượng khoảng 1000mg - 2000mg trong 3 tháng đầu, sau đó giảm xuống còn 500mg mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên sử dụng quá 2000mg Glutathione mỗi ngày cũng như không sử dụng trong một thời gian dài. Nguyên nhân là vì điều này có thể gây ngộ độc và khiến bạn gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác.

Liều dùng Glutathione đường uống hỗ trợ điều trị ung thư 

Trong điều trị ung thư, Glutathione có thể được sử dụng như một biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi các tác dụng phụ nguy hiểm khi thực hiện quá trình hóa trị liệu. Trước khi xạ trị, người bệnh có thể uống Glutathione như sau:

  • Mỗi ngày uống 1000mg Glutathione để tăng cường bảo vệ tế bào thần kinh và tế bào thận khỏi các tác dụng độc hại của hóa trị liệu (như Cisplatin, Cyclophosphamide, Oxaliplatin, 5.FU…).
  • Mỗi ngày uống 500 - 1000mg để cải thiện và hồi phục sức khỏe, chống suy kiệt cho bệnh nhân ung thư.

Liều dùng Glutathione đường uống hỗ trợ điều trị bệnh gan

Glutathione có khả năng hồi phục chức năng gan nên có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan:

  • Trong viêm gan và nhiễm độc, bạn có thể bổ sung khoảng 1000mg Glutathione mỗi ngày để hỗ trợ bảo vệ tế bào gan khỏi thương tổn do các gốc tự do Peroxy gây ra. 
  • Trong trường hợp mắc viêm gan siêu vi, bạn nên uống khoảng 500mg GSH mỗi ngày cho đến khi cơ thể hồi phục. 
  • Bệnh nhân bị xơ gan hoặc suy gan nên uống 500 - 1000mg/ngày để giúp gan thải trừ độc tố ra khỏi cơ thể. 

Ngoài ra, Glutathione còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau như bệnh tim mạch, tiểu đường, Parkinson, Alzheimer, HIV và tổn thương não do chấn thương. 

Glutathione có công dụng gì? Thải độc bằng Glutathione như thế nào? 3
Glutathione hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson

Glutathione có gây tác dụng phụ không?

Bổ sung Glutathione thông qua chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng không gây rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp với việc bổ sung Glutathione. Việc tư vấn với bác sĩ để xác định liệu bổ sung Glutathione có phù hợp với cơ thể của mình hay không là cần thiết. 

Sử dụng Glutathione có thể gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể như đầy hơi, chuột rút cơ bụng, khó thở do co thắt phế quản, phản ứng dị ứng như phát ban. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê trên, bạn nên tìm kiếm ý kiến ​​từ bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng Glutathione phù hợp.

Một số lưu ý khi thải độc bằng Glutathione

Trước khi thải độc bằng Glutathione, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn đang ở các tình trạng sau đây:

  • Đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Đang sử dụng các loại thuốc khác.
  • Bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong Glutathione hoặc các loại thuốc, thảo mộc khác.
  • Có dị ứng với các loại thực phẩm, chất bảo quản, thuốc nhuộm hoặc động vật.
  • Đang gặp vấn đề về sức khỏe.

Glutathione được cho là an toàn đối với hầu hết người lớn khi sử dụng qua các đường uống, hít, tiêm cơ hoặc tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, những trường hợp sau đây cần phải lưu ý khi sử dụng phương pháp thải độc bằng Glutathione:

  • Bệnh hen suyễn: Không nên hít Glutathione vì có thể làm tăng các triệu chứng hen.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Cần tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh xảy ra các tác dụng xấu tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Glutathione có công dụng gì? Thải độc bằng Glutathione như thế nào? 4
Người bị hen suyễn không nên áp dụng thải độc bằng Glutathione

Ngoài ra, người dùng cần phải cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và rủi ro có thể xảy ra trước khi quyết định sử dụng Glutathione thải độc.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc thải độc bằng Glutathione. Glutathione được coi là một trong những phương pháp thải độc an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Nó giúp bảo vệ và phục hồi chức năng gan, cải thiện hệ miễn dịch, và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng Glutathione, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng nó phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn, đồng thời tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn.

Xem thêm:

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin