Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hệ vận động và những bệnh lý không thể chủ quan

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ

Theo quy luật tự nhiên, cơ thể con người sinh ra là phải vận động, không vận động thì sẽ không thể tồn tại được. Do đó, hệ vận động luôn cần được vận hành trong trạng thái tối ưu và khỏe mạnh.

Hệ vận động là hệ thống cơ xương trong cơ thể mỗi người, cho phép chúng ta vận động từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời, hệ thống này cũng bảo vệ các cơ quan nội tạng tránh khỏi tác động từ môi trường bên ngoài. Có nhiều loại bệnh liên quan đến hệ vận động, phần lớn là do sự lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh lý nguy hiểm không thể chủ quan. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các bệnh lý liên quan đến vận động qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về hệ vận động

Hệ vận động gồm một hệ thống các cơ quan như xương, cơ, gân, sụn, dây chằng, các khớp và các mô liên kết khác. Chức năng chính của hệ thống này là thực hiện các chuyển động của con người, đồng thời nâng đỡ cơ thể, duy trì tư thế và bảo vệ các cơ quan khác.

Hệ vận động có cấu trúc ra sao?

Cấu trúc của hệ thống vận động gồm hai phần chính:

  • Phần thụ động gồm hệ xương và các kết nối giữa các xương như sụn và khớp;
  • Phần vận động với các cơ và các cơ quan hoạt động theo sự kiểm soát của hệ thần kinh.

Mỗi cơ quan trong bộ máy vận động đều có chức năng riêng, chúng cùng hoạt động để thực hiện các chuyển động. Những cơ quan này được kết nối với nhau nhờ nhiều mô liên kết, hình thành từ collagen và các sợi đàn hồi protein. Hàm lượng collagen và protein trong cơ thể càng cao thì cơ thể càng linh hoạt, dẻo dai.

Hệ vận động và những bệnh lý không thể chủ quan  1
Hệ vận động giúp nâng đỡ cơ thể

Chức năng của hệ vận động

Những cơ quan chính trong hệ thống vận động có chức năng như sau:

  • Xương: Giúp cơ thể ổn định, bảo vệ các cơ quan nội tạng và duy trì tư thế;
  • Cơ: Giúp xương thực hiện chuyển động từ đơn giản đến phức tạp, duy trì tư thế của xương và hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu;
  • Sụn: Liên kết giữa các xương và làm giảm ma sát trong chuyển động;
  • Khớp: Tạo ra phạm vi chuyển động cho xương, giúp xương di chuyển linh hoạt;
  • Dây chằng: Kết nối các xương và ổn định khớp.

Những bệnh lý phổ biến ở hệ vận động

Các bệnh lý về hệ vận động có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thoái hóa khớp và viêm khớp là hai tình trạng phổ biến nhất của xương khớp. Các loại bệnh còn lại thường do bẩm sinh, thay đổi nội tiết, di truyền, quá trình sinh hoạt hoặc cũng có trường hợp chưa rõ nguyên nhân (như ung thư xương).

Bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng cơ thể bị tổn thương phần sụn khớp và xương dưới sụn, kèm phản ứng viêm và giảm lượng dịch khớp. Thoái hóa khớp tiến triển chậm, thường gặp ở người trung niên, lớn tuổi. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới do thay đổi nội tiết và quá trình sinh nở. Thoái hóa khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Hệ vận động và những bệnh lý không thể chủ quan  2
Phụ nữ dễ mắc thoái hóa khớp hơn nam giới

Viêm khớp - một bệnh lý về hệ vận động

Số liệu nghiên cứu cho thấy tuổi tác càng cao, tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp càng nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, những người thừa cân, béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Tình trạng viêm cũng có thể gặp phải do chấn thương, va đập hoặc lão hóa, bào mọn sụn khớp và xương dưới sụn, vận động khớp không hợp lý làm khớp bị viêm.

Có rất nhiều dạng viêm khớp khác nhau như: Viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp, bệnh gout, viêm do thoái hóa, viêm khớp nhiễm trùng. Đa số bệnh viêm khớp đều khó điều trị dứt điểm. Để lâu, bệnh có thể dẫn đến đau nhức, mất khả năng vận động hoặc thậm chí bị tàn phế.

Loãng xương ảnh hưởng hệ vận động

Loãng xương là trạng thái xương bị giảm mật độ và cấu trúc xương bị hủy hoại đến mức có thể gây nguy cơ gãy xương. Nguyên nhân gây bệnh này là do thay đổi nội tiết tố, tuổi tác, do dùng thuốc… Riêng với phụ nữ, tốc độ mất xương ở giai đoạn mãn kinh từ 1 - 3%/năm, kéo dài từ 5 - 10 năm sau khi mãn kinh.

Hệ vận động và những bệnh lý không thể chủ quan  3
Uống sữa giúp làm chậm quá trình loãng xương

Hệ vận động ảnh hưởng do gãy xương

Gãy xương xảy ra khi xương bị thương tổn, mất tính liên tục do chấn thương hoặc bệnh lý. Bệnh được chia làm hai loại, tương ứng với các mức độ mất tính liên tục của xương: Gãy xương hoàn toàn và gãy xương không hoàn toàn.

Bệnh gout tác động đến vận động

Bệnh gout (hay gút) xảy ra do tình trạng lắng đọng các tinh thể muối urat hoặc tinh thể acid uric gây viêm các khớp. Bệnh gout thường xảy ra với nam giới tuổi từ 40 trở lên. Bệnh gout xảy ra do các yếu tố sau:

  • Các nguyên nhân dẫn đến giảm bài tiết acid uric: Bệnh thận, một số loại thuốc…
  • Các nguyên nhân làm tăng sản xuất acid uric: Chủ yếu do ăn nhiều thịt đỏ như chó, dê, bò, cá biển…
  • Các yếu tố khác: Di truyền, gia đình, tuổi tác hay giới tính...

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là trạng thái nhân nhầy đĩa đệm của cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường. Nguyên nhân gây bệnh thường do các yếu tố như: Di truyền, tư thế lao động không chuẩn, thoái hóa tự nhiên, tai nạn, chấn thương cột sống… Thoát vị đĩa đệm khó chữa khỏi hoàn toàn. Cơn đau thoát vị có thể khiến dáng đi của người bệnh bị thay đổi, dẫn đến teo cơ, vẹo cột sống.

Gai cột sống

Gai cột sống là diễn tiến của bệnh thoái hóa cột sống, xảy ra khi các gai xương xuất hiện tại nơi giao nhau của các đốt cột sống. Gai cột sống có thể xuất hiện ở nhiều vị trí dọc xương sống nhưng phổ biến nhất là gai cột sống cổ và gai cột sống lưng. Gai cột sống ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh khó chịu, đau đớn nếu gai chèn ép vào dây thần kinh, thậm chí làm hạn chế cử động.

Hệ vận động và những bệnh lý không thể chủ quan  4
Gai cột sống ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày

Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào các mô lành mạnh của cơ thể. Khi bệnh bùng phát, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng đau cơ, đau các khớp nhỏ của bàn tay - cổ tay, bị cứng khớp và phù. Tuy không chữa khỏi hoàn toàn được nhưng bệnh này có thể điều trị hiệu quả với thuốc.

Ung thư xương

Ung thư xương xuất hiện khi có khối u ác tính trong xương. Những khối u này thường phát triển nhanh và cạnh tranh với những mô xương lành, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Làm gì để có hệ vận động khỏe mạnh?

Để duy trì hệ vận động khỏe mạnh, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh thông qua những bí quyết sau:

  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cơ bắp, tăng sự dẻo dai của xương khớp;
  • Ngủ đủ giấc từ 7 - 8 giờ mỗi ngày giúp hồi phục sức khỏe cho hệ vận động, tái tạo năng lượng;
  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng như protein, tinh bột và chất béo, bổ sung vitamin và khoáng chất;
  • Kiểm soát cân nặng ở mức an toàn để không bị thừa cân béo phì - nguyên nhân phổ biến gây bệnh lý về cơ xương khớp.

Giữ gìn sức khỏe cho hệ vận động giúp bạn có được chất lượng cuộc sống tốt hơn và giảm những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe khi bước vào quá trình lão hóa. Bất cứ bệnh lý nào của hệ thống vận động cũng tiềm ẩn những rủi ro, vì vậy khi có triệu chứng đau nhức cơ xương khớp, hãy thăm khám ngay để được bác sĩ chuyên môn tư vấn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin