Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các bệnh phổ biến ở hệ tim mạch là gì? Cách bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hệ thống tim mạch gồm tim và hệ thống mạch máu, có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, mang tính sống còn với mỗi người. Vậy nên không khó hiểu khi các bệnh liên quan đến hệ tim mạch đều rất được quan tâm.

Tim mạch là một trong những hệ thống đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ thể, mang ý nghĩa duy trì sự sống. Hiểu rõ về hệ tim mạch sẽ giúp bạn có thể tự bảo vệ và cải thiện sức khỏe tim mạch của mình. Bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu về hệ thống tim mạch, các bệnh liên quan và cách bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Tìm hiểu về hệ tim mạch

Hệ thống tim mạch (hay còn được gọi là cardiovascular system) là hệ tuần hoàn, gồm một mạng lưới liên kết chặt chẽ và khép kín giữa tim cùng nhiều mạch máu trong cơ thể: Động mạch (arteries), tĩnh mạch (veins) và mao mạch (capillaries).

Các bệnh phổ biến ở hệ tim mạch là gì? Cách bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch 1
Hệ tim mạch vận chuyển oxy và dưỡng chất đi nuôi cơ thể

Hệ tim mạch có chức năng chính là vận chuyển. Dưới đây là một số thành phần hoặc yếu tố được vận chuyển thông qua hệ tuần hoàn cùng những lợi ích sinh học liên quan:

  • Oxy và CO2: Máu vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng tới các tế bào và mô, đồng thời đem theo chất thải như carbon dioxide hoặc muối khoáng dư thừa để bài tiết ra khỏi cơ thể. Qua đó, hệ tim mạch sẽ giúp cơ thể thực hiện chức năng trao đổi chất và duy trì sự sống.
  • Chất điện giải: Các chất điện giải được máu vận chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể nhằm hỗ trợ điều chỉnh chức năng của hệ thần kinh và cơ bắp, cân bằng một số thành phần (nước, độ axit, tốc độ đông đặc và áp suất trong máu), chữa lành các mô bị tổn thương và thúc đẩy hệ miễn dịch.
  • Bạch cầu (kháng thể): Máu mang bạch cầu và những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch đi hỗ trợ cơ thể tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh và ngăn chúng xâm nhập vào tế bào.
  • Hóc-môn (nội tiết tố): Máu đồng thời vận chuyển nhiều nội tiết tố khác nhau, hỗ trợ điều chỉnh quá trình trao đổi chất quan trọng để cơ thể hoạt động bình thường. Ví dụ, máu vận chuyển insulin, cortisol, thyroxin…
  • Nhiệt độ: Máu còn đóng vai trò hỗ trợ phân phối nhiệt độ đồng nhất trong toàn bộ cơ thể, đảm bảo nhiệt độ luôn ổn định ở mức 37°C.

Các bệnh phổ biến xảy ra với hệ tim mạch

Bệnh tim mạch gồm nhiều bệnh lý khác nhau, xảy ra khi xuất hiện rối loạn ở tim, động mạch ngoại biên, mạch máu não và các bộ phận khác trong hệ tim mạch.

Một số loại bệnh tim mạch phổ biến gồm:

Bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành liên quan đến sự tắc nghẽn động mạch vành ở tim. Bệnh thường xảy ra khi có sự tích tụ các mảng xơ vữa trong mạch máu, dẫn đến một số triệu chứng nguy hiểm như đau ngực hoặc đau tim.

Tăng huyết áp

Bệnh này xảy ra khi áp suất máu trong các mạch máu cao hơn bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ do nhồi máu cơ tim hoặc suy thận;

Suy tim

Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu đi nuôi cơ thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim, gồm: Tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim, viêm, nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim hoặc tăng huyết áp.

Rối loạn nhịp tim

Tim đập không đều, lúc nhanh, lúc chậm do rối loạn hệ thống dẫn truyền điện tim. Rối loạn nhịp tim có nhiều cấp độ, tương ứng mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu ở mức nghiêm trọng nhất, bệnh có thể khiến cơ tim rung lên thay vì co bóp đều đặn, nhịp nhàng, từ đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Bệnh van tim

Bệnh xảy ra khi một hoặc một vài trong số 4 van của tim không hoạt động bình thường. Lúc này, máu không thể di chuyển theo một chiều nhất định, làm suy giảm hiệu quả trao đổi chất. Bệnh van tim là nhóm các bệnh điển hình như: Hẹp van tim, dị dạng van tim bẩm sinh, hở van tim

Bệnh tim bẩm sinh

Đặc trưng bởi các dị tật về cấu trúc tim hoặc mạch máu ngay từ khi mới sinh như: Hẹp van tim bẩm sinh, hẹp động mạch chủ bẩm sinh, hở van tim bẩm sinh…

Các bệnh phổ biến ở hệ tim mạch là gì? Cách bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch 2
Suy tim có thể dẫn tới tử vong

Trường hợp nào nên kiểm tra tim mạch?

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người trưởng thành khỏe mạnh từ 20 tuổi trở lên nên định kỳ kiểm tra sức khỏe hệ tim mạch 2 năm/lần. Tuy nhiên, hãy đi kiểm tra sức khỏe tim mạch bất cứ khi nào phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tim, như đau ngực, tim đập nhanh, khó thở, nhanh mệt mỏi và đổ mồ hôi mà không rõ nguyên nhân.

Khi kiểm tra sức khỏe tim mạch, bạn sẽ cần cung cấp thông tin về tiền sử bệnh lý, triệu chứng, thói quen sinh hoạt, ăn uống… Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm một hoặc nhiều xét nghiệm như:

  • Kiểm tra gắng sức (Đo hoạt động của tim khi tập thể dục);
  • Điện tâm đồ (ECG);
  • Siêu âm tim;
  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp CT (chụp cắt lớp);
  • Chụp cắt lớp phát xạ (PET);
  • Chụp MRI tim;
  • Chụp động mạch (catheterization).

Bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch đúng cách

Việc phòng tránh bệnh tim mạch đúng cách có vai trò hết sức quan trọng và được nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị. Để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn, bạn cần lưu ý những điều dưới đây.

Xây dựng chế độ ăn khoa học phòng bệnh tim mạch

Để phòng bệnh tim mạch, bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, đường, cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Ngoài ra, hãy tăng cường ăn rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và những nguồn đạm chất lượng cao như thịt nạc, trứng, cá, sữa tách béo…

Các bệnh phổ biến ở hệ tim mạch là gì? Cách bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch 3
Chế độ ăn nhiều rau củ quả có lợi cho tim mạch

Tập thể dục đều đặn tránh bệnh tim mạch

Tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần ở cường độ trung bình hoặc 75 phút/tuần ở cường độ cao giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức bền của cơ tim. Việc này đồng thời giúp điều hòa huyết áp và làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Bạn có thể lựa chọn bất kỳ hoạt động nào giúp làm tăng nhịp tim như: Chạy bộ, đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc tập luyện với tạ…

Bỏ thuốc lá để bảo vệ hệ tim mạch

Cứ 4 người tử vong vì bệnh tim mạch thì trong đó sẽ có 1 người có tiền sử hút thuốc lá quá nhiều. Vì vậy, hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt để bảo vệ hệ tim mạch nói riêng cũng như sức khỏe của bản thân nói chung.

Kiểm soát cân nặng có lợi cho tim mạch

Việc kiểm soát cân nặng sẽ giúp kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như tiểu đường, tăng huyết áp và máu nhiễm mỡ. Khi đó, bạn sẽ có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch một cách hiệu quả.

Kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol

Huyết áp, đường huyết và cholesterol là những yếu tố gây nguy cơ lớn cho bệnh tim mạch. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, tập thể dục điều độ và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Các bệnh phổ biến ở hệ tim mạch là gì? Cách bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch 4
Tinh thần vui vẻ giúp phòng tránh bệnh tim mạch

Giảm căng thẳng giúp hạn chế bệnh về tim mạch

Trạng thái tâm lý căng thẳng liên tục trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do vậy, muốn phòng bệnh tim mạch hiệu quả, bạn hãy tìm cách giảm stress thông qua các hoạt động như: Thiền, nghe nhạc, đọc sách, tập yoga…

Trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã mang đến cho bạn những thông tin về hệ tim mạch và các loại bệnh phổ biến liên quan đến hệ thống này. Ngoài ra, bài viết cũng đã gợi ý cho bạn cách bảo vệ sức khỏe tim mạch khoa học, hiệu quả. Tỷ lệ người mắc các bệnh về tim mạch ngày càng gia tăng. Do vậy, việc phòng tránh các bệnh về tim mạch cần được hết sức quan tâm. Việc thăm khám định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm các bệnh tuần hoàn để có biện pháp xử trí kịp thời.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm