Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh ho gà ở trẻ em

Ngày 13/10/2024
Kích thước chữ

Bệnh ho gà ở trẻ em là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nghiêm trọng, do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh có thể dẫn đến những cơn ho kéo dài, khó thở và nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu những cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả mà các bố mẹ cần biết được để bảo vệ sức khỏe trẻ.

Ho gà là một trong những bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm nhất ở trẻ, đặc biệt khi hệ miễn dịch của bé còn non yếu. Vi khuẩn gây bệnh tấn công hệ hô hấp, gây ra những cơn ho dữ dội và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khi bị bệnh ho gà ở trẻ em. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp các phụ huynh biết được các cách phòng ngừa và chăm sóc trẻ ho gà hiệu quả hạn chế các biến chứng.

Mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ em

Ho gà hay Pertussis là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh có thể dẫn đến các cơn ho kéo dài và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em, bệnh ho gà còn đe dọa sức khỏe của người lớn, đặc biệt là những ai có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa được tiêm vắc-xin. Vì vậy, việc phòng ngừa ho gà là cần thiết để tránh các biến chứng như viêm phổi hay suy hô hấp.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh ho gà có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số biến chứng do bệnh ho gà ở trẻ em có thể gây ra bao gồm:

  • Viêm phổi: Đây là biến chứng thường gặp nhất khi vi khuẩn lây lan từ đường hô hấp xuống phổi, gây nhiễm trùng phổi.
  • Suy hô hấp: Biến chứng này đặc biệt hay gặp ở trẻ em ó hệ hô hấp yếu. Nó có thể gây ra những cơn ho dữ dội làm cho trẻ thở khó khăn.
  • Tổn thương não: Thiếu oxy do các cơn ho kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não, gây ra các vấn đề về phát triển thần kinh.
  • Suy dinh dưỡng: Trẻ ho nhiều và nôn mửa thường xuyên có thể bị suy dinh dưỡng do không hấp thụ đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
Cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh ho gà ở trẻ em 1
Bệnh ho gà ở trẻ em có thể gây viêm phổi nặng

Biện pháp phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ em hiệu quả

Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả mà các bậc phụ huynh nên thực hiện để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ em:

  • Tiêm vắc-xin đúng lịch: Vắc-xin là biện pháp quan trọng nhất trong việc phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ em. Trẻ cần được tiêm vắc-xin DTaP (vắc-xin phòng ho gà, bạch hầu và uốn ván) theo lịch tiêm chủng quốc gia. Vắc-xin này bao gồm 5 mũi tiêm bắt đầu từ khi trẻ được 2 tháng tuổi và hoàn tất trước khi trẻ 6 tuổi. Việc tiêm nhắc lại vắc-xin cũng rất cần thiết để duy trì khả năng miễn dịch và bảo vệ trẻ nhỏ, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ.
  • Giữ gìn vệ sinh: Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ là cách đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn Bordetella pertussis. Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sẽ giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ và thoáng mát cho trẻ là điều bố mẹ cần thực hiện. Các vật dụng như đồ chơi, chăn màn và các đồ dùng cá nhân của trẻ nên được vệ sinh định kỳ để ngăn chặn vi khuẩn tích tụ và gây hại.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Bệnh ho gà lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, do đó việc tránh tiếp xúc gần với những người mắc bệnh là rất quan trọng. Nếu trong gia đình hoặc cộng đồng có người mắc ho gà, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đó cho đến khi họ khỏi bệnh hoàn toàn. Đặc biệt, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi nên tránh xa những môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, cùng với việc cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất phù hợp, sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Việc này giúp trẻ tăng cường khả năng đề kháng đối với các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả ho gà. Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho trẻ bổ sung các vitamin và khoáng chất từ các trái cây, rau xanh hay thực phẩm giàu chất xơ khác để giúp bé củng cố hệ miễn dịch và đảm bảo sức khỏe toàn diện.
Cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh ho gà ở trẻ em 2
Tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ

Cách nhận biết và chăm sóc trẻ mắc bệnh ho gà

Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh ho gà ở trẻ em là yếu tố quan trọng để có thể điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Bệnh ho gà thường bắt đầu với các triệu chứng giống cảm lạnh, sau đó dần chuyển thành những cơn ho kéo dài và dữ dội hơn. Cơn ho gà sẽ hay có tiếng "rít" khi bé hít vào và làm trẻ thêm mệt mỏi, nôn mửa.

Một số dấu hiệu hay gặp trong bệnh ho gà ở trẻ:

  • Ho dữ dội, liên tục, kéo dài hơn một tuần.
  • Khó thở, có tiếng rít khi hít vào.
  • Trẻ nôn mửa sau cơn ho.
  • Trẻ mệt mỏi, không muốn ăn uống.

Khi phát hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thông thường, bệnh ho gà ở trẻ có thể điều trị bằng kháng sinh hiệu quả theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh ho gà ở trẻ em 3
Trẻ bị mệt mỏi, biếng ăn do bệnh ho gà

Hỗ trợ điều trị bệnh ho gà tại nhà

Ngoài việc tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, cha mẹ cũng có thể hỗ trợ trẻ hồi phục nhanh chóng bằng cách chăm sóc tốt tại nhà. Dưới đây là các cách chăm sóc trẻ bị ho gà ở nhà để bố mẹ tham khảo:

  • Cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ: Trẻ mắc ho gà thường mệt mỏi và kiệt sức do các cơn ho liên tục. Do đó, cha mẹ cần tạo môi trường yên tĩnh, thoáng mát để trẻ có thể nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Giúp trẻ bù nước: Ho nhiều có thể khiến trẻ bị mất nước. Hãy cho trẻ uống nhiều nước, nước trái cây hoặc các loại nước súp để bù lại lượng nước đã mất và giúp cơ thể dễ chịu hơn.
  • Giảm ho bằng các biện pháp tự nhiên: Mật ong có tác dụng làm dịu cổ họng và giảm ho, nhưng chỉ nên dùng cho trẻ em trên 1 tuổi. Đối với trẻ sơ sinh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp nào.
  • Theo dõi các dấu hiệu nghiêm trọng: Trong quá trình chăm sóc, cha mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ. Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu khó thở, da tím tái, ngừng thở, hoặc cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Cách phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh ho gà ở trẻ em 4
Bổ sung đủ nước cho trẻ để duy trì sức khỏe

Bệnh ho gà ở trẻ em vẫn được xem là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cha mẹ cần chú ý tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, cũng như chăm sóc tốt khi trẻ mắc bệnh. Điều này không chỉ giúp trẻ tránh được các biến chứng nguy hiểm mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin