Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Khi mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không và lựa chọn thuốc an toàn

Ngày 19/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều vấn đề gây lo lắng khi bạn bắt đầu làm mẹ, một trong số đó là thắc mắc về việc nếu đang cho con bú uống thuốc cảm được không. Trên thực tế, việc này không có gì quá nghiêm trọng và có một số loại thuốc tương đối an toàn.

Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi phụ nữ đang cho con bú uống thuốc cảm được không, và nếu được thì đâu là những loại thuốc an toàn và những loại thuốc cần lưu ý.

Khi mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không?

Có lý do về việc các bậc cha mẹ quan tâm đến vấn đề này vì e ngại liệu nó có ảnh hưởng đến em bé hay không. Đầu tiên chúng ta hãy cùng xem xét về sự lây truyền của bệnh cảm cúm. Bệnh này chủ yếu lây từ người sang người thông qua các giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nếu vô tình chạm tay vào các bề mặt có virus cúm và sau đó chạm vào miệng hoặc mũi, một người cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là bệnh cảm cúm không lây truyền qua sữa mẹ. Vì vậy câu hỏi phụ nữ đang cho con bú uống thuốc cảm được không sẽ có câu trả lời là có. Điều cần lưu ý ở đây là chọn lựa đúng loại thuốc điều trị an toàn có cả mẹ và bé.

Khi mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không và lựa chọn thuốc an toàn 1
Nhiều phụ nữ thắc mắc cho con bú uống thuốc cảm được không

Thêm vào đó, các phụ nữ bị cảm vẫn nên tiếp tục cho con bú vì việc này là an toàn và còn có lợi ích. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho bé do có chứa các kháng thể.

Nếu đang bị bệnh, người mẹ nên rửa tay kỹ bằng xà phòng và lau khô tay sau khi ho hoặc hắt hơi và có giọt bắn trên tay, trước khi chạm vào bé hoặc bất kỳ vật dụng nào mà bé có khả năng chạm vào để có thể hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh cho bé.

Cho dù người mẹ có thể uống thuốc điều trị cảm cúm khi đang cho con bú, việc có những biện pháp phòng ngừa vẫn là điều cần thiết, đặc biệt trong thời gian bé dưới 6 tháng tuổi. Thời điểm này các bé vẫn chưa thể sử dụng vắc xin cúm, đồng thời nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm còn cao.

Các loại thuốc cảm an toàn cho mẹ

Những loại thuốc nêu dưới đây được coi là an toàn cho người mẹ đang cho con bú mà bị cảm. Bạn có thể cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro để đưa ra những lựa chọn hợp lý.

Thuốc nhóm giảm đau và hạ sốt

Các thuốc dùng để giảm đau và hạ sốt an toàn khi cho con bú bao gồm:

  • Tylenol (acetaminophen);
  • Advil, Motrin (ibuprofen);
  • Aleve (naproxen).

Acetaminophen và các loại thuốc thuộc nhóm NSAID như ibuprofen và naproxen có thể được dùng cùng một lúc. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác không sử dụng quá một loại NSAID hoặc quá một sản phẩm chứa acetaminophen đồng thời.

Thuốc kháng histamine

Các thuốc kháng histamine giúp làm giảm các triệu chứng như ngứa ở mắt, hắt hơi và sổ mũi. Các lựa chọn an toàn khi đang cho con bú bao gồm:

  • Claritin (loratadine): Claritin an toàn cho người mẹ nhưng nó có thể có tác động tiêu cực đến nguồn sữa khi dùng chung với thuốc thông mũi như Sudafed (pseudoephedrine).
  • Zyrtec (cetirizine): Zyrtec an toàn với liều thấp, nhưng sẽ giảm lượng sữa khi dùng liều cao.
  • Allegra Allergy (fexofenadine): Thuốc này an toàn ở liều thấp, nhưng có một số ít trường hợp sẽ gây tác động tiêu cực đến nguồn sữa khi dùng chung với thuốc thông mũi như Sudafed, tương tự như Claritin.
Khi mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không và lựa chọn thuốc an toàn 2
Các thuốc giảm đau hạ sốt và thuốc kháng histamine nhìn chung an toàn cho mẹ

Thuốc ho

Các thuốc thuộc nhóm giảm ho và long đờm nói chung an toàn để dùng kể cả khi bạn đang cho con bú. Tuy nhiên bạn nên chú ý tránh dùng những loại có chứa cồn.

Các thuốc ho có thể dùng trong thời gian ngắn trong khi cho con bú bao gồm Dextromethorphan và Guaifenesin.

Thuốc thông mũi

Các thuốc thông mũi đường uống có thể cản trở việc cung cấp sữa của bạn và có thể không an toàn cho em bé. Thuốc xịt thông mũi an toàn hơn vì thành phần thuốc được đưa thẳng đến tác nhân gây nghẹt mũi mà không xâm nhập qua sữa mẹ hoặc gây cản trở quá trình sản xuất sữa.

Các loại thuốc xịt mũi phổ biến trên thị trường là Afrin và Zycam với thành phần chính là oxymetazoline. Một số lưu ý khi sử dụng oxymetazoline bao gồm:

  • Nên tránh dùng thuốc quá 3 ngày để không gây ra tình trạng cơ thể bị phụ thuộc.
  • Không sử dụng khi bạn cho con bú mà có triệu chứng tim hoặc huyết áp cao.

Các biện pháp không dùng thuốc thay thế

Bên cạnh băn khoăn về việc cho con bú uống thuốc cảm được không, không ít bà mẹ cũng tự hỏi liệu có các giải pháp tự nhiên nào để đối phó với các dấu hiệu của bệnh cảm mà không cần tới thuốc hay không. Câu trả lời là có, và dưới đây là một số giải pháp an toàn mà bạn có thể áp dụng:

  • Với nghẹt mũi: Bạn có thể tắm bằng vòi sen hoặc bồn tắm hơi nước để làm ấm toàn cơ thể và xịt mũi với nước muối sinh lý cũng có thể giúp làm giảm nghẹt mũi.
  • Với ho: Bạn có thể uống nước chanh mật ong ấm để làm dịu cơn ho. Mật ong không được khuyến cáo cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, tuy nhiên nó không đi qua sữa mẹ nên sử dụng mật ong khi cho con bú là lựa chọn an toàn.
  • Với đau họng: Súc miệng bằng nước muối ấm có thể coi là phương pháp an toàn và hiệu quả để giúp giảm bớt cảm giác đau rát ở họng.
Khi mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không và lựa chọn thuốc an toàn 3
Xịt mũi, uống nước chanh mật ong ấm và súc miệng với nước muối là những biện pháp thay thế

Các thuốc nên tránh sử dụng khi cho con bú

Một số thành phần trong các loại thuốc điều trị cảm có thể có những tác động tiêu cực đến cả mẹ và bé, nên được khuyến cáo là thận trọng hoặc không nên dùng. Các thành phần này có thể làm giảm nguồn sữa mẹ hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng của bé.

Các thành phần cần tránh khi bạn đang trong thời kỳ cho con bú bao gồm:

  • Codeine: Gây buồn ngủ ở người mẹ; có thể gây suy nhược thần kinh trung ương nặng, khó thở và thậm chí là tử vong ở trẻ sơ sinh.
  • Diphenhydramine: Có thể gây chóng mặt và buồn ngủ; liều lớn có thể cản trở quá trình sản sinh sữa và làm cho em bé khó chịu.
  • Doxylamine: Có thể gây buồn ngủ; liều lớn có thể cản trở sản xuất sữa.
  • Hydrocodone: Có thể làm cho người mẹ cảm thấy buồn ngủ và có nguy cơ gây ra tình trạng suy giảm chức năng của hệ thần kinh trung ương nghiêm trọng.
  • Phenylephrine: Có thể cản trở sinh sữa; ảnh hưởng lên trẻ sơ sinh chưa được biết rõ.
  • Pseudoephedrine: Có thể cản trở sinh sữa và khiến em bé dễ cáu bẳn.
Khi mẹ cho con bú uống thuốc cảm được không và lựa chọn thuốc an toàn 4
Một số loại thuốc có thể khiến người mẹ buồn ngủ

Bài viết vừa rồi của Long Châu hy vọng đã giải đáp được thắc mắc về việc cho con bú uống thuốc cảm được không. Chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống rủi ro là một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và trẻ, giúp cả hai cùng nhau phát triển một cách toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin