Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Loãng xương ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Ngày 13/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loãng xương không còn là định nghĩa quá xa lạ với mọi người, có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào kể cả trẻ em. Điều này có thể gây hại đến xương và tăng nguy cơ gãy xương trong tương lai cho trẻ. Chính vì thế, việc phát hiện và phòng ngừa loãng xương ở trẻ em càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng.

Loãng xương là tình trạng xương trở nên mềm yếu và dễ gãy hơn xương bình thường. Khi tình trạng này xảy ra ở trẻ em, thì được gọi là loãng xương ở trẻ em (loãng xương vị thành niên). Sự cân bằng giữa quá trình tạo và phá xương bị rối loạn, dẫn đến sự suy yếu của xương. Mật độ xương giảm, làm tăng khả năng gãy xương ngay cả từ các va chạm nhỏ nhất. Tình trạng này có thể tác động đến quá trình phát triển cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.

Nguyên nhân nào gây ra loãng xương trẻ em?

Nguyên nhân nguyên phát

Là trường hợp loãng xương khiến xương dễ gãy do các khiếm khuyết di truyền về bộ gen quy định cấu trúc mô xương, gây rối loạn tổng hợp collagen loại I, hay gặp nhất là bệnh xương thủy tinh ( xương rất dễ gãy dù chỉ va chạm nhẹ)

phat-hien-va-phong-ngua-loang-xuong-cho-tre-em-1.jpg
Sự tạo xương không hoàn chỉnh ở bệnh nhân xương thủy tinh

Nguyên nhân thứ phát

Nguyên nhân thứ phát xảy ra do các bệnh lý toàn thân, do thuốc hoặc do chính vấn đề sinh hoạt,ăn uống. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết: Chứng cường giáp, suy sinh dục (ví dụ suy tuyến yên, hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter);
  • Rối loạn tiêu hóa: Bệnh viêm ruột, hội chứng kém hấp, hội chứng ruột ngắn,...
  • Loãng xương do Cytokine gây ra: Bệnh bạch cầu, viêm khớp tự phát thiếu niên, lupus ban đỏ hệ thống
  • Loãng xương do bất động: Bệnh teo cơ Duchenne, bại não;
  • Do thuốc: Thuốc chống co giật, Glucocorticoid;
  • Dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ thiếu hụt nhóm chất canxi và vitamin D.

Loãng xương trên trẻ em có nguy hiểm không?

Có thể thấy, tình trạng loãng xương không phải là bệnh lý cấp tính đe dọa tính mạng trẻ nhưng tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm trong tương lai như:

  • Biến dạng cột sống: Trẻ có thể bị cong, vẹo cột sống. Ngoài ra, có những trường hợp bị loãng xương đốt sống ngực còn dẫn đến biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
  • Gãy xương: Với những bệnh nhi bị xương thủy tinh, dù chỉ va chạm nhẹ, hay khi trẻ thực hiện động tác gập người, cúi người cũng đủ đưa đến tình trạng gãy xương dài, gây tàn tật, thậm chí tử vong.
  • Lún xẹp đốt sống: Các trường hợp bị lún xẹp đốt sống đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày cũng như giảm chất lượng cuộc sống, trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Làm thế nào để phát hiện sớm loãng xương ở trẻ em?

Khác với người lớn, loãng xương trẻ em được gọi là tình trạng thầm lặng, thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào giúp gia đình phát hiện sớm, cho đến khi bé bị gãy xương đưa đến bệnh viện hoặc được phát hiện một cách ngẫu nhiên khi trẻ mắc một bệnh lý khác.

Vì vậy, nếu trẻ nhỏ xuất hiện tình trạng đau nhức ở xương cho dù bất cứ nguyên nhân nào hoặc xuất hiện dấu hiệu của tất cả các bệnh lý liên quan đến loãng xương, các bậc cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng ngày càng rõ rệt khi bệnh tiến triển nặng hơn:

  • Nhức mỏi các xương dài, cơn đau trở nặng hơn về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
  • Đau cột sống kèm theo các triệu chứng co cứng cơ dọc cột sống, giật cơ khi thay đổi tư thế.
  • Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao.
  • Ngoài ra trẻ còn gặp một số triệu chứng toàn thân như: Ớn lạnh, ra mồ hôi, chuột rút,...

phat-hien-va-phong-ngua-loang-xuong-cho-tre-em-2.jpg
Đánh giá trăng trưởng và phát triển của trẻ nên được tiến hành thường quy khi khám loãng xương cho bé

Chẩn đoán loãng xương ở trẻ em

Khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu của loãng xương ở trẻ em, các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác thông tin về tiền sử bệnh một cách kỹ lưỡng. Đặc biệt, việc tìm hiểu về tiền sử gãy xương, cơ chế gãy, cha mẹ anh chị em có vấn đề về bệnh lý xương.

Sau đó các bác sĩ sẽ chỉ định đo chiều cao, cân nặng, tỉ số khối cơ thể (BMI), khám tổng quát tìm bệnh lý toàn thân, vùng cơ, xương, khớp, cột sống, biến dạng đường cong bình thường cột sống, gõ hoặc ấn vào các gai của đốt sống gây tình trạng đau hoặc khó thực hiện các động tác cúi, ngửa, nghiêng, quay thân mình.

Qua đó các bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân loãng xương.

  • Chụp X-quang: Xét nghiệm với mục đích phát hiện hình ảnh lún xẹp đốt sống.
  • Kiểm tra mật độ xương: Phương pháp này được thực hiện để xem xét hàm lượng khoáng xương và thay đổi xương, chẳng hạn như mất xương.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này để đo nồng độ canxi và kali trong máu.
phat-hien-va-phong-ngua-loang-xuong-cho-tre-em-3.png
Vẹo cột sống là dị tật cột sống hay gặp ở trẻ em bị loãng xương

Điều trị bệnh loãng xương ở trẻ vị thành niên

Trong từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chỉ định điều trị với nguyên tắc đảm bảo chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp, cung cấp calcium và vitamin D, sử dụng thuốc để ngăn ngừa tình trạng hủy xương. Tùy theo nguyên nhân gây loãng xương, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cho phù hợp, trong đó chỉ định bổ sung canxi, vitamin D2, Biphosphonate và các thuốc khác nếu trẻ mắc các bệnh lý kèm theo.

Bổ sung canxi và vitamin D theo chỉ định của bác sĩ. Mức khuyến nghị về lượng canxi hàng ngày cho các độ tuổi khác nhau:

  • Sơ sinh đến 6 tháng: 200 mg;
  • Trẻ sơ sinh 7 - 12 tháng: 260 mg;
  • Trẻ em 1 - 3 tuổi: 700 mg;
  • Trẻ em 4 - 8 tuổi: 1.000 mg;
  • Trẻ em 9 - 13 tuổi: 1.300 mg;
  • Thanh thiếu niên 14 - 18 tuổi: 1.300 mg;
  • Vitamin D2: Dùng liều cơ bản là: 400 UI/ngày.

Phụ huynh cần trao đổi với chuyên gia vật lý trị liệu để đề ra một bài tập phù hợp, an toàn và không gây gãy xương, góp phần đẩy sự phát triển xương của trẻ. Điều này sẽ giúp tăng cường khối lượng xương và cải thiện sức khỏe xương của bé.

phat-hien-va-phong-ngua-loang-xuong-cho-tre-em-4.jpg
Nhu cầu Calci và D2 cho trẻ là khác nhau ở mỗi lứa tuổi

Các biện pháp phòng ngừa loãng xương cho trẻ

Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng loãng xương ở trẻ nhỏ, cần phải thực hiện một chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, bắt đầu từ khi mẹ mang thai cho đến khi trẻ ra đời và phát triển:

  • Dinh dưỡng cho mẹ bầu và sau sinh: Mẹ cần nghỉ ngơi đúng lúc trong thời gian mang thai và sau khi sinh, và nếu thai phụ sinh non, nên bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Ăn thức ăn giàu vitamin D và canxi: Mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm như gan, cua, cá, trứng, sữa, bơ, từ khi mang thai cho đến khi trẻ lớn và có thể ăn uống tự chủ.
  • Tắm nắng thường xuyên: Cho trẻ tắm nắng mặt trời khoảng 10 - 15 phút hàng ngày, vào buổi sáng sớm hoặc chiều, khi ánh nắng không quá mạnh. Điều này giúp cơ thể trẻ tự tổng hợp vitamin D từ ánh nắng tự nhiên.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn: Hỗ trợ việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên. Sữa mẹ cung cấp canxi và vitamin D cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ sơ sinh.
  • Giới hạn thời gian bắt đầu ăn dặm: Trẻ không nên bắt đầu ăn dặm quá sớm, đặc biệt là chỉ sau 3 - 4 tháng tuổi, để đảm bảo hệ tiêu hóa của trẻ đã đủ phát triển cho việc tiếp thu thực ăn cố định.
  • Chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi cho trẻ ăn dặm: Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, lựa chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi như cua, cá, sữa, trứng, rau xanh, gan động vật để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tốt cho sự phát triển xương của trẻ.

Bệnh loãng xương không chỉ xuất hiện ở người lớn hay người, loãng xương ở trẻ em hoàn toàn có thể xảy ra nếu chế độ dinh dưỡng, tập luyện và sinh hoạt của trẻ không tốt. Vì thế, cha mẹ cần chú ý đến sự phát triển chiều cao và thể chất khác của trẻ để phát hiện sớm chứng loãng xương cũng như các dấu hiệu bệnh lý về xương khớp khác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin