Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lười vận động, ngồi nhiều gây nên bệnh táo bón

Ngày 03/03/2022
Kích thước chữ

Những thói quen không tốt như lười vận động, ngồi hay nằm nhiều là nguyên nhân dẫn đến bệnh táo bón. Chỉ cần tăng cường tập thể dục, vận động mỗi ngày, bạn sẽ phòng ngừa được căn bệnh này.

Để tìm hiểu tác hại của lười vận động, làm tăng nguy cơ bệnh táo bón và cách khắc phục ra sao, hãy cùng tham khảo bài viết sau nhé.

Lười vận động làm tăng nguy cơ bị táo bón

Lười vận động, ngồi nhiều gây nên bệnh táo bón 1

Lười vận động có nguy cơ bị bệnh táo bón

Táo bón là gì?

Một người có ít hơn ba lần đi đại tiện trong một tuần được xem là bị táo bón. Căn bệnh này gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Thông thường, hiện tượng này chỉ diễn ra và kết thúc trong vài ngày. Tuy nhiên, những người thường xuyên bị táo bón có nguy cơ bị các bệnh nguy hiểm khác như bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể.

Nguyên nhân gây táo bón

Biết nguyên nhân gây ra bệnh táo bón mạn tính mới có thể điều trị. Có nhiều nguyên nhân gây táo bón gồm tổn thương thực thể tại ống tiêu hóa, thói quen dùng thuốc, chế độ ăn uống, do bệnh lý… Trong đó, nguyên nhân phổ biến là lười vận động và có chế độ ăn uống không khoa học.

Cuộc sống hiện đại với nhiều phương tiện hỗ trợ phục vụ tận nơi nên cuộc sống của con người trở nên nhàn nhã hơn, từ đó dẫn đến lười vận động. Mặc dù nhiều bệnh nhân cho rằng đã ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước nhưng vẫn bị táo bón. 

Các tổn thương thực thể ở ống ống tiêu hóa hoặc cơ quan lân cận, bệnh lý ung thư trực tràng, đại tràng làm hẹp lòng đại tràng cũng gây ra táo bón.

Đối tượng dễ bị táo bón

Trong số đối tượng dễ bị táo bón, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Táo bón cũng thường gặp ở người có chế độ ăn ít rau xanh và hoa quả tươi, ăn kiêng khem quá mức, ăn ít hoặc ăn những thức ăn có nhiều chất béo (bơ, sữa, đường tinh chế) và thức ăn ít chất xơ, thức ăn nhiều chất cay, nóng.

Ngoài ra, những người làm việc văn phòng, thợ may, nhân viên vi tính hay lái xe… do phải ngồi lâu, ít vận động có thể làm giảm cảm giác mót đi cầu, phân tiếp tục mất nước trở nên khô và rắn.

Những người làm nghề giáo viên, lái xe thường phải nhịn khi có nhu cầu đi tiêu, lâu ngày, phân ở ruột già tích lại làm giãn ruột ở đây. Cảm giác mót đi cầu mất đi, khi cần thì khối phân không thể lọt qua hậu môn thế là bị táo bón.

Tăng cường vận động, phòng ngừa táo bón

Lười vận động làm tăng nguy cơ bị táo bón nhưng tăng cường vận động lại là một cách phòng ngừa táo bón. 

Những người không có nhiều thời gian vận động tại môi trường làm việc có thể tăng cường vận đông bằng cách tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông... 

Ngoài ra, nếu phải ngồi lâu khi làm việc, sau mỗi tiếng chúng ta có thể đứng lên đi lại hoặc tập các động tác cơ bản như vươn vai, chuyển tư thế, xoa nhẹ vùng bụng, xoa với khăn lạnh… sẽ có tác dụng tăng cường nhu động ruột, tăng cường chức năng tiêu tháo của ruột.

Lười vận động, ngồi nhiều gây nên bệnh táo bón 2 Xoa nhẹ vùng bụng cải thiện tình trạng táo bón

Các hình thức vận động trị táo bón

Tập thể dục

Các bài tập thể dục có tác dụng ở những vị trí từ đầu gối đến ngực có thể kích hoạt nhu động ruột. Bạn nên tập khoảng 15 phút mỗi ngày.

Tập thể dục đúng cách mỗi ngày giúp làm tăng các cơn co thắt của thành ruột, khiến các chất được lưu chuyển dễ dàng qua đường ruột, tránh tình trạng thức ăn bị tích tụ lại ở ruột già gây táo bón hay bệnh trĩ. Nhờ vậy, việc tiêu hóa cũng diễn ra thuận lợi hơn. 

Đi bộ nhanh

Đi bộ và chạy bộ đúng cách là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh táo bón, bệnh trĩ hiệu quả. Nếu mới bắt đầu vận động, bạn nên tập nhẹ nhàng 3 lần/tuần và 20 phút/lần và tăng cường độ luyện tập lên nhiều hơn khoảng 5 lần/tuần và mỗi lần 30 phút.

Tuy nhiên, khi tập luyện bạn cần kiểm tra cường độ tập luyện và nhịp tim để đảm bảo ở mức an toàn.

Nên tăng tốc từ từ, không nên mới bắt đầu tập chạy đã chạy với tốc độ nhanh, điều này không hề tốt cho sức khỏe. Trước khi đi bộ nhanh, làm ấm cơ thể bằng cách đi bộ với tốc độ bình thường trong khoảng 5 phút, sau đó tăng tốc độ và đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày. Giảm tốc độ xuống khi kết thúc buổi đi bộ và thực hiện một vài động tác kéo giãn cơ nhẹ nhàng.

Nếu bạn không thể đi bộ đủ 30 phút, hãy thực hiện nhiều chuyến đi bộ 10 đến 15 phút vài lần mỗi ngày có thể mang lại hiệu quả tương tự.

Bơi lội 

Bơi lội được xem là một phương pháp hỗ trợ phòng ngừa táo bón và điều trị bệnh trĩ rất tốt do khả năng lưu thông khí huyết tốt hơn. Khi bơi lội, cả cơ thể chúng ta cùng hoạt động, giúp các cơ huyết mạch được giãn ra làm lưu thông máu trở nên dễ dàng hơn.

Để mang lại hiệu quả cao đòi hỏi người bệnh cần phải duy trì tần suất tập luyện đều đặn trung bình khoảng 4 lần/tuần và bơi ít nhất là 30 phút. 

Chú ý không nên bơi sau khi vừa ăn no, khi đang đói, vừa ăn xong, sau khi uống rượu bia, vừa mới vận động quá sức. 

Hít thở bằng bụng 

Bài tập hít thở bằng bụng có tác dụng xoa bóp nội tạng, tăng cường nhu động đường ruột, tránh rối loạn tiêu hóa dẫn đến táo bón. Khi tập luyện hít thở bạn nên kết hợp thêm động tác xoa bụng.

Hướng dẫn hít thở cụ thể như sau: Khi hít vào bụng dưới nhô lên, phần bụng trên cũng phình lên theo; khi thở ra bụng dưới xẹp dần, kết hợp xoa bụng theo cách xoa lên – hít vào, xoa xuống – thở ra. Với bài tập này bạn có thể tập luyện khi đi, đứng, nằm, ngồi mọi lúc mọi nơi đều được.

Cardio

Lười vận động, ngồi nhiều gây nên bệnh táo bón 3

Bài tập Cardio cải thiện các bệnh đường tiêu hóa

Cardio là những bài tập thể dục làm tăng nhịp thở và nhịp tim của người tập, đồng thời kích thích các cơ và dây thần kinh giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.

Các bài tập cardio rất đa dạng như: Chạy bộ, bơi, cầu lông, bóng rổ, leo cầu thang…

Trong khi tập luyện, sự chuyển động của các cơ quan nội tạng cải thiện đáng kể chức năng của ruột, tăng cường trương lực thành ruột, tăng nhu động ruột… giúp cải thiện đáng kể tình trạng của các bệnh đường tiêu hóa trong đó có chứng táo bón.

Yoga

Một số tư thế yoga có thể giúp ích với chứng táo bón vì làm giảm căng thẳng và tăng lưu lượng máu đến đường tiêu hóa, kích thích ruột co bóp.

Nguyên nhân phổ biến gây táo bón là đầy hơi, các bệnh lý về dạ dày – tá tràng,ăn uống ít rau xanh, căng thẳng kéo dài…có thể làm chất thải của chúng ta cứng lại và tích tụ trong đại tràng. Yoga có thể giảm cảm giác khó chịu cũng như cải thiện táo bón bằng hai cơ chế như sau:

Giúp giải phóng năng lượng dư thừa, đồng thời kiểm soát được cảm giác tiêu cực có tác động đáng kể đến táo bón.

Massage đường tiêu hóa. Thông qua các tư thế xoắn người, gập người…, các cơ quan của hệ tiêu hóa sẽ được massage từ bên ngoài, tăng cường lưu thông máu, kích thích nhu động ruột, hỗ trợ giải độc và đẩy mạnh quá trình đào thải chất thải rắn ra khỏi cơ thể.

Do đó, tập yoga thường xuyên giúp cho việc đại tiện trở nên thuận lợi và đều đặn hơn.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin