Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen

Ngày 22/07/2023
Kích thước chữ

Xét nghiệm Fibrinogen là một phương pháp định lượng đông máu cơ bản, được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý rối loạn đông máu. Ngoài ra, đây cũng là loại xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định trước khi thực hiện các ca phẫu thuật, thủ thuật nội soi tiêu hóa hay quá trình tầm soát ung thư. Vậy mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen là gì?

Không chỉ giúp đánh giá chức năng cầm máu và đông máu của người bệnh, xét nghiệm Fibrinogen còn mang lại nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị một số bệnh lý của cơ thể.

Xét nghiệm Fibrinogen là gì?

Fibrinogen là một loại protein có thời gian bán hủy là 4 - 5 ngày mang bản chất một Glycoprotein có trọng lượng phân tử 340.000. Chất này có mặt trong huyết tương và đóng vai trò là một yếu tố đông máu cần thiết, góp phần cho sự hình thành cục máu đông. Fibrinogen được tổng hợp bởi gan sau đó giải phóng vào máu cùng một số yếu tố đông máu khác.

Xét nghiệm Fibrinogen được sử dụng nhằm định lượng nồng độ Fibrinogen có trong máu. Những bất thường về chỉ số Fibrinogen có thể là do một số tình trạng bệnh lý như: Viêm nhiễm, bệnh gan hoặc các rối loạn đông máu. Mẫu máu dùng cho xét nghiệm Fibrinogen thường được lấy ở tĩnh mạch trên cánh tay và sau đó gửi đi phân tích. Có hai loại xét nghiệm Fibrinogen bao gồm: Xét nghiệm hoạt động Fibrinogen và xét nghiệm kháng nguyên Fibrinogen.

Mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen
Xét nghiệm Fibrinogen nhằm định lượng nồng độ Fibrinogen có trong máu

Có nhiều phương pháp để đo mức Fibrinogen trong huyết tương như: Phương pháp Clauss, xét nghiệm Fib dựa vào PT, xét nghiệm miễn dịch học, phân tích trọng lượng (Gravimetric) hay TEG. Tuy nhiên trong thực tế lâm sàng phương pháp Clauss thường được ưu tiên sử dụng.

Mục đích của xét nghiệm Fibrinogen

Thông thường, xét nghiệm Fibrinogen được thực hiện nhằm các mục đích sau:

Theo dõi tình trạng viêm nhiễm

Fibrinogen là một dấu ấn sinh học cho thấy có sự viêm nhiễm trong cơ thể do đó xét nghiệm Fibrinogen có thể giúp theo dõi tình trạng này. Nếu nồng độ Fibrinogen tăng cao trong máu chứng tỏ có sự viêm nhiễm và tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch.

Theo dõi các bệnh lý về gan

Fibrinogen được sản xuất tại gan và có xu hướng giảm ở bệnh nhân xơ gan. Do đó, việc định lượng Fibrinogen thông qua xét nghiệm là cần thiết để xác định và theo dõi các bệnh lý liên quan về gan.

Mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen 1
Mục đích xét nghiệm Fibrinogen để theo dõi các bệnh về gan

Theo dõi rối loạn đông máu

Xét nghiệm Fibrinogen có thể giúp theo dõi tình trạng rối loạn đông máu. Khi bệnh nhân gặp phải tình trạng tắc nghẽn mạch máu hoặc chảy máu quá mức, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm Fibrinogen để đánh giá khả năng hình thành cục máu đông. Thông thường, xét nghiệm này sẽ được thực hiện sau khi loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các tình trạng kể trên.

Theo dõi điều trị tiêu fibrin

Bệnh huyết khối là tình trạng một cục máu đông bất thường được hình thành trong buồng tim hoặc mạch máu của cơ thể. Tiêu Fibrin là phương pháp thường dùng để điều trị bệnh huyết khối. Theo đó, định lượng Fibrinogen giúp đánh giá và theo dõi hiệu quả quá trình tiêu fibrin.

Theo dõi bệnh đông máu rải rác nội mạch

Bệnh đông máu rải rác nội mạch (DIC) là một tình trạng hiếm gặp nhưng khá nghiêm trọng. Chúng gây ra sự đông máu bất thường trong các mạch máu của cơ thể. Xét nghiệm Fibrinogen kết hợp cùng các xét nghiệm đông máu khác được sử dụng để xác nhận chẩn đoán bệnh DIC.

Mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen 2
Xét nghiệm Fibrinogen rất quan trọng trong xác định tình trạng sức khỏe của phụ nữ khi mang thai

Theo dõi sức khỏe khi mang thai

Fibrinogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thai kỳ. Xét nghiệm Fibrinogen được sử dụng để theo dõi tình trạng sức khỏe khi mang thai. Đặc biệt đối với những phụ nữ có các rối loạn Fibrinogen di truyền, nhằm đánh giá và quản lý rủi ro chảy máu bất thường sau sinh.

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ

Là một phần trong xét nghiệm đông máu cơ bản nhưng xét nghiệm Fibrinogen lại giữ vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, theo dõi một số bệnh lý ở con người. Ngoài ra, loại xét nghiệm này cũng thường được các bác sĩ yêu cầu thực hiện trước khi tiến hành các ca phẫu thuật.

Kết quả chỉ số xét nghiệm Fibrinogen

Chỉ số Fibrinogen được sử dụng để đo nồng độ Fibrinogen trong huyết tương và cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của cơ thể, phát hiện bất thường về nồng độ Fibrinogen.

Chỉ số Fibrinogen bình thường

  • Ở người lớn: Dao động trong mức 200 - 400 mg/dL (tương đương với 2,0 - 4,0 g/L).
  • Ở trẻ em: Dao động từ 125 - 300 mg/dL (tương đương với 1,25 - 3,0 g/L).

Lưu ý: Giá trị bình thường có thể khác nhau giữa những phòng thí nghiệm khác nhau.

Chỉ số Fibrinogen cao

Khi nồng độ Fibrinogen trong huyết tương vượt ngưỡng 700 mg/dL, được xem là chỉ số Fibrinogen cao. Điều này tăng nguy cơ hình thành và tồn tại những cục máu đông gây tổn hại đến não, phổi hoặc tim ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, ở phụ nữ mang thai, chỉ số Fibrinogen có thể tăng từ tuần 27 của thai kỳ, khoảng 500 mg/dL.

Mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen 3
Dưới 50 mg/dL được xem là chỉ số Fibrinogen thấp

Chỉ số Fibrinogen thấp là bao nhiêu?

Khi nồng độ Fibrinogen trong cơ thể giảm xuống dưới 50 mg/dL, được xem là chỉ số Fibrinogen thấp. Trong trường hợp này, người bệnh có nguy cơ cao bị chảy máu sau phẫu thuật. Ngoài ra, còn có thể mắc các bệnh khác như: Xơ gan, viêm gan, áp xe gan, ung thư, suy dinh dưỡng và bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch.

Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen

  • Với các bệnh tự miễn, nhiễm khuẩn hoặc ung thư: Xét nghiệm Fibrinogen giúp đánh giá mức độ hội chứng viêm, kết hợp với tốc độ lắng hồng cầu cung protein phản ứng C (CRP).
  • Trong bệnh lý gan mật: Định lượng Fibrinogen hỗ trợ đánh giá mức độ nặng của bệnh lý gan, kết hợp với thời gian Quick, định lượng antithrombin III, nồng độ albumin và cholesterol.
  • Trước khi tiến hành đại phẫu thuật: Kết hợp với các xét nghiệm khác như: Thời gian chảy máu, thời gian Quick, thời gian cephalin và đếm số lượng tiểu cầu thì xét nghiệm Fibrinogen là một phần của bilan trước mổ.
  • Trong nghi ngờ bị đông máu rải rác nội mạch (DIC): Giảm nồng độ Fibrinogen và số lượng tiểu cầu đi kèm với tăng nồng độ các sản phẩm thoái giáng của fibrin có thể gợi ý sự tồn tại của DIC.
  • Trường hợp chẩn đoán sinh học hội chứng chảy máu: Chỉ số xét nghiệm Fibrinogen giúp phát hiện các chứng loạn hay giảm Fibrinogen máu.
  • Trong trường hợp kéo dài thời gian cephalin, thời gian thrombin hay thời gian prothrombin không được giải thích: Định lượng Fibrinogen là xét nghiệm không thể thiếu.
  • Ở bệnh nhân bị huyết khối, đặc biệt huyết khối động mạch: Định lượng Fibrinogen có giá trị trong tìm kiếm nguyên nhân gây huyết khối.
  • Định lượng kháng nguyên Fibrinogen (phương pháp immuno nephelometry que): Hữu ích trong chẩn đoán phân biệt giữa loạn Fibrinogen máu và giảm Fibrinogen máu.

Những thông tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về mục đích và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Fibrinogen - một trong các xét nghiệm đông máu có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý rối loạn về máu. Để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm và được tư vấn kỹ lưỡng, bạn nên chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện nhé.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin