Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Nấm sò trắng: Lợi ích sức khoẻ và cách chế biến

Thục Hiền

02/03/2025
Kích thước chữ

Nấm sò trắng là một trong những loại nấm được ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, dễ chế biến và giàu dinh dưỡng. Không chỉ góp mặt trong nhiều món ăn hấp dẫn, loại nấm này còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy nấm sò trắng có công dụng gì đặc biệt và chế biến như thế nào để không làm mất đi giá trị dinh dưỡng của nấm sò trắng?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về đặc điểm hình thái và lợi ích sức khoẻ mà nấm sò trắng đem lại. Bên cạnh đó, bài viết cũng đưa ra lời khuyên giúp bạn lựa chọn được nấm sò trắng tươi ngon và chế biến đúng cách. Nếu đang quan tâm đến loại nấm này, hãy cùng khám phá ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!

Nấm sò trắng là gì?

Nấm sò trắng, hay còn gọi là nấm bào ngư – thuộc họ Pleurotaceae và là một trong những loại nấm ăn phổ biến nhờ khả năng thích nghi cao với môi trường. Loại nấm này thường mọc tự nhiên trên thân cây mục ở cả rừng nhiệt đới và ôn đới.

Nhờ giá trị dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, nấm sò trắng hiện được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Trong môi trường nuôi trồng, chúng phát triển tốt trên các giá thể như gỗ, rơm rạ và mùn cưa.

Nấm sò trắng: Lợi ích sức khoẻ và cách chế biến 1
Nấm sò trắng có khả năng thích nghi cao với môi trường

Về hình dáng, nấm sò trắng có phần mũ xòe rộng, hơi lồi với bề mặt nhẵn bóng, mép mũ thường cuộn vào trong. Màu sắc của mũ dao động từ trắng nhạt đến xám hoặc nâu sẫm, đây là những đặc điểm giúp phân biệt nấm sò trắng với các loại nấm khác. Phần cuống nấm ngắn, mọc sát nhau và được phủ một lớp lông mịn có màu nhạt hơn so với mũ nấm.

Nấm sò trắng có kết cấu giòn ngọt và hương vị thanh nhẹ, không chỉ được yêu thích trong ẩm thực mà còn được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe.

Thành phần dinh dưỡng của nấm sò trắng

Nấm sò trắng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng, loại nấm này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ nhiều chức năng sinh lý quan trọng.

Nấm sò trắng có giá trị dinh dưỡng tương đương với một số loại thịt động vật, giúp bổ sung nguồn đạm cần thiết cho cơ thể. Hàm lượng chất xơ dồi dào trong nấm hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và cải thiện chức năng đường ruột. Ngoài ra, nấm sò trắng còn là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5), vitamin D cùng nhiều khoáng chất như kali, phốt pho, magie, sắt, kẽm, selen… Những vi chất này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và duy trì sức khỏe tổng thể.

Ngoài ra, nấm sò trắng còn chứa các hợp chất có lợi như vitamin PP, glucid, acid folic, pleutorin và axit béo không no. Những thành phần này giúp kháng viêm, kháng khuẩn, chống lại các gốc tự do và hỗ trợ ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Đặc biệt, nấm sò trắng không chứa quá nhiều calo, giúp kiểm soát cân nặng, làm đẹp da và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Nấm sò trắng: Lợi ích sức khoẻ và cách chế biến 2
Nấm sò trắng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng

Lợi ích sức khoẻ mà nấm sò trắng đem lại

Nấm sò trắng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhờ chứa các hợp chất có lợi, loại nấm này giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch, hỗ trợ chức năng não bộ và ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Tăng cường hệ miễn dịch

Hàm lượng selen cao trong nấm sò trắng đóng vai trò như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra. Bên cạnh đó, nấm còn chứa nhiều hợp chất điều hòa miễn dịch, hỗ trợ cơ thể tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên và ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Kháng viêm

Viêm mãn tính là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, tiểu đường và ung thư. Nấm sò trắng có đặc tính kháng viêm tự nhiên, giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó hạn chế nguy cơ phát triển các bệnh liên quan.

Cải thiện chức năng não bộ

Nhờ chứa niacin (vitamin B3), nấm sò trắng có khả năng hỗ trợ chức năng não bộ, giúp duy trì sự minh mẫn và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer – một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm nhận thức ở người cao tuổi.

Nấm sò trắng: Lợi ích sức khoẻ và cách chế biến 3
Nấm sò trắng chứa niacin (vitamin B3) giúp cải thiện chức năng não bộ

Ổn định đường huyết, hỗ trợ phòng ngừa tiểu đường

Hàm lượng β-glucans trong nấm sò trắng là một loại chất xơ hòa tan có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, giúp ổn định đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm sò trắng có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư ruột kết. Chiết xuất từ loại nấm này giúp ngăn chặn sự hình thành khối u ở đại trực tràng và hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Beta-glucans có trong nấm sò trắng không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu mà còn hỗ trợ giảm huyết áp, điều hòa insulin và giảm mức chất béo trung tính. Nhờ đó, loại nấm này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan.

Những điều cần lưu ý lựa chọn và chế biến nấm sò trắng

Cách chọn mua nấm sò trắng

Để có được nấm sò trắng tươi ngon, bạn nên chọn những cây nấm có màu trắng hoặc trắng ngà tự nhiên, không bị thâm đen hay có dấu hiệu hư hỏng. Nấm tươi thường có độ đàn hồi tốt, không bị mềm nhũn hay có mùi lạ. Ngoài ra, kích thước của nấm cũng ảnh hưởng đến hương vị món ăn. Những cây nấm có kích thước vừa phải thường ngon hơn so với nấm quá lớn.

Cách sơ chế nấm sò trắng

Trước khi chế biến, bạn cần rửa sạch nấm dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Nếu phần gốc nấm bị bẩn hoặc quá cứng, hãy cắt bỏ chúng. Đối với những cây nấm lớn, bạn có thể chẻ đôi hoặc ba mũ nấm để giúp chúng chín đều hơn.

Nấm sò trắng có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm và nấu chín kỹ để tránh nguy cơ ngộ độc.

Nấm sò trắng: Lợi ích sức khoẻ và cách chế biến 4
Nấm sò trắng cần được nấu chín kỹ để tránh nguy cơ ngộ độc

Cách bảo quản nấm sò trắng

Nếu không sử dụng hết, bạn cần bảo quản nấm sò trắng đúng cách để tránh bị hư hỏng. Nấm tươi có thể được bảo quản trong tủ lạnh từ 3-5 ngày. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn có thể phơi khô hoặc sấy khô để kéo dài thời gian sử dụng.

Cần lưu ý gì khi chế biến và sử dụng nấm sò trắng?

Mặc dù nấm sò trắng rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu chế biến sai cách, hàm lượng dinh dưỡng có thể bị mất đi. Khi nấu, nên hạn chế dùng nhiều dầu ăn vì nấm hút dầu ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng và tránh nấu ở nhiệt độ quá thấp để giữ hương vị cũng như màu sắc món ăn.

Không nên sử dụng chảo nhôm vì nấm có thể phản ứng với nhôm, gây thâm đen. Nấm cần được nấu chín trước khi ăn để đảm bảo an toàn. Bạn cũng nên tránh kết hợp nấm với thực phẩm có tính hàn trong thời gian dài để tránh đau bụng, khó tiêu.

Bên cạnh đó, không nên ăn nấm đã bị hư hỏng, vì chúng có thể chứa độc tố gây hại cho sức khỏe. Việc tiêu thụ quá nhiều nấm cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng khi ăn nấm bào ngư và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần.

Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về giá trị dinh dưỡng và cách lựa chọn cũng như chế biến nấm sò trắng một cách an toàn. Với những lợi ích tuyệt vời mà nấm sò trắng mang lại, bạn có thể cân nhắc bổ sung loại nấm này vào thực đơn hằng ngày để đa dạng hóa bữa ăn đồng thời tăng cường sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin