Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân và cách phòng tránh tật khúc xạ học đường

Ngày 12/10/2024
Kích thước chữ

Tật khúc xạ luôn gây ra những phiền toái và bất cập trong sinh hoạt cũng như học tập của trẻ. Vì vậy, việc phòng ngừa sớm là hết sức cần thiết. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề tật khúc xạ học đường cho trẻ nhé!

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên gặp phải các vấn đề về thị lực như cận thị, viễn thị, loạn thị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu về tật khúc xạ học đường ở bài viết dưới đây nhé.

Tật khúc xạ học đường là gì?

Tật khúc xạ học đường là một vấn đề quen thuộc với nhiều người, đề cập đến các rối loạn về mắt. Có bốn loại tật khúc xạ phổ biến, gồm cận thị, loạn thị, viễn thị và lão thị. Tật khúc xạ có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già, nhưng thường gặp nhất ở học sinh, sinh viên, dân văn phòng, những người tiếp xúc nhiều với máy tính và người cao tuổi. Theo thông tin từ Bộ Y Tế năm 2020, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở thanh thiếu niên đang gia tăng nhanh chóng:

  • Khoảng 15% - 20% thanh thiếu niên ở nông thôn mắc tật khúc xạ.
  • Khoảng 30% - 40% thanh thiếu niên ở thành phố mắc tật khúc xạ.
  • Nếu tính toàn bộ trẻ em từ 6 - 15 tuổi trên cả nước, tỷ lệ mắc khúc xạ học đường là khoảng 20%, tương đương gần 3 triệu em.

Các loại tật khúc xạ học đường phổ biến

Các loại tật khúc xạ học đường phổ biến hiện nay bao gồm:

Cận thị

Cận thị xảy ra khi các tia sáng song song đi vào mắt rồi hội tụ trước võng mạc, ngay cả khi mắt ở trạng thái nghỉ ngơi không điều tiết. Hiện tượng này làm cho người bị cận thị chỉ có thể nhìn rõ những vật ở gần, trong khi các vật ở xa trở nên mờ nhòe. Cận thị rất phổ biến ở các đối tượng như học sinh, sinh viên và dân văn phòng, những người thường xuyên tiếp xúc với sách vở và màn hình máy tính. Độ cận thị được đo bằng đơn vị đi-ốp (diopter, diop), xác định mức độ khúc xạ của mắt.

Nguyên nhân và cách phòng tránh tật khúc xạ học đường 1
Cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến

Viễn thị

Viễn thị là tình trạng khi tiêu điểm của ánh sáng nằm sau võng mạc, dẫn đến việc cả nhìn xa và nhìn gần đều không rõ. Người bị viễn thị phải luôn điều tiết mắt để điều chỉnh ảnh của vật lên võng mạc, gây ra mệt mỏi và khó chịu. Viễn thị thường xuất hiện do bẩm sinh, nhưng cũng có thể do giác mạc dẹt hoặc sẹo giác mạc gây ra. Tình trạng này có thể gây khó khăn lớn trong việc học tập và làm việc, đặc biệt là khi đọc sách hoặc sử dụng thiết bị điện tử.

Loạn thị

Loạn thị xảy ra khi giác mạc của mắt có độ cong không đều, khiến cho hình ảnh không hội tụ tại một điểm trên võng mạc mà tại nhiều điểm khác nhau. Dẫn đến hình ảnh trở nên mờ và không rõ ràng, dù nhìn gần hay xa. Loạn thị có thể xuất hiện từ khi sinh ra hoặc phát triển cùng với các tật khúc xạ khác như cận thị và viễn thị. Những người bị loạn thị thường gặp khó khăn trong việc nhìn rõ các chi tiết, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày cũng như hiệu suất học tập và làm việc.

Nguyên nhân và cách phòng tránh tật khúc xạ học đường 2
Loạn thị làm cho hình ảnh trở nên mờ và không rõ ràng, dù nhìn gần hay xa

Nguyên nhân gây ra tật khúc xạ học đường

Tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có hai nguyên nhân chính là di truyền và môi trường.

Di truyền

Yếu tố di truyền khó phòng tránh và chiếm tỷ lệ thấp. Trẻ em có cha mẹ bị tật khúc xạ dễ mắc hơn.

Môi trường

Môi trường là yếu tố lớn nhất gây tật khúc xạ. Phần lớn trẻ bắt đầu bị cận khi đến tuổi đi học, do thói quen sinh hoạt và học tập không tốt như đọc sách trong điều kiện thiếu sáng và lạm dụng thiết bị điện tử.

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác bao gồm lão hóa thể thủy tinh, tổn thương mắt, vệ sinh mắt sai cách, tuổi tác và tiếp xúc ánh sáng mạnh như tia lửa hàn.

Đề phòng tật khúc xạ học đường

Để phòng ngừa các tật khúc xạ, phụ huynh cần chú ý:

  • Bảo vệ và vệ sinh mắt: Giữ vệ sinh mắt hàng ngày.
  • Ngồi học đúng tư thế: Đảm bảo khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 - 30cm.
  • Tư thế ngồi: Cột sống thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi, hai chân thoải mái, hai tay đặt đúng điểm tựa.
Nguyên nhân và cách phòng tránh tật khúc xạ học đường 3
Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế để bảo vệ mắt
  • Ánh sáng và thiết bị học tập: Phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đạt chuẩn, đèn đặt phía đối diện tay cầm bút.
  • Hạn chế thời gian đọc và sử dụng điện tử: Không đọc sách, xem tivi, chơi điện tử quá 2 giờ liên tục.
  • Chế độ sinh hoạt: Tuân thủ đầy đủ chế độ giải lao, vui chơi và dinh dưỡng hợp lý.
  • Dinh dưỡng: Ăn nhiều rau xanh, trái cây để đảm bảo đủ vitamin; ngủ đủ 8 - 10 tiếng mỗi ngày.
  • Khám mắt định kỳ: Khám mắt tại các cơ sở chuyên khoa để phát hiện sớm tật khúc xạ và điều chỉnh kính hợp lý.
  • Sử dụng kính đúng cách: Đeo kính đúng bệnh hoặc xem xét việc phẫu thuật để phòng chống bệnh nhược thị và các hậu quả sau này.

Tật khúc xạ học đường là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và phát triển của trẻ em. Việc nhận thức và phòng ngừa từ sớm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe thị giác cho các em. Bên cạnh đó, phụ huynh và nhà trường cũng cần hợp tác chặt chẽ, chú trọng việc giáo dục và tạo môi trường học tập lành mạnh, đảm bảo ánh sáng và điều kiện học tập đúng chuẩn cho trẻ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin