Nhạy cảm với insulin là gì? Kiểm tra độ nhạy cảm với insulin như thế nào?
Ngày 08/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Yếu tố nhạy cảm với insulin đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 2. Đối với những người mắc bệnh này, việc hiểu rõ và kiểm soát yếu tố nhạy cảm với insulin không chỉ giúp điều chỉnh liều lượng insulin một cách chính xác mà còn giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Nhạy cảm với insulin không chỉ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh liều lượng thuốc mà còn đóng vai trò quyết định trong việc phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do tiểu đường. Vậy yếu tố nhạy cảm với insulin là gì, và làm thế nào để đo lường, cải thiện nó một cách hiệu quả?
Nhạy cảm với insulin là gì?
Nhạy cảm với insulin (còn gọi là hệ số nhạy cảm insulin) là một thước đo cho biết lượng đường trong máu sẽ giảm bao nhiêu (tính bằng miligam trên decilit, mg/dl) khi sử dụng một đơn vị insulin. Đây là một yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân tiểu đường điều chỉnh liều lượng insulin cần thiết, đặc biệt là loại insulin tác dụng ngắn hoặc tác dụng nhanh.
Việc biết được yếu tố nhạy cảm với insulin giúp bệnh nhân tính toán chính xác lượng insulin cần tiêm để giảm lượng đường trong máu đến mức mục tiêu, tránh tình trạng hạ đường huyết (đường huyết quá thấp) hoặc tăng đường huyết (đường huyết quá cao). Độ nhạy cảm này có thể thay đổi theo từng người và thay đổi trong suốt ngày tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ hoạt động, hormone, tình trạng sức khỏe và cơ địa cá nhân.
Việc sử dụng insulin sai liều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng:
Hạ đường huyết: Nếu tiêm quá nhiều insulin, lượng đường trong máu có thể giảm xuống dưới mức an toàn (dưới 70 mg/dl), gây ra triệu chứng như run rẩy, đổ mồ hôi, chóng mặt, và trong trường hợp nặng có thể gây co giật hoặc mất ý thức.
Tăng đường huyết: Nếu tiêm quá ít insulin, đường huyết có thể duy trì ở mức cao, gây tổn thương lâu dài cho các cơ quan như mắt, thận, dây thần kinh và tim mạch.
Độ nhạy cảm insulin của bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 thường cao hơn so với bệnh nhân tuýp 2, nhưng nó có thể thay đổi theo thời gian và tình trạng cơ thể, do đó việc đo lường và điều chỉnh thường xuyên là rất quan trọng.
Kiểm tra độ nhạy cảm với insulin như thế nào?
Có hai phương pháp phổ biến để tính toán hệ số nhạy cảm với insulin, tùy thuộc vào loại insulin đang sử dụng: insulin thông thường hoặc insulin tác dụng ngắn:
Phương pháp đầu tiên là sử dụng "Quy tắc 1500" để tính hệ số nhạy cảm với insulin thông thường. Insulin thông thường là loại hormone tổng hợp giúp cơ thể xử lý đường trong máu như một phần của quá trình tiêu hóa. Loại insulin này bắt đầu hoạt động trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau khi tiêm và kéo dài từ 6 đến 8 giờ. Để tính toán hệ số nhạy cảm insulin đối với insulin thông thường, bạn chia 1500 cho tổng liều insulin hàng ngày. Ví dụ, nếu tổng liều insulin thông thường hàng ngày của bạn là 30 đơn vị, thì kết quả của phép tính này là 50, có nghĩa là một đơn vị insulin sẽ làm giảm lượng đường trong máu khoảng 50 mg/dl.
Phương pháp thứ hai là sử dụng "Quy tắc 1800" để tính hệ số nhạy cảm với insulin tác dụng ngắn. Insulin tác dụng ngắn có thời gian bắt đầu tác dụng nhanh hơn, chỉ trong vòng 30 phút, và đạt hiệu quả tối đa sau 2 đến 5 giờ, kéo dài từ 6 đến 8 giờ. Để tính toán hệ số nhạy cảm insulin đối với loại này, bạn chia 1800 cho tổng liều insulin tác dụng ngắn hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn dùng 30 đơn vị insulin tác dụng ngắn mỗi ngày, kết quả là 60, nghĩa là một đơn vị insulin tác dụng ngắn sẽ làm giảm lượng đường huyết khoảng 60 mg/dl.
Khi làm kiểm tra yếu tố nhạy cảm với insulin thì mức đường huyết của bệnh nhân tăng ít nhất 50 mg/dl so với mức mục tiêu, và khi bệnh nhân không ăn hoặc không dùng insulin bolus trong ít nhất 4 giờ. Tuy nhiên, không nên kiểm tra hệ số này trong những tình huống như khi bệnh nhân vừa trải qua một giai đoạn đường huyết thấp, cơ thể đang bị ốm hoặc nhiễm trùng, vừa thực hiện hoạt động thể chất cường độ cao, hoặc đang gặp căng thẳng về mặt cảm xúc.
Biết được hệ số nhạy cảm với insulin là rất quan trọng để đảm bảo sự kiểm soát tốt mức đường huyết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh insulin cần phải dựa vào độ nhạy cảm riêng của từng cá nhân và luôn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cách cải thiện độ nhạy cảm với insulin
Kháng insulin là tình trạng khi cơ thể không phản ứng với insulin một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Đây là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tiểu đường loại 2. Hầu hết những người bị tiểu đường loại 2 gặp phải tình trạng kháng insulin, khiến tuyến tụy phải tiết ra nhiều insulin hơn để duy trì mức đường huyết ổn định. Khi tuyến tụy không còn đủ khả năng tiết insulin, lượng đường trong máu tăng lên, dẫn đến bệnh tiểu đường. Để tăng độ nhạy cảm với insulin, có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Trước hết, ăn chế độ ít tinh bột trắng có thể giúp giảm đường huyết và tăng độ nhạy insulin. Tinh bột khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường, do đó ăn ít tinh bột sẽ giúp hạn chế sự tăng đường huyết đột ngột. Thêm vào đó, việc giảm lượng tinh bột tiêu thụ còn giúp giảm cảm giác thèm ăn do đường huyết giảm sau khi ăn.
Giảm ăn đường cũng là một biện pháp quan trọng để cải thiện độ nhạy insulin. Các loại đường và thực phẩm có chứa nhiều tinh bột trắng, như siro và sữa đặc, được coi là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Trong khi đó, các loại thực phẩm tự nhiên có vị ngọt như trái cây và rau củ không gây hại nếu được ăn một cách điều độ.
Giảm cân nếu cần thiết cũng là một cách hiệu quả để cải thiện độ nhạy insulin. Nghiên cứu cho thấy giảm từ 5 - 7% trọng lượng cơ thể có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Lợi ích này phần lớn đến từ việc giảm lượng mỡ nội tạng, loại mỡ có liên quan chặt chẽ với các biến chứng chuyển hóa, đặc biệt là ở những người béo phì.
Cuối cùng, tập thể dục 150 phút mỗi tuần là phương pháp hữu hiệu để cải thiện độ nhạy insulin. Một người nên tập luyện ở cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần, hoặc nếu ở cường độ cao, thì cần 75 phút/tuần. Tập luyện không chỉ giúp cải thiện độ nhạy insulin mà còn giúp giảm mỡ thừa và giảm viêm ở những người mắc tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim.
Việc áp dụng các phương pháp này có thể giúp cải thiện đáng kể độ nhạy insulin và phòng ngừa nguy cơ mắc tiểu đường loại 2, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể.
Yếu tố nhạy cảm với insulin là một chỉ số quan trọng giúp quản lý và điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường. Việc hiểu rõ và điều chỉnh yếu tố này thông qua chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, và duy trì cân nặng hợp lý không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn góp phần ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến tiểu đường. Bằng cách áp dụng những biện pháp cải thiện độ nhạy cảm với insulin, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.