Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết và lưu ý khi điều trị bỏng thực quản 

Ngày 25/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bỏng thực quản là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Vì vậy, việc điều trị bỏng thực quản là rất quan trọng để đạt được hiệu quả cao giúp bệnh nhân khắc phục tình trạng bỏng thực quản và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Trong những năm gần đây, số người bị bỏng thực quản tăng đáng kể. Tuy nhiên, không phải ai đều biết cách xử lý ban đầu hay điều trị bỏng thực quản hay bỏng da hiệu quả từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực và giúp quá trình phục hồi nhanh chóng. Bài viết này cung cấp thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn về bỏng thực quản và cách điều trị hiệu quả nhất.

Thông tin về bỏng thực quản

Khái niệm và nguyên nhân gây ra bỏng thực quản

Bỏng thực quản thường xảy ra ở trẻ em do sử dụng nhầm hoặc nuốt phải các hóa chất ăn mòn như nước tẩy rửa javen, acid sử dụng trong sản xuất pin, ắc-quy, giấm hay bazơ sử dụng trong sản xuất bánh tro, mì sợi,... gây tổn thương đến niêm mạc thực quản.

Các nguyên nhân khác như ăn/uống đồ ăn quá cay, nóng cũng gây bỏng thực quản.

Những điều cần biết và lưu ý khi điều trị bỏng thực quản 1 Trẻ em thường là đối tượng dễ bị bỏng thực quản do uống nhầm hóa chất

Các triệu chứng của bỏng thực quản

Triệu chứng của bỏng thực quản có thể được chia thành ba giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Cấp tính (kéo dài từ 5 đến 6 ngày), trong giai đoạn này các triệu chứng đầu tiên sau khi uống nhầm chất gây bỏng là cảm giác rát, nóng và rộp ở môi, miệng, lưỡi và họng. Cảm giác đau này có thể khiến người bị bỏng không thể ăn uống được. Bên cạnh đó, người bị bỏng còn có thể bị sốt và xuất hiện những mảng màu trắng (giả mạc) trên miệng, môi và lưỡi.
  • Giai đoạn 2: Hết bệnh giả (kéo dài từ 7 đến 8 ngày), trong giai đoạn này, các mảng trắng trên miệng và lưỡi sẽ bong ra và triệu chứng rát giảm dần. Người bị bỏng sẽ cảm thấy thoải mái hơn và có thể ăn uống được hơn. Tuy nhiên, vết bỏng trên thực quản bắt đầu hình thành sẹo và dần gây hẹp thực quản. Giai đoạn này thường bị nhầm lẫn là đã khỏi bệnh do người bị bỏng có vẻ khỏe mạnh và có thể ăn uống được.
  • Giai đoạn 3: Sẹo làm hẹp thực quản, khi sẹo hình thành có thể làm hẹp thực quản và gây khó khăn trong việc nuốt, đặc biệt là đối với các loại thức ăn cứng. Cuối cùng, người bị bỏng có thể không thể ăn uống được nữa, dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và có thể gây tử vong.

Các phương pháp điều trị bỏng thực quản

Các xử trí ban đầu khi bị bỏng thực quản

Trước hơn hết cần thực hiện cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân theo thứ tự.

  • Xác định chất mà bệnh nhân đã uống bằng cách hỏi bệnh.
  • Thăm khám toàn diện cho bệnh nhân.
  • Nếu phải nội soi, cho bệnh nhân uống nước hoặc sữa trước để trung hòa một phần chất gây bỏng.
  • Nội soi thanh khí quản để kiểm tra bỏng thực quản có gây tổn thương hay không.
  • Nếu nghi ngờ chất gây bỏng có làm thủng thực quản thì chỉ định chụp X-quang ngực.
  • Trường hợp bỏng thực quản do nuốt phải pin điện tử thì bệnh nhân cần được gây mê để lấy pin ra ngay lập tức và theo dõi tình trạng ngộ độc pin gây ra.
  • Trường hợp bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng như rối sốc, loạn tri giác, thủng dạ dày, thực quản, rối loạn kiềm toan thì cần hội chẩn với các chuyên khoa khác (khoa hồi sức, ngoại khoa) để kịp thời can thiệp và xử trí.

Lưu ý: Trong các bước xử trí bỏng thực quản ban đầu, không nên dùng acid để trung hòa bazơ hoặc dùng bazơ để trung hòa acid và cũng không nên dùng than hoạt để rửa dạ dày cho bệnh nhân vì có thể khiến bệnh nhân bị nôn.

Điều trị tại bệnh viện

Điều trị bỏng thực quản dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Làm lành lớp niêm mạc của thực quản.
  • Chữa và ngừa sẹo làm hẹp thực quản.
  • Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng trong quá trình điều trị.

Nội soi trong điều trị bỏng thực quản

Nội soi điều trị bỏng thực quản được thực hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau khi uống nhầm chất gây bỏng. Không nên thực hiện nội soi nếu bỏng sau 3 - 5 ngày.

Nội soi đánh giá mức độ tổn thương thực quản theo 3 cấp độ như sau:

  • Độ 1: Thực quản không bị viêm loét và phù nề nhưng niêm mạc thực quản xung huyết nhẹ.
  • Độ 2: Thực quản bị phù nề có dấu hiệu bị xuất tiết và loét niêm mạc, tuy nhiên chưa bỏng xuống lớp cơ và làm lộ cơ.
  • Độ 3: Các mô thực quản bị tổn thương nặng, có màu tím đen, loét thực quản sâu, lộ cơ ra cạnh thực quản và thủng thực quản.
Những điều cần biết và lưu ý khi điều trị bỏng thực quản 2 Nội soi thường là phương pháp để xác định và chẩn đoán bỏng thực quản

Phác đồ điều trị bỏng thực quản

Sau khi tiến hành nội soi, cách điều trị bỏng thực quản được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ tổn thương. 

  • Đối với bỏng ở độ 1, cần nhập viện để quan sát sinh hiệu trong 24-48 giờ, sử dụng băng niêm mạc thực quản và thuốc dạ dày chữ P để trung hòa chất gây bỏng. Nếu sau 2 ngày điều trị sinh hiệu ổn định, trẻ có thể được xuất viện và được kiểm tra lại sau 2 tuần bằng cách chụp X-quang thực quản.
  • Đối với bỏng độ 2, cần thực hiện nội soi thực quản để đặt ống sonde từ mũi xuống dạ dày và cho ăn đồng thời cả 2 ống sonde đường miệng. Điều trị bỏng thực quản bằng corticosteroid và kháng sinh, đồng thời sử dụng thuốc kháng H2 và ức chế bơm proton H+ để chống trào ngược acid dạ dày.
  • Đối với bỏng ở độ 3, cần thực hiện nội soi thực quản và đặt ống sonde dạ dày, kết hợp với khoa hồi sức để can thiệp. Trong trường hợp này, không sử dụng corticosteroid và vẫn điều trị kháng sinh và các biện pháp chống trào ngược dạ dày và băng niêm mạc thực quản.

Sau điều trị, trẻ cần được kiểm tra dinh dưỡng và chụp X-quang thực quản để kiểm tra lại. Nếu không có dấu hiệu hẹp thực quản, có thể rút ống sonde dạ dày. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện nuốt nghẹn khi bỏ ống sonde, cần tiếp tục điều trị bằng nong thực quản.

Điều trị bỏng thực quản là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Nong thực quản trong điều trị bỏng thực quản

Nong thực quản được thực hiện khi có bằng chứng cho thấy hẹp thực quản trong quá trình khám. Số lần nong thực quản được thực hiện như sau:

  • Trong 15 ngày đầu tiên sau khi bị hẹp thực quản: 2 lần/tuần.
  • Trong khoảng từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 30: 1 lần/tuần.
  • Trong khoảng từ 2 đến 6 tháng: 2 tuần/lần.
  • Trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm: 1 tháng/lần.

Nếu điều trị nong thực quản không đạt hiệu quả, can thiệp ngoại khoa sẽ được thực hiện. Phẫu thuật cắt nối thực quản để tránh tình trạng nong quá mức làm vỡ thực quản, gây viêm trung thất và có thể gây tử vong.

Những lưu ý khi điều trị bỏng thực quản

Các biện pháp phòng tránh bỏng thực quản

Cẩn thận khi sử dụng hoá chất, tránh uống hay nuốt nhầm phải các hóa chất ăn mòn như nước tẩy rửa javen, acid, giấm hay bazơ, …

Tránh để trẻ tiếp xúc với nước sôi, chất độc, hoặc hóa chất, đồ chơi có nút pin,…

Cần thận khi ăn/uống những thực phẩm cay, nóng.

Những điều cần biết và lưu ý khi điều trị bỏng thực quản 3

Lưu ý khi sử dụng hóa chất

Theo dõi và tái khám sau điều trị bỏng thực quản

Sau điều trị bỏng thực quản ở trẻ em, cần theo dõi khả năng ăn nuốt, chỉ số tăng trọng và chụp X-quang thực quản.

  • Năm đầu: 1 tháng/lần. 
  • Năm 2: 2 tháng/lần. 
  • Năm 3 trở đi: 6 tháng/lần. 

Nếu trẻ bị nuốt nghẹn hoặc không ăn được, cần hội chẩn và điều trị ngoại khoa. Phác đồ điều trị phù hợp sẽ được áp dụng tùy vào mức độ tổn thương.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết cũng như lưu ý trong việc điều trị bỏng thực quản. Hy vọng giúp cho bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn để có thể đạt hiệu quả cao khi điều trị.

Xem thêm: 

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm