Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau chấn thủy: Nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 27/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau chấn thủy hay đau vùng thượng vị là tình trạng không ít người Việt Nam đang gặp phải. Nếu bạn cũng đang bị đau thượng vị, một số thông tin về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa dưới đây sẽ hữu ích với bạn.

Đau vùng chấn thủy sẽ mang đến cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây đau chấn thủy có thể là nguyên nhân thông thường nhưng cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin về chứng đau chấn thủy là cần thiết với những người đang mắc phải tình trạng sức khỏe này.

Đau chấn thủy là đau ở vùng nào?

Đau vùng chấn thủy là cách gọi khác của những cơn đau vùng thượng vị. Tình trạng này khá phổ biến, có thể xảy ra với cả người lớn và trẻ em và mang đến cảm giác vô cùng khó chịu. Cảm giác đau có thể không gây nguy hiểm nhưng lại cản trở các thói quen trong sinh hoạt và cuộc sống thường ngày của người bệnh. Ngoài ra, đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.

Vùng thượng vị ở đâu? Đây là vùng nằm giữa phần dưới mũi xương ức và 2 bên xương sườn hay chính là phần bụng trên rốn. Thượng vị là nơi chứa những cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể như dạ dày, ruột, tuyến tụy, tuyến mật, thực quản, gan, lách, tá tràng, tuyến thượng thận,…

Đau chấn thủy: Nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng ngừa 1
Đau chấn thủy có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Nguyên nhân đau chấn thủy là do đâu?

Đau vùng chấn thủy có thể xảy ra do những nguyên nhân thông thường không đáng lo ngại nhưng cũng có thể xuất phát từ những bệnh lý tiềm ẩn.

Nguyên nhân bệnh lý gây đau chấn thủy

Đáng lo hơn cả là đau chấn thủy xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Một số bệnh lý có thể gây ra triệu chứng đau vùng chấn thủy như:

  • Viêm thực quản sau một thời gian dài bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng không được điều trị kịp thời.
  • Ở những người trung niên ngoài 50 tuổi hay gặp tình trạng thoát vị gián đoạn với triệu chứng khó nuốt, nuốt hay bị nghẹn, hơi thở có mùi khó chịu.
  • Viêm loét dạ dày cũng dẫn đến triệu chứng tức rát dạ dày, buồn nôn hay nôn ói nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, đi ngoài phân đen, người mệt mỏi và đau vùng thượng vị. Khi bị viêm loét dạ dày, cảm giác đau thượng vị sẽ gia tăng về đêm hoặc khi bụng đói.
  • Trào ngược dạ dày thực quản khiến dịch vị dạ dày kích thích gây ho liên tục, ợ chua, ợ nóng thường xuyên. Điều này cũng kích thích cảm giác đau thượng vị.
  • Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh cũng có thể có cảm giác đau từ rốn lan lên vùng thượng vị.
  • U thực quản lành tính hoặc ác tính với triệu chứng khó nuốt thức ăn và đau vùng thượng vị.
  • Ung thư dạ dày sẽ có biểu hiện chán ăn, đầy bụng khi ăn, đi ngoài phân đen và đau vùng chấn thủy.
  • Viêm đại tràng cấp tính hay mãn tính đều gây triệu chứng chướng bụng, đại tiện rối loạn, đầy hơi.
  • Các bệnh lý khác ở gan, mật, tụy,… cũng có thể gây đau chấn thủy như: Sỏi mật, viêm túi mật, viêm gan, áp xe gan, giun chui ống mật.
Đau chấn thủy: Nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng ngừa 2
Cần thăm khám kỹ càng để tìm ra chính xác nguyên nhân đau vùng chấn thủy

Nguyên nhân thông thường gây đau chấn thủy

Tình trạng đau ở vùng chấn thủy có thể chỉ xuất phát từ những lý do đơn giản, không quá đáng ngại như:

  • Bạn lỡ ăn quá nhiều khiến dạ dày bị giãn căng, chèn ép vào các cơ quan xung quanh và gây ra cảm giác đau vùng thượng vị.
  • Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm giảm đau không steroid thì tác dụng phụ của thuốc cũng có thể là “thủ phạm” gây ra cảm giác đau này.
  • Một số phụ nữ bị đau thượng vị khi mang thai do thai nhi phát triển lớn và chèn ép lên các cơ quan ở vùng chấn thủy.
  • Ngộ độc thực phẩm cũng gây ra những cơn đau quằn quại vùng chấn thủy, thường đi kèm cảm giác buồn nôn, tiêu chảy, ớn lạnh, đổ mồ hôi,…

Đau chấn thủy cần làm gì để khắc phục?

Tùy từng nguyên nhân, đau chấn thủy ở mỗi người sẽ có các mức độ khác nhau và cách khắc phục khác nhau.

Chữa đau vùng chấn thủy theo nguyên nhân

Nếu xác định được nguyên nhân gây đau là các nguyên nhân thông thường, chúng ta chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, cách nghỉ ngơi, thói quen sinh hoạt sẽ giảm. Nếu nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được đổi loại thuốc phù hợp.

Ngoài ra, đau tức thượng vị khó thở có thể do nguyên nhân bệnh lý, bạn cần thăm khám chuyên khoa để bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân. Chỉ khi bệnh gây triệu chứng đau thượng vị được điều trị triệt để, triệu chứng này mới không làm phiền bạn.

Đau chấn thủy: Nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng ngừa 3
Qua thăm khám tìm nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị đau chấn thủy phù hợp

Cách giảm khó chịu khi đau chấn thủy

Ngoài điều trị căn nguyên gây đau thượng vị, để giảm bớt triệu chứng khó chịu, bạn có thể áp dụng những cách chăm sóc tại nhà như:

  • Chườm ấm để giảm đau thượng vị bằng chai nước nóng, túi chườm nóng y tế hay túi chườm thảo dược là biện pháp an toàn mà khá hiệu quả.
  • Đau thượng vị ảnh hưởng đến việc ăn uống nên có thể gây sụt cân, giảm sức khỏe. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn đồ ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, không ăn quá nhiều để tránh gây quá tải dạ dày.
  • Không nên sử dụng các thực phẩm, đồ uống không lành mạnh như: Đồ muối chua, cà phê, thuốc lá, rượu bia, đồ uống có gas, đồ cay nóng, đồ chiên rán khó tiêu…
  • Đau thượng vị nên uống thuốc gì? Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: Thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc trị đau thượng vị kháng axit, thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm Proton, thuốc kháng Dopamin,... Việc dùng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
  • Một số mẹo dân gian chữa đau thượng vị bạn có thể áp dụng tại nhà như: Uống nghệ mật ong, uống nước gạo sôi, uống trà bạc hà, trà quế, ăn tỏi sống,…
Đau chấn thủy: Nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng ngừa 4
Một số trường hợp đau thượng vị dữ dội cần đi khám gấp

Phòng ngừa đau chấn thủy bằng cách nào?

Để giảm tần suất xuất hiện các cơn đau chấn thủy, bạn nên áp dụng một số cách sau:

  • Xây dựng thói quen ăn uống khoa học: Ngoài lựa chọn thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, bạn còn nên rèn thói quen ăn đúng giờ, không bỏ bữa, không để bụng quá no hay quá đói. Khi ăn bạn nên ăn chậm, nhai kỹ.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh với việc ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, không làm quá sức.
  • Rèn luyện thể chất đều đặn hàng ngày và ít nhất 30 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường trong cơ thể nhằm điều trị kịp thời.
  • Nếu đang mắc các bệnh lý có thể dẫn đến triệu chứng đau vùng thượng vị, bạn cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nếu trong quá trình điều trị gặp tác dụng phụ của thuốc hay bất cứ vấn đề bất thường nào, bạn nên báo ngay với bác sĩ theo dõi của mình.

Khi gặp các triệu chứng sau đây, người bệnh nhất định nên đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể:

  • Đau vùng chấn thủy kéo dài, không giảm khi áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
  • Cảm giác đau có xu hướng gia tăng, tần suất đau tăng dần.
  • Đau vùng chấn thủy dữ dội kèm triệu chứng khó thở, tức ngực, phân lẫn máu, phân có màu đen.
  • Phụ nữ mang thai bị đau vùng chấn thủy kèm tình trạng chảy máu âm đạo.
  • Đau vùng chấn thủy kèm triệu chứng sốt cao.

Đau chấn thủy có thể chỉ là triệu chứng đơn giản, có thể tự khỏi nhưng cũng có thể kéo dài và là biểu hiện của bệnh lý. Vì vậy, bạn không nên chủ quan trước tình trạng thường gặp này. Ngay từ khi mới có cảm giác đau, bạn đã nên chú ý theo dõi và kiểm tra thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bệnh lý kịp thời.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm