Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những điều cần biết về chứng động kinh khi ngủ: Biểu hiện và phương pháp chẩn đoán

Ngày 23/09/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, động kinh khi ngủ đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy động kinh khi ngủ là gì? Phương pháp điện não đồ có ý nghĩa như thế nào trong chẩn đoán động kinh? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Theo thống kê, tỷ lệ người có các cơn động kinh khi ngủ dao động trong khoảng 7,5 - 45% và thường gặp chủ yếu ở giai đoạn giấc ngủ NREM. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các biểu hiện của bệnh và cách chẩn đoán trong bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về tình trạng động kinh khi ngủ

Động kinh là một trong những bất thường của hệ thần kinh trung ương, xảy ra khi một vùng não bộ bị tổn thương. Khi não bộ bị tổn thương, các nơron sẽ phóng điện bất thường, gây ra các cơn co giật hoặc các bất thường về hành vi và cảm giác, đôi khi lại khiến người bệnh mất ý thức. Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị động kinh, dù là nam hay nữ, già hay trẻ…

Các nhà khoa học cho rằng, giữa giấc ngủ và cơn động kinh có mối liên quan đến nhau. Các cơn co giật chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn giấc ngủ NREM và ít khi xuất hiện ở giai đoạn giấc ngủ REM.

Theo Hiệp hội Chống động kinh Châu Âu, động kinh khi ngủ được định nghĩa là khi các cơn co giật đa phần và hầu hết xảy ra trong giấc ngủ. Theo thống kê, trên tổng số ca mắc động kinh thì có khoảng 12% là động kinh khi ngủ.

Những điều cần biết về chứng động kinh khi ngủ: Biểu hiện và phương pháp chẩn đoán 1
Động kinh khi ngủ là cơn động kinh xảy ra chủ yếu khi ngủ

Dấu hiệu nhận biết động kinh khi ngủ

Các dấu hiệu nhận biết động kinh khi ngủ bao gồm:

Co giật

Co giật là biểu hiện đặc trưng nhất của tình trạng động kinh khi ngủ. Co giật về đêm có thể gợi ý đến chẩn đoán rối loạn hành vi giấc ngủ REM, cơn khiếp sợ lúc ngủ, co giật tâm căn hoặc biểu hiện của rối loạn trương lực cơ, thường khởi phát kịch phát vào ban đêm.

Co giật bắt nguồn từ vùng cảm giác vận động và dễ bị nhầm lẫn với co giật tâm căn bởi các yếu tố như ý thức vẫn duy trì, hành vi đánh đập, không có biểu hiện lú lẫn sau cơn và cũng không có hoạt động điện kịch phát trên điện não trong và giữa các cơn.

Các biểu hiện gợi ý chẩn đoán co giật khu cảm giác vận động phải kể đến như cơn co giật ngắn, thường dưới 30 giây hoặc một phút, có tính định hình và có xu hướng chỉ xuất hiện và chủ yếu xuất hiện lúc ngủ, cơ co cánh tay ở tư thế dạng. Co giật tâm lý thì thường kéo dài hơn, có thể là một hay nhiều phút, không có tính chất định hình và xuất hiện khi người bệnh buồn ngủ hoặc thức.

Những điều cần biết về chứng động kinh khi ngủ: Biểu hiện và phương pháp chẩn đoán 2
Co giật là biểu hiện đặc trưng nhất của chứng động kinh khi ngủ

Rối loạn trương lực cơ hoặc vận động

Các biểu hiện loạn trương lực cơ thường khởi phát về đêm. Ban đầu, hội chứng này được gọi là loạn trương lực cơ kịch phát lúc ngủ, sau gọi là loạn trương lực cơ kịch phát về đêm với biểu hiện đặc trưng là cơn vận động lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn từ 15 - 45 giây.

Rối loạn trương lực cơ bao gồm tư thế loạn trương lực, loạn trương lực kiểu múa giật hoặc múa vung và phát ra âm thanh, thường xảy ra trong giấc ngủ NREM mà không hề có sự thay đổi trên điện não trong hoặc giữa các cơn.

Triệu chứng tâm thần

Cơn hoảng loạn, rối loạn stress sau chấn thương và co giật tâm căn là các triệu chứng tâm thần lúc ngủ tương tự như co giật.

Một số người bệnh động kinh khi ngủ có rối loạn hoảng loạn biểu hiện phần lớn thành cơn hoảng loạn khiến cho người bệnh thường bị thức giấc đột ngột. Các biểu hiện lúc thức giấc bao gồm sợ hãi, đánh trống ngực, run rẩy và chóng mặt. Trái ngược với ác mộng giấc ngủ REM, người bệnh có cơn hoảng loạn không nhớ được giấc mơ.

Các biểu hiện khác

Ngoài co giật và rối loạn trương lực cơ, một số biểu hiện trong thời gian ngắn của động kinh khi ngủ mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm lú lẫn sau cơn, rối loạn tâm lý. Tuy nhiên, biểu hiện trên điện não lại hoàn toàn bình thường trong hoặc giữa các cơn. Điều này khiến cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn và trở nên phức tạp.

Một số rối loạn cử động liên quan đến giấc ngủ

Dưới đây là một số rối loạn cử động có liên quan đến giấc ngủ, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Cử động chi theo chu kỳ lúc ngủ: Rối loạn cử động này có thể tạo ra các hành động như đập, đá ở mức độ mạnh, hội chứng chân không là một trong những nguyên nhân. Rối loạn cử động này có thể kèm theo các cử động uốn cong đặc trưng của chân, đôi khi cũng có thể biểu hiện ở chi trên.
  • Co cơ, giật cơ lúc ngủ hoặc giật mình lúc ngủ: Đây là một biểu hiện sinh lý hết sức bình thường, xuất hiện lúc chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ, thường đi kèm với hiện tượng cảm giác. Trái ngược với cơn giật rung cơ, co cơ khởi phát lúc ngủ chỉ khu trú lúc bắt đầu giấc ngủ.
  • Nghiến răng khi ngủ: Nghiến răng một cách định hình có thể gây mòn răng tương tự như cử động hàm theo nhịp trong động kinh, song rối loạn cử động này lại không xảy ra ở động kinh.
  • Rối loạn cử động theo nhịp: Rối loạn này biểu hiện rất đa dạng, bao gồm đập đầu đều đặn mỗi khi người bệnh nằm sấp hoặc lắc thân mình tới lui khi đang nằm nghiêng trên cánh tay và đầu gối.
Những điều cần biết về chứng động kinh khi ngủ: Biểu hiện và phương pháp chẩn đoán 3
Nghiến răng là một trong những rối loạn cử động có liên quan đến giấc ngủ

Chẩn đoán bệnh động kinh khi ngủ

Các bác sĩ chuyên khoa đánh giá rất khó có thể chẩn đoán bệnh động kinh khi ngủ bởi tình trạng này xảy ra khi ngủ và đa số người bệnh thường không biết điều đó. Thêm vào đó, chứng bệnh này còn rất dễ nhầm lẫn với các rối loạn giấc ngủ khác như mất ngủ, mộng du, nghiến răng và hội chứng chân không yên.

Cũng như các kiểu động kinh khác, việc khai thác bệnh sử về triệu chứng co giật là một yếu tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán. Thêm vào đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh làm điện não đồ khi ngủ, thường được thực hiện sau khi có rối loạn giấc ngủ.

Ý nghĩa của kết quả ghi điện não đồ khi ngủ

Điện não đồ giúp ghi lại sóng điện não để dựa vào đó, các bác sĩ sẽ xác định được chính xác cơn động kinh, dạng cơn, vùng não phát sinh động kinh cũng như phân biệt với các dạng cơn khác cơn động kinh.

Kết quả ghi điện não giấc ngủ có thể hiển thị rõ những sóng điện bất thường khi người bệnh đang trong cơn động kinh. Tuy nhiên, có những lúc bản ghi điện não đồ lại không thể hiện được rõ sự thay đổi khác biệt.

Chính vì thế, dù cho kết quả ghi điện não giấc ngủ cho ra là bình thường nhưng không có nghĩa là đã loại trừ ra khỏi danh sách người bệnh mắc bệnh động kinh khi ngủ, đặc biệt là khi có biểu hiện cơn co giật điển hình.

Nếu phát hiện một cơn co giật, động kinh trong lúc ngủ, người bệnh cần được thực hiện đo điện não bằng phương pháp ghi điện não giấc ngủ để xác định xem có mắc bệnh động kinh khi ngủ hay không. Đây là một những kỹ thuật đơn giản và có thể làm được ở hầu hết các bệnh viện.

Những điều cần biết về chứng động kinh khi ngủ: Biểu hiện và phương pháp chẩn đoán 4
Điện não đồ là phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh động kinh khi ngủ

Động kinh nói chung và động kinh khi ngủ nói riêng không thể chữa được, nhưng bệnh sẽ không còn là nỗi ám ảnh đáng sợ nếu có thể kiểm soát tốt các triệu chứng. Nhà thuốc Long Châu hy vọng qua bài viết sức khỏe hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh động kinh khi ngủ cũng như cách chẩn đoán bệnh. Mong rằng bạn sẽ luôn có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin