Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Những điều cần biết về mạch máu và các bệnh lý mạch máu thường gặp

Ngày 01/02/2024
Kích thước chữ

Hệ thống tim mạch trong cơ thể bao gồm mạch máu và cơ tim. Mỗi ngày, tim hoạt động liên tục, bơm một lượng máu tương đương khoảng 14000 lít máu mang chất dinh dưỡng và oxy đến các cơ quan trong cơ thể thông qua hệ thống mạch máu. Vậy mạch máu là gì?

Mạch máu là gì? Cấu tạo và chức năng của mạch máu ra sao? Một số bệnh lý mạch máu thường gặp là những bệnh lý nào? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp trong bản tin sức khỏe hôm nay.

Mạch máu là gì?

Mạch máu là một hệ thống ống dẫn mang máu từ tim vận chuyển đến các cơ quan trong cơ thể để duy trì hoạt động trao đổi chất. Mọi tế bào trong cơ thể đều cần đến oxy và các dưỡng chất thiết yếu có trong máu để duy trì sự sống. Các tế bào này sẽ chết nếu không được cung cấp đầy đủ oxy và các dưỡng chất này.

Chính nhờ vào hoạt động co bóp của tim, các dưỡng chất cũng như oxy thông qua hệ thống mạch máu đến được các mô và cơ quan để duy trì hoạt động thường ngày.

Ngoài vai trò vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các mô và cơ quan, mạch máu còn giúp vận chuyển khí carbon dioxide (CO2) và các sản phẩm dư thừa ra khỏi mô. Thông qua phổi, khí CO2 sẽ được đào thải ra ngoài và hầu hết các sản phẩm dư thừa sẽ được đào thải qua thận. Chính nhờ hệ thống mạch máu mà máu được lưu thông đến khắp cơ thể từ đó giúp duy trì các hoạt động hàng ngày.

Những điều cần biết về mạch máu và các bệnh lý mạch máu thường gặp 1
Mạch máu có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ tuần hoàn

Cấu tạo và chức năng của mạch máu

Hệ thống mạch máu trong cơ thể bao gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Trong đó:

Động mạch

Động mạch là những mạch máu có chức năng vận chuyển máu từ tim đến các mô và cơ quan. Từ động mạch chủ trở đi, các động mạch được chia ra thành nhiều nhánh nhỏ dần. Càng xa tim, thiết diện của động mạch càng nhỏ song tổng thiết diện của hệ thống động mạch lại càng tăng. Chính vì thế, máu chảy trong hệ thống động mạch càng xa tim càng nhiều.

Động mạch có chức năng vận chuyển máu từ tim đến các mô cơ quan với áp suất cao, chính vì thế, để có thể dẫn máu chảy nhanh, thành động mạch rất khoẻ và bền. Cấu tạo thành động mạch gồm 3 lớp, cụ thể:

  • Lớp áo nằm trong cùng được cấu tạo bởi các tế bào nội mô dẹt.
  • Lớp áo giữa bao gồm các sợi chun và các sợi cơ trơn.
  • Lớp áo ngoài được tạo thành từ các tổ chức liên kết sợi.

Tĩnh mạch

Tĩnh mạch là mạch máu có chức năng vận chuyển máu từ các mô trở về tim, thường bắt nguồn từ các mao mạch. Dòng máu từ mao mạch đổ về tiểu tĩnh mạch, tiểu tĩnh mạch tập trung đổ máu về các tĩnh mạch lớn và sau đó các tĩnh mạch này sẽ dẫn máu trở về tim.

Tĩnh mạch cũng được tạo thành từ 3 lớp, song so với động mạch thì thành của tĩnh mạch mỏng hơn. Lớp áo trong của hệ thống tĩnh mạch có các nếp chập đôi được gọi là các van tĩnh mạch, có tác dụng dẫn dòng máu chảy theo một chiều.

Những điều cần biết về mạch máu và các bệnh lý mạch máu thường gặp 2
Tĩnh mạch có vai trò vận chuyển máu từ các mô cơ quan trở về tim

Mao mạch

Mao mạch là hệ thống vi mạch máu nối giữa tiểu tĩnh mạch và tiểu động mạch. Thành mao mạch được cấu tạo bằng một lớp tế bào nội mô, giữa có các lỗ nhỏ để thể hiện quá trình trao đổi chất giữa tế bào và máu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong cơ thể người có khoảng 10000 triệu mao mạch với tổng diện tích trao đổi khoảng 500 - 700 m2.

Một số bệnh lý mạch máu thường gặp

Trên thực tế, có không ít các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu. Dưới đây là một số bệnh lý mạch máu thường gặp, bạn đọc có thể tham khảo:

Bệnh lý mạch máu ngoại vi

Bệnh lý mạch máu ngoại vi hay còn biết đến là bệnh lý mạch máu ngoại biên. Hiểu một cách đơn giản, các bệnh lý này là bệnh của những mạch máu bên ngoài tim và não. Đối với bệnh lý này, lòng mạch máu bị thu hẹp do chất béo bám tích tụ trên thành trong của mạch máu từ đó khiến dòng chảy của máu đi qua các mạch máu bị hạn chế.

Một trong những bệnh lý mạch máu ngoại vi phổ biến hiện nay đó là bệnh lý động mạch ngoại biên. Bệnh lý này ảnh hưởng lên mạch máu ở mọi vị trí trên cơ thể, thường gặp nhất ở động mạch vùng chân.

Khi mắc bệnh lý này, người bệnh có thể có một số triệu chứng tại vị trí mạch máu bị thu hẹp như đau, đổi màu da, nhiễm trùng da, thậm chí là loét da.

Những điều cần biết về mạch máu và các bệnh lý mạch máu thường gặp 3
Bệnh lý động mạch ngoại biên thường xảy ra ở động mạch vùng chân

Hội chứng thiếu máu chi

Hội chứng thiếu máu chi có liên quan đến tình trạng giảm lượng máu nuôi đi đến các chi. Đây là giai đoạn tiến triển của bệnh lý mạch máu ngoại biên. Theo thời gian, sự giảm lượng máu đến chi có thể gây tổn thương thần kinh, loét chân, thậm chí là nhiễm trùng.

Các triệu chứng sớm của hội chứng thiếu máu chi bao gồm nóng rát, đau hoặc chuột rút ở chi bị thiếu máu. Theo thời gian, sự tổn thương càng trầm trọng khiến người bệnh đau nhiều hơn, thậm chí đau khi nghỉ ngơi.

Hội chứng thiếu máu chi khởi phát đột ngột với các triệu chứng như đau ở chi bị tổn thương, chi tái nhợt hoặc lạnh, tê liệt hoặc yếu chi.

Bệnh động mạch cảnh

Động mạch cảnh là những động mạch lớn ở 2 bên cổ đảm nhận vai trò cung cấp máu đến đầu và não. Bệnh động mạch cảnh là một khái niệm y khoa nhằm chỉ sự tích tụ của mảng xơ vữa bên trong động mạch cảnh.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh khó có thể nhận ra các triệu chứng của bệnh lý động mạch cảnh cho đến khi có những lần bị đột quỵ. Điều này xảy ra khi các động mạch cảnh bị tắc nghẽn bị vỡ ra và đi tới não hoặc trường hợp ít phổ biến hơn là làm tắc nghẽn hoàn toàn sự lưu thông máu.

Triệu chứng của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hay một cơn đột quỵ nhỏ tương tự như một cơn đột quỵ song không kéo dài.

Những điều cần biết về mạch máu và các bệnh lý mạch máu thường gặp 4
Bệnh động mạch cảnh là một trong những bệnh lý mạch máu thường gặp

Phình động mạch chủ bụng

Động mạch chủ bụng là động mạch chính vận chuyển máu từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể. Phình động mạch chủ bụng là một khối phồng ở động mạch chủ bụng.

Bệnh lý này thường xảy ra khi có sự suy yếu của thành động mạch do tuổi tác. Về bản chất, chứng phình động mạch không có hại và gần như không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu các túi phình bị vỡ ra có thể dẫn đến xuất huyết nội vô cùng nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lúc này là rất cao.

Các triệu chứng của bệnh lý phình động mạch chủ bụng gần như chỉ xuất hiện sau khi vỡ. Các dấu hiệu bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn, đau lưng, mệt, thậm chí là ngất đi.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề mạch máu và các bệnh lý mạch máu thường gặp. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết hôm nay có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và niềm vui trong cuộc sống.

Xem thêm: Cách phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin